Nhà thơ Huy Tưởng tên thật là Nguyễn Đức Hiệp. Ông sinh năm 1942, tại xã Đức Phú, huyện Tam Kỳ, Quảng Nam.

Huy Tưởng làm thơ và nổi tiếng từ trước năm 1975 trên các tạp chí tại Sài Gòn, và bây giờ là ở hải ngoại này. Ông là một khuôn mặt thơ có nhiều sáng tạo về tư duy và ngôn ngữ. Thơ ông vượt ra ngoài các khuôn khổ’ nhà thơ cùng thời. Ngôn ngữ thơ Huy Tưởng đậm chất thiền, thơ luôn phá vỡ logique, đẩy hữu thức sang tiềm thức. Cái thực và cái lãng mạn. Cái phi lý đứng bên cạnh cái hữu lý. Tất cả như bùng vỡ trong thơ. Để cảm nhận sâu hơn về thơ Huy Tưởng xin mời đọc bài viết (trích đoạn) sau đây của Phạm Chu Sa: Từ Mưa Trong Vườn Chiêm Bao tới Đêm Vang Hình Tiếng Chuông. NGUYỄN & BẠN HỮU

Phạm Chu Sa

Tựa những tập thơ Huy Tưởng nghe rất thơ: “Mưa trong vườn chiêm bao”, “Áo nguyệt ca”, “Hỏi đường cùng mây trắng”… và, rất lạ: “Một mùa tóc mộ”, “Trăng kêu xanh trong đá”, “Đêm vang hình tiếng chuông”…

Từ tập đầu đến tập mới nhất cách nhau hơn nửa thế kỷ. Đó là những bước dài trên con đường sáng tạo của Huy Tưởng. Từ ngữ và nhịp điệu trong thơ Huy Tưởng lúc nào cũng mới, luôn có sự tìm tòi cách tân. Thực mộng trộn vào nhau. Đôi khi ẩn dụ khó hiểu, như: “Đá rựng tà dương / Máu biếc xanh trên vai người em nhỏ / Trườn cánh chim / Ôi còn mải miết chiều phai”. (Người Yêu). Ai hiểu không? Mà cần gì phải hiểu. Đọc thơ thấy cảm là sướng rồi. Nhưng cũng có những câu cực kỳ thơ – mộng – mị: “Gió thổi xanh màu trăng đang rơi / Đêm xuân ai giũ mộng bên trời / Tôi nằm tơi tả cơn mưa nhỏ / Đắp một tờ hoa đã lỡ lời…” (Chim mùa xuân bay về lối thu không). Hoặc những câu trong bài “Những ngày cạn gió” không cầu kỳ mới lạ nhưng được viết với một nhịp điệu đầy nhạc tính. Đây đúng là Thi Ca: “Trôi dạt mãi. Đợi hết ngày cạn gió / Chúng tôi về. Chiều đã lấm đầy tay / Những con sông. Dòng suối. Những rừng cây / Cũng thắp nốt ngọn nến vừa hụt bóng…”. Thơ Huy Tưởng nhiều khi có sự pha trộn giữa triết lý và lãng mạn. Chỉ cần đọc tựa các tập thơ “Những âm màu xô dạt”; “Đêm vang hình tiếng chuông”… đã rất gợi hình, gợi bóng, gợi âm, gợi nhớ và gợi gì gì nữa… Nhưng thôi. Không trích và nói về thơ nữa, sai tiêu chí tôi tự đặt ra là không viết về văn chương, chỉ viết về những kỷ niệm với tác giả. Chuyện bên lề văn chương.

Tôi đọc Huy Tưởng từ cuối những năm 1960 trên các tạp chí văn học nghệ thuật: Văn, Vấn Đề, Khởi Hành… và, dĩ nhiên, sau này trên tuần báo Tuổi Ngọc – nơi tôi làm việc, Huy Tưởng thường gửi thơ cộng tác. Nhất là thời kỳ Từ Kế Tường – bạn thân của Huy Tưởng, còn làm thư ký tòa soạn. Năm 1973 Tuổi Ngọc tổ chức phỏng vấn một số nhà văn nhà thơ cộng tác với Tuổi Ngọc. Tôi nhờ Từ Kế Tường, bấy giờ đã rời Tuổi Ngọc – phỏng vấn Huy Tưởng. Bài trả lời phỏng vấn của Huy Tưởng thật hay, thật chi tiết, chữ viết rất bay bướm trên giấy trắng tốt khổ lớn khá trang trọng. Khác hẳn bài tôi phỏng vấn Mường Mán với những câu hỏi đơn giản và phần trả lời của tác giả “Lá tương tư” cũng khá giản đơn trên giấy tập học trò, như tính cách giản dị của nhà văn. Bài phỏng vấn tôi ký tên thật Phạm Đình Thống. Hai bài phỏng vấn đăng trên hai số báo gần nhau, nên bạn đọc dễ nhận ra tính cách của một nhà thơ và một nhà văn cùng thời.

Nhà thơ Huy Tưởng 

Tôi biết Huy Tưởng từ năm 1970 khi ngẫu nhiên nơi tôi thuê ở trọ cách nhà anh mấy trăm mét. Huy Tưởng vừa xuất bản tập thơ thứ hai “Một mùa tóc mộ”. Sách trình bày rất đẹp, in trên giấy tốt, quá sang so với mặt bằng chung những tập thơ in rất đơn giản của các thi sĩ hầu hết đều nghèo, chắt bóp tiền túi in thơ, chủ yếu để tặng. Sau 1975, Huy Tưởng mở một quán cà phê rất nhỏ trên con đường nhỏ Bà Lê Chân bên hông chợ Tân Định – và lấn chiếm thêm cái vỉa hè cũng rất nhỏ. Quán có tên là Faifo, nhưng mọi người quen gọi là quán Huy Tưởng. Quán là nơi gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ cũ bấy giờ hầu hết thất nghiệp, nghèo tiền nhưng rất giàu thời gian. Trong đó có nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi. Nổi bật nhất là thi sĩ Bùi Giáng vốn đồng hương và quen Huy Tưởng từ lâu, thỉnh thoảng tạt qua Faifo. Ông mang đủ thứ đồ lỉnh kỉnh trên người: giỏ rách, áo mưa, nón lá, chổi lông gà… ngồi uống ly cà phê, rồi đứng lên múa may chọc ghẹo mọi người. Không ai có thể khẳng định Bùi Trung niên thi sĩ điên thật hay giả điên? Nhiều anh em ghé quán Huy Tưởng chủ yếu hỏi thăm bạn bè, người còn kẻ mất; kẻ ở người đi (vượt biên). Bấy giờ là thời bao cấp với muôn vàn khó khăn đối với những thị dân nghèo – nhất là văn nghệ sĩ vốn trước kia sống nhờ ngòi bút, cây cọ. Chỉ có vài kẻ xu thời, bị mọi người gọi xách mé  là loại cách-mạng-ba-mươi, bôi mặt làm bồi bút cho bên thắng cuộc kiếm miếng cơm manh áo. Còn hầu hết coi như bẻ bút, vất cọ sống lây lất qua ngày. Bao nhiêu ẩn ức chất chứa trong lòng, ghé quán Huy Tưởng để trút bầu tâm sự với bạn bè. Cũng có người nghe nói quán Huy Tưởng thường có các văn thi sĩ nổi tiếng đàn đúm, họ ghé uống ly cà phê cốt để nhìn mặt những thần tượng mà trước kia họ chỉ biết tên… Đâu ngờ các thần tượng giờ rách te tua, tụ tập tán chuyện trên trời dưới biển. Có khi cãi nhau chí chóe! Tôi thì chỉ thỉnh thoảng ghé qua chốc lát, cốt tìm gặp vài bạn cũ… Sau này khi tôi vào Chợ Lớn mở nhà thuốc, cả ngày bận rộn, ít có dịp trở lại quán Huy Tưởng. Và cũng không biết quán dẹp khi nào…    Có thời gian Huy Tưởng cũng lê la ra quán 81 ngồi với vài bạn thân cũ, mới: Nguyễn Tôn Nhan, Hoàng Ngọc Tuấn, Mịch La Phong, Nguyễn Lệ Tuân, Nguyễn Đình Thuần, Phù Hư… Và chỉ hai câu thơ chàng viết về quán 81: “Cụng ly / danh tánh rình rang / Ra về / phù phiếm ngổn ngang / theo về” đã phác họa được những cuộc nhậu nhẹt đàn đúm ở quán văn nghệ 81.

Xem thêm:   50 năm tạp chí Khởi Hành - Hồi tưởng của Viên Linh

Mãi sau khi tôi nghỉ kinh doanh nhà thuốc, quay trở lại làm báo, tôi mới biết vợ chồng Huy Tưởng đã mở quán ăn Phố Hoài ở nhà mới của anh trên đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3. Quán tuy khuất trong con ngõ cụt nhưng có khoảnh sân vuông vức xinh xắn, không gian khá êm đềm, khung cảnh lãng mạn. Nhất là về đêm. Quán chuyên bán đặc sản Quảng Nam như mì quảng, cao lầu… với đầu bếp nấu khá ngon, thu hút thực khách đồng hương Quảng Nam – và cả những người không phải dân Quảng nhưng khoái món Quảng cũng tìm đến.

Tập thơ Đêm vang hình tiếng chuông

Bấy giờ cuối những năm 1990 – đầu 2000, ngẫu nhiên có 3 cái quán của 3 nhà thơ là quán Phố Hoài của Huy Tưởng, quán Đất Phương Nam của Phù Hư (hùn với bạn) và quán Cối Xay Gió của Trần Từ Duy (tức nhà thơ trào phúng Đông Ki Rét) cùng nằm trên con đường nhỏ Huỳnh Tịnh Của, mỗi quán cách nhau chừng vài ba trăm mét! Nhưng tối nào các quán cũng đông khách. Bởi cái gu của thực khách mỗi quán khác nhau. Có điều thú vị nữa là hầu như ngày nào hai ông nhà thơ Huy Tưởng và Trần Từ Duy tuy có quán nhưng cũng đến “ngồi đồng” ở Đất Phương Nam. Có khi ngồi từ trưa đến tối. Có lẽ nhờ Đất Phương Nam có không gian rộng rãi thoáng đãng hơn quán nhà. Và nhất là có nhiều anh em văn nghệ thường ghé lại gặp gỡ, đàn đúm tán chuyện. Thời gian này tôi cũng thường bù khú ở Đất Phương Nam nên thường gặp và trò chuyện với Huy Tưởng. Nói đủ chuyện đông tây kim cổ. Ít nhắc chuyện văn chương.

Xem thêm:   Hà Thúc Sinh. Cuộc đời và tác phẩm

Thời kỳ này hình như Huy Tưởng ít làm thơ, mà chuyển sang dịch. Tiểu thuyết “Chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay” của William Saroyan. (khi tái bản anh đổi tựa là “ Người với trái tim trên miền cao nguyên”) được Huy Tưởng dịch rất thơ mộng.…Anh tặng tôi bản in lần thứ hai, với lời đề tặng thân tình rất cảm động. Và vẫn nét chữ rất bay bướm nhưng mạnh mẽ như mấy mươi năm trước, không có dấu hiệu gì của tuổi tác. Anh còn dịch chung với Phạm Viêm Phương tuyển tập “Tuyết trên ngọn Kilimanjaro” của Hemingway; và Thơ Ca, Poe’sie của Georges Jean cho tạp chí Da Màu…Năm 2007, Phan Nhật Nam từ Mỹ về quê Quảng Trị làm mộ cho mẹ. Khi trở lại Sài Gòn, anh nhờ tôi chở đến thăm Huy Tưởng, lúc này đang bệnh. Hai người bằng tuổi nhau. Phan Nhật Nam dẫu từng đi tù cải tạo gần 15 năm, nhưng vẫn rất cứng cỏi, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Chia tay Huy Tưởng, trên đường về, Phan Nhật Nam ngậm ngùi nói với tôi, thấy bạn ốm đau đi lại khó khăn mình xót quá,  nhưng biết làm sao. Mỗi thằng đều có cái số, cậu ạ. Tôi nói, Huy Tưởng trông vậy chứ có nghị lực sống mãnh liệt lắm đấy.

Nàng bềnh bồng theo tiếng chuông thoai thoải dốc Nhà Chung. (Tranh: Đinh Cường)

Rồi Huy Tưởng dẹp hay sang quán, bán nhà khi nào tôi cũng không biết. Chỉ nghe tin khi vợ chồng anh đã chuyển sang Úc sống với các con. Hơn 10 năm qua ở Úc, hình như Huy Tưởng làm thơ không ngơi nghỉ. Các tập thơ mới in số lượng bài nhiều đến nỗi anh phải đề bằng con số! Xin giới thiệu nguyên bài số 221 trong tập “Đêm vang hình tiếng chuông” rất hay: “Cao Xanh / Ồ cao và xanh / Cớ sao đứng mãi trên cành lắt lay? / Xuống đây cùng với heo may / Chiều thôi hắt bóng sẽ quay về trời / Cao Xanh / Và Cao Xanh ơi / Gặp nhau ta sẽ trao lời – cố nhiên / Mây vàng hoặc chốn thần tiên / Cũng không giữ được ai trên đời này / Sao ta lại phải về ngay / Khi chưa thả hết thơ đầy thế gian? / Nơi đây khổ lụy nồng nàn!” Tôi nghĩ, đó đúng là tâm trạng Huy Tưởng trong thời gian này.

Xem thêm:   Thảo Trường & ‘Những Miểng Vụn của Tiểu Thuyết’

Ở một xứ sở xa lạ, mênh mông và bình yên đến hiu quạnh như thế đối với một thi sĩ thì chỉ có thể làm thơ thôi! Nhưng phải nói là Huy Tưởng có sức sáng tạo mãnh liệt – nhất là với điều kiện sức khỏe và tuổi tác của anh. Tôi thật bất ngờ khi đọc loạt thơ anh làm những ngày gần đây. Lại phải trích thơ: “Đêm vang như lụa / lướt qua / Thềm trăng đọng tiếng cỏ hoa thì thầm / Khuya. Trầm lắng dệt màu âm / Bóng ai xòe nguyệt / Đêm rần rộ. Hương”. Và xin trích bài cuối (vì đã lỡ lệch tiêu chí – nói nhiều về chuyện văn chương). Bài số 165 – “Bài tình nhân cuối đời giữ lại”: “Lên non / chạm tiếng chim gù / Biết mình đã lỡ đường tu mất rồi / Cùng em / lêu lổng hoa trôi / Mai theo mây trắng / viết lời tình nhân”.

Chúc Thi sĩ khỏe để tiếp tục làm thơ. Tôi nghĩ Huy Tưởng sẽ làm thơ đến hơi thở sau cùng.

PCS