Nguyễn Mộng Giác là khuôn mặt nổi bật của văn học Miền Nam từ trong nước ra đến hải ngoại. Ông là nhà văn khởi đi từ nghề giáo qua nhiều giai đoạn thăng trầm của cuộc sống trên dòng lịch sử. Nhiều người biết đến ông và có lòng quý mến. Nhiều người viết về ông và ghi lại những chặng đường ông đi qua.

Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Ngân Sơn, Phú Yên, Bình Ðịnh. Theo một bài viết của nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân, thời trung học, Nguyễn Mộng Giác là lứa học trò đầu tiên của trường trung học Cường Ðể, rồi qua Võ Tánh Nha Trang, làm sinh viên Văn Khoa Sài Gòn. Cuối cùng con đường học vấn của ông kết thúc năm 1963 với mảnh bằng tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Huế, ban Việt Hán. Ông tân thủ khoa được bổ dụng giảng dạy tại trường Nữ Trung học Ðồng Khánh Huế.  Sau hai năm, ông xin thuyên chuyển về trường Cường Ðể. Ở với đất thần kinh trên dưới 6 năm, Nguyễn Mộng Giác có nhiều cơ hội “Xin Huế Một Người Tình” và cô nữ sinh áo trắng Nguyễn Khoa Diệu Chi của trường Ðồng Khánh đã bắt dính anh chàng Bình Ðịnh, vốn là ông thầy đáng kính của mình.

Về đến Bình Ðịnh, Nguyễn Mộng Giác được bổ nhiệm chức Giám Học ngay niên khóa sau, và đến năm 1971, ông lên làm Hiệu Trưởng trong hai niên khóa, rồi giữ chức Chánh Sở Học Chánh Bình Ðịnh Qui Nhơn. Ông thầy Nguyễn Mộng Giác quả đã không có duyên cận kề nhiều với đám thư sinh, nên cuối năm 1974, được chuyển luôn vào Sài Gòn, làm chuyên viên nghiên cứu tại Bộ Giáo Dục. Ðứng trên bục giảng hay ngồi điều nghiên, sưu tầm tại Nha sở, nơi nào chắc cũng có cái thú riêng. Và có lẽ cái nghề tay trái đang có mưu toan lấn lướt cái “nghề bán cháo phổi”, nên tôi tin ông Nguyễn Mộng Giác bằng lòng với công việc mới của mình hơn. Nhưng cái nghĩa vụ công chức của thầy giáo Giác không kéo dài được lâu. Ông là người đầu tiên của Nha Nghiên Cứu Sưu Tầm Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa được chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa cho nghỉ việc. Theo Nguyễn Khắc Phê nhắc trong bài “tản mạn nhân gặp lại nhà văn Nguyễn Mộng Giác” trên Talawas, Nguyễn Mộng Giác không được thư thả trong cuộc đổi đời mới. Chính vì thế, ròng rã trong 6 năm, ông Nguyễn Mộng Giác xoay đời mình theo nhiều nghề lao động chân tay khác nhau. Ông đã vinh quang đi bán sách cũ ở chợ trời, rồi làm công nhân trong tổ hợp mì sợi Dân Sinh ở Chợ Lớn. Cuối cùng ông chọn lối thoát vượt biên và sau 4 lần giỡn mặt với tử thần, ông và cậu con trai mới qua đến đảo Kulu, Galang Nam Dương vào cuối năm 1981. Ðến tháng 11 năm 1982 cha con ông được nhận vào Hoa Kỳ. Trước đó không lâu, trưởng nữ của ông đã định cư tại Houston, Texas. Họ gặp nhau. Nhưng ba cha con ông không ở với thành phố nắng ấm này lâu. Họ dắt nhau về California, và bắt đầu cuộc sống mới từ năm 1983. Nguyễn Mộng Giác cho biết: “…Bốn năm đầu, tôi vừa học nghề thợ in vừa làm thuê cho báo Việt ngữ ở quận Cam. Công việc nhiều mà lương ít ỏi quá, không đủ gởi về cho nhà tôi và cháu út còn ở lại, nên từ năm 1987, tôi xin làm cho công ty ấn loát niên giám điện thoại GTE của Mỹ. Công việc ấy tôi giữ được lâu bền hơn mười năm qua, từ 1987 đến nay. Nhà tôi và cháu út qua Mỹ tháng 3 năm 1990 trong chương trình đoàn tụ gia đình (ODP)”

Nguyễn Mộng Giác 

Nguyễn Mộng Giác khởi viết rất sớm, từ thời sinh viên. Nhưng khác với nhiều người, ông đã không gởi bài đến các tạp chí. Ông đã hủy bỏ khá nhiều bản thảo sau khi đọc những tác phẩm lỗi lạc của các văn hào thế giới. Sự thận trọng cầm chân ông khá lâu, cho đến dịp ông bén duyên cùng tạp chí Bách Khoa, năm 1971, lúc đó ông vừa vượt qua lứa tuổi “tam thập”.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Nhà thơ Luân Hoán nhấn mạnh giai đoạn này: Từ Bách Khoa, Nguyễn Mộng Giác đã tự tin, đã vượt qua cái khớp trước những đàn anh lỗi lạc, ông viết đều tay một cách vững vàng. Những tác phẩm đầy đủ giá trị văn học nghệ thuật của ông tuần tự ra mắt bạn đọc. Năm 1973 với tập truyện ngắn Bão Rớt và cuốn truyện dài Tiếng Chim Vườn Cũ được nhà xuất bản Trí Ðăng phát hành. Qua năm 1974, hai cuốn truyện dài ra đời, Qua Cầu Gió Bay do Văn Mới in và Ðường Một Chiều, được ra mắt bạn đọc bởi nhà xuất bản Nam Giao. Tác phẩm Ðường Một Chiều đã mang đến cho tác giả giải thưởng của Trung tâm Văn bút Việt Nam năm 1974.

Qua Mỹ, trải qua những năm tháng lao đao vì mưu sinh và dò dẫm từng bước đường sự nghiệp, Nguyễn Mộng Giác đảm nhận tờ VĂN HỌC. Về vai trò Nguyễn Mộng Giác ở tờ Văn Học, nhà thơ Ðỗ Quý Toàn ghi nhận: Nguyễn Mộng Giác chủ tâm chỉ làm văn nghệ, nhưng anh đóng vai chủ trương tờ báo Văn Học với vai trò một đạo diễn, một trọng tài, một người kéo màn hay một nhà nội trợ nấu nướng, chứ không cốt làm báo để tự mình nhận vai diễn viên số một. Anh đứng đằng sau tờ tạp chí, nhưng nhận một vai trò khiêm tốn. Ðó là một điều đáng quý vì cá tính của anh. Nhiều người làm báo vì sở thích hoặc nhu cầu cá nhân, nếu không làm thì không chịu nổi. Nguyễn Mộng Giác xây dựng một tạp chí văn học vì nhu cầu chung, bao nhiêu người đang muốn bảo vệ tiếng nói Việt Nam, văn chương Việt Nam, tụ họp các tài năng sáng tạo của người Việt Nam. Chúng ta còn thấy các tác giả sống trong nước cũng gửi sáng tác cho đăng trên những tạp chí ở nước ngoài.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Quan trọng nhất là các tạp chí Văn Học, Văn đã kích thích bao nhiêu nhà văn, thi sĩ viết trở lại; bao nhiêu người trẻ sáng tác hăng hái. Thời gian hơn 20 năm trước, nhờ đọc tờ Văn Học chúng tôi mới được biết những bài thơ của Ngu Yên, Trần Mộng Tú, Nguyễn Thị Thanh Bình, Chân Phương, Ðặng Hiền, Trân Sa, Thường Quán, Ðỗ Quyên v.v. Những truyện ngắn của Miêng, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Ngô Nguyên Dũng, Trần Vũ v.v. Chỉ kể một vài thí dụ trong số nhiều nhà văn nhà thơ trẻ đã gây nên một không khí sáng tác trải rộng khắp thế giới.

Và nhờ không khí văn chương đó vui vẻ náo động, những người ở một chốn hẻo lánh xa xôi như chúng tôi tại thành phố Montréal mới có hứng ngồi xuống viết bằng tiếng Việt Nam, sau một ngày phải sống bằng tiếng ngoại quốc. Nếu không có tạp chí Văn Học thì chắc cũng không có tập sách tập nhỏ Tìm Thơ Trong Tiếng Nói. Nhờ cuốn sách viết vội trong những giờ nhàn rỗi, gọi là tiệp ký, tôi không ngờ đã bắt được những dây thông cảm với cả các thi sĩ và nhà văn sống trong nước. Thi sĩ Phùng Quán đã viết thư chép cho 4 câu thơ của ông mà tôi trích dẫn nhưng không nhớ đúng. ..

Từ trái: Nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Lê Quỳnh Mai, chị Nguyễn Khoa Diệu Chi (vợ NMG), Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết

Nguyễn Mộng Giác đã giúp tôi trở về với chuyện thơ và tiếng Việt.  Sau khi tập sách in rồi, tôi còn đăng mấy bài khác cũng Nói Chuyện Thơ trên tạp chí Văn Học; đó là những bài tôi thích nhất, nhờ chúng mà tôi có dịp gặp lại, trò chuyện với Thanh Tâm Tuyền để chia nhau những cảm xúc thi ca. Tôi sẽ còn nợ Nguyễn Mộng Giác và Thanh Tâm Tuyền, sẽ phải san nhuận lại để in tập Tìm Thơ Trong Tiếng Nói để tưởng nhớ hai anh lần nữa.

Một văn hữu khác, nhà thơ Ðoàn Minh Ðạo đã ghi lại mối thân tình với Nguyễn Mộng Giác:

Hôm nay 2/7/2022 là ngày kỷ niệm 10 năm nhà văn Nguyễn Mộng Giác ra đi!

Ông là nhà giáo, nhà văn kinh điển, nghiêm túc và nhân cách an hòa mà tôi quý trọng. Ngoài tìm đọc tác phẩm của ông, đặc biệt hai bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ và Mùa Biển Ðộng ông khai quật trình thuật hoàn cảnh và mối ưu tư về một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước . Ðồng thời cũng soi rọi đặt ra những kinh nghiệm và mơ ước cho dân tộc và tương lai.

Tôi là người thiểu giao, quen biết ít, nhất là đối với văn giới mà người ta hay gọi là chốn gió tanh mưa máu; e dè dù yêu quý văn chương nhưng khi tiếp xúc với ông thì khác. Từ khi mới lớn 10 tuổi đã say mê đọc sách, chỉ có giai đoạn 75-90 tôi không đọc gì vì thấy không đáng đọc khi sống trong nước! Sang Hoa Kỳ lại tất bật làm việc để sống đứng trên đôi chân của mình phụ giúp gia đình tôi lại đọc lại. Cuối tuần nghỉ không quên cần mẫn lục tìm sách, nhạc trong các tiệm sách cũ của Mỹ, Nhật, Trung Hoa.. cũng giống như cậu bé năm xưa 1956 nhảy tàu hỏa từ một thị xã nhỏ miền Trung lên tìm mua sách ở Tỉnh Quảng Trị. Ông củng cố niềm tin vào văn học nơi tôi; trả lời câu hỏi Văn chương có thể làm gì? Hay cảm nhận thiết thân của nhà thơ trong thời khốn khó!

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Riêng với nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng là tình cờ được nhờ chở bạn tôi nhà văn Song Thao đến thăm anh chị Nguyễn Mộng Giác và Nguyễn Khoa Diệu Chi ở quận Cam. Hôm đó chị Diệu Chi cho chúng tôi coi bản thảo trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ của anh. Chị kể lại những khó khăn lo lắng khi được xuất cảnh do anh bảo lãnh, phải đóng gói làm sao an toàn bản thảo hàng ngàn trang được viết trên giấy 8.5×11” (tôi áng chừng) đóng bìa cứng làm bốn tập. Rủi ro không qua mặt được hải quan bị tịch thu, giữ lại thì công trình đổ tuột “Sông Côn” không biết sẽ phiêu dạt về đâu?

…Sông Côn Mùa Lũ và Mùa Biển Ðộng là hai trường thiên tiểu thuyết hàm chứa những diễn ngôn quan trọng đầy tham vọng và thành công độc đáo nhất của đời văn Nguyễn Mộng Giác. Sau lần sơ giao ấy, cùng những lần tham dự sinh hoạt văn nghệ có ông trên diễn đàn, được biết ông mắc bệnh ngặt nghèo không còn phụ trách Tạp chí Văn Học, mỗi lần gặp thần sắc ông cũng kém đi, nhưng vẫn giữ được phong thái lạc quan, thân ái không hề giảm sút.

Ông mất vào ngày 2 tháng 7. 2012 trong sự tiếc thương của cộng đồng, độc giả và văn giới.

Riêng người giữ mục này, trong những ngày đầu tiên đến nước Mỹ cũng được Nguyễn Mộng Giác giới thiệu trên Văn Học. Bài thơ Thảo Nguyên được mọi người biết đến cũng là từ đó. Tiếp theo, vào đầu năm 1998, Văn học đã đứng tên xuất bản thi tập Tôi Cùng Gió Mùa của Nguyễn này. Và cũng chính Nguyễn Mộng Giác đã tổ chức giới thiệu tác phẩm với rất đông văn nghệ sĩ tại nhà riêng. Từ đó, Ðặng Tiến biết đến thơ Nguyễn Xuân Thiệp và đã viết một bài tiểu luận đặc sắc về Tôi Cùng Gió Mùa. Thời gian trôi qua, thỉnh thoảng Nguyễn vẫn gặp và chuyện trò thân ái với Giác và Diệu Chi. Thế rồi, sức khỏe Nguyễn Mộng Giác ngày một suy yếu. Giác lâm trọng bệnh và ra đi vào đầu tháng 7 khi mùa Crepe Myrtle nở rộ ở Dallas này. Ðã mười năm trôi qua, mỗi lần nhìn màu hoa đỏ rực lại nhớ tới Giác và những năm tháng đẹp đẽ không còn nữa.

N&BH