Dương Nghiễm Mậu ra đi tới nay cũng đã ngoài 8 năm. Văn hữu và độc giả nhiều người còn nhớ tới Nghiễm và những tác phẩm để đời như Ngày Đốn Cây Vú Sữa, Tiếng Sáo Người Em Út, Kinh Kha, Con Chủy Thủ Và Đất Tần Bất Trắc… Nguyễn và Dương Nghiễm Mậu từng có mối thân tình từ trước 1975. Còn nhớ ngày bỏ nước ra đi, Nguyễn đã đến thăm Nghiễm và trao tặng tờ thơ Như Một Lời Chia Tay, được Nghiễm giữ cho tới sau này và thỉnh thoảng nhắc lại với bạn bè. Nay Dương  Nghiễm Mậu đã ra đi nhưng nhiều kỷ niệm còn lưu lại. Nhớ tới bạn, xin trích đăng lại ở đây những trang viết của Nguyễn Viện và Cung Tích Biền như một nén nhang tưởng niệm. NGUYỄN & BẠN HỮU

NGUYỄN VIỆN

Dương Nghiễm Mậu với con chủy thủ

Thế hệ chúng tôi đã sống trong một bầu khí chiến tranh ngột ngạt và hỗn loạn chính trị bởi các cuộc xuống đường liên miên, nhưng đồng thời cũng thấm đẫm cái lãng mạn phiêu linh từ đất lên trời của văn chương văn nghệ, thời ấy. Đi học hay đi café, lúc nào cũng kè kè theo một quyển sách hay tạp chí. Kể cả mấy ông sĩ quan trẻ cũng vậy.

Idol của tôi tất nhiên là Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền (cả thơ và văn). Ngoài ra, tôi cũng rất ngưỡng mộ cái phong cách lừng lững từng bước chắc nịch của ông Vũ Khắc Khoan nện trên sân trường Văn Khoa, “tuy không cao, nhưng ai cũng phải ngước nhìn”.

Mãi đến khoảng sau 2005, tôi mới có dịp gặp nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Anh đến uống café với ông Trịnh Cung và tôi ở Highland chỗ tòa nhà Metropolitan. Anh hớt tóc cao, trẻ trung khỏe mạnh. Chả có gì là nghệ sĩ. Lúc đó anh kiếm sống bằng nghề làm tranh sơn mài mỹ nghệ. Khép kín. Anh từng bị bắt vì bị coi là “biệt kích văn nghệ” cùng với hầu hết các nhà văn thành danh trước 1975. Tôi cũng từng đi tù và vẽ tranh hàng chợ kiếm cơm, ở một thời thế mà số phận con người không còn tùy thuộc vào ý chí của mình, tôi thấu hiểu sự khép kín kia của một nỗi hẩm hiu cơm áo gạo tiền đã bi phẫn dường nào.

Xem thêm:   Hà Thúc Sinh. Cuộc đời và tác phẩm

Tôi dễ dàng trở nên gần gũi với anh Mậu. Thỉnh thoảng tôi đến nhà anh chơi bên khu cư xá Kiến Thiết cũ, Phú Nhuận. Cũng uống bia với anh ở đầu ngõ như cách anh vẫn tiếp bạn bè.

Có lần anh Mậu kể tôi nghe chuyện anh ra Bắc và tìm đến tận nơi được tin là chỗ nhà văn Khái Hưng bị dìm xuống sông. Tôi cảm nhận được sự “tò mò” ấy không chỉ là “nhân văn” như cách người ta hay nói bây giờ, mà anh Mậu muốn được sống cái cảm giác bị hủy diệt ấy.

Cũng có lần anh nhờ tôi chở đến thăm nhà văn Bùi Ngọc Tấn khi biết tôi có quen ông nhà văn quê ở tuốt Hải Phòng này. Tôi biết được một điều, anh Mậu yêu quý anh Bùi Ngọc Tấn không chỉ vì tài năng mà còn là nhân cách. Nói về nhân cách, tôi cũng quý anh Dương Nghiễm Mậu như thế, ngoài tài năng.

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu từng làm cho đài phát thanh Mẹ Việt Nam khét tiếng chống Cộng và từng làm phóng viên chiến trường trước 1975, cũng như từng đi tù dưới chế độ Cộng sản và khiêm tốn kiếm cơm bằng nghề thợ vẽ.

Dương Nghiễm Mậu với con chủy thủ đã không vào đất Tần bất trắc như Kinh Kha, anh không làm chính trị cũng không làm dũng sĩ, nhưng con chủy thủ văn chương ấy của anh đã làm đổ máu con người để con người biết máu của mình cần phải đổ về đâu. May thay, cái mạnh mẽ của ý thức công dân trong văn chương Dương Nghiễm Mậu đã không hủy hoại cái quyến rũ của chữ nghĩa và cái đẹp của một tài hoa văn chương. Có thể coi Dương Nghiễm Mậu là một tượng đài của văn chương miền Nam một thuở.

Xem thêm:   Thảo Trường & ‘Những Miểng Vụn của Tiểu Thuyết’

Năm 2007 có 4 tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu được in lại trong nước, nhưng với đường lối tuyên giáo của đảng cầm quyền, những tác phẩm ấy chẳng những không thể được hoan nghênh mà thậm chí còn bị dập vùi bởi quan điểm “địch – ta” vẫn còn rất phổ biến trong chính quyền cũng như các quan chức văn nghệ.

Và rồi anh đột ngột ra đi (2016). Cái chết đã khép lại một số phận bi tráng cả trong chiến tranh và hòa bình. NV

CUNG TÍCH BIỀN

Dương Nghiễm Mậu bác đã đi rồi

1

Một chiều đầu thánh Tám dương lịch, ra đầu con đường, đến thắp một nén nhang cho người vừa khuất một tầm nhìn, con đường Sàigòn, tôi ngó mông tìm một chiếc xích lô. Chẳng thấy đâu. Hình ảnh chiếc xích lô đã vắng bóng hơn vài thập niên qua trong thành phố này, nhưng nhớ ông Mậu, tôi đi tìm, tôi chẳng thể quên hình bóng ấy. Xích lô đạp, luôn là vậy, trên con đường đầy những bóng mát, lá me rụng của một Sàigòn xưa. Và, ông Mậu.

Sinh thời, trước 1975, Mậu chẳng bao giờ tự lái xe hai bánh, đó đây. Người ta bảo ông không biết đi honda. Tôi nghĩ khác, có thể, ông chống cái sự nổ, từ cơ khí. Mà chống cái “nổ” sao chẳng đi xe đạp. Chỉ biết ông luôn ngồi xích lô.

Một dáng người thanh nhã, lúc nào cũng ăn bận chỉnh tề, áo trắng bỏ vào quần tây đen dài. Mậu luôn ngồi ngay thẳng, mắt nhìn thẳng, trán rộng sống mũi cao, miệng luôn một nụ cười thân thiện nhưng thừa bí hiểm. Cây dù đen dựng dọc theo thân người, chiếc xích lô thong dong. Cái nhân dạng này, cốt cách này, tôi nghĩ, nếu thay là đôi giày hạ, vành khăn đóng, chiếc áo dài đen, Dương Nghiễm Mậu chẳng khác nào chân dung các Nhà nho.

Một cái phẩm hạnh cổ điển, đóng khung trong sự chân thành, thuần khiết, nhưng rất lạ, cái tri đạo, “Lạc thiên an mệnh – Vui với Trời, an với phận”, đã đến quá sớm với Dương Nghiễm Mậu, từ lớp tuổi ông chưa là “Tứ thập nhi bất hoặc”. Ông bước trước tuổi, gìn vàng giữ ngọc khi tuổi đời lẽ ra phải điên đảo vì những lẽ vô thường của phá phách, lưu linh, bạt gió, mổ bụng mặt trời để nhặt ra một mặt trăng. Coi chơi.

Xem thêm:   Việt Dương & Trần Thị Nguyệt Mai với ‘Chân Dung Ngày Đó Bây Giờ’

2

Tôi gặp Mậu lần đầu tiên, khoảng đầu năm 1967. Trớ trêu, không phải Sàigòn, mà là ở tận Bạc Liêu. Ông đi trong đoàn Văn nghệ, gồm nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, anh Tô Kiều Ngân làm trưởng đoàn. Tô Kiều Ngân, người nổi tiếng qua tiếng sáo một thời, từng có biệt danh “Tiếng sáo Tô Lang”, lúc này Chàng Tô mang lon thiếu tá.

Chúng tôi có ngồi cùng nhau, quán Xừng Ký. Sông Miền Tây đục lờ chảy chậm, chiều Bạc Liêu tàn nắng. Hồi này tôi là sĩ quan tiểu đoàn 211 Pháo binh, doanh trại Bộ Chỉ Huy là một biệt thự trong khu vườn rộng mênh mông. Có một vài sĩ quan trong Sư đoàn 21, từng đọc Dương Nghiễm Mậu, cùng có mặt trong bữa rượu, “Để xem dung nhan nhà văn mình yêu thích”.

Lính mà, chén rượu, trận mạc, cái cách “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu”, khi đã chạm mặt, là phải đến nơi đến chốn. Nhưng ngồi một lúc, tôi nhận ra, Dương Nghiễm Mậu chừng như xa cách dần dà cảnh ồn ào, hừng hực chí lớn. Là một người lính, bấy giờ Mậu đã bị gọi nhập ngũ, nhưng ông chừng rất ghét kỵ những ồn ào, bùng nổ lắm khi thô bạo, sỗ sàng, của cánh võ biền.

Tinh ý lắm mới nhận ra điều “xa lánh” này ở Dương Nghiễm Mậu, vì ông là một người khôn khéo, biết tự chủ, không tự để mình hóa là một kẻ lạc lõng. Vẫn một nụ cười bí ẩn, không rõ ông cười vì cái gì, vẫn một ánh mắt nhìn kín đáo, rõ là không chú mục biểu lộ một soi mói riêng tư nơi một ai. Ngồi chung bàn đầy rượu, Mậu không uống được nhiều, vẫn tỏ ra thân thiện, luôn tôn trọng mọi người.

CTB