Lâm Chương sinh năm 1942 tại Gò Dầu Hạ Tây Ninh. Cựu sĩ quan quân lực VNCH. Nằm tù cộng sản từ 1975-1985.  Vượt biển năm 1987, hiện định cư tại Boston, Massachusetts Hoa Kỳ

Tác phẩm đã xuất bản:

– Loài Cây Nhớ Gió (Truyện, 1971)

– Đoạn Đường Hốt Tất Liệt (Truyện, 1998)

– Lò Cừ, (Truyện, 2000).

– Đi Giữa Bầy Thú Dữ (Truyện, 2001)

– Truyện và Những đoản văn (2004)

Lâm Chương là một tác giả đã để lại nhiều ấn tượng. Sau đây, Trang Văn xin đăng lại bài viết của nhà phê bình Đoàn Nhã Văn nhận định về những nét đặc sắc của Lâm Chương.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Đoàn Nhã Văn

Trên bàn viết lữ thứ của mình…, Lâm chương đã khởi đi bằng truyện ngắn. Rồi từ truyện ngắn, ông viết truyện vừa, mà tiêu biểu là “Gió về phố biển” và “Ði giữa bầy thú dữ”. Rồi, càng về sau này, ông càng “ưa” thể loại “đoản văn”.

Trước 1975, Lâm Chương là người lính thực thụ, đối diện với sống chết từng phút từng giây. Ði lính, nhưng không hề nuôi thù hận. Ði lính, như một sự sắp đặt của tạo hóa, không tránh khỏi. Mũi tên đã khởi đi từ chiếc cung. Chỉ có phóng tới, chứ không thể thu về. Ðó là thế chẳng đặng đừng của những người trai trẻ trong thời loạn ly của đất nước. Giữa trận tiền, dù có muốn dừng lại sự bắn giết lẫn nhau cũng chẳng được. Ông viết: “Những thằng đi trận của cả hai phe đều ở vào cái thế của tên giác đấu. Mình không giết nó, nó giết mình. Ðâu cần chi phải hận thù?”. “Ðâu cần chi phải hận thù?” Nghe, thật đơn giản, nhưng tự đáy lòng, không phải ai vào cuộc cũng mang một nỗi niềm như thế.

Sau tháng 4 năm 1975, quân nhân, công chức chính quyền miền Nam, được lệnh tập trung mười ngày. Mười ngày, rồi mười tháng, rồi mười năm, rồi nhiều năm tiếp theo nữa. Ðó là giai đoạn tang thương. Không phải chỉ có Lâm Chương, cũng không phải chỉ có những người lính cũ, mà là cả miền Nam bị nhốt vào nhà tù lớn. Người khác gọi là “cải tạo”, nhưng với ông tù là tù! Làm sao cải tạo được. Mà cải tạo cái gì? Viết về những ngày tháng như thế, Lâm Chương đã dùng chất liệu thật, để tạo nên những trang văn nói lên cái bi thảm của tù tội giữa núi rừng Việt Bắc rất lôi cuốn qua nhiều truyện ngắn. Cái bi thảm đó, có trải qua mới thấm cái cùng khổ của những người bại trận với: đói, rét, gông, cùm, bệnh, tật, và lao động khổ sai.

Vết sẹo của tù đày đã lành miệng theo thời gian, nên LC đã viết về giai đoạn này với một tâm thế hết sức bình thản mà không hề hằn học. Không phải ông không đau về cuộc chiến vừa qua; không phải ông không tiếc nuối về những tháng ngày tuổi trẻ bị giam cầm nơi rừng rú; không hẳn ông đã giác ngộ triết lý nhà Phật; và cũng chẳng phải ông có cái tâm lớn như Bồ Tát để quên đi những trận đòn dã man đã giáng xuống thân thể gầy còm của những người tù, nhưng theo tôi, ông “hiểu”. Cái quan trọng nằm ở chỗ ấy. Như một con đinh ốc nằm trong một guồng máy, làm sao một con đinh ốc đã bị khóa chặt, lại có thể ngưng nổi một guồng máy đang vận hành với một vận tốc chóng mặt. Xa hơn nữa, bao nhiêu năm đã trôi qua, bao nhiêu mùa trăng khuyết lại tròn, bao nhiêu nước từ nguồn ra biển, người Việt Nam bị đầu độc bởi hận thù đằng sau những chiếc bánh vẽ, thì hằn học, oán hờn nằm trên những trang chữ lẻ loi, có lay chuyển được điều gì? Dĩ nhiên, ông cũng không hề “quên”. Làm sao quên được những mồ hôi và máu đã thấm vào mạch đất? Làm sao quên được những nấm mộ sơ sài của bạn bè sau cuộc chiến, nơi rừng thiêng, nước độc. Không, không hề. Ở ông, nhớ, nhưng không bóc trần; biết, nên không truy vấn; và hiểu, nên không biểu lộ thù hận trên những trang chữ của mình.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Thời gian ra khỏi tù cũng gian nan, nhọc nhằn không kém. Ðó là quãng thời gian đi giữa quê hương như một người xa lạ, “bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh” (Thơ Vũ Hoàng Chương). Hiếm người dám chứa chấp những kẻ về từ tù ngục. Kiếm được một việc làm, mà làm gì cũng được, là trăm đắng, ngàn cay. Họ làm đủ mọi thứ để kiếm sống. Họ làm muôn nghề để nuôi thân. Họ sống trong cảnh “Anh về cụt mất hai tay / Còn nghe thiên hạ chê bai đủ điều” (Thơ Trần Nghi Hoàng). Cái cụt mất hai tay, không là cụt mất theo nghĩa đen, mà là cụt mất hai tay trong một thân thể lành lặn. Lành lặn, nhưng ăn bám cuộc đời. Lành lặn nhưng vô dụng. Ðó là bước đường cùng của những tấm thân gầy còm về từ tù ngục. Ðó là nỗi đau cụt mất hai tay trong một thân thể lành lặn. Mỗi truyện ngắn nằm trong mạch này, của LC, đều phảng phất những nỗi đau như thế, từ những nhân vật xưng “tôi”.

Lâm Chương viết về những người ra tù, bị dạt về các vùng quê khá rõ nét. Nhà quê vốn đã nghèo. Cái giàu ở họ, mà ai cũng nhìn thấy, đó là cái giàu về cơ cực. Tuy vậy, những người về từ tù ngục, bị dạt ra chốn quê mùa này, càng cơ cực hơn. Viết về ruộng đồng, thôn dã, người đọc cảm được cái “thế” của người nông dân trong những ngày mùa. Ðó là thế mặt nhìn đất, lưng phơi giữa trời. Theo chân những người đào giếng nơi những thị trấn khô cằn, người đọc thấy từng giọt mồ hôi của họ đổ xuống theo từng nhát xuổng. Bám theo những người làm công, khuân vác, ta cảm được sức nặng đè lên những đôi vai gầy, thiếu ăn, mất ngủ.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Viết về thôn quê, Lâm Chương như con cá lội trong nước, tha hồ. Chữ nghĩa ông về những vùng đất này cũng mộc mạc, đơn sơ như lòng người dân chất phác, hiền hòa. Viết về núi rừng, văn chương ông tự nhiên, tuôn chảy. Không những thế, người đọc còn học được nhiều thứ, biết thêm nhiều phong tục, ngay trên những trang sách ấy. Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, ở thế mạnh của mình, ông vẫn chưa lột tả đến kỳ cùng những điều còn ẩn chứa ở những vùng thôn dã đó.

Ðịnh cư tại Mỹ, gia tài họ (những nhân vật của LC) là con số không. Và dường như, mỗi lần về lại quê hương cũng là mỗi lần cõng thêm nhiều nỗi buồn trên lưng, khi qua lại Mỹ. Ðây là thời gian mà ông đẩy ngòi bút vào thể loại “đoản văn”. Sự chuyển hướng này cũng tạo nên sự thay đổi trong phong cách nghệ thuật. Những trang viết càng về sau, người ta càng thấy chữ nghĩa của LC như hướng về sự đơn giản. Nó làm cho ta có cảm tưởng như tác giả đã bỏ lại những cồng kềnh, đã gạt ra những ôm đồm không cần thiết. Ðơn giản trong dựng truyện, đơn giản trong cấu trúc câu, và đơn giản trong cách dùng chữ. Hiếm thấy những chữ lạ, cầu kỳ. Cái đơn giản ấy chạm vào cái sần sùi của đời sống, đụng cái thô nhám của nhân gian, và rờ được cái trần trụi của tình đời. Trong cái đơn giản ấy, người đọc bắt gặp những chi tiết đắc địa. Sự thay đổi trong nghệ thuật đó đã hình thành một phong cách. Dẫu vậy, ông đã cài đặt nhiều phần triết lý trong đối thoại, của nhiều nhân vật, từ nhiều khuôn mẫu khác nhau, trong đời. Nhiều chỗ, những câu đối thoại chưa làm nổi bật được cá tính của nhân vật.

Thiển nghĩ, cũng cần nói thêm về hai truyện vừa: “Ði giữa bầy thú dữ” cùng “Gió về phố biển”. Ðây là hai truyện vừa khá lôi cuốn. Riêng truyện “Ði giữa bầy thú dữ” mang tầm vóc của tiểu thuyết, nếu ông khai triển nó rộng hơn, trên bề diện nhân vật, cng như trên bề diện không gian. Hai truyện này đều chứa đựng những phần đời tang thương, bầm giập. Và cũng ở đó, hé lộ nhiều hơn tư tưởng của nhà văn.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Hai truyện vừa cùng nhắc về một nơi chốn: Nha Trang. Nếu ở “Gió về phố biển”, Nha Trang là nơi ẩn náu, dung thân, nơi có những bàn tay chìa ra, vực dậy, thì trong “Ði giữa bầy thú dữ”, Nha Trang là nơi thọ nạn, dã tâm lọc lừa giấu đằng sau mặt nạ thương người. Cùng một thành phố, lúc lâm nạn, thời tuổi trẻ, của “tôi”, đã được người người sẵn lòng giúp đỡ. Cũng cùng thành phố, sau những tháng ngày tù tội, trở về, tìm đường vượt thoát, “tôi” lại bị người ta lường gạt đến tận đường cùng. Cái gì làm nên sự khác nhau ấy? Một giai đoạn những năm 1960’s đầy tình người.

Và, một giai đoạn những năm 1980’s đầy nghi kỵ, toan tính, sẵn sàng hại nhau vì những phần vật chất nhỏ nhoi. Nếu đặt hai tác phẩm trong ngữ cảnh liên văn bản, người đọc sẽ dấy lên nhiều câu hỏi. Nhưng một câu hỏi quan trọng không thể thiếu: Có phải thời gian hai mươi năm đã làm một xã hội băng rã về đạo đức? Và nguồn gốc của sự băng hoại này?

Ðoạn kết của “Ði giữa bầy thú dữ” là một đoạn kết hay. Ở đó, oán hờn đã lắng xuống, thù hận đã trôi đi, những vết sẹo ngày xưa đã lành miệng. Cái duy nhất còn lại là: làm sao tìm lại được một cánh chim trong trời đất bao la. Cánh chim mang tên Nga, một phụ nữ lưu lạc trên xứ người, hy sinh thân xác để cứu một gia đình bị nạn, đưa họ rời nơi địa ngục để đi về hướng thiên đường. Giúp, mà không mong người khác biết. Cứu vớt, mà không nghĩ đến việc trả ơn. Cái gì rồi cũng qua đi. Chỉ có tình người ở lại. Tư tưởng của tác giả nằm ở những dòng chữ cuối cùng, rất ấn tượng.

Ðẩy ngòi bút vào cả ba thể loại: truyện ngắn, truyện vừa và đoản văn, nhưng lại cùng phảng phất một điều: thu nhặt những mất mát trong cõi nhân sinh, và soi rọi nó bằng một tấm lòng của một người tha thiết với quê hương, quặn đau theo những vết sẹo của cuộc đời.

Nếu phải chọn một hình ảnh cho Lâm Chương, tôi hình dung ra một gã nông dân kiệm lời, ít nói, nhưng lại rất miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa của mình. Trên cánh đồng đó, Lâm Chương đưa những mảnh đời vụn vỡ, những nỗi đau hun hút và những vết thương tướm máu vào trang sách, truyền cho nó những hơi thở, biến thành những “cuộc sống” khác. Ðó là bản lãnh nghệ thuật.

Chữ nghĩa của Lâm Chương, nói cho cùng, là chữ nghĩa bật ra từ những vết thương đã lành miệng, của chính mình và của tha nhân.

ĐNV – 10/2010