Đặng Tiến sinh năm 1940 tại Quảng Nam, tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1963. Bắt đầu viết điểm sách, phê bình từ 1960. Ra nước ngoài từ năm 1966, lập nghiệp tại Pháp, dạy văn chương Việt Nam trong Ban Việt học, Đại học Paris 7, từ ngày thành lập (1969) đến ngày nghỉ hưu (2005). Học thêm về lý luận văn học với Julia Kristeva và dân tộc học với Lévi Strauss. Sau 1975, viết cho nhiều tạp chí trong nước. Tác phẩm chính: Vũ trụ thơ, NXB Giao điểm, 1972; tái bản năm 2008, kèm theo Vũ trụ thơ II tại Hoa Kỳ. Thơ, thi pháp và chân dung, NXB Phụ nữ, 2009.

Chuyên nghiên cứu, phê bình Thơ Việt Nam, Đặng Tiến đã có những đóng góp đặc sắc trong việc giải mã “thi giới” của nhiều tác giả và bản chất của Thơ, với những phát hiện độc đáo và thể hiện sự thấu cảm với người sáng tác. Với tình yêu Thơ Việt suốt đời, ông là một gương mặt thân thiết, giao lưu rộng rãi, hoà hợp các nhà thơ Nam-Bắc, trong-ngoài nước. Văn Việt đã đăng nhiều bài nghiên cứu, phê bình có giá trị của ông.

Sự ra đi của Đặng Tiến là một mất mát lớn cho văn học cả trong và ngoài VN. (ghi theo Việt Báo)

Để cảm nhận tấm lòng của Đặng Tiến đối với văn chương và ngòi bút sắc sảo của tác giả khi phân tích, phê bình tác phẩm văn học, mời độc giả đọc trích đoạn bài Đặng Tiến viết về Thảo Trường.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Đặng Tiến

Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hinh, sinh 1936 tại Nam Ðịnh, nổi tiếng tại Miền Nam trước 1975, đã qua đời tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ, ngày 26-8-2010 vì bệnh ung thư gan, thọ 74 tuổi. Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cấp bực thiếu tá, anh là một trong những người tù lâu năm nhất: 17 năm cấm cố qua 18 trại giam từ Nam ra Bắc.

Di cư vào Nam năm 1954, anh vào trường Sĩ quan Thủ Ðức, phục vụ ngành pháo binh vùng giới tuyến và bắt đầu viết văn. Truyện ngắn đầu tiên Hương gió lướt đi đăng trên tạp chí Sáng Tạo, Sài Gòn, ký bút hiệu Thảo Trường, đã gây ngay được tiếng vang trong giới độc giả trẻ thời đó, vì đề tài và giọng văn đơn giản và mới mẻ.

… Trong Thử Lửa, Thảo Trường trực tiếp đề cập đến chính trị, việc phân chia đất nước và kỳ vọng vào cuộc thống nhất trong hòa bình, đoàn kết “công việc nối liền hai miền, xóa đi cái ranh giới trên đất đai và cái ranh giới trong tâm hồn chúng ta là công việc của chúng ta” (tr.26-27).

Là sĩ quan trẻ tuổi mới ra trường, hoạt động tại miền giới tuyến, Thảo Trường đã suy nghĩ và tin tưởng: “Ý nghĩ đầu tiên của tôi về con sông này: nó chỉ là biên giới của đất đai, nó không là biên giới của tư tưởng. Người bên kia hay bên này không qua lại nhau, nhưng những tư tưởng phát sinh từ tâm hồn người bên này hay bên kia thì cũng nẩy nở sang bên kia hay bên này. Những cái gì được nuôi dưỡng từ trong lòng người này thì cũng có được ở trong lòng người khác. (…) Tôi cố gắng phân biệt ra biên giới nhưng không được, vẫn chỉ là làng mạc, đồng ruộng và đường đi; muôn đời muôn thuở vẫn là hình ảnh quê hương tôi. (…) Mười ba triệu người đằng sau tôi chắc cũng tin như vậy? Tôi đứng gác ở tiền tuyến cho nửa dân tộc yêu nhau và tin tưởng con sông trước mặt tôi sẽ không là biên giới » (tr.88).

Ðiều đó, bây giờ đọc lại, 1975 hay 2010, ta cho là ngây thơ, ảo tưởng. Nhưng thời đó, 1960, cùng với Thảo Trường nhiều người ước mong như vậy. Trong lời giới thiệu Thử Lửa, Nguyễn Văn Trung đã viết: “Tôi coi Thảo Trường như một trong những người đang đi vào truyền thống của những nhà văn mà sứ mệnh là nhắc nhở cho con người những giá trị làm người thường xuyên bị quên lãng hay bị chà đạp bởi chính con người”. (tr.145).

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Quan điểm của Thảo Trường và cả Nguyễn Văn Trung vào một thời điểm nhất định, là thành tâm, thiện chí của một lớp người.

Khi Thảo Trường rời pháo binh vào ngành An ninh Quân đội đi khắp nơi, anh có dịp tìm hiểu chiến tranh sâu xa hơn, nhưng vẫn chung thủy với ước vọng của mình, là tìm kiếm hòa bình trong tình đoàn kết dân tộc. Anh hợp tác chặt chẽ với báo Hành Trình, quay ronéo, do Nguyễn Văn Trung và một nhóm trí thức công giáo tiến bộ chủ trương, chủ yếu đòi hỏi chấm dứt chiến tranh. Trong truyện ngắn ‘Người đàn bà mang thai trên kinh Ðồng Tháp’, nổi tiếng, viết 1964, đăng trên Hành Trình số 1, người đàn bà mang thai là cán bộ nằm vùng, gài lựu đạn dưới một tấm ván gỗ ghi khẩu hiệu “đả đảo đế quốc Mỹ” để gài bẫy. Toán lính Việt Nam Cộng Hòa biết được, buộc đương sự phải triệt hạ tấm ván. Lựu đạn rớt xuống, may không nổ. Người đàn bà động thai đẻ non. Viên sĩ quan chỉ huy toán lính phải đỡ đẻ rồi khai sinh cho đứa bé, “cho nó mang họ của ông ta”. Và để lại mẩu nhắn tin ngắn cho cậu bé: mai kia, khi lên 20 tuổi: “trước khi hành động… xin cậu hãy nghĩ đến người đàn bà mang thai khốn khổ, hãy nghĩ đến những người mẹ bị rất nhiều chủ nghĩa với những danh từ hoa mỹ hành hạ”. Thế mà rồi Thảo Trường đã phải đi tù cải tạo non 17 năm. Sang Mỹ 1993, trong truyện ngắn ‘Khẩu hiệu’ anh viết tiếp câu chuyện, tại Huntington Beach, ngày 25.5.1993, kể chuyện trong một trại tù Việt Bắc, kèm lời nhắn tin: “nhắn cậu thanh niên ra đời, sẩy thai, thiếu tháng, mang họ nhờ… Người đỡ đẻ và khai sinh cho cậu đã chết trong tù. Khi chiến tranh chấm dứt, cũng không thấy có một người đàn ông nào gọi là cha ruột cậu trở về. Còn mẹ của cậu nghe nói đã có một đời chồng khác”.

… Ðồng thời với ‘Người đàn bà mang thai trên kinh Ðồng Tháp’, Thảo Trường còn có truyện ‘Viên đạn bắn vào nhà Thục’, nguyên tên là Nhãn hiệu Mỹ vì có câu “đạn này nhãn hiệu Mỹ” bị kiểm duyệt thời đó đục bỏ. Sau này khi tái bản tại Mỹ, trong tập truyện ‘Tầm Xa Cũ Bắn hiệu quả’ (nxb Quan San, 1999, California) câu văn lẫn tên truyện cũ được khôi phục lại.

Nhà văn Thảo Trường

Vì nhiều lý do như thế, giới bình luận thường đặt anh vào hàng tác phẩm phản chiến, điều mà sau này anh đã từ khước, trong một cuộc phỏng vấn ngày 4.8.2008:

“Trước hết, tôi là người tham chiến. Nếu có ai bảo tôi là phản chiến thì không đúng, vì tôi ở trong cuộc chiến đó. Những năm đầu sĩ quan của tôi, tôi đi theo những đơn vị tác chiến, từ vĩ tuyến 17 cho đến đồng bằng sông Cửu Long, và làm một số công việc, chẳng hạn đi tiền sát cho pháo binh trong những trận đánh. Những năm về sau tôi được điều động về cơ quan tham mưu, từ đây tôi có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn những diễn tiến của cuộc chiến Việt Nam. Tất cả những cái đó dù muốn dù không cũng “ám” vào tác phẩm của tôi”.

Nhìn vào những tác phẩm cuối cùng của Thảo Trường trước 1975, vượt qua chữ “phản chiến”, ta có thể dùng từ «chủ hòa» để gọi tắt quan điểm của anh, như trong truyện dài in năm 1971:

“Và theo tôi, trong cuộc chiến hiện nay, dù tấn công hay phòng thủ, hình thức này hay hình thức khác, bên này phải nêu rõ lên cái chủ đích đánh lấy hòa của mình.

Và hai bên phải cố duy trì tính cách dân tộc trong phe mình, tránh khỏi sự chi phối của ngoại bang, phát triển cái xã hội trong phần kiểm soát của mình để tiến tới thống nhất đất nước”.

Trong truyện, Hoán – một sĩ quan Việt Nam – đã nói với đồng minh Mỹ “các anh đang giúp chúng tôi. Nhưng chính vì sự có mặt của các anh, ở bên chúng tôi, hay nói một cách khác, chúng tôi đi chung với các anh, tình thế này có vô số vấn đề sẽ bị đặt ra.” (tr.101-102). Cuối cùng Hoán đã ngăn chặn người Mỹ từ máy bay bắn xối xả xuống đám đông dân chúng. Và kết luận: “Rắc rối lắm, khó lắm, kẹt lắm” (tr.116).

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Viết như vậy, trong tình hình Miền Nam 1971, mà Thảo Trường vẫn phải đi học tập mút mùa, là điều ít người hiểu.

Tập truyện đầu tay Thử Lửa, 1962, có tầm quan trọng đặc biệt: vừa là một thành tựu nghệ thuật, vừa đánh dấu một giai đoạn tạm gọi là «tiền chiến tranh» qua tâm lý một lớp thanh niên thành thị: lý tưởng, tin vào tình tự dân tộc không phân chia Nam Bắc thành chiến tuyến.

Sau đó chiến tranh lan rộng, mỗi ngày một tàn bạo. Tác phẩm Thảo Trường phản ảnh mức khốc liệt và nét phi lý – tạo ra chất bi thảm của chiến tranh và đồng thời bày tỏ khát vọng hòa bình và xóa bỏ thù hận. Tình tự dân tộc và phẩm chất nhân đạo được nâng cao nhờ nghệ thuật văn học. Truyện ngắn Thảo Trường thường đạt đến chất lượng nghệ thuật cao, chủ yếu là cách dựng chuyện hấp dẫn – mà sau này, hai mươi năm sau, ra ngoài nước, tác giả vẫn còn giữ nguyên tính cách.

Ra tù 1992, sang Mỹ đoàn tụ với gia đình 1993, Thảo Trường tiếp tục viết, in được 8 cuốn. Mới nhất là tuyển tập Những miếng vụn của tiểu thuyết, 2008. Truyện về sau thường kể lại đời sống cơ cực, phi lý trong các trại giam: “tất cả đau khổ tàn nhẫn, xót xa mà anh em trong tù phải chịu, những cảnh trớ trêu mình gặp, hay sự dốt nát tội nghiệp của cai tù… đều đòi hỏi mình để tâm phân tích.” (Thảo Trường trả lời phỏng vấn, 4.8.2008).

Ðồng thời anh cũng mô tả nhiều cảnh oái oăm của xã hội Việt Nam sau 1975, hay cảnh sống của người Việt định cư tại Hoa Kỳ.

Bút pháp linh hoạt: tả cảnh tù tội thì gay cấn, bi đát; cảnh xã hội Việt Nam mới ly kỳ, cay đắng; cảnh sống nước ngoài dí dỏm, hoạt kê. Thảo Trường hậu chiến tranh, hậu lao cải, là nhà văn đều tay và điệu nghệ. Nhưng nhìn chung, những truyện ngắn về các trại giam, tích lũy lâu ngày, vẫn là trước tác hàm súc nhất; chưa kể chúng làm chứng từ chân chính cho một thời đại.

Một truyện tiêu biểu: ‘Những đứa trẻ đầu thai giữa hàng rào’. Mẹ bị án chung thân vì tội tòng phạm giết chồng cán bộ; cha bị 2 án chung thân vì 2 lần giết người. Hai tù nhân bị biệt giam ở hai trại tù nam nữ riêng biệt, cách nhau bởi hàng rào kẽm gai. “Anh gặp chị ngoài sân trại mấy lần. Nhìn, cười. Cười lại. Nhìn lại. Thế là thân nhau… Bèn nghĩ ra kế truyền tin cho nhau bằng cách dùng cây, chỉ lên những chữ thích hợp trong các chữ ở những khẩu hiệu trên tường nhà giam (…) Thế rồi chị tính toán theo ý chị… chị sẽ mặc một cái quần mỏng hở chỉ dưới đáy…”.

Tác giả kể tình tiết hấp dẫn. Và mô tả đời sống trong trại, trong đó có sáu đứa trẻ, con của nữ tù nhân, dĩ nhiên không biết bố là ai. Truyện kết bằng hình ảnh người tù già đóng vai ông ngoại, bào ảnh Thảo Trường: “Bác ở tù đến năm thứ mười bảy và vì là tù binh không có án cho nên bác cũng không biết đến bao giờ mới hết. Bác không thuộc một chế độ nào nữa cả, bác thuộc về lịch sử.” (tr.61, sđ d).

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Vì không được xét xử, không có án, người tù không biết sẽ bị giam cầm bao lâu vì tội danh gì, tự xem là «tù binh». Nhưng đã là tù binh, thì phải được hưởng quy chế tù binh theo luật quốc tế, và phải đựợc trao trả. Nhưng trao cho ai, trả về đâu? Bác thuộc về lịch sử.

Lịch sử là cái thùng chứa không đáy.

Vấn nạn “học tập cải tạo” đã nhiều người biết. Nhưng nói thêm một lần nữa, cho minh bạch, cũng không phải là thừa.

Chế độ trách nhiệm phải lãnh nhận trách nhiệm và trả lời chính xác từng hồ sơ một. Pháp lý và đạo lý thông thường là như vậy.

Bình thường là như vậy.

Tác phẩm mới, hư cấu, nhưng phản ảnh tâm tình và phong cách Thảo Trường, có lẽ là Ðá Mục, một truyện vừa – hơn 100 trang – viết 1997. Truyện trộn lẫn trật tự thời gian, xen thực tại đời sống tại Hoa Kỳ, với nhiều kỷ niệm. Bắt đầu từ thời sĩ quan mới ra trường, trấn đóng tại một tiền đồn miền Thượng hẻo lánh, đời sống êm đềm, hồn nhiên như những cô gái Thượng ngực trần bên suối; đến những ngày trong trại học tập: những oái oăm, gian khổ xen lẫn với các cuộc gặp lại đồng đội, tình nghĩa; cuối cùng là đời sống ở nước ngoài, thư thái, tiện nghi nhưng vẫn chua cay: “Ông lão thấy rõ ràng cuộc đổi đời của mình thật phi lý: tự nhiên tình thế xoay chiều… Mình đang là người Kinh ở quê nhà nay hóa ra người Thượng ở quê người. Mà trong cái giới người Thượng này mình còn là người Thượng mới, không giống người Thượng cũ… Hóa cho nên, hỡi người con gái bên bờ suối tiền đồn biên giới năm nào, bây giờ cô đã già, cô ra sao, cô ở đâu?”.

Giọng văn trong Ðá Mục linh hoạt, dí dỏm pha chút ưu hoài, nhắc đến lối hành văn phóng khoáng, lãng mạn, cái thuở ban đầu Thử Lửa.

Khi ta nói chuyện một con sông, thì chủ yếu là nói đến một khúc sông, như khúc sông Hương chảy qua thành phố Huế. Nói về một tác giả cũng vậy, ta thường ưu đãi ấn tượng về một tác phẩm nào đó. Trước một sự nghiệp văn học đã trải qua nhiều ghềnh nhiều thác như của Thảo Trường, đánh giá toàn bộ là một việc khó.

Tôi đã đọc ‘Hương gió lướt đi’, ‘Ðò dọc’, trên báo, vào tuổi học trò. Nay cố khôi phục lại cảm nhận của mình, và những trao đổi với bạn bè đồng lứa thời trước 1960. Rồi đọc ‘Người đàn bà mang thai trên Kinh Ðồng Tháp’ vào một giai đoạn khác, nặng ưu tư về chiến tranh và hòa bình. Cuối cùng là ‘Tiếng thì thầm trong bụi tre gai’, đọc trong nỗi u hoài về thời cuộc, về những phi lý trong đời và số phận làm người.

Nhưng không lần nào tôi cố tình đặt ra mục tiêu phê bình văn học. Nhưng có lúc cũng đã làm bất đắc dĩ, nghĩa là đánh giá, và “làm trung gian giữa tác giả và người đọc sau tôi”, y hệt như lời anh Nguyễn Văn Trung e ngại, đã viết đúng nửa thế kỷ trước, 1960, khi viết lời giới thiệu tập truyện Thử Lửa.

Bài này, cũng như tác phẩm Thảo Trường, là những viên sỏi đánh dấu những chặng đường «qua một chiếc cầu, lên một cái dốc» qua nhiều thời điểm.

Và theo lời dặn dò, đâu đó, của người mới ra đi:

Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả.

ĐT – Orléans, 10.10.2010