Ðây ta hãy nghe Nguyễn Thụy Long viết về bước đầu viết văn của mình:

“Năm 1950. Ở Hà Nội, tôi 10 tuổi, mới đậu xong bằng tiểu học, sửa soạn thi vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường Trung học Chu Văn An. Nghĩa là sẽ trở thành học sinh Trường Bưởi danh tiếng xưa kia đấy. Nhưng là tuổi ăn tuổi chơi. Ba tháng hè, tôi tham gia tất cả những trò chơi trẻ con ở Hà Nội. Ðánh đinh, đánh đáo, sưu tầm programes ở những rạp chiếu phim, xem ciné và đọc truyện.

Có lẽ thứ mà tôi đam mê nhất là đọc truyện. Tôi đọc lung tung đủ thứ truyện, từ truyện kiếm hiệp đến mọi loại tiểu thuyết, in thành từng tập mỏng phát hành mỗi tuần mà cha tôi gọi là tiểu thuyết ba xu. Gom góp từng tập mỏng ấy để đóng lại thành pho sách dầy. Những truyện đăng trên báo tôi cũng cắt đóng lại thành từng tập. Không kể việc sưu tầm từng cuốn tiểu thuyết của Tự Lực Văn Ðoàn mà tôi rất ngưỡng mộ. Tất cả những cuốn sách cũ, đôi khi nát phải tự phục chế. Lý do đơn giản là tôi không có tiền để mua những cuốn tiểu thuyết còn thơm mùi mực in.

Tôi ngưỡng mộ biết bao nhiêu tác giả. Mơ ước ngày nào đó mình được như họ. Tôi mê đến độ, có thể đọc tiểu thuyết bất cứ lúc nào không phải chỉ ở những ngày rảnh rỗi. Thường xúc động về tình huống số phận của các nhân vật. Mùa rét nằm trong chăn bông đọc tiểu thuyết. Tôi nhớ đọc cuốn “Người anh Cả” của Lê Văn Trương, tôi cũng là anh Cả trong gia đình nhỏ bé của mình, thế là tôi xúc động. Chui vào trong chăn khóc thoả thích. Khóc sưng cả mắt, vì thương thân phận người anh Cả trong tiểu thuyết đó quá. Sau này, và đến bây giờ tôi vẫn thường mủi lòng trước những hoàn cảnh, có thể trong tiểu thuyết, đời thật hay phim ảnh. Nếu bạn bè tôi có nhận xét về tôi: Trông con người nó hung hãn như vậy, nhưng tâm hồn thì yếu đuối.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Thuở bé xem phim Charlot. Phim The Kid (dịch ra tiếng Việt là Gà trống nuôi con) khi Charlot lạc mất đứa con nuôi, Charlot buồn ngẩn người ra. Tôi cũng chảy nước mắt. Còn nhiều, rất nhiều tình huống khác, trong tiểu thuyết hay trong phim ảnh làm cho tôi mủi lòng, đến rơi lệ.

Không biết đó có phải là con đường gai góc mà tôi đã chọn khi cầm bút không ? Khi ở Hà Nội, tôi trao lại cho thằng em họ tủ sách. Ra đi nhưng vẫn thăm hỏi về những cuốn tiểu thuyết. Sau năm 1954 thì viết bưu thiếp, cho đến lúc bặt tin. Rồi nhiều chục năm qua… tôi trở thành nhà báo, nhà văn… Cũng là một đời lỡ mà thôi. Nhưng tôi hãnh diện làm sao khi chọn nghề cầm bút.”

Nguyễn Thụy Long cho biết hồi ký Thuở Mơ Làm Văn Sĩ khởi đầu được đăng ở một tuần báo thiếu nhi trước năm 75. Sau đó ông viết lại, những mong đi xa hơn.

Sau đây xin trích giới thiệu với độc giả một đoạn của Hồi Ký ‘Thuở Mơ Làm Văn Sĩ’.

“Trở lại với hồi ức chiều hôm ấy, tôi gặp lại Tú Kếu Trần Ðức Uyển. Chiều hôm Thứ Bảy đó khi tôi đang đạp xe đi lang thang trong thành phố quen thuộc. Vẫn dáng gầy còm ốm yếu như thuở nào, vẫn cặp kính trắng dầy cộm luôn luôn trên mắt. Tôi gặp lại hầu hết những người bạn như tôi thuở đam mê văn nghệ. Một số khác đã có danh, cộng tác ở những tờ báo khác như Chu Tử, Hoàng Hải Thuỷ, Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Lê Xuyên. Các anh viết cho tờ báo trong đó có tôi hợp tác, vì tình cảm chứ không vì tiền nhuận bút. Những người làm việc cật lực để hoàn tất số báo là vợ chồng TDTừ, Nhã Ca, Tú Kếu và tôi.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

“Tờ tuần báo Ngàn Khơi nghèo nàn đến thảm hại. Toàn là do sự góp công góp sức của các anh em văn nghệ sĩ nghèo. Riêng tôi chưa dám xài danh từ ấy, dẫu là có mơ ước. Tú Kếu và tôi được nuôi cơm ngày hai bữa, buổi sáng có gói xôi đồng bạc, ly cà phê đen nhỏ, điếu thuốc. Nhưng chúng tôi làm việc từ A đến Z, không nề hà bất cứ một công việc gì. Tuy thiếu thốn, nhưng tôi lại có một hình thể trâu nước, nên anh em gọi tôi là thằng trâu nước, những công việc nào nặng nhọc quá tôi gánh thay cho Tú Kếu. Thuở đó in báo còn dùng kỹ thuật ti pô, chưa có vi tính như bây giờ nên cực vô cùng, mà tôi với những anh em đam mê. Làm thế nào cho có chữ nghĩa thì thôi. Tôi giao bài cho Tú Kếu đưa sắp chữ, tôi lăn ra ngủ trên những ram giấy in. Tiếng máy in chạy không làm rộn giấc ngủ của tôi, nói thật tình tôi coi cái âm thanh đó êm ái như tiếng ru của mẹ thuở ấu thơ. Lại mơ mộng rồi thăng hoa tầm bậy. Thực tế không phải như thế, vì thói quen bạ đâu ngủ đó thôi. Như chạy lên chạy xuống bộ Thông Tin, đi lấy bài vở anh em, có khi chở xe đạp theo Tú Kếu, để nâng cao uy tín lấy bài được chóng vánh, vì khi đó tôi chưa là gì cả, một anh loong toong, tuỳ phái, sai vặt…Ðôi khi đi đường đánh lộn để bênh vực Tú Kếu vì hắn ta có tính láo ưa chửi bậy, cà khịa lung tung, bởi cái tính hách xì xằng kiểu lý trưởng nhà quê. Phần phải về Tú Kếu đôi khi chỉ có 30%, nhưng không lẽ vì vậy mà bỏ bạn sao. Anh em vì vậy cũng gọi tôi là “nhà văn du đãng”. Cũng được, chẳng sao. Tú Kếu chỉ nặng hơn 30 ký lô, có phải chở đi từ đầu SG đến Gò Vấp nhà Ðằng Giao để lấy hình vẽ đi làm cliché cũng chẳng nhằm nhò gì”.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Nguyễn Thụy Long

N&BH

Nhà Văn Nguyễn Thụy Long sinh ngày 09/08/ 1938 tại Hà Nội.

Mất ngày 03/09/2009, lúc 14 giờ tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định.

Năm 1952, Ông và gia đình vào Nam sinh sống tại Sài Gòn.

Cựu học sinh trường trung học Hồ Ngọc Cẩn.

Sinh viên Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật  Gia Định.

Cộng tác báo Ngàn Khơi với nhà văn Nhã Ca, nhật báo Sống của nhà văn Chu Tử.

Trước 1975, Ông xuất bản hơn 30 tác phẩm, tiểu thuyết đầu tay có tên Vác Ngà Voi (1965) , với bút hiệu Lan Giao. Các tác phẩm sau, đều lấy tên thật Nguyễn Thụy Long.

Ngoài hơn 30 tác phẩm xuất bản, Nguyễn Thụy Long còn cả trăm truyện ngắn và những tác phẩm sáng tác sau nầy.

Tiểu thuyết Loan Mắt Nhung gây xao động từ tác phẩm, đến Tập phim Loan Mắt Nhung do đạo diễn Lê Dân dàn dựng năm 1970.

Năm 2005, Ông được phát giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp do Nguyệt san Khởi Hành (Mỹ) trao tặng, nhưng vì sức yếu không tới dự được.