Hoàng Ngọc Tuấn là nhà văn trước 1975 rất được độc giả yêu mến. Xin nhắc lại vài chi tiết về tiểu sử của ông: Hoàng Ngọc Tuấn sinh năm 1947 tại TP Huế, năm 20 tuổi  phiêu bạt vào Nam sinh sống, theo học Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, và bắt đầu nghề cầm bút. Ông được giới trẻ miền Nam đặc biệt yêu thích, đón nhận như một “hiện tượng văn học”.

Hoàng Ngọc Tuấn từng được bình chọn là 1 trong 5 nhà văn được yêu thích nhất của tuổi trẻ miền Nam, do tuần báo Khởi Hành (nhà thơ Viên Linh làm chủ biên) trưng cầu ý kiến bạn đọc. Có lẽ, ông là nhà văn hiếm hoi đã bắt trúng ngôn ngữ và tâm trạng của lớp trẻ vào thời điểm ấy.

Từ năm 1989 – 2005, thấy tác phẩm Hoàng Ngọc Tuấn vẫn còn được giới trẻ yêu thích, NXB Trẻ trong nước tái bản nhiều lần các tựa sách: Tuyển Tập Hoàng Ngọc Tuấn (3 tập), Lời Cầu Hôn, Hình Như Là Tình Yêu… Thế nhưng, Hoàng Ngọc Tuấn vẫn ít được công chúng biết, bởi ông sống khép kín và cô độc. Hầu như ông không viết được gì trong những năm tháng dưới chế độ Cộng Sản. Ông sống buồn bã cho tới khi qua đời do lâm bạo bệnh vào tháng 7-2005.

Để tưởng niệm Hoàng Ngọc Tuấn, ở đây xin nhắc lại lời bình của Võ Phiến về tác phẩm một thời được ưa thích của Tuấn: Thư Về Đường Sơn Cúc. NGUYỄN & BẠN HỮU

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Võ Phiến

Thư Về Ðường Sơn Cúc là một thiên truyện chăng? – Không. Là thơ đấy. Mặc dù Hoàng Ngọc Tuấn không gieo vần, hầu hết các tác phẩm của ông đều có hoặc ít nhiều hoặc rất nhiều tính chất thơ. Ðến như Thư về Ðường Sơn Cúc thì chính là một bài thơ. Bởi vậy, có thể xem đây là tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Ngọc Tuấn, tiêu biểu về một xu hướng sáng tác chính yếu nơi ông.

Từ tác phẩm này đến tác phẩm khác – những tác phẩm “hình như là tiểu thuyết” – Hoàng Ngọc Tuấn mải mê làm thơ về hai đề tài: Tình Yêu và Thiên Nhiên. Trong Thư về Ðường Sơn Cúc, hai mối say mê nọ càng quấn quít mật thiết, càng như chan hòa làm một: Tình yêu giữa người Bạn Lớn với người Bạn Nhỏ được phát khởi do lòng thiết tha của cả hai đối với Thiên Nhiên. Bởi vậy, có thể xem đây là tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Ngọc Tuấn về mặt đề tài.

Người Bạn Nhỏ mà chúng ta gặp ở đây là một người bạn quá nhỏ. Người Bạn Lớn cũng nhận thấy thế, cho nên cuối thư chỉ xin đặt một chiếc hôn ở nơi trán. Nhưng ai nấy hãy yên trí: Trước sau gì rồi chiếc hôn cũng sẽ được đưa xuống xa hơn, cũng sẽ được đặt ở một nơi nào thích hợp với tình yêu hơn. Bởi vì, bất chấp sự cách biệt tuổi tác, đây chính thị là Tình Yêu.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Người Bạn Lớn gửi một lá Thư về Ðường Sơn Cúc. – Ðường ấy ở đâu vậy? Có con đường ấy chăng? Có loài hoa ấy chăng? – Xin nhớ truyện vốn dĩ là bịa! Mặt khác, độc giả có thắc mắc cũng bình thường, vì cái thực tại mà truyện bịa nên thường rất giống thật, trong khi bản tính ngông nghênh của Hoàng Ngọc Tuấn làm cho “thực tại bịa” trong truyện ông nhiều khi trông là lạ. Cái ngông khiến cho hành tung cô Bạn Nhỏ ở đây bị đẩy xa ngoài cõi truyện mà vào cõi thơ huyền ảo, khiến cho cảnh sương mờ cao nguyên ngày nào nhuốm vẻ hư hư thực thực, khiến cho bao nhiêu nhân vật (nhất là những nhân vật phái nữ, được tác giả cưng nhất) và bao nhiêu tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn đều mang những tên gọi thật ngộ nghĩnh.

Những nhân vật ấy và nghệ phẩm ấy như đều nhìn chúng ta, nhoẻn cười một cái cười tinh quái và thông minh. Và như vậy là bởi vì kẻ tác thành nên chúng, ông Hoàng Ngọc Tuấn, là một người vui vẻ. Ông vừa ngông, lại vừa nghịch. Vừa thơ, lại vừa trẻ, cho nên ông quyến rũ vô tả.

VP