Nhìn lại hai mươi năm lịch sử của Miền Nam ai cũng phải ghi nhận sự phát triển rực rỡ của báo chí, văn học, hội họa, âm nhạc… Riêng trong lãnh vực báo chí, đây là thời kỳ các tạp chí văn học nở rộ khiến người đọc và các thức giả phải lấy làm hãnh diện. Trong số những tạp chí của thời ấy có Bán Nguyệt San MAI cũng là một nỗ lực đóng góp đáng ghi nhận. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà văn Trần Hoài Thư là một tổng hợp những vẻ đặc sắc của báo MAI.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Mai là tạp chí phát hành mỗi tháng 2 kỳ, ra ngày 1 và 15. Chủ nhiệm: Hoàng Minh Tuynh. Giám đốc chính trị: Huỳnh Văn Lang. Báo khổ nửa giấy báo nhật trình, dày 40 trang, có 4 trang quảng cáo.

Có thể nói Mai là một Bách Khoa thứ hai. Chủ nhiệm Hoàng Minh Tuynh và giám đốc chính trị Huỳnh Văn Lang là hai rường cột của tạp chí Bách Khoa. Tuy nhiên không như Bách Khoa chủ trương phổ biến tư tưởng, văn hóa, khoa học, chính trị… chủ trương của Mai lại là dấn thân tích cực, chú trọng vào việc xây dựng xã hội, nhắm vào thành phần thanh niên sinh viên.

Riêng phần văn nghệ, có thể nói Mai là tờ báo rất trân trọng với tác giả, dù người viết mới hay cũ, quen tên hay không quen tên. Ở Mai, tác giả được xem như bình đẳng, có nhiều cây bút trẻ, đặc biệt là từ miền Trung đóng góp. Một phần là nhờ dịch giả Bửu Ý – người chăm sóc về bài vở từ năm 1963, và một phần là do tánh tình cởi mở của chủ nhiệm Hoàng Minh Tuynh, mặc dù ông đã ở vào gần tuổi ngũ tuần. Ông luôn luôn đứng vào hàng ngũ thanh niên sinh viên, thay mặt nói giùm họ. Nhà nhận định văn học Ðặng Tiến nhớ lại thời gian ông và bè bạn làm báo Mai như sau:

Xem thêm:   Lư đã về lại Phá Tam Giang

Khoảng 1962-1963 gì đó, anh Hoàng Minh Tuynh làm chủ báo Mai, Sàigòn, bán nguyệt san. Anh Tuynh là người công giáo tiến bộ, có uy thế lúc ấy, và ưa giao thiệp với các bạn trẻ mà anh tin cậy, chung quanh Nguyễn Hữu Thái là sinh viên kiến trúc. Thái kéo bè với đám bạn trẻ như Phạm Công Thiện, Quỳnh Tân, Lê Hiếu Ðằng, Bửu Ý và tôi. Có lúc anh Tuynh sang Ðức vài tháng, giao phó tờ báo cho chúng tôi “muốn làm gì thì làm”. Thái và Thiện viết vung vít sao đó, tòa Tổng Giám Mục có lưu ý và anh Tuynh kiểm soát lại tòa soạn. (Ðặng Tiến: Nhớ thương Phạm Công Thiện – nguồn: Internet)

Riêng nhà văn và dịch giả Bửu Ý xem thời gian làm cho báo Mai là những ngày tháng khó quên nhất của đời ông.

“Năm 1963 ở Sài Gòn không đủ ăn. Nhiều khi hai, ba ngày không có ăn, không có tiền đi xe buýt, phải đi bộ bốn cây số đến nhà in. Những đồng xu lẻ không đủ ăn 2 bữa/ngày. Sống cơ cực song bù lại đó là thời gian hào hùng của tôi, tôi được thỏa sự mê viết văn, mê viết báo, tôi thấy tôi sinh ra mình trên từng con chữ. Muốn viết được, phải sống thiếu đi một chút. Tôi không viết nhanh. Hồi đó sống thuê căn gác gỗ cùng với hai người con trai chủ nhà ở đầu cầu Trương Minh Giảng, kêu thêm bạn về ở chung để bạn khỏi trả tiền: đó là Sao Trên Rừng Nguyễn Ðức Sơn. Sơn là một người viết rất nhanh. Bù lại, tôi viết rất khổ sở, như rặn đẻ, có khi cả tuần mới được một trang. Không nên viết đùa, đem giá trị ra mà bỡn cợt. Tôi viết không dám đùa bỡn bất cứ ai”. (Bửu Ý – hồi ký Ngày Tháng Thênh Thang)

Xem thêm:   Đọc Tâm Thanh, từ một góc riêng

Nhìn tờ báo, dù không lòe loẹt như Nghệ Thuật nhưng chúng ta cảm thấy cả một sự trân trọng của Tòa soạn đối với người viết. Không có trang “dạy viết văn làm thơ”, không có trang cây bút mới cây bút cũ… Lần đầu tiên chúng tôi mới đọc được kịch của Bửu Ý (lấy bút danh là Nguyễn Phước), truyện Bửu Ý (bút danh là Bửu Uyên) trong khi tôi chỉ biết Bửu Ý là dịch giả. Tôi cũng được đọc những bài của Nguyễn Ðức Sơn viết nghiêm túc về tuổi trẻ, về tạp chí Sáng Tạo… và Nguyễn Xuân Hoàng trong những vở kịch vô tuyến truyền thanh, những bài viết nhận định về âm nhạc của Phạm Thế Mỹ hay hội họa của Ðinh Văn Cường (tức họa sĩ Ðinh Cường), Lâm Triết, Nguyễn Văn Liễu (tức họa sĩ Trịnh Cung), xen kẽ với những cây viết rất quen thuộc trên Bách Khoa về triết học như Cô Liêu, Vũ Ðình Lưu, Phạm Công Thiện…

Ðọc Mai, tôi tìm thấy những tiếng kêu trầm thống của tuổi trẻ trí thức miền Nam trước viễn ảnh đen tối của đất nước. Nó không phải là tờ báo khuynh tả như Trình Bày. Nó không phải là tờ báo thuần văn chương như Văn. Nó cũng không phải nghiêm túc không ồn ào như Bách Khoa. Nó là tổng hợp của ba tờ báo vừa kể. Vai trò của Hoàng Minh Tuynh với những cây viết cùng lứa của ông, cộng vào vai trò của Nguyễn Hữu Thái là thanh niên sinh viên, và Bửu Ý là thành phần trẻ trí thức đặc biệt miền Trung.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Tháng 12-1964, báo đổi khổ. Việc đổi khổ này cũng mang theo sự thay đổi về nội dung bài vở. Rất ít sáng tác văn chương, không thấy sự xuất hiện của những cây bút trẻ từng cộng tác thường xuyên với MAI như Bửu Ý, Phạm Công Thiện, Nguyễn Ðức Sơn; không còn mục Thanh niên sinh viên, hay Sổ Tay, trái lại là nhiều bài khảo luận liên quan đến chính trị, tôn giáo, văn hóa…

Ðiều này Mai đặt nặng phần thời sự chính trị lên hàng đầu, như tiêu đề trên bìa: tạp chí Xây dựng Xã Hội Văn Nghệ.

THT – sưu tầm và tổng hợp