Chúng ta tiếp tục với Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa của Ngô Thế Vinh qua bài giới thiệu của Trịnh Y Thư. Mười tám chân dung nhưng sự thật còn hơn thế nữa với những ảnh bóng hào hùng của những người cầm bút cầm cọ Miền Nam, đây đó ẩn hiện sắc màu vừa hung bạo vừa thẳm sâu của lịch sử. Nhìn lại 18 chân dung của một thời ta thấy phần lớn đã ra người thiên cổ chỉ còn lại đôi ba bóng dáng. Do đó cần giữ lại những trang sách này kẻo mai kia mốt nọ tìm cũng khó ra. NGUYỄN & BẠN HỮU

(Tiếp theo)

Một câu hỏi tiếp theo: Ai sẽ thừa kế kho tư liệu phong phú mà anh Võ Phiến có được trước khi rơi vào quên lãng?”

Câu trả lời cho cả hai câu hỏi của nhà văn Ngô Thế Vinh chỉ có thể là một tiếng “Chưa”. Chưa ai làm được dù 20 năm đã trôi qua từ ngày Võ Phiến hoàn tất tập sách cuối cùng trong bộ sách.

(Tưởng cũng nên nói thêm, mặc dù chế độ Cộng sản tìm đủ mọi cách xóa sổ nền văn học 20 năm miền Nam, nhưng sự thật là ngày nay nó vẫn tồn tại và được lưu giữ, yêu quý bởi thế hệ đi sau, cả hải ngoại lẫn trong nước. Quan trọng hơn, những luồng tư tưởng xuất phát từ nó, mà quan trọng nhất là tư tưởng tự do, đã mãi mãi ở lại với chúng ta. Tôi xin mượn câu phát biểu thật khảng khái của nữ sĩ Helen Keller, một nhà văn Mỹ, về vụ Quốc xã Ðức đốt sách, “Các người có thể đốt sách tôi và sách của những bộ óc trí tuệ bậc nhất châu Âu, thế nhưng, các tư tưởng trong những bộ sách ấy đã tuôn chảy qua cả muôn triệu sông ngòi và sẽ tiếp tục chảy mãi không ngừng” để thêm một lần nữa củng cố lòng xác tín của riêng mình là, không một thế lực bạo tàn nào có thể vùi lấp những phẩm giá cơ bản cao đẹp nhất của con người.)

5.

Với những nhân vật khả kính suốt đời tận tụy đấu tranh hay cống hiến tài năng, sở học của mình cho dân tộc, đất nước như nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, bác sĩ Phạm Biểu Tâm, nhà khoa học Phạm Hoàng Hộ, nhà văn Ngô Thế Vinh luôn luôn đặt sự trân trọng của mình lên hàng đầu. Nhưng với những bằng hữu văn nghệ – như họa sĩ Nghiêu Ðề, mà ông gọi là người bạn tấm cám – thì khác. Ở đây chúng ta bắt gặp một Ngô Thế Vinh nhân hậu, thương quý bằng hữu, lo lắng cho bằng hữu, và thậm chí xem những tật xấu nho nhỏ nào đó của bạn mình như cái gì dễ thương, chẳng có gì đáng phiền hà.

Ðặc biệt thú vị hơn các tác phẩm “chân dung” khác, ở cuốn này, nhà văn Ngô Thế Vinh còn cho chúng ta biết “tình trạng sức khỏe” của các văn nghệ sĩ ra sao. Ông bỏ ra khá nhiều chữ nghĩa với không ít thuật ngữ y học viết về một số ca bệnh hiểm nghèo đã cướp đi sinh mệnh người bạn văn. Cao Xuân Huy lì lợm cắn răng chịu đựng chứng ung thư “melanoma-mắt với di căn gan”; Nguyễn Xuân Hoàng lao đao trên con dốc tử sinh với chứng “sarcoma cột sống.” Ngô Thế Vinh đôi lúc nhìn bạn mình trong vai trò một y sĩ. Dễ hiểu thôi, ngoài đời ông là bác sĩ y khoa, và đối với “bệnh-nhân-bạn-văn,” ông chính là hình ảnh của một “lương y như từ mẫu.”

Tôi không rõ lắm sự nhân hậu nơi con người nhà văn/bác sĩ Ngô Thế Vinh đến từ bản chất con người ông; hay một nền giáo dục gia đình và xã hội nhân bản; hay những năm tháng bên cạnh giường người bệnh, đau với nỗi đau của nhân sinh; hay những tấm gương sáng như bác sĩ Phạm Biểu Tâm? Có thể là tất cả những điều trên. Sự nhân hậu ấy phản ánh trong mắt nhìn chiếc bàn viết lữ thứ của Mai Thảo lưu vong, phảng phất đôi nét u buồn, chua xót:

Căn phòng nhỏ hẹp ngày nóng đêm lạnh ấy là không gian sống và cũng là tòa soạn báo Văn của Mai Thảo. Mỗi lần tới thăm anh, tôi vẫn để ý tới chiếc bàn viết lữ thứ của Mai Thảo kê sát khung cửa sổ thấp nhìn thoáng ra bên ngoài. Rồi tới kệ sách, không có nhiều sách Mai Thảo, chỉ có ít cuốn sách tiếng Pháp, mấy số báo Văn, đôi ba cuốn sách mới bạn văn gửi tặng anh.”

Hoặc, tại nhà Dương Nghiễm Mậu, trong bữa cơm gia đình sau những tang thương dâu bể mà thân phận mình, bằng hữu mình cũng như đất nước như đang hấp hối:

Nếu không là ngày phải ra trễ, tôi ghé qua chợ mua một món ăn gì đó, đem tới bày thêm vào mâm cơm gia đình. Có thêm món thịt, thêm chút chất đạm thì hôm đó với hai đứa nhỏ như là bữa tiệc. Những lần gặp nhau, tôi và Nghiễm đều ít nói. Hình như Nghiễm có viết ở đâu đó là những điều không cần nói ra nhưng cũng đã hiểu nhau rồi.”

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Vâng, cuốn sách có những trang viết chân tình, đẹp đến nao lòng. Tình bằng hữu, nhất là bằng hữu văn nghệ, không phải một sớm một chiều có ngay. Từ điểm hội tụ, nó cần được chưng cất, tinh luyện nhiều tháng năm với tấm lòng chân thành, tha thiết. Ðiểm hội tụ đó chính là lòng đam mê văn chương, nghệ thuật mà Ngô Thế Vinh cùng các bằng hữu của ông có thừa. (Không có đam mê, bạn đừng đặt chân vào khu vườn nghệ thuật làm gì. Triết gia Hegel bảo, “Không điều gì vĩ đại trên thế gian này thành tựu mà không có sự đam mê.” Nhưng ngay cả những điều nhỏ nhặt cũng chẳng ra hồn nếu bạn là hòn đá lửa nằm lăn lóc trong đám sỏi đá vô hồn khô khốc, không có lòng đam mê đập vào cho tóe lên tia lửa sáng tạo.)

Hình như cái chất đam mê đã chảy rất sớm trong huyết quản nhà văn Ngô Thế Vinh và các bằng hữu của ông. Thử nghe ông nhắc lại chuyện cũ hơn nửa thế kỷ:

“… Xóm Bùi Viện gần Ngã Tư Quốc Tế là khu giang hồ nơi chúng tôi thường lui tới lúc đó, họ tiềm ẩn tài năng nhưng còn như những ‘viên ngọc ẩn thạch,’ giới hội họa như Nguyễn Trung, Cù Nguyễn, Lâm Triết, Nguyên Khai; nhóm thơ văn Trần Dạ Từ, Nguyễn Ðức Sơn/Sao Trên Rừng, Trần Tuấn Kiệt, Trần Ðức Uyển/Tú Kếu, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Thụy Long, mỗi người một vẻ với khao khát nghệ thuật là mẫu số chung mà họ hướng tới. Sức sáng tác của họ mạnh mẽ, sớm có tác phẩm và họ đều trở thành những tên tuổi…”

Sinh hoạt văn học nghệ thuật của miền Nam lúc đó như bừng lên tràn trề sức sống. Trước hết phải kể đến thành phần văn nghệ sĩ di cư từ Bắc vào Nam. Họ đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự khởi sắc đột khởi này. Chỉ một năm sau Hiệp định Geneva chia đôi đất nước, nhật báo Tự Do ra đời tại Sài Gòn với một ban biên tập hùng hậu và những người cộng tác gồm toàn những cây bút Bắc kỳ di cư nhiều kinh nghiệm với Cộng sản, như: Tam Lang Vũ Ðình Chí, Mặc Ðỗ, Ðinh Hùng, Như Phong Lê Văn Tiến, Mặc Thu, Vũ Khắc Khoan, và ít lâu sau có thêm Hiếu Chân, Hi Di Bùi Xuân Uyên và họa sĩ Phạm Tăng. Thế nhưng, đáng chú ý nhất ở thời đoạn này là các nhóm văn chương. Nhờ hít thở bầu khí quyển tự do, tiếp cận trực tiếp với các trào lưu văn nghệ, tư tưởng lớn của Tây phương, mà điển hình là Pháp, các nhóm văn chương đã có cơ hội nở rộ, tạo môi trường thuận tiện, là chất xúc tác cho những sáng tạo đột phá, gây kinh ngạc lớn và có khả năng trường tồn. Theo Ngô Thế Vinh thì có các nhóm chính sau:

1) Tự Lực Văn Ðoàn được tiếp nối với Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh;

2) Sáng Tạo của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền phủ nhận nền văn học tiền chiến với nỗ lực cách tân văn chương;

3) Quan Ðiểm của Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Ðỗ;

4) Ðêm Trắng (còn được gọi là nhóm La Pagode nơi họ tụ tập sinh hoạt) được xem như nhóm Tiểu Thuyết Mới của Sài Gòn.

Không nghe Ngô Thế Vinh nói ông thuộc nhóm nào, có thể ông đứng ngoài, nhưng xuyên qua vài cảm nghĩ rời người ta có thể phỏng đoán ông có cảm tình đặc biệt với nhóm Ðêm Trắng gồm các nhà văn nhà thơ đa số xuất thân nhà giáo, như: Huỳnh Phan Anh, Ðặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Ðình Toàn và Nguyễn Quốc Trụ. Người ông đề cao nhất trong nhóm là nhà văn Nguyễn Ðình Toàn:

Nổi bật trong nhóm này là Nguyễn Ðình Toàn với kỹ thuật viết mới, viết truyện mà không có truyện, những trang chữ là một chuỗi những hình ảnh tạo cảm xúc và là một trải dài độc thoại nội tâm. Nguyễn Ðình Toàn thành công trong nỗ lực tự làm mới văn chương nhưng không vì thế mà bảo ông chịu ảnh hưởng và chạy theo phong trào tiểu thuyết mới của Pháp.

Tiện thể, ông nói luôn về những thành tựu làm mới văn chương của thời kỳ này:

Thanh Tâm Tuyền và Dương Nghiễm Mậu là hai tên tuổi khác cũng được nhắc tới khi nói về khuynh hướng tiểu thuyết mới ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Tưởng cũng nên nhắc tới ở đây, Hoàng Ngọc Biên không ở trong nhóm Ðêm Trắng nhưng chính anh là người đầu tiên thực sự nghiên cứu về phong trào Nouveau Roman của Pháp, vào giữa thập niên 1950’s với các tên tuổi như Alain Roble-Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor, Claude Simon. Hoàng Ngọc Biên đã dịch một số tác phẩm của Alain Roble-Grillet và cũng thể hiện quan niệm tiểu thuyết mới ấy qua tập truyện Ðêm Ngủ ở Tỉnh do Cảo Thơm xuất bản Sài Gòn, 1970. Cũng theo Hoàng Ngọc Biên, thì ngoài danh xưng, trong 20 năm Văn Học Miền Nam thực sự đã không có một phong trào Tiểu Thuyết Mới tại Sài Gòn ‘theo cái nghĩa thời thượng’ của phong trào Tiểu Thuyết Mới xuất phát từ Tây Phương.”

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Hiện hữu chỉ vỏn vẹn 20 năm nhưng trước và sau nó chưa có thời kỳ nào trong văn học Việt Nam khởi sắc như thế, chưa có thời kỳ nào có nhiều tài năng hơn thế. Vậy mà nó bị gọi là đồi trụy và phản động để rồi bị vùi dập không thương tiếc, cả một nền văn hóa nhân bản tươi đẹp của dân tộc bị truy lùng, diệt trừ đến tận gốc. “… Trước lịch sử, ai phải nhận lãnh trách nhiệm cho những tội ác thiên thu ấy?” Nhà văn Ngô Thế Vinh vừa đau xót vừa phẫn nộ đặt câu hỏi.

6.

Chỉ thấy ba nhà họa tài ba của hội họa Việt Nam – Ðinh Cường, Nguyên Khai, Nghiêu Ðề – được nhắc đến trong bộ sách CDVHNT&VH. Là những họa sĩ mà Ngô Thế Vinh có mối quan hệ bằng hữu chân tình, nhưng qua đó ông cũng nhắc đến những tên tuổi lừng lẫy khác như Mai Trung Thứ, Tạ Tỵ v.v. và nhất là quá trình xây dựng và phát triển trên bình diện nghệ thuật của hội họa miền Nam Việt Nam thập niên 60.

Ðây là một điểm nhấn khác của Ngô Thế Vinh:

Họ ở lứa tuổi 20-30, cho dù là hội viên của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam hay không, một số tốt nghiệp trường Mỹ Thuật như Ðinh Cường, Lâm Triết, Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Nguyễn Phước, Nguyên Khai, hay bỏ học ngang như Nghiêu Ðề, hoặc không xuất thân từ trường Mỹ Thuật như Cù Nguyễn nhưng họ đều là những ‘viên ngọc ẩn thạch,’ những khuôn mặt tài năng có cơ hội là phát triển với sức sáng tạo thăng hoa tới mức cao nhất để hình thành những tác phẩm hội họa có giá trị nghệ thuật trong không khí tự do của miền Nam.”

Một lần nữa chúng ta lại thấy yếu tố “không khí tự do” được nhà văn Ngô Thế Vinh nhắc đến như điều kiện cần và đủ cho bất cứ thể loại sáng tạo nghệ thuật nào. Họa sĩ Trịnh Cung nói nhiều về Hội Họa Sĩ Trẻ trong hai tác phẩm xuất bản ở hải ngoại – Mỹ Thuật Việt Nam, Những Vấn Ðề Xoay QuanhNhận Ðịnh & Những Câu Hỏi về Mỹ Thuật – với ít nhiều tự hào. Nhưng, vẫn theo lời họa sĩ Trịnh Cung, hội họa miền Nam Việt Nam không phải đợi đến khi có mặt Hội Hoạ Sĩ Trẻ năm 1966 mới bắt đầu khởi sắc. Từ thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, hội họa Sài Gòn đã có những thành tựu đáng kể mà cột mốc khó quên là cuộc triển lãm quốc tế lần thứ nhất tổ chức năm 1962 tại công viên Tao Ðàn với sự tham dự của các nền hội họa hàng đầu thế giới như Ý, Hòa Lan, Pháp, Tây Ban Nha … Tranh của các họa sĩ Việt Nam ngay từ thời điểm này đã được các nhà sưu tập nước ngoài tìm mua không ít. Kỳ thực, Việt Nam có một truyền thống hội họa phong phú mà bệ phóng chính là trường Mỹ Thuật Ðông Dương do người Pháp thành lập năm 1924 ở Hà Nội. Trước Cách Mạng Tháng Tám đã có một đội ngũ họa sĩ nhiều tài năng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên … Thế nhưng con đường hội họa nhiều triển vọng tốt đẹp ấy đã bị con chó ngao biện chứng Hiện thực Xã hội chủ nghĩa từ lịch sử xông ra chặn đường.

Biện chứng Hiện thực Xã hội chủ nghĩa là gì? Bạn có thể hỏi ngược lại tôi như thế. Muốn tìm hiểu, tưởng không đâu bằng chính lời nói của cha đẻ cái chủ nghĩa ấy: nhà văn Maxim Gorky. Trong diễn văn đọc tại đại hội lần thứ nhất hội nhà văn Liên Xô năm 1934, ông phát biểu như sau:

Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa khẳng định tồn tại như là sự hoạt động, sự sáng tạo mà mục đích là liên tục phát triển những năng lực quý giá của cá nhân con người, vì thắng lợi của nó đối với các lực lượng tự nhiên, vì sức khỏe và tuổi thọ, vì cái hạnh phúc lớn nhất là được sống trên trái đất.’

Tôi vớ được câu nói trên từ một tài liệu văn học tiếng Việt. Không biết một chữ tiếng Nga lại thiếu nguồn đối chiếu, tôi không chắc người dịch có bao nhiêu phần đúng bao nhiêu phần sai.

Cái mệnh đề “vì sức khỏe và tuổi thọ” khiến tôi thắc mắc. Sáng tác theo Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa sẽ khỏe như voi và sống lâu trăm tuổi ư? Còn nếu bạo gan đi ngược lại thì nhà nước sẽ cho đi cải tạo mút mùa, ắt hẳn sức khỏe sẽ yếu kém và chết sớm? Thú thật, tôi không đủ kiến thức và ngôn từ để phản biện cái triết học rối mù ấy. Vì vậy, tôi xin mượn lời nhà thơ Czeslaw Milosz. Ông này hay lắm, người ta gọi ông là nhà thơ của lương tâm nhân loại. Ông nói giản dị như thế này về Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, dễ hiểu hơn cái ông Gorky kia nhiều, và chính xác trăm phần trăm:

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Biện chứng: Tôi tiên đoán căn nhà sẽ cháy; đoạn tôi đổ xăng lên bếp lửa, căn nhà cháy rụi; tiên đoán của tôi đúng. Biện chứng: Tôi tiên đoán một tác phẩm nghệ thuật mà không tương hợp với Hiện thực Xã hội chủ nghĩa thì chỉ đáng vứt đi; đoạn tôi bắt nhà nghệ sĩ sáng tác trong những điều kiện chỉ có thể tạo ra những tác phẩm đáng vứt đi; tiên đoán của tôi đúng.”

Stalin đã áp đặt cái chủ nghĩa ấy làm phương pháp sáng tác chủ đạo cho tất cả các bộ môn văn nghệ trong xã hội Xô Viết, và dần dà nó được truyền tụng sang các quốc gia khác trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, trong đó có Bắc Việt Nam. Kết quả như thế nào thì chúng ta đã quá rõ, chẳng cần nhắc lại nơi đây.

Trong khi đó, sau Hiệp định Geneva 1954, một số họa sĩ miền Bắc di cư vào Nam như Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Tạ Tỵ … cùng một số du học từ châu Âu trở về Sài Gòn đem theo những quan niệm sáng tác của Chủ nghĩa Hiện đại, tất cả đã góp phần tạo một luồng gió mới cho sự phát triển văn hóa miền Nam nói chung, mỹ thuật hiện đại Việt Nam nói riêng, mà trung tâm là thủ đô Sài Gòn lúc đó. Ðược tiếp cận với sách vở và tạp chí nghệ thuật Tây phương, được tham gia các cuộc triển lãm quốc tế (tại Việt Nam hoặc nước ngoài), không bị con chó ngao biện chứng Hiện thực Xã hội chủ nghĩa canh chừng ngày đêm, các họa sĩ miền Nam tha hồ tiếp cận và tiếp thu nhanh chóng các trường phái của Chủ nghĩa Hiện đại như Tượng trưng, Siêu thực, Trừu tượng, Biểu hiện, Biểu Trừu tượng, Dã thú, Lập thể v.v. Nhờ thế, nền nghệ thuật tạo hình Sài Gòn từ chỗ còn non yếu đã mau chóng phát triển bằng những bước dài chững chạc, có khả năng diễn ngôn cùng một ngôn ngữ hội họa chung thế giới.

Sau cột mốc cuộc triển lãm quốc tế lần thứ nhất năm 1962 là cột mốc thứ hai, sự thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ năm 1966 với sự tham gia của hầu hết các họa sĩ tài danh lúc đó như Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Nguyễn Lâm, Nguyên Khai, Ðinh Cường, Ngy Cao Nguyên, Hồ Hữu Thủ, Rừng, La Hon, Ðỗ Quang Em, Hồ Thành Ðức, Nguyễn Phước, Hoàng Ngọc Biên … Âm vang của Hội Họa Sĩ Trẻ cho đến tận ngày nay vẫn còn, chứng tỏ tầm ảnh hưởng của nó là không nhỏ. Ðiểm khác đáng lưu ý là, song hành với những nỗ lực cách tân với ảnh hưởng Tây phương rõ rệt, hội họa mang tính mỹ cảm truyền thống vẫn không ngừng chảy với các họa phẩm giá trị của các họa sĩ như Tú Duyên, Nguyễn Siên, Trần Văn Thọ … Và đặc biệt Nguyễn Gia Trí, người được xem là tiên phong trong lĩnh vực làm mới sơn mài, chinh phục giới thưởng ngoạn bằng một cảm xúc sâu lắng, hòa phối từ hai trường phái Phục hưng và Hiện đại; hay tranh lụa Lê Văn Ðệ với đường lối đặc trưng tỏa sáng hương sắc bình dị, nhẹ nhàng, sâu lắng.

Xem thế, sự lớn mạnh của nền hội họa miền Nam trong giai đoạn 54-75, như nhà văn Ngô Thế Vinh trình bày trong cuốn sách của mình và như họa sĩ Trịnh Cung xác nhận, là sự phát triển theo quy luật tự nhiên nhờ vào những điều kiện tạo thuận từ bình diện học thuật, tư tưởng cho đến chính trị. Song hành với văn học, có thể xem đó là thời đại hoàng kim của hội họa Việt Nam mà trước đó hay sau này đều không thấy.

7.

Tuyển tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa của nhà văn Ngô Thế Vinh không phải là một cuốn sách Who’s Who về các nhà làm văn nghệ, văn hóa Việt Nam. Nó không có tham vọng vẽ lại toàn cảnh hay nghiên cứu chuyên sâu một tác giả nào. Nó mang tính cách tâm tình nhiều hơn. Nó cũng không tán rộng các điểm phụ bên ngoài đời sống văn học nghệ thuật. Ðọc xong cuốn sách, chúng ta không rõ trong hoàn cảnh nào nhà văn Nhật Tiến viết cuốn Thềm Hoang, hoặc nhân vật nữ trong tiểu thuyết Một Chủ Nhật Khác của Thanh Tâm Tuyền là ai ngoài đời v.v. Những điều đó hình như không quan hệ lắm đối với giới nghiên cứu văn học Việt Nam. Nhưng nhà văn Ngô Thế Vinh đã cho chúng ta cái nhìn bao quát đa chiều kích về một thời kỳ văn học – theo lời nhà văn Võ Phiến – kém may mắn (vì thiếu phê bình) và bất hạnh (vì bị hủy diệt). Cuốn sách còn là một kho tư liệu rất quý, vô cùng hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu sâu thêm. Ðối với bằng hữu văn nghệ, đối với những nhân vật nhà văn Ngô Thế Vinh hằng ngưỡng mộ và kính trọng, đối với người đọc chúng ta, ông quả đã làm tròn điều ông muốn làm, đó là, “Của tin gọi một chút này làm ghi.”

TYT