Nói tới tạp chi Văn Học vang danh một thời là phải nhắc tới ngôi nhà của Nguyễn Mộng Giác. Chính tại nơi này tờ tạp chí được hình thành. Và đây cũng là nơi lui tới, sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ hải ngoại sau 1975. Nguyễn tôi từ sang Mỹ năm 1995 cũng đã dăm ba lần lui tới ngôi nhà này. Còn nhớ năm 1998, Văn Học đã xuất bản tập thơ Tôi Cùng Gió Mùa của Nguyễn và buổi ký tặng sách đã được tổ chức tại nhà NM Giác, với rất nhiều nhà văn nhà thơ tham dự – có Nguyễn Xuân Hoàng, Hải Phương, Rừng Kinh Dương Vương, Phùng Nguyễn, Bùi Bích Hà, Trần Mộng Tú, Đặng Thơ Thơ, Lê Uyên Phương và Lê Uyên, Trúc Chi và Đoan Thư, Trần Doãn Nho… Không khí sinh hoạt văn nghệ đó, nay không còn nữa. Để hình dung lại một thời, mời các bạn đọc lại bài viết của Trúc Chi về ngôi nhà Nguyễn Mộng Giác ở những năm tháng ấy. NGUYỄN & BẠN HỮU

Trúc Chi

Nếp nhà khiêm tốn nép mình bên một con đường nhỏ yên tĩnh, cạnh một trong những đại lộ náo nhiệt nhất của thị trấn Westminster, mệnh danh là thủ đô của người Việt tị nạn. Tôi muốn nói đến nhà của anh Nguyễn Mộng Giác.

Nhà riêng đã đành mà nó lại còn là trụ sở, là báo quán, là hội quán, là tòa soạn của nguyệt san Văn Học trong suốt 20 năm. Kể ra, cái chuyện một địa chỉ duy nhứt mà phải gánh lấy nhiều chức năng của một nhật báo, tuần báo hoặc nguyệt san không có gì lạ trong sinh hoạt của báo chí Việt Nam ở nước ngoài. Báo mới oe oe cất tiếng, mà lại là tiếng Việt, vốn liếng đâu mà mỗi một lúc lại chạy đi thuê chỗ này chỗ nọ. Cho nên mới có cái sứ mạng… đa năng của địa chỉ! Điều khiến cho nhiều người ngạc nhiên không ít là chính từ ngôi nhà khiêm tốn ấy mà anh Nguyễn Mộng Giác, trong vai chủ bút Văn Học, đã gánh – tôi mượn chữ gánh của Tản Đà – văn và thơ của nhiều anh chị em đi bán nhiều chợ ở khắp năm châu. Và nếu tôi không lầm thì gánh hàng ấy quả có đắt khách. Một bạn văn hiện sống ở Việt Nam và từng là trợ bút của Văn Học, ghé vào nhà anh Nguyễn Mộng Giác trong một chuyến viếng thăm nước Mỹ, đã sửng sốt khi thấy tòa soạn chỉ vỏn vẹn một máy điện thoại, một máy computer trên cái bàn khá rộng kê ở góc phòng khách. Thư ký đã không mà.. loong-toong (1) cũng không nốt. Chỉ có ông chủ bút. Ấy vậy mà ròng rã gần 20 năm trời, báo ra đều đặn hàng tháng, không có số nào trễ.

Ở đây, tôi không có ý định viết về sự khéo léo của anh Giác lúc lèo lái Văn Học qua một thời kỳ mà tâm tư của một số người viết cũng như người đọc, trong cũng như ngoài nước vẫn còn bị dằn vặt, bị tra tấn đến phát điên bởi máu và nước mắt của một cuộc nội chiến khốc hại, khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử nước nhà. Tôi muốn dành những hàng chữ này cho một thứ sinh hoạt mà tôi xin gọi là bên lề chữ nghĩa của nguyệt san Văn Học. Tôi muốn nói đến những buổi gặp gỡ tại nhà anh chị Giác giữa một số anh chị em họa, nhạc và văn sĩ, có cũng như không có góp phần của họ vào Văn Học, chưa kể một số bạn đọc và bạn bè từ bốn phương đổ về miền Nam California.

Nguyễn Mộng Giác  

[…]

Ngoại trừ những buổi họp bạn vào những dịp đặc biệt như Tết, Giáng Sinh, Trung Thu vân vân, còn các buổi gặp gỡ khác thường vẫn bắt đầu như vậy. Dăm cánh bèo nổi trôi đây đó tình cờ kết thành một cụm ở miền Nam Cali. Rồi thì người này kéo người kia, kẻ kia rủ kẻ nọ, cứ thế mà cái cụm ấy biến thành một mảng bèo dạt vào bến… Giác! Mươi mười lăm người là thường. Có khi đông hơn nữa. Nhưng mà, tôi biết, dù có bao nhiêu người bất thần kéo đến, anh chị Giác cũng sẵn sàng tiếp đón. Cái quý là ở chỗ đó. Lòng hiếu khách của chủ nhân có khi còn trải rộng ra tận những người hoàn toàn xa lạ, không thiết tha chi với chữ nghĩa của một ai. Không quen biết, nhưng cùng đi với một người bạn của anh chị Giác tất được tiếp đón với tinh thần cởi mở trước lạ sau quen. Mà vợ chồng ông chủ bút có rảnh rỗi gì. Chị Giác là nội tướng giữ thành còn ông chủ bút ngày ngày lái xe đi… làm lại cuộc đời như tất cả mọi người Việt di cư khác sau biến cố năm 1975 hoặc sau những ngày đày tháng đọa đằng đẵng trong những trại tù khổ sai mà từ ngữ hoa mỹ gọi là “cải tạo.” ( Bên Trung Quốc, người ta gọi là “lao cải”, tiếng gọi tắt của “lao động cải tạo”)

Xem thêm:   Nhà thơ. nhạc sĩ A Khuê

Dĩ nhiên, không phải buổi hội họp nào cũng giống nhau. Nhưng không khí của những lần gặp gỡ khá đông đảo như thế bao giờ cũng thân mật, vui vẻ, có phần ấm cúng nữa là khác. Riêng tôi, mỗi lần ra về, luôn có cảm tưởng là mình đến gặp bà con xa gần trong một gia đình, không cần phải giữ kẽ, giữ miếng. Ăn nói có chi thất thố… thì cũng là chỗ anh em với nhau cả! Được như vậy, cũng nhờ ở chỗ không ai bảo ai mà anh chị em đều lịch sự hiểu ngầm luật chơi, tuy rằng đây là một thứ luật… bất thành văn, theo đó thì không đụng đến tác phẩm của người có mặt trong cái phòng khách rộng rãi ấy. Tôi đã từng đến chung vui với anh chị em trợ bút cho Văn Học trong mấy chục buổi họp bạn trong mười mấy năm ròng rã. Tôi chưa bao giờ thấy có một vụ xích mích xảy ra vì có người này quên mất chữ “thận trọng” trước khi phát ngôn về tác phẩm của người kia. Đó là một trong nhiều lý do giúp cho nhóm sinh hoạt này được bền bỉ. Ít ra là bền trong thời kỳ anh Giác còn làm chủ bút. Về sau này, kể từ lúc sức khỏe anh Giác suy kém đi, hoàn cảnh có khác, thì tiếng cười nói chuyện trò của anh chị em viết lách cũng thưa và lặng dần đi trong cái phòng khách đặc biệt ấy.

Từ trái: Hoàng Khởi Phong, Lê Uyên Phương, Khánh Trường, Mai Thảo, Phan Ni Tấn, Trần Duy Đức, Nguyễn Mộng Giác

[…]

Thường, anh chị em vẫn gặp nhau vào chiều Thứ Bảy hoặc chiều Chủ Nhật. Lý do giản dị là vì dạo ấy ai cũng còn đi làm, kể cả chủ nhân. Bước vào nhà, chưa kịp bắt tay ai thì đã bắt ngay được cái hương đượm sả của nồi bún bò mà chị Giác khiêm nhượng gọi là “dã chiến”. Hữu “sả” tự nhiên hương mà! Gọi là “dã chiến” nhưng tôi thấy nó đậm đà và… Huế đặc biệt. Tôi không muốn tả cái ngon vì “ngon” là một thứ mà không… bút nào tả xiết được, nhất là ngọn bút cùn của tôi. Chỉ biết rằng, so với cái chuyên nghiệp trong nhiều hiệu ăn ở vùng Quận Cam tô bún bò nghiệp dư của… Văn Học quả có trội hẳn. Bên cạnh bún bò vẫn có thêm nhiều món Nam và Bắc, hoặc của bạn bè “đóng góp cho vui” hoặc do chị Giác làm lấy. Đã đành, ai cũng nghĩ rằng trong một dịp như vậy, gặp nhau là quý rồi, chuyện ăn uống không quan trọng lắm. Nhưng chả gì thì người Việt di cư vẫn còn là… người Việt Nam, cho nên, đã nói đến dịp này dịp khác, tất không thể không đả động đến chuyện ăn uống.

Xem thêm:   Nguyễn Đình Toàn. tài hoa từ giọng nói

Sực nhớ có lần một người bạn thân rủ vợ chồng tôi và hai cặp khác nữa đến nhà ăn cơm nhân một dịp nào đó, tôi quên mất. Quen miệng, tôi nói:

– Chỗ anh em với nhau, đừng bày vẽ chi cho mệt.

Bạn tôi quay sang nói với vợ:

– Thì cũng phải có gì cho nó vui chứ. Phải không em? Chẳng lẽ dọn cơm với cà à. Bạn của mình đâu phải là Lưu Bình mà phải khích bác gì. Mà thật ra thì mùa này ở Mỹ cũng chưa có cà. Còn tụi mình nay đã đến cái tuổi mà thích gì thì làm, không thích thì thôi. Sức mấy mà ai khích ai được. Báo trước với các anh các chị là sẽ có chả cá đấy. Được không em?

Dĩ nhiên là được! Ấy, nó vậy đó. Họp bạn ở Văn Học cũng không tránh được cái “tinh thần” ấy. Khi nói lướt qua chuyện ẩm thực ở Tòa Soạn Văn Học, chỗ dụng tâm của tôi không ngoài điều sau đây: xét cái đầy đủ của thức ăn thức uống dù có lần anh chị Giác chỉ có được một buổi sáng để chuẩn bị, ai cũng phải đồng ý rằng đôi vợ chồng này rất quý bạn. Họ niềm nở, giản dị và chân thành trong cung cách tiếp đón bạn bè. Không phải ngẫu nhiên mà một số đông anh chị em luôn giữ được thiện cảm với gia đình ấy sau hàng chục năm trời quen biết, sau nhiều buổi chuyện trò kéo dài đến hàng giờ nếu không hẳn là suốt ngày với anh chị Giác. Cái chân tình này đã tạo ra một loại quan hệ đặc biệt giữa Văn Học và các trợ bút. Ngoài quan hệ đó, còn có một điều tôi tạm gọi là “không khí thân mật” nó tỏa ra giữa nhiều người có lui tới báo quán. Và tôi nghĩ quan hệ đặc biệt và không khí thân mật ấy hẳn có ảnh hưởng đến động cơ khuyến khích một số anh chị em văn hữu sáng tác và gửi bài đến Văn Học. Dĩ nhiên điều này vị tất đã đúng với tất cả mọi người, nhất là đối với những người không cư ngụ tại miền Nam California.

Mà những buổi họp bạn ấy quả có vui và dễ thương thiệt. Thường thì cứ chừng năm sáu giờ chiều là đã đông đủ cả. Tuy đông người nhưng phòng khách rộng mà cơm nước dọn theo kiểu buffet-dinner. Lấy thức ăn đã bày sẵn trên bàn, xong rồi kéo ghế ngồi chung với vài người khác đã đến trước. Có chỗ trống là xông vào góp chuyện. Không có chiếu trên chiếu dưới, vốn là một điều tối kỵ trong sinh hoạt giữa người sáng tác với nhau. Có nhường nhau là nhường một câu nói chưa hết ý hoặc nhường một bước vì tuổi tác theo như tập tục cổ truyền thôi. Mà kể cũng không có chi lạ, trong giới văn nghệ sĩ, không làm gì có cái chức vị nào cả. (Tôi đang nói về sinh hoạt giữa anh chị em sáng tác hiện sống ở ngoài nước.) Nói hết chuyện, kéo ghế qua một nhóm khác lại cũng có người vừa đứng dậy để đổi chỗ. Ăn uống kiểu này cũng có cái dược tính của nó. Nó chận được nguy cơ của bệnh độc thoại. Hễ có ai nói hơi nhiều về những điều vô bổ, mình chỉ lễ phép đứng dậy đi lấy thêm một cái cánh gà chiên hoặc kiếm thêm một ly ruợu vang nữa, mà cố ý trây ra cho lâu lâu một chút. Mất môi trường và đối tượng, vi khuẩn độc thoại không còn tác hại được nữa. Nhân thể rồi tôi nói qua về cái hay của kiểu ăn buffet-dinner chứ thật ra thì tôi biết các anh chị em đến chung vui không có ai mắc phải chứng nói dai mà bệnh nhân điển hình là Fidel Castro.

Xem thêm:   Đọc ‘Sài Gòn năm xưa’ của Vương Hồng Sển...

Không có người độc thoại nên mọi người đều có dịp nói, nếu muốn. Thôi! Tha hồ! Đủ mọi thứ chuyện. Chuyện bên nhà. Chuyện ở Mỹ. Chuyện năm châu. Chuyện bảy biển. Chuyện trên trời. Chuyện dưới đất. Chuyện đã qua. Chuyện sẽ tới… Ít khi có người đề cập đến văn chương chữ nghĩa. Thật ra thì thỉnh thoảng cũng có dăm lời bình luận về một đôi tác phẩm ngoại ngữ mới xuất bản, thường là sách bên Pháp bên Gia Nã Đại vì có người vẫn giữ thói quen theo dõi tình hình sách tiếng Pháp. Ai đọc được gì hay giới thiệu cho người khác. Còn các phong trào hoặc trào lưu văn học – vốn là chuyện quan trọng đối với giới cầm bút – thì không có ai bàn đến cả. Kể cũng dễ hiểu: nghiên cứu trong hai lĩnh vực này là chuyên môn của các nhà phê bình văn học hoặc của các giảng viên trong đại học. Theo tôi biết, người sáng tác – như đa số anh chị em thường lui tới Văn Học- dĩ nhiên cũng theo dõi các trào lưu văn học trên thế giới nhưng mà theo dõi vì tò mò nhiều hơn là vì muốn học hỏi để viết cho “hợp” hoặc cho “kịp”… người ta. Chẳng hạn ít có ai ngay từ lúc ngồi vào bàn lại tự nhủ rằng mình sẽ viết một quyển tiểu thuyết theo kiểu hiện đại hoặc hậu hiện đại.

Tôi dông dài trong đoạn trên đây cốt để nêu ra điều này: anh chị em viết lách khi ngồi với nhau, không nói về chuyện… viết lách. Họ cũng là người thường như mọi người vậy thôi. Ngoài giờ làm việc ít có ai nhắc đến công việc của mình. Nếu có nói về văn nghệ thì thường là những giai thoại, những mẩu chuyện vui về một tác phẩm hoặc tác giả nào đó. Nhưng không phải vì vắng bóng chuyện chữ nghĩa mà không khí lại tẻ nhạt. Dĩ nhiên tôi không nghe hết được tất cả những gì mà mọi người trao đổi với nhau trong một buổi tối, nhưng tôi biết có nhiều chuyện chắc chắn là vui. Bằng chứng là trong bếp – nơi các bạn phái nữ túm tụm với nhau bên một cái bàn dài – cũng như trong phòng khách, lâu lâu lại nghe nhiều tiếng cười giòn tan…

Ờ… những tối Thứ Bảy vui vẻ… những chiều Chủ Nhật nhộn nhịp… mới đấy mà xa quá rồi. Một vài cái bóng lướt qua trong trí nhớ: Mai Thảo tay ly rượu tay điếu thuốc, Lê Trọng Nguyễn với giọng cười sảng khoái của anh, cái im lặng hiền lành của Nghiêm Xuân Hồng, dáng ngồi hầu như bất động của Trần Đình Quân, ánh mắt nghịch ngợm của Nghiêu Đề … Bạn bè còn lại nay cũng ít có dịp gặp nhau. Người thì đường đi lại tuổi già thêm nhác, kẻ thì lá lá rơi nằm bệnh mấy tuần mưa. Đã thấy thấp thoáng tên của một đôi người ở trang bìa đôi tập hồi ký, tuyển tập, nghĩa là người ta đã gác bút rồi, quy ẩn rồi. Thành thử, những buổi chung vui với anh chị em văn nghệ nay nhớ đến, quả có quý thật. Nghĩ đến, cứ tiếc mãi!

TC-Nguồn: Da Màu

[1] loong-toong là tiếng gọi đùa để chỉ người tùy phái trong một công sở, do chữ planton trong tiếng Pháp mà ra.