Nhà văn/bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là tác giả nổi tiếng từ trong nước ra đến hải ngoại. Ông đã xuất bản trên 30 cuốn sách gồm tiểu luận, tùy bút và thơ. Tác phẩm gần đây nhất là ‘Áo Xưa Dù Nhàu’. Trên Trang Văn của Báo Trẻ, Nguyễn và Bạn Hữu cũng từng giới thiệu tác giả Đỗ Hồng Ngọc. Sau đây mời các bạn đọc bài viết của Minh Anh. NGUYỄN & BẠN HỮU

Minh Anh

Ðỗ Hồng Ngọc dành ra nhiều trang viết về những văn – nghệ sĩ đã lui từ lâu vào trong quá khứ, và việc ông làm như đang phủi đi lớp bụi trần gian, để làm lộ ra một thứ “vàng mười” như đúng bản chất…

Ðộc giả trong nước chắc hẳn đã từng quen thuộc với bác sĩ, nhà văn, nhà thơ Ðỗ Hồng Ngọc qua số lượng tác phẩm đồ sộ. Mới đây ông đã giới thiệu tập ghi chép – chân dung về những “người hiền” của nền văn chương, thi ca, nghệ thuật nước nhà, mang tên “Áo xưa dù nhàu…”

Mượn một câu hát từ bài Hạ Trắng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Áo xưa dù nhàu/ Cũng xin bạc đầu/ Gọi mãi tên nhau…”, đây là tác phẩm điểm lại, cũng như “ôn cố tri tân” những gương mặt cũ, không chỉ của mỗi tác giả mà còn là của rất nhiều thế hệ người đọc. Có người đã khuất, có người còn đó, tựu trung lại một cuộc hành trình “gọi mãi tên nhau”.

Gồm 18 chân dung văn học trải dài từ Nguyễn Hiến Lê, Quách Tấn, Trần Văn Khê cho đến Trang Thế Hy, Cao Huy Thuần, Du Tử Lê… Ðỗ Hồng Ngọc có cách ghi chép rất riêng, khai thác được những khía cạnh mà trước đến nay độc giả rất ít nhận thấy, và cũng phần nào mang tính chuyên môn của ông. Ðó là, như một câu giễu trong bài Ðể người quân tử… hò ơ… về Nguyễn Hiến Lê, là cách phê bình “bệnh-lý-học”.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Những người thầy đầu tiên

Trong tập sách này, một Nguyễn Hiến Lê nặng lòng với Hà Nội, với sắc nước hương trời, với sương lam nhè nhẹ… đã được hiện ra. Ngoài cương vị là một học giả, Ðỗ Hồng Ngọc cũng chia sẻ lại những kinh nghiệm của mình khi được “đồng hành” cùng ông, lấy hình bóng ông làm động lực chính cho con đường sự nghiệp của mình.

Một gương mặt khác cũng đóng góp thành công lớn cho tác giả là Ngu Í Nguiễn hay Nguyễn Hữu Ngư. Nếu trong tác phẩm gần đây của Nguyễn Trương Quý người ta biết ông cũng từng có thời hoạt động sôi nổi với Lưu Hữu Phước cũng như nhóm Hoàng Mai Lưu, thì trong bài Người điên thứ thiệt, một nhà thơ “điên” với những tiếng thét uất hận, cõi lòng thổn thức và nhiều hờn căm đã được kể ra.

Cả hai chân dung đều là những người nặng lòng cùng với nghệ thuật. Bên cạnh khát khao “toàn tâm toàn lực cung cấp món ăn tinh thần cho bạn đọc”, Ðỗ Hồng Ngọc cũng tiết lộ rằng với Nguyễn Hiến Lê thì “trước tác đã được xây dựng một phần trên bệnh tật của ông”, đó là căn bệnh dạ dày kinh niên liên tục tái đi tái lại, để từ đó ta thêm yêu quý một nhân vật lớn của văn hóa nước nhà.

Những câu chuyện vãn, các chuyện “trà dư tửu hậu” cũng được ông kể vô cùng gần gũi và lắm chân thành. Ðó là một Trang Thế Hy – “ông già khó tính”, “người tình thoáng chốc của văn chương”, nhưng khi đến nhà trong bộ pyjama vẫn nói với nhau về Francoise Sagan, về Cao Hành Kiện.

Ðó cũng còn là họa sĩ Dương Cẩm Chương, hậu duệ của nhà yêu nước Dương Bá Trạc và “định mệnh” có phần tương đồng với chính tác giả, khi y nghiệp gắn liền học nghiệp và còn nuôi mãi khát vọng vươn tới cái đẹp thanh cao.

Tác giả Đỗ Hồng Ngọc

Hành trình tìm lại

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Ðỗ Hồng Ngọc cũng dành ra nhiều trang viết về những văn – nghệ sĩ đã lui từ lâu vào trong quá khứ, và việc ông làm như đang phủi đi lớp bụi trần gian, để làm lộ ra một thứ “vàng mười” như đúng bản chất. Ðó là Võ Hồng, nhà văn mà mỗi lần đọc lại thấy lòng lành hẳn ra. Ðó là con người với nỗi “cô đơn uy nghi”, cũng như thi sĩ Quách Tấn, người giờ đã quên những chuyện mới đây, nhưng vẫn ghi khắc lại những chuyện xưa cũ, với tính kỹ càng cũng như nghiêm khắc trong sáng tạo văn chương.

Ông cũng mải miết đi tìm những chân dung khác, những người từ bỏ hào quang để lùi vào sâu trang viết của mình. Ðó là nhà thơ Huyền Chi – người đứng đằng sau bài ca phổ thơ Thuyền viễn xứ của Phạm Duy và lý do vì sao bà chưa một lần thật sự xuất hiện ra trước công chúng. Ðó cũng là “nhà thơ” Võ Phiến, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn hay Cao Huy Thuần… những người mà nghệ thuật viết đã hòa cùng với thiền học, làm nên tác phẩm có nhiều chiều sâu.

Ðó cũng là chân dung khác, như cuộc gặp gỡ giáo sư Trần Văn Khê ở tận nước Pháp, với dáng vẻ tự nhiên, nếp sống mộc mạc và đầy chân tình. Ở căn chung cư trên tầng 9 ấy, dù bị bao vây bởi đủ thứ bệnh nhưng ông vẫn đầy xúc cảm.

Và bởi chỉ có “tình thương để lại đời”, nên những nhà thơ như Tôn Nữ Hỷ Khương hay Khánh Minh cũng đã xuất hiện trong tập sách này, với thơ cũng như hơi thở, không cố gắng, không lên gân, không chứng tỏ, không màu mè…

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Ðỗ Hồng Ngọc với tính hóm hỉnh cũng kể những chuyện vô cùng thú vị, như cố “giải chữ” của Phạm Thiên Thư, hay tìm một Huy Cận khác trong cuộc gặp gỡ tình cờ. Rốt cuộc thì “tha” trong câu “Mười con hạc trắng về tha” là có nghĩa gì? Và liệu ta có bao giờ biết đến có một Huy Cận có lúc bẽn lẽn, có lúc quạu quọ nhưng cũng là một con người hoàn toàn khác biệt mỗi khi bình thơ, đắm mình vào trong dòng chảy thơ ca?

Những ghi chép của Ðỗ Hồng Ngọc chứa đựng cả bầu thương mến dành cho người hiền trong cõi đời này. Ðó là những câu chữ gần gũi mà không thiếu đi những cảm xúc riêng. Ðọc Ðỗ Hồng Ngọc ta còn u sầu bởi mùa thu Boston, với bài Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư là dùng để nghe, hay để thấy Du Tử Lê trong nhiều dáng vẻ, từ hoang mang, khắc khoải cho đến mềm yếu, đam mê và rất lãng mạn.

Tập sách cũng chứa đựng nhiều những tư liệu quý, là những bức ảnh, là những bức họa được ký họa nhanh đôi khi trên mẫu giấy ăn, đôi khi trên chiếc phong bì… nhưng lại có đủ chiều sâu để ta nhìn thấy những “con người cũ” trong góc nhìn mới, riêng tư hơn nhưng cũng độc đáo hơn.

Với Áo xưa dù nhàu…, tác giả Ðỗ Hồng Ngọc đã đưa chúng ta “đi lại từ đầu” trong cuộc gặp gỡ với những yếu nhân, những nhân vật lớn  của đất nước mình. Từ đó có những câu chuyện, có những bài học cùng nhiều triết lý giản đơn trong cuộc đời này. Bởi đời như một “chiếc lá thu phai”, nên hãy thả mình để “thu xếp lại” và rồi để còn “gọi mãi tên nhau”.

MA

*Trang nhà Đỗ Hồng Ngọc