Võ Phiến là khuôn mặt quan trọng của văn học Miền Nam và hải ngoại. Ông là tác giả của hàng chục tác phẩm được yêu mến và người có công phục hồi nền văn chương VN trên vùng đất mới. Với một sự nghiệp văn học lừng lẫy và một nhân cách sáng rỡ, Võ Phiến được nhiều người kính trọng. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Song Thao về nhà văn Võ Phiến. Xin cám ơn anh Song Thao và mời  độc giả theo dõi. NGUYỄN & BẠN HỮU

Song Thao

Nguyễn Mộng Giác là người đưa tôi tới gặp Võ Phiến lần đầu vào cuối năm 2006. Chính xác là vào đúng ngày lễ Giáng Sinh năm 2006. Lúc đó anh Nguyễn Mộng Giác chưa vướng căn bệnh ung thư gan ác nghiệt và nhà văn Võ Phiến còn rất khỏe mạnh. Võ Phiến là tác giả tôi mến mộ từ tạp chí Bách Khoa ngày nào. Từ thời sinh viên, tôi đã quen với anh Bốn Thôi nhổ cái lông mũi mà tốn bốn trang giấy in. Võ Phiến là nhà văn có lối viết tỉ mỉ, rề rà mà nếu không quyến rũ được người đọc thì dễ làm các độc giả bỏ cuộc. Tài của Võ phiến nằm trong việc níu kéo được người đọc ở lại với nhân vật của ông. Nhưng có lẽ ông chẳng cần níu kéo. Chính cái rề rà của ông làm cho nhân vật của ông rõ nét hơn, thân mật với độc giả hơn.

Trên xe, trước khi tới nhà, tôi phân vân không biết xưng hô làm sao. Trước đó tôi đã nghe một vài bạn văn cho biết là Võ Phiến chỉ thích mọi người gọi là anh vì trong văn giới không có già trẻ, không có trước sau. Nghe vậy biết vậy, nhưng trong lòng tôi vẫn thấy ngại ngại làm sao. Tôi loay hoay suy nghĩ mãi rồi mới hỏi anh Giác: “Mình phải xưng hô với ông Võ phiến ra sao cho phải?”. Anh Giác vừa lái xe, vừa quay sang nhìn tôi. Một lúc, anh mới chậm rãi: “Anh thì tôi không biết sao nhưng tôi vẫn xưng là bác cháu vì chúng tôi có thân tình với nhau từ lâu, hàng xóm từ xa xưa ở Việt Nam. Tùy anh!”. Trái banh lại được anh Giác đá qua tôi. Tuổi tác thì ông và tôi cách nhau chỉ nhỉnh hơn một giáp, bác cháu cũng kỳ. Nhưng cái bóng của ông quá lớn, anh tôi sao tiện. Ðầu tôi cứ loay hoay cho tới khi anh Giác ngừng xe. Ðã tới nhà. Căn nhà nho nhỏ nhưng rất dễ thương. Mảnh đất trước nhà đầy hoa trái Việt Nam.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Người ra mở cửa là bà Võ Phiến. Nụ cười bà tươi khi anh Giác giới thiệu tôi. Bất giác tôi nghĩ tới tên bà. Ðây là bà Viễn Phố mà chúng tôi ở Montreal vẫn chuyện trò nửa vui đùa nửa thú vị về cái tên của bà. Cái tên thiệt đẹp. Chắc chắn không phải cái tên mà ông chồng nhà văn đặt cho bà vì đây là tên khai sanh có từ thời ông còn một nơi bà còn một nẻo. Nhưng cái tên này đã được ông chồng nhà văn tung hứng để thành một cái tên sẽ còn sống mãi trong văn học sử nước nhà. Ông đã lật ngược cái tên thân yêu Viễn Phố thành bút hiệu Võ Phiến của ông.

Võ Phiến 

Nhà văn Võ Phiến từ trong phòng ra đón chúng tôi với nụ cười rộng. Tôi buột miệng: “Chào bác!’. Vậy là tiếng “bác” bật ra ngoài sự đắn đo của tôi. Câu chuyện trên ghế sa-lông của chúng tôi dĩ nhiên toàn chuyện chữ nghĩa sách vở. Hình như nói tới chuyện viết lách là đúng tần số của một Võ Phiến đã hưu trí mà chưa hề mỏi mệt với chữ nghĩa. Ông hỏi thăm tôi về những anh em văn nghệ ở Montreal. Có những người ông biết như các anh Trang Châu, Hoàng Xuân Sơn. Có những người ông chỉ biết tên nhưng còn xa lạ. Ông xốc nổi: “Anh em còn viết được chi là hay rồi. Làm được chi cứ làm, mà phải làm gấp kẻo không còn thời gian nữa”. Võ Phiến và Mai Thảo là hai nhà văn rất trân trọng những người viết sau. Tôi đồ chừng có lẽ bỗng nhiên bị bứt ra khỏi khối độc giả trong nước, sống nhờ nơi không phải là quê hương của mình, họ thấy trống rỗng. Không nhìn quanh được, họ nhìn ra sau và thấy lạnh gáy nếu đam mê của họ bị trống rỗng phía sau. Vậy nên những người viết sau mang hơi thở làm họ ấm áp hơn.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Ðang nói chuyện, ông bỗng đứng dậy đi vào phòng. Bà Võ Phiến mời chúng tôi dùng nước. Bộ trà rất Việt Nam hài hòa với khung cảnh rất Việt Nam của phòng khách. Tôi có cảm tưởng như ông bà muốn tạo lại hình ảnh quê hương nơi ngoài quê hương. Tôi ngó quanh phòng, nghĩ: không biết căn phòng xưa kia ở Sài Gòn của ông bà có nét nào đọng lại trong căn phòng viễn xứ này không? Một lát, ông ra lại. Tay ông cầm một cuốn sách dày cộm. Ông đưa cuốn sách bề thế cho tôi: “Tặng anh cuốn sách anh em vừa in cho tôi”. Ðó là cuốn “Tuyển Tập Võ Phiến” do Người Việt xuất bản. Cuốn sách nặng trên tay tôi. Những con chữ nằm bên trong nặng, dĩ nhiên. Nhưng nặng cả về đơn vị đo lường. Lúc đó cuốn sách nằm trĩu trên tay tôi. Chỉ khi viết bài này tôi mới thử nghịch ngợm cân. Ðúng 3 kí! Có lẽ anh Phạm Phú Minh, người chăm lo từ A tới Z cho cuốn sách ra đời cũng không hề biết số kí này. Lật tới cuối cuốn sách, số trang là 1080 trang.

Sách bìa cứng, trình bày rất trang nhã trên nền là hình bầu trời xanh nhạt với những đám mây trắng lững thững trôi. Nhà văn Võ Phiến rất trân trọng công sức của  các văn hữu đã hoàn thành cho ông một cuốn sách để đời. Tôi mở sách ngó lướt qua. Mắt rất thư thái với lối trình bày giản dị, sáng sủa, được in trên giấy nền vàng nhạt dịu dàng. Ông cầm lại cuốn sách, chỉ cho tôi trang đầu. Tôi chôn mắt đọc. “Bản của anh Song Thao, Santa Ana 25-12-2006”. Dưới dòng đề tặng là hai câu thơ:

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Gặp nhau quen ít biết nhiều

Văn thơ một chữ trăm điều vấn vương

Tôi cảm động đến ngây người. Những con chữ nho nhỏ, chân phương, ngay hàng thẳng lối như nhảy múa trước mắt tôi. Ông đã nhớ tới những bài phiếm mà đầu đề chỉ độc một chữ của tôi. Hồi đó phiếm của tôi xuất hiện đều đều mỗi số trên tờ Thế Kỷ 21 do anh Phạm Phú Minh làm Chủ Bút. Bà Viễn Phố cho tôi biết rất thích những bài phiếm này. Ông có đọc hay không, tôi không tiện hỏi. Lối viết mà anh em bảo là rất dí dỏm của tôi chắc còn một quãng đường dài mới gần được lối viết cũng rất dí dỏm của ông. Biết đâu chẳng có chuyện đồng khí tương cầu! Nói thì nói vậy cho vui chứ ai có nổi cái dí dỏm của ông:

Nghe đâu Trời sắp gọi ta

Chuyện đâu có chuyện xảy ra lạ đời!

Không ta ai gọi tên Trời?

(còn tiếp một kỳ)