Hơn ai hết, Trần Hoài Thư đã sống một cuộc đời xứng đáng. Thời trẻ làm lính chiến xông pha trận mạc. Khi CS chiếm Miền Nam, anh làm người bán xe kem ẩn nhẫn qua ngày. Sang Mỹ, Trần Hoài Thư với chị Yến, cùng nhau rong ruổi, sưu tầm sách báo xưa, làm sống lại văn học Miền Nam. Gia tài anh để lại phải nói là đồ sộ.

Tưởng niệm Trần Hoài Thư vừa mới ra đi

Xin mời đọc sau đây: thơ Hoàng Xuân Sơn và văn Nguyễn Quang Chơn, Tô Thẩm Huy

THƠ HOÀNG XUÂN SƠN

Lúc thực hiện TQBT số 100, tôi gởi bạn Thư 2 bài thơ, trong đó có bài mang tựa Đến (Sau Cùng). Trần Hoài Thư chọn đăng bài kia, có lẽ vì mọi chuyện với bạn lúc bấy giờ vẫn còn tiếp tục, chưa phải là sau cùng. Giờ đây xin ghi lại bài thơ còn trống chỗ như một nén tâm nhang tiễn đưa bạn hiền về nơi hội ngộ với chị Yến, người vợ, người tình muôn thuở!

Đến (sau cùng)

Cuối cùng cũng đến huyền trang

ngôi nhà của gió

đạo tràng của mây

ta như chiếc gậy an bài

lên non chống mỏi

xuống ngày khua mê

gậy

ta, cùng mỗi

đi

về

thênh thang chiếc bóng

não nề chiếc thân

dặm mòn thơm thảo vết chân

ừ . chim bay

bay xa gần cũng lưu

linh vang giữ một tiếng cười

giấc vui cùng bạn

giấc lười lĩnh, đi

giấc trầm kha vô hạn kỳ

chu lưu là nợ của vi vân tình

ai . người, không yêu phương sinh

trăm năm cuộc lữ thơm hình bóng nhau

Cước trắng chiều

giữa sậy.  lau

rồi cũng nghèo nắng

trôi mau về ngàn

giọt lung linh giọt úa

tàn

phương chi biết được nỗi hàn mai sau

lạnh từ đâu

lạnh ngất.          đâu

thân cũng chỉ một chiếc màu nhược ban

theo nhau kỳ trận vô vàn

cảm ân vì chút lầm than ở cùng

từ diệu huyền

tới mông lung

từ neo bến lạ đời lưng lửng còn

gậy cùn

vui bước cỏn con

về chưa tứ diệu vuông tròn tử sinh

Xem thêm:   Việt Dương & Trần Thị Nguyệt Mai với ‘Chân Dung Ngày Đó Bây Giờ’

huyền trang ngồi lại với mình

là đây. cổ lũy

lung linh điệu chào

HXS 27 tháng mười, năm hai mươi mốt

VĂN NGUYỄN QUANG CHƠN

Anh TRẦN HOÀI THƯ…

Tôi viết tên anh bằng chữ hoa để tỏ lòng kính trọng anh. Kính trọng hay là tôn kính? Có lẽ tôn kính thì đúng hơn, bởi những điều bình dị anh đã làm trong cuộc đời của anh thật đáng được tôn vinh và kính trọng!…

Tên thật của anh là Trần Quí Sách, tên cha mẹ đặt vận vào người anh, nên một đại uý thám báo, một nhà văn, nhà thơ ở miền Nam trước 1975, một kỹ sư điện toán tại New Jersey từ sau 1980 luôn là một người vô cùng “Quí Sách”, và quí theo cách của anh khi giữa vận nước nổi trôi, giữa những con người muốn xoá sạch nền văn minh, tiên tiến, một văn hoá khai phóng lừng lẫy của kẻ bại trận bên kia chiến tuyến khiến anh miệt mài, lục lọi, tìm tòi, sưu tập … cặm cụi ngày đêm sắp xếp những “văn tàn” thời thế, dựng lên một “bảo tàng THƯ QUÁN BẢN THẢO” trên đất Mỹ xa xôi, lưu giữ nền văn học rực rỡ hẩm hiu của miền Nam Việt Nam, một di sản văn học nước nhà …

Anh, chứ không ai khác, cùng chị Yến hiền thê, căm cụi lái xe trong sương tuyết, trong giá lạnh miền Đông Bắc Mỹ để đến thư viện đại học Cornell, Yale… nơi lưu giữ rất nhiều tài liệu văn học quí miền Nam VN, copy, ghi chép, lặng lẽ đêm đêm nơi tầng hầm căn nhà nhỏ với máy in “second hand”, tự sửa chữa phục hồi, để cho ra từng ấn phẩm tặng không cho những người yêu văn nghệ, những nhà nghiên cứu văn học tại hải ngoại, để, họ biết rằng “VIỆT NAM ĐÃ CÓ MỘT NỀN NGHỆ THUẬT, VĂN CHƯƠNG” như thế đó, và, chúng tôi gọi anh là “NGƯỜI KHÂU DI SẢN VĂN HỌC MIỀN NAM”…

Chị bị bệnh nặng trước anh, căn nhà nhỏ vốn vắng vẻ càng thêm hiu quạnh. Ngày ngày anh lái xe mang thức ăn vào bệnh viện, đút cho chị từng đũa cơm, muỗng cháo dẫu mưa hay nắng, dẫu tuyết rơi hay gió lộng, bên chị, anh đọc thơ, hát những bài hát cũ, để nhiều khi tiềm thức chị đang ngủ quên sực tỉnh, nhắc anh đọc lại câu thơ, để anh cười vui mà nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo…

Xem thêm:   Kỷ niệm với nhà văn Dương Nghiễm Mậu

10 năm chăm vợ. Trí chị chìm sâu vào quên lãng và chị nhắm mắt bay vào hư không tháng tư 2024…Hôm nay, 27 tháng năm 2024, Trần Hoài Thư cũng buông tay bay theo chị, êm đềm bình dị như những lần cùng nhau miệt mài trên chiếc xe cũ đến các trường đại học, bên nhau dưới căn hầm in ấn, bên nhau trong căn phòng nursing home …

Bầu trời mênh mông, quê người lạnh lẽo, anh chị Thư Yến trên bầu trời cao đang toả ánh nắng hồng tươi trên văn đàn nước Việt. Những viên trân châu văn học miền Nam còn nguyên kiêu hãnh vì nhờ đã có anh, anh Trần Quí Sách, Trần Hoài Thư, râu tóc bạc phơ, cặm cụi từng ngày khâu từng gáy sách!…

Yêu anh, tôi đã một lần vẽ anh cầu mong một lần hội ngộ, mà chẳng bao giờ nữa, đã mãi mãi xa vời!….

NQC – 28.5.24

Trần Hoài Thư

VĂN TÔ THẨM HUY

Một cách ra đi

Trần Hoài Thư

Thường thì cứ là ‘Sống Gửi Thác Về’.

Về đâu? Nào ai biết.

‘Về’ hàm cái nghĩa là đi đến cái nơi ta đã từng ở, cái chỗ ta đã quen thuộc.

Có thực là quen thuộc không? Cái chốn ấy có ai đã từng đến chưa?

Ta hỏi han hề Hiu Quạnh Lớn.

Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ. (TTY)

Có chăng thì là đoàn lữ hành trên cái sa mạc trần gian đang từ đâu đến không ai biết, òa nối đuôi nhau tiến vào cái cõi bể dâu vạn vật chi nghịch lữ, bách đại chi quá khách này, rồi lại lũ lượt theo nhau bước ra khỏi cái cõi ấy mà đi vào cái chỗ vô định không hề biết. Cuộc trăm năm phiên gác bước âm u. Từ cõi mộng mịt mù về cõi mị. … Life is a watch or a vision / between a sleep and a sleep (ACS).

Xem thêm:   Truyện ngắn của Tiểu Tử

Lại còn hàm cái ý là chấm dứt, là ngừng lại, quy khứ lai hề, ‘về’ thôi, không đi nữa.

Nhưng không phải thế. Với Kim Mao Trần Hoài Thư thì ‘sinh’ có thể là ký gửi, nhưng ‘tử’ không phải là trở về. Mà là đi. Là khởi đầu một cuộc lữ khác. Là ra đi.

Đi đâu?

Tôi ngờ là thám báo Trần Quí Sách đang đi tiền phong thám thính, đang cùng người bạn thiết Nguyễn Ngọc Yến rủ nhau đằng vân khắp 6 cõi trời Đâu Suất, Đao Lợi, sục sạo đi tìm các bí lục, các ‘yến sách’ đầy giòng hư tự.

Trời gọi Trần Hoài Thư đã lâu. Nhưng anh bảo Trời khoan đã. Chờ anh ít lâu. Đã nhiều năm gan phổi anh vá chằng vá đụp, lục phủ ngũ tạng đã rã rượi, khí độc không thải ra được, khiến lắm phen hôn mê bất tỉnh. Thế mà anh lại cứ sinh tồn, cứ vẫn tiếp thủ săn sóc cái chùm tóc đuôi gà bồ kết của anh.  Gan phổi cũng phải cung kính tuân mệnh. Chờ đó, ta chưa chết được. Thật bái phục cái năng lực lạ thường. Nay chị đã đi. Hẹn nhau một tháng ở lại lo hậu sự. Xong xuôi rồi thì cái nhục thể này chẳng có lý cớ gì nấn ná thêm nữa. Thế là ra đi. Một cách ra đi. Ra đi như một bình minh lạ. Trên kỷ nguyên chưa kịp hiện hình (TTY)

Con người ấy có bao giờ chịu ngồi yên. Lái xe đi đến Cornell ở trên trời thì đã có Ngọc Yến đồng hành. Đã có cái nguồn năng lực phi phàm đang chờ sẵn, thì hẳn là phải hào hứng ra đi.

Anh Thư ơi, tôi đang ngồi đây nhớ đến anh, và nhớ đến chị Yến. Vừa buồn, lại vừa vui.

Chúc anh thượng lộ. Hẹn gặp nhau tuần tới. Thắp cho nhau nén hương.

TTH