LÊ MAI LĨNH
Chân Dung Người Lính
Thi Sĩ Miền Nam
Nhà thơ Lê Mai Lĩnh, tên thật Lê Văn Chính là người Quảng Trị, học trường Nguyễn Hoàng. Thời đi học Lê Mai Lĩnh có bút hiệu là Sương Biên Thùy. Khởi viết từ năm 1958, với nhiều thể loại. Trước năm 1975 từng cộng tác với Nghệ Thuật, Khởi Hành, Gió Mới, Ngàn Khơi, Văn, Tiền Phong…
Cựu Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Sau 75 qua nhiều trại tù Cộng Sản từ Nam ra Bắc.
Hiện định cư tại thành phố Pittsburgh – Pennsylvania – Hoa Kỳ
Tập thơ đầu tay của ông là “Nỗi Buồn Nhược Tiểu” xuất bản ở tuổi học trò đã nói lên tấc lòng nặng nợ non sông của ông khi còn rất trẻ. Suốt thời gian dài, từ tuổi học trò tới khi đầu bạc, Lê Mai Lĩnh không ngừng xông xáo trong lãnh vực thơ văn với lòng yêu nước. Chân Dung Người Lính Thi Sĩ Miền Nam Lê Mai Lĩnh là tác phẩm mới nhất của ông. Sau đây, mời các bạn theo Vũ Hoàng Thư vào cõi thơ của Lê Mai Lĩnh. Nguyễn & Bạn Hữu
VŨ HOÀNG THƯ
Rất bất ngờ tôi nhận được tập thơ Chân Dung Người Lính Thi Sĩ Miền Nam Lê Mai Lĩnh của tác giả gửi tặng. Bất ngờ vì trước đây chưa được quen biết với ông, mặc dầu ở một thời xa xưa lắm gần 60 năm trước tôi đã nghe tên Sương Biên Thùy và Nỗi Buồn Nhược Tiểu ở Nha Trang. Dạo đó, dù chưa đọc nhưng tên tập thơ cũng đủ gợi khêu ở tôi những ý thức phản kháng về một thân phận và số phần đã được xếp đặt của dân tộc mình. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa có dịp đọc tập thơ ấy, nhưng tên Sương Biên Thùy thì tôi nhớ mãi vì tính cách lãng đãng và lãng mạn của bút hiệu đó. Mỗi khi nhắc đến, tên Sương Biên Thùy đều gọi tôi về một miền sương tỏa nhẹ nhàng, ngất ngây của thời mới lớn, Sương in mặt, tuyết pha thân / Sen vàng lãng đãng, như gần như xa… (Kiều). Quá khứ chạy vòng, biết bao là nước chảy qua cầu nhỉ!
Và giờ đây, Sương Biên Thùy trở thành Lê Mai Lĩnh trong tập thơ trước mắt tôi! Ông tả chân dung và thân phận mình trong bài thơ Chân Dung Người Lính Thi Sĩ Miền Nam:
Bảy năm làm lính
Tám năm, sáu tháng làm tù
Năm mươi sáu năm cầm bút xung phong
Giờ 72, mình vẫn không muốn làm người đào binh
(Chân Dung Người Lính Thi Sĩ Miền Nam)
Khí khái và trách nhiệm làm sao! Ông chỉ xin một điều ở cuối bài thơ, Ðể mình còn là CON NGƯỜI. “Con người” được viết bằng chữ in hoa! Chỉ chừng đó đã nói lên tính nhân bản của tập thơ và con người Lê Mai Lĩnh! Ta phải hiểu vì sao tác giả khẩn thiết xin chỉ một điều, được làm con người. Bởi chưng con người Việt Nam đã bị bức hại, đọa đày sau cuộc “thắng trận” mùa xuân năm 1975. Ở nhà tù nhỏ Vĩnh Phú của Lê Mai Lĩnh năm 1979 hay ở ngoài nhà tù lớn có tên Việt Nam, Một ngày như mọi ngày: Sáng, một khúc sắn nhí / Trưa, hai chén sắn lưng / Chiều, lưng hai chén sắn / Làm, tám tiếng còng lưng (Một ngày như mọi ngày). Chính sách thắt chặt bao tử dân để dễ trị luôn là chính sách của nhà nước độc tài đảng trị. Chế độ hà khắc ấy ngay cả Võ Văn Kiệt, thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam phải thú nhận “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” về cuộc “đại thắng mùa xuân”!
Cuối cùng người thi sĩ miền Nam ấy cũng đành phải nuốt nghẹn, bỏ nước, bỏ tất cả những gì yêu dấu nhất để ra đi, có đau đớn nào bằng,
Dẫu thế nào rồi cũng phải đi
Ðành đoạn ra đi
Thà chọn cho mình một kiếp lưu đày
Hơn bị lưu đày trên chính quê hương
(Lời tạ lỗi)
Tôi chưa đọc hết tập thơ nhưng mở bất chợt vài nơi cũng đã thấm thía về một giai đoạn đen tối nhất của đất nước mà thi sĩ miền Nam Lê Mai Lĩnh cũng như hàng triệu quân dân cán chính miền Nam phải gánh chịu sau 1975.
Bên cạnh những cay đắng can qua, ta vẫn bắt gặp một con người thơ mộng và lãng mạn Lê Mai Lĩnh qua những bài thơ tình. Ðan cử một thí dụ, tính dí dỏm và trung thành với tình yêu của nhà thơ, dù tuổi đã cao.
Này cô láng giềng
Rồi cũng có ngày sau hơn 60 năm
Cô và tôi gặp lại nhau
Tôi được chiêm ngưỡng nhan sắc cô
Vẫn như thuở nào.
Ðẹp hết sẩy
Dẫu đã hơi bị tra
Nhưng nếu được phép lựa chọn
Tối chọn cô, không chọn những cô gái 30, 40
(Đôi điều xin phép nói thêm với cô láng giềng)
Tháng Tư đen trở về, lòng người viễn xứ không ngừng nôn nao từ 48 năm qua. Tháng Tư ngồi đọc thơ Lê Mai Lĩnh với tất cả ngậm ngùi. Thơ ông viết thẳng từ lòng và nói thẳng vào mặt bạo quyền không sợ hãi. Nói như thế. Như tên thật của ông, Lê Văn Chính. Chính danh thì không sợ cường quyền, áp bức! Tháng Tư cũng là tháng để mọi người Việt Nam cùng ngồi chiêm nghiệm về lịch sử của cuộc chiến trong thế kỷ vừa qua. Có thể nào lời thành khẩn của Lê Mai Lĩnh trong bài thơ “Chân Dung Người Lính Thi Sĩ Miền Nam” trở thành hiện thực trên đất nước Việt Nam, Ðể mình còn là CON NGƯỜI? Khi con người chưa được sống với tất cả phẩm hạnh, nhân quyền xứng đáng của con người trong xã hội thì nhà nước ấy chưa phải là NHÀ, chưa phải là NƯỚC của nhân dân…
VHT
(Nguồn: T.Vấn & BẠN HỮU)