Trần Lê Nguyễn, thuộc lớp nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia thời trước 1975. Ông rời quê rất sớm, mới mười mấy tuổi đã xuôi Nam đi làm cho hãng Dai Nam Koisi của Nhật, rồi viết văn, viết báo, viết kịch…

Năm 1956, Trần Lê Nguyễn viết vở kịch Bão Thời Đại, vở này đoạt Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc.

Năm1957 Trần Lê Nguyễn tham gia nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo và trở lại với thơ. Thời kỳ này Trần Lê Nguyễn nổi đình đám với vở kịch nói Quán Nửa Khuya. Là người sống hết mình trên các đường phố của Sài Gòn xưa, Trần Lê Nguyễn đã nhận định về bản thân như sau:

Nửa đêm những người yêu nhau nhảy slow

Kẻ hút “pip’’ đi một mình bờ đại lộ

Vì không ai yêu mình

Hay mình không yêu ai

Với Nguyễn này, Trần Lên Nguyễn có mối liên hệ thời trẻ. Khoảng năm 1955, lúc Nguyễn còn học trung học và bắt đầu làm thơ, nghe tin Trần Lê Nguyễn làm chủ bút báo Mùa Lúa Mới của Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn đến gặp và đưa đăng một bài thơ. Đó là bài Người Em Cách Một Nhịp Cầu, nay chỉ còn nhớ một hai đoạn:

Em về bên kia nhịp cầu

Không hẹn ngày mai gặp lại

Vì dòng sông ấy còn sâu

Vì máu dân mình còn chảy

Chắc gì những chuyện mai sau

Biên thùy xây bằng non ải.

Kịch tác gia Trần Lê Nguyễn

Qua lần gặp ấy, ấn tượng còn lại với Nguyễn là hình ảnh một gã đàn ông hốc hác, gầy ốm. Sau này, qua bao đổi dời -CS chiếm Miền Nam, học tập cải tạo, ra tù lang thang kiếm sống trên đường phố Sài Gòn- Nguyễn gặp lại Trần Lê Nguyễn ở hẻm cà phê Hồ Hoàng Đài trên đường Tự Đức. Đây là nơi dừng chân của các họa sĩ, nhà văn lỡ thời: Đinh Cường, Trịnh Cung, Hồ Thành Đức… Trần Lê Nguyễn cũng ghé tới quán cà phê này. Anh đi chiếc xe đạp cũ, trong cái giỏ trước xe có để một số tờ báo, tạp chí… Lúc này anh đi bán báo qua ngày. Ngoài ra nghe đâu anh còn môi giới bán tranh.

Theo TRẦN ÁNG SƠN trên Văn Chương Việt:

Trần Lê Nguyễn được Hội Văn Nghệ Thành Phố giao một phần kiosque 36, anh hý hoáy đóng kệ đem một ít tranh của Nguyên Khai, Mai Chửng, Nghiêu Đề, những sách hội họa xuất bản ở Pháp bày bán, chưa kể những món thuộc loại “chà đồ nhôm” cũng được bày biện một cách trang trọng. Hàng ngày anh ra kiosque đóng vai ông chủ, phì phèo chiếc ống vố, có khi Tây đến hỏi mua một món gì đó, anh xổ nho Tây thật oách. Vắng khách, anh lôi chai rượu thuốc tự thưởng cho mình một chung cũng đủ qua ngày. Không đi nhậu nhẹt bê tha, anh sống mẫu mực hơn bọn chớm già như chúng tôi. Một hôm Hồ Thành Đức rủ tôi đến nhà anh chơi.

Nhà Trần Lê Nguyễn ở khu cư xá cổ Bến Chương Dương, sau khi len lỏi leo mấy lượt cầu thang hẹp chúng tôi tìm ra nhà anh, cảm giác đầu tiên của tôi là hơi ngạc nhiên vì từ nhà anh phát ra những tiếng kêu chim chẳng ra chim, gà chẳng ra gà, khi cửa mở những gì nhìn thấy làm tôi thích thú. Cả một căn phòng 4 bề toàn chuồng là chuồng, trong đó lúc nhúc những chú chim cút, độ chừng không dưới 500 con, mùi chim và mùi chất thải bốc ra một cách rất là… “đời thường”. Chẳng cần dài dòng anh kéo chúng tôi sang phòng kế bên, trong phòng treo khá nhiều tranh, có cả tranh Thái Tuấn, Tạ Ty. Chuyện sau đó diễn ra giữa anh với Hồ Thành Đức, tôi đi quanh phòng ngắm tranh nhưng lòng mênh mang: có thật đây là cuộc sống của chúng tôi?

Xem thêm:   Kỷ niệm với nhà văn Dương Nghiễm Mậu

Nhà văn Trần Lê Nguyễn bị tai biến mạch máu não, từ trần đêm 7 Tháng Bảy, 1999, thọ 76 tuổi.

Để hiểu rõ con người và tác phẩm của Trần Lê Nguyễn, mời độc giả đọc trích đoạn bài viết của VIÊN LINH nhan đề:

Trần Lê Nguyễn.

thơ kịch và phim

Trần Lê Nguyễn là một kịch tác gia nổi tiếng không thua gì Vũ Khắc Khoan, Vi Huyền Đắc, ngay thập niên ’50 những vở kịch của ông như Bão Thời Đại, Quán Nửa Khuya hay Đêm Ba Mươi đã được nhắc nhở, được trao Giải Văn Chương Toàn Quốc bộ môn kịch, tuy rằng những vở này chỉ mới đăng trên các tạp chí, hay trình diễn trên làn sóng điện các đài phát thanh, mà chưa từng được dựng trên sân khấu.

Thính giả nghe thoại kịch dù nghe ngang ở khúc giữa cũng có thể đoán đó là kịch Trần Lê Nguyễn bởi đối thoạt rất chọn lọc, lúc nào cũng đầy xung đột, mâu thuẫn, giọng nữ phải là gái Hà Nội, giọng nam phải là một trí thức nghệ sĩ, vai chính thường là đạo diễn hay họa sĩ, và âm thanh bố trí tới hai ba tầng, tiếng ly tách lanh canh va chạm cùng tiếng cười, hay hơi thở, và một điệu nhạc hòa âm xen vào đúng lúc, chúng tôi nghe và biết đó là kịch của “anh ba họ.” [Trần Lê Nguyễn]. Ngoài đời đạo diễn không là ai khác, chính tác giả Trần Lê Nguyễn, và họa sĩ không là ai khác, chính là Ngọc Dũng người bạn thân của anh.

Song song với kịch ông còn có thơ, thơ mới hay thơ tự do, đặc biệt thơ ông có địa vị trên các tạp chí văn học lớn như Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Văn Nghệ.

Saigon mưa

Đế giày tôi lủng hai bên

Những chiều Saigon mùa mưa như chiều nay

tôi đi bằng gót qua nhiều lề đường đọng nước

Đĩa nhạc quay tròn quay tròn

âm thanh nổi

Tờ báo buổi chiều loan tin chiến sự xứ Lào

Mưa lại rơi

như tháng bảy mưa rơi ngoài Bắc

Hà Nội không còn

 

Sáng qua tôi gặp cô gái phố Hàng Ngang

Ngoài kia đâu còn Hà Nội

Có những người chết đi mất xác bên Cầu Kiệu

Con đường hành quân thủa trước vắt qua Dốc Mơ gặp mộ người nữ cứu thương Thái

– mortier Tây bắn ở Tuy Hòa chết không hay đâu còn Hà Nội

 

Tôi trú mưa đầu phố

Giày tôi vào nước từ lâu

Gió tạt quán rượu góc đường Charner thủa trước

Ly rượu anh thủy thủ trên đất liền

 

Người đàn bà Pháp chờ taxi cô độc

Đây không là Paris

Sao tin chiến sự Vientiane làm nhớ thương Hà Nội

Sao Hà Nội nhắc những người chết đi

Tôi đi nhận lá thư không đến chiều nay

Sao lại gặp Sàigòn mưa như trời mưa xứ Bắc.

(Trần Lê Nguyễn,

Thế Kỷ Hai Mươi, 1960) (1)

Khoảng 1955 người viết bài này đã được đọc tạp chí Mùa Lúa Mới xuất bản tại miền Trung, tờ báo dầy dặn, bài vở chọn lọc đậm màu sắc kháng chiến, bởi các tác giả góp mặt phần lớn là những người cựu kháng chiến: Nguyễn Văn Xuân, Trần Lê Nguyễn, Võ Thu Tịnh … sau này cũng đã được gặp hay nói chuyện với họ, và đọc họ nhiều hơn. Hôm 18 tháng 4, 2015, tình cờ tôi lại nhìn thấy tên một trong những tay cựu kháng chiến này – Trần Lê Nguyễn – trong phim Đất Khổ do Hà Thúc Cần đạo diễn dựa trên phân cảnh truyện phim cùng nhan đề của Hà Thúc Như Hỷ, trình chiếu lúc 3 giờ tại rạp Ultraluxe thuộc thành phố Garden Grove, trong khuôn khổ Viet Film Fest. Thấy lại mấy khuôn mặt bạn bè khác trong phim: nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, nhà văn Sơn Nam và chiếc xích lô máy. Trần Lê Nguyễn chỉ góp phần trong sở trường của nhà viết kịch. …

Xem thêm:   Truyện ngắn của Tiểu Tử

Những kẻ vô tâm hay có tâm địa riêng viết ra rằng Trần Lê Nguyễn ham sống, ham ăn chơi… bằng nghề cờ bạc; đành rằng thơ anh có nói đến Đại Thế Giới, và thế giới ban đêm của Hòn Ngọc Viễn Đông trước 1954 (anh vào Nam khoảng 1953); đành rằng thơ anh ra vào những tay anh chị thuở Bình Xuyên, tay búa tay rìu, đành rằng bạn hữu tìm anh khắp nơi không thấy, mà tới sòng bài Kim Chung có nhiều hy vọng gặp anh hơn cả, song rêu rao một đạo diễn không thành công bao nhiêu vì cây thẻ cỗ bài là đem chuyện đời tư viết thành chuyện văn sử.

Trần Lê Nguyễn sống trong một ngõ hẻm ngoằn ngoèo ở Bến Chương Dương. Có cố nhớ cũng không nhớ nổi căn nhà ấy. Cầu thang nhỏ hẹp, ọp ẹp, nhưng vào lọt bên trong rồi thì thật thích: một căn phòng dài nhiều cửa, cửa nào nhìn ra cũng thấy những mái nhà. Cả chục mái nhà phía trước. Trên tường treo một hai tấm tranh thật đẹp, của Ngọc Dũng, kể cả tranh lõa thể của Modigliani.

Giao duyên

Từng kiếp sống bồng bềnh

Bước chân lầy lối ngõ

Tiếng gọi đò hối hả

Giữa khuya

Ngọn đèn ai còn đỏ lửa

Mười năm trời không làm thơ

Đêm nay bút cầy luống chữ.

Ngoại ô trời đen khói bụi

Mái nghèo

Đồng ruộng mông mênh

Lạc lõng vào đây vài ổ đĩ

Đèn khuya cửa ngõ

– Đêm qua Sáu Nhỏ không về!

Trôi dạt vào đây vài anh chị

Búa rìu bằm nát tay trai

Có tiếng la trời ơi ới.

(Trần Lê Nguyễn, Sáng Tạo, 1958)

Khung cảnh của bài thơ là khung cảnh con ngõ của anh. Sau này tôi được biết, đó là khu nhà của ông tỷ phú Nguyễn Đình Quát cho anh ở nhờ, hay thuê với giá rẻ. (Ông Quát này sau có ra tranh cử tổng thống Việt Nam Cộng Hòa). Đám cưới của anh, tôi vô tình trở thành người “mừng cúng” nhiều nhất. Anh báo tin lấy vợ tuần tới, người khác giúp thế nào cũng được, riêng tôi chỉ cần cho anh mượn vài vở kịch. Nguyên là những năm làm trong bộ biên tập Đài Tự Do, một đài đen do người Mỹ tài trợ, anh Phan Tùng Mai (con trai nhà cách mạng Phan Văn Hùm) và tôi thay nhau cung cấp cho đài những vở kịch 30 phút, khoảng 5 nhân vật, cứ hai tuần đến lượt phải cung cấp một vở mới. Trước sau trong mấy năm tôi viết được 27 vở. (4) Anh nói tôi có mừng đám cưới anh thì viết cái giấy cho anh quyền bán lại vài vở kịch tôi đã bán cho VOF để anh lấy bán lại cho một đài nào đó, không còn nhớ đài nào. Nhuận bút tùy theo đài, riêng Đài Tự Do (thời Đại Úy Vũ Quang Ninh làm trưởng ban chương trình) trả 5 nghìn một vở. Sau tôi nghe nói làm sao không biết, anh bán được tới 7 vở của tôi cho một đài khác. Tôi có hỏi anh, anh chỉ cười hề hề, nói rằng quà cưới của tôi lớn nhất, nhưng chỉ anh bán lại được thôi, chính tôi có bán cũng không chắc được, đừng tiếc.

Xem thêm:   Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội từ trước 1975

Tôi có nhiều dịp đăng bài của Trần Lê Nguyễn. Anh tên thật Nguyễn Huy Tạo, người Sơn Tây, sinh năm 1923 (có nơi viết 1924). Các nhà văn miền Nam có năm bảy người viết kịch, như Nghiêm Xuân Hồng, Nhật Tiến, Dương Kiền, Phan Tùng Mai, Thanh Tâm Tuyền, Viên Linh, song sống kịch chỉ nên kể Vũ Khắc Khoan và Trần Lê Nguyễn.

Tháng 10, 1974, Trần Lê Nguyễn ghé tạp chí Thời Tập do tôi làm chủ nhiệm, trao cho tôi vở kịch mới nhất của anh: “Ngôi Nhà Trên Đồi Thông.” Vở kịch ghi rõ: Thời gian: một năm gần hết cuộc chiến này.

Hãy thưởng thức đoạn kết của vở kịch, xảy ra tại một đô thị trên vùng cao nguyên [nên hiểu là Đà Lạt, địa danh thường thấy trong thơ Trần Lê Nguyễn].

Ngôi nhà trên đồi thông

Bường (người con gái ngoài 30 tuổi): Sao lại nhà hoang? Nhà này là nhà riêng của ba tôi để lại cho tôi mà?

Liên (người nữ diễn viên độ 25, 26 tuổi): Nhưng cô không chịu nhận lấy mà bỏ đi hoang nên mọi người coi đấy là nhà chung. Cô phải đuổi hết những người chiếm ngụ vô quyền đi về đây mà ở thì nó mới hết là nhà hoang được.

Bường: Cô này nói nghe cũng được đấy. Mà cô là ai mà biết rõ về ngôi nhà này quá vậy? Là nữ diễn viên phải không?

Liên (giận dỗi): Không là nữ diễn viên gì hết. Tôi là vợ của anh Điềm.

Điềm (hơn 40 tuổi, viết kịch – bàng hoàng): Sao Liên lại nói vậy?

Liên (xúc động): Anh quên là đã có lần anh hỏi Liên làm vợ rồi ư? (xa, chậm). Đấy là buổi sáng mùa Thu đúng ngày anh vào Nam. Anh đến thăm lần cuối cùng ngôi nhà đường Quan Thánh ở chỗ tầu điện tránh nhau. (5) (Vui sướng): Em đưa anh đi chơi ngoài vườn hoa, và nhớ rõ buổi sáng ấy em đẹp tuyệt vời. Không hiểu vì đâu ở tuổi 11 em bỗng nói với anh ý nghĩ ngộ nghĩnh muốn lấy chồng. Nghe thế, anh cười nhấc bổng em lên cao: Thật không? Vậy anh hỏi em làm vợ. Anh sắp đi xa. Ngày về anh sẽ cưới em. (Dịu nhẹ): Có phải đúng như thế không anh?

Điềm (thấp): Anh không ngờ là Liên còn nhớ.

Liên (hân hoan): Làm sao mà em quên được… Khi được sang du học Đông Đức, em đã trốn sang Tây Đức tìm về miền Nam (buồn). Em hỏi tên những người về hồi chánh không thấy tên anh Hạo em… Cho nên lúc này, ở đây, em không có ai là thân thích.

…Màn hạ….

(Trần Lê Nguyễn, Thời Tập số 14, tháng 11.1974)

VIÊN LINH