Lời nhắn nhủ
Ðiều tôi muốn nhắn nhủ với các thế hệ nam nữ thanh-niên trẻ là chúng ta phải sống làm sao cho đáng sống kiếp người. Nói theo ngôn ngữ của Lý Đông A, con người phải sống đủ 3 mặt là: Sống – Còn – Nối tiến hóa. Gói gọn là sống Nhân Chủ, dựa vào Nhân Bản, rồi Nhân Chính và Dân Chủ.
Khởi đầu, chúng ta phải cố gắng lưu giữ và trao truyền văn hóa của dân tộc.
Lưu giữ thì nhiều lắm! Chúng ta lưu giữ những gì học hỏi được từ những bậc tiền nhân, các vị bô lão. Chúng ta góp nhặt tất cả những gì đặc biệt của dân tộc mình, dựa trên hòa bình – dân chủ – tự do. Vì dân tộc mình có góp mặt được một cách xứng đáng với nhân loại thì phải tiến tới con người nhân chủ. Dân tộc mình kém dân tộc khác vì mình không phát huy được văn hóa của mình. Tóm lại, đó là việc Vận Động Văn Hóa mà tất cả chúng ta phải góp sức làm.
Việc tái bản tập sách này, Phan Thị Trọng Tuyến và Đặng Mai Lan đang lưu giữ và trao truyền. Nhưng ở đây, tôi không nói về công việc của hai nhà văn nữ. Tôi thấy nhân dịp này cũng nên đóng góp, nhắc nhớ lại những trang sử oai hùng của dân tộc ta.
Trong lịch sử chống Tàu, chúng ta đã có những bài hịch, những áng văn cổ tuyệt vời được lưu lại từ các thời Lý, Trần, với các vị vua, các tướng lãnh kiệt xuất. Nào Trần Thái Tôn, Trần Nhân Tôn, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Quang Trung Nguyễn Huệ. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi xưng đế, chiêu dụ đồng bào, không phân biệt Bắc-Nam, đàng trong đàng ngoài, bằng bài hịch sau đây:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Đánh cho chúng nó không quay xe về được, đánh cho chúng tan tành áo giáp, cho chúng biết nước Nam anh hùng này có chủ! Bạo lực phải có, để tự vệ vì quân địch đã vào thủ đô; trong vòng 10 ngày, vua có một đạo quân cũ mới khoảng 10 vạn người. Tướng tá, dân quân nức lòng dốc sức cùng tiến lên, đánh bật quân Thanh ra khỏi Thăng Long. Khiến Sầm Nghi Đống phải tự vận, quân Thanh chết quá nửa, đạp nhau chạy về Tàu. Gò Đống Đa nay vẫn còn tại Hà Nội.
Và Lê Lợi sau 10 năm kiên trì đánh đuổi quân nhà Minh, chúng ta có hịch của Nguyễn Trãi Bình Ngô đại cáo, là một áng văn cổ tuyệt vời của sử Việt. Ngoài ra, còn có Lý Thường Kiệt:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư…
Nét đẹp trong văn hóa của dân tộc Việt là truyền thống đạo nghĩa đồng bào yêu thương đùm bọc, là đoàn kết giữ vững ranh giới đất nước, dù trả giá đắt chúng ta vẫn hãnh diện còn nói tiếng Việt, không bị kẻ xâm lăng đồng hóa.
Các chiến công ở sông Bạch Đằng, Vạn Kiếp… Các tuyên ngôn bất hủ không ai trong chúng ta có thể quên được. Những Ô Mã Nhi, Toa Đô, Thoát Hoan… thất trận nhục nhã, kẻ chết, người bị bắt.
Những năm tháng bạo lực chỉ là hậu quả của sự tự vệ, giữ gìn sự sống còn của dân tộc và đất nước. Nhưng trong bối cảnh hiện tại của đất nước, Cộng Sản Việt Nam độc tài, đã dùng bạo lực đàn áp kẻ bại trận và đối lập. Quan trọng hơn hết là chúng ta đang đứng trước hiểm họa của giặc ngoại xâm truyền kiếp từ phương Bắc. Chúng ta phải biết đoàn kết, đừng bao giờ là những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống.
Chúng ta chống bạo lực và dối trá, nhưng anh em đồng bào không nên sát hại nhau bởi vì không bạo lực và dối trá nào có thể tồn tại mãi.
Muốn sống hòa bình – tự do, mình phải chống độc tài.
Nếu không có độc tài thì cộng sản chỉ là cái ý nghĩ hoang tưởng, vì quyền tư hữu của con người không thể mất được.
Nên, mình chủ trương không cách mạng bạo lực mà chỉ tạo mạng để kiến thiết. Tức là người Việt sẽ không còn chém giết nhau. Mình phải dựa trên “sống – còn – nối tiến hóa”. Vì dân vạn đại thì đất nước mới trường tồn.
Rút lại, để đi đến nhân chủ là phải Sống – Còn – Nối tiến hóa.
TTH
(lời nhắn nhủ của cựu LS Trần Thanh Hiệp được ghi âm ngày 5/4/ 2024)
– Tiểu Luận và Thơ của cựu luật sư Trần Thanh Hiệp in tại Sài Gòn 1960/1966
– Biển khơi – Normandie tái bản lần thứ nhất tại Pháp 2024
– Đánh máy bản thảo, sửa lỗi, phỏng vấn: Đặng Mai Lan
– Trình bày bìa & Dàn trang: Trúc Tiên
– Chân dung tác giả: Họa sĩ Đinh Trường Chinh
– Phụ bản: Cố họa sĩ Ngọc Dũng, Thái Tuấn và Duy Thanh.
– Sách dầy 240 trang, giá 20 euros.
* Bạn đọc có thể mua sách trên mạng: Lulu.com