Thanh Tâm Tuyền và Cung Tiến, hai tài năng có một mối liên hệ đặc biệt. Họ quý nhau và kết nối, hòa hợp trong nghệ thuật. Từ thời tạp chí Sáng Tạo cho đến tận bây giờ. Họ đều đã ra đi, kẻ trước người sau, để lại một di sản quý giá. Hôm nay trong không khí mùa thu của Lễ Tạ Ơn, Trang Văn Học của Trẻ xin đăng lại bài viết của Ngu Yên như một tưởng niệm thiên tài.Cảm ơn Ngu Yên. NGUYỄN & BẠN HỮU
Ngu Yên
Có thể nói, ca khúc Ðêm của Cung Tiến ít có ai biết, ít có ai hát, vì vậy, ít có người thưởng thức sự hòa hợp tài tình giữa thơ và nhạc, giữa Thanh Tâm Tuyền và Cung Tiến. Tuy Cung Tiến đã phổ nhạc một số thơ Thanh Tâm Tuyền, nhưng không có bài nào thể hiện khả năng nhập nhạc vào thơ như bài “Ðêm”. Tại sao? Vì bài thơ tự do này mang tiết tấu bất thường, âm sắc xóc xỉa, ngôn từ góc cạnh, ý tưởng khô, lạnh, và sâu, chỉ đọc lớn tiếng thôi đã khó, nói chi đến vang lên trong nhạc.
Ca từ: Đêm
Rồi những đêm nào chiến tranh đã quên
Con mắt đen niềm im lặng
Anh vẫn đi hoài
Anh vẫn đi hoài trong thành phố
Cô đơn
Trưa nắng cháy
Vào sâu trong ghẻ lạnh
Với máu trong tim
Chảy nhanh nhanh như máy móc đau ốm
Ở cuối đêm
Ở cuối đêm
Em rũ tóc nói những lời mê sảng
Những âm hiệu
Của mặt biển đen không
Tình yêu
Tuyệt vọng
Và những đêm nào chiến tranh đã quên
Con mắt đen niềm im lặng
Anh xé tóc em cùng những cành lá chết
Mùa thu ghi thương tích nơi cườm tay
Khóa chặt
Anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc
Khuôn mặt vỡ tan như cẩm thạch
Như nước mắt
Như muôn đời
Không hối hận
Mùa thu ghi thương tích nơi cườm tay
ghi thương tích nơi cườm tay
Con đường anh phải đi một mình
Trần truồng dã thú
Ðón anh ở cuối đường
Hố sâu vĩnh viễn
Không có em
Hố sâu vĩnh viễn
Không có em
Bên kia bức tường
Anh bị nhốt trong trại hủi
Tiếng ngàn năm em gọi
Yêu nhau hết một đời
Hết một đời chưa thỏa
Còn kiếp nào gặp nhau?
Em nguyền rủa
Lời thằng du đãng ơ …
Ðừng ràng buộc thiên tài
Cho đi hoang làm cơn lốc bi thảm
Cho đi hoang làm cơn lốc bi thảm
Cuốn theo chính mình
Chết theo không gian
Một bài thơ, một ca từ, mang tâm trạng của những ai đã từng chịu đựng chiến tranh, nạn nhân của sức tàn phá, mất mát, tình thương và đời sống; cho những ai đương đầu với hậu quả chiến tranh con mắt đen niềm im lặng trong nội tâm; cho tình yêu xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc; cho muôn đời mùa thu ghi thương tích nơi cườm tay. Vết sẹo của người tự tử được cứu sống.
Vẻ thẩm mỹ hết sức u ám trong ca khúc này có lẽ là một tích trữ âm u trong lòng người nhạc sĩ. Chất giọng giai điệu diễn tả ca từ, có khi đau thương, có khi ghê rợn, có khi kỳ quái, xen lẫn là những câu thơ khác thường: Em rũ tóc nói những lời mê sảng / Khuôn mặt vỡ tan như cẩm thạch / Anh bị nhốt trong trại hủi / Ðừng ràng buộc thiên tài / … Khác hẳn với những chất giọng mà chúng ta nghe được từ thuở ban đầu như “Hoài cảm”, “Nguyệt Cầm”, cho đến về sau này như “Vang Vang Trời Vào Xuân.” Ðây là một hợp phẩm thơ-nhạc mà tôi thích thú nhất trong dòng thơ phổ nhạc Việt.

Từ tráii: Cung Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng (ngày đón Tô Thùy Yên từ VN qua tại phi trường Minneapolis Saint Paul 4- 1993)
Vào những năm cuối thế kỷ 20, chúng tôi đã dàn dựng cảnh một thành phố hoang tàn bởi chiến tranh trên sân khấu lớn của Ðại Học Houston, Texas. Thái Hiền, Nguyễn Thảo đã trình bày ca khúc Ðêm của Cung Tiến với phần hòa âm của nhạc sĩ Vĩnh Lạc, trong phần mở đầu của nhạc kịch Bên Kia Sông Ðuống, thơ Hoàng Cầm, nhạc Ngu Yên, trình diễn do Mai Hương, Thái Hiền, Nguyễn Thảo và nữ sĩ Kiều Loan.
Chúng tôi, những người yêu mến Cung Tiến vì tài năng đa dạng trong âm nhạc, trong văn chương. Rồi chúng tôi kính trọng sự hiểu biết của ông và sức gia công học tập không ngừng trên hành trình nghệ thuật. Ðúng nghĩa một người nghệ sĩ sống hết lòng làm đẹp cuộc đời.
Những ngày tháng vui buồn với nghệ thuật như con sâu đang bò bỗng hóa cánh bay mất. Thời gian là bàn tay áp tải con người đi đến cõi chết. Những gì để lại nơi cánh cửa cuối cùng, di sản đó, sẽ đánh giá phẩm chất và giá trị của mỗi người. Cung Tiến đã bước qua và cánh cửa đóng lại, nhưng di sản nghệ thuật mà ông trao tặng cho người Việt, vô giá. Rồi đây, trong tháng năm đang tới, sẽ có lần chúng ta nghe lại những ca khúc của ông, thử hỏi có bao nhiêu người bùi ngùi cảm tạ?
NY