Viên Linh, một tên tuổi lớn của văn chương miền Nam Việt Nam trước 1975 và theo đuổi nghề báo trên 60 năm, từ trong nước ra đến hải ngoại. Ông qua đời lúc 11 giờ 11 phút sáng Thứ Năm, 28 Tháng Ba 2024, tại nhà hưu dưỡng Annandale Healthcare Center, Annandale, Virginia, hưởng thọ 86 tuổi. Có thể nói trọn cuộc đời của Viên Linh dành cho văn học và báo chí. Ông ra đi để lại một di sản có thể nói là đồ sộ, trong đó có tạp chí Khởi Hành. Sau đây là bài viết của chính Viên Linh về tạp chí văn học sáng giá ấy. NGUYỄN & BẠN HỮU
Viên Linh
1.
Tháng 5.1969 tuần báo Khởi Hành, cơ quan ngôn luận của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội, số 1, ra mắt độc giả Miền Nam, (1) với chủ đề “Nhân Vật Người Lính trong Văn Chương.” Là Thư ký Tòa soạn song tôi không viết một sáng tác nào trong đó, ngoại trừ mấy câu phỏng vấn gửi cho các nhà văn, và lời mở đầu đăng trên bài trả lời của họ: “Với hy vọng họp mặt các nhà văn, nhà thơ trước các đề tài thuộc phạm vi Văn Học Nghệ Thuật, kể từ số ra mắt này, chúng tôi sẽ thường xuyên gửi tới bạn đọc những cuộc thảo luận, trao đổi ý kiến, phỏng vấn giữa Bộ biên tập Khởi Hành và các tác giả mà bạn đọc từng biết tiếng. Kỳ này … chúng tôi đã mời tham dự các nhà văn quân đội, hay đúng hơn, gồm những nhà văn quân đội và những nhà văn đang phục vụ trong quân đội…” Những người nổi tiếng tham dự cuộc phỏng vấn có Văn Quang, Tạ Tỵ, Thảo Trường, Hà Huyền Chi… Như thế từ số báo đầu tiên người thư ký toà soạn đã nghĩ ngay đến thành phần quan trọng nhất của tờ báo: đó là người đọc. Anh chị làm báo, nhưng làm báo cho ai đọc? Chúng ta không phỏng vấn các nhà văn trong số ra mắt để xin ý kiến họ về việc xây dựng hạnh phúc gia đình, hay hỏi họ có kinh nghiệm gì truyền lại cho thế hệ các nhà văn trẻ học hỏi. Những người muốn xây dựng hạnh phúc gia đình tốt đẹp sẽ không thèm nghe các ông nhà văn, – không có nhà văn nào nổi tiếng về việc xây dựng hạnh phúc – như thế là anh chị không tạo ra độc giả cho tờ báo, và trong số độc giả, có bao nhiêu nhà văn trẻ mua báo của anh chị, chưa nói đến việc nếu tất cả các nhà văn trẻ mua báo của anh chị để học hỏi kinh nghiệm đi nữa, thì anh chị có bao nhiêu độc giả? Đoạn văn trên người viết muốn trình bày sự liên hệ ràng buộc không thể không có sẽ diễn ra giữa những người xây dựng tờ báo Khởi Hành và bạn đọc Khởi Hành: Khởi Hành sẽ là báo văn nghệ của những người mặc quân phục. Khi viết những dòng này, tháng 12.2014, tạp chí Khởi Hành ở hải ngoại vừa bước qua năm thứ XIX, với số báo 214, trong khi trước 1975, tuần báo Khởi Hành đình bản vào giữa năm 1972, ở số 156. (2) Để ghi dấu chân cho cuộc hành trình – cả hai tờ đều do tôi thực hiện, cộng lại là 370 số báo – bài viết này bắt buộc phải là một bài vừa ghi chép vừa hồi tưởng, với những con số và sự kiện nhớ được.
2.
Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội được thành lập ngày 2.6.1967 qua Đại Hội Văn Nghệ Toàn Quân kỳ thứ nhất tại rạp Thống Nhất từ 31 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6.1967. Đại tá nhạc sĩ Anh Việt – Trần Văn Trọng được bầu làm chủ tịch. Ông người Nam, năm 17 tuổi ra Bắc học khóa 1 Võ Bị Nam Định, thời gian này sáng tác ca khúc Bến Cũ. Bạn cùng khóa của ông có Nguyễn Văn Thiệu, sau là Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Các ủy viên trong ban chấp hành khóa đầu có nhạc sĩ Hoàng Nguyên, Tô Kiều Ngân, Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh.
3.
Không lâu sau khi thành lập, Hội xuất bản nguyệt san Khởi Hành, thiếu tá Tô Kiều Ngân làm Thư ký Tòa soạn, báo đình bản sau 8 số. Đầu năm 1969 tác giả Viên Linh được liên lạc khi Hội quyết định biến nguyệt san Khởi Hành thành một tuần báo, và bán ra thương trường như một tờ báo dân sự. Nghe phong thanh Hội muốn tôi làm tờ Khởi Hành như đã làm tờ tuần báo Nghệ Thuật (chủ nhiệm Mai Thảo) năm 1965. Trong một phiên họp của Ban Chấp Hành tại văn phòng Đại tá Chủ tịch Hội (cũng là Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quân Cụ, đường Trần Quốc Toản) sau một cuộc bầu cử chọn thư ký tòa soạn giữa hai người, Viên Linh được đa số. Một tòa soạn được Hội thành lập, thành phần gồm hai trung tá, hai thiếu tá, hai đại úy: Tô Kiều Ngân, Lê Đình Thạch, Hoàng Ngọc Liên, Hy Văn, Đặng Trần Huân, Nguyễn Hữu Thống. Trong thành phần trên, Trung tá Hy Văn là thủ quỹ của Hội, Thiếu tá Lê Đình Thạch vốn là cựu Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến, tờ nhật báo duy nhất của Quân Đội, trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, tác giả Viên Linh cũng đang là Thư ký Tòa soạn nhật báo này, từ khi nhập ngũ, 1966. Tôi trông coi hai tờ báo một lúc trong suốt hai nhiệm kỳ thi hành nghĩa vụ quân sự của một thanh niên thời chiến. Tại tòa soạn Tiền Tuyến bộ phận của tôi có các anh Nguyễn Khắc Nhân, Hải Bằng, Viêm Hồng, Châu Sơn (con út nhà văn Chu Tử), tại Khởi Hành có anh Huỳnh Văn Mạnh về trị sự, nhà văn Dương Trữ La viết tin tức sinh hoạt văn nghệ và sửa lỗi các bản in.
4.
Mặc dù có tòa soạn, Thư ký Tòa soạn toàn quyền điều hành tờ báo về mặt biên tập. Trong phần lý lịch báo (nơi trang 4 hay trang chót) có ghi câu “Bài vở xin đề tên Thư ký Tòa soạn” đã nói rõ ý đó. Tờ báo nhằm bán ra thị trường tất phải quy tụ các nhà văn tên tuổi, ăn khách, có tầm vóc, muốn thế phải đãi ngộ họ một cách xứng đáng. Mặt khác nói là một tờ báo văn học thì không thể không nêu ra hay thể hiện một chủ trương văn học. Khởi Hành trước 75 đã viết ngay Văn học sử từ giai đoạn trước mình, và tìm tòi khai phá các tài năng mẫn cảm, tinh tế, và viết thực, đôi khi kỹ thuật các cây bút đó chưa vững, nhưng nương cho họ đi lên. Lịch sử văn học Việt Nam sẽ không quên ghi nhận Khởi Hành là diễn đàn đầu tiên của nhiều tiếng nói nhất. Tờ báo phát sinh nhiều tác giả trước đó chưa từng viết ở đâu.
5.
Để thực thi ý mình tránh những phiền hà của hành chánh hay nhân sự xen vào, một hợp đồng riêng đã được thỏa thuận giữa chủ nhiệm chủ bút (Anh Việt Trần Văn Trọng) và thư ký tòa soạn (Viên Linh). Để hoàn thành mỗi số báo, từ xin bài vở, biên tập, trình bày tờ báo, khuôn báo, sắp chữ, ấn loát, phí tổn mỗi số báo từ 16 tới 24 trang khổ 30x43cm (11.50 x 17”) là 45,000 đồng, trong đó 25,000đ phí tổn tòa soạn, giấy và công in cho 5,000 số báo; 20,000đ vừa là thù lao cho TKTS, 10,000đ mỗi tuần và nhuận bút cho các tác giả được mời viết 10,000đ nữa một số báo. Những món nhuận bút đầu tiên chi ra là cho các họa sĩ Tạ Tỵ, vẽ tranh trang hoàng nho nhỏ, làm thành clichés (bản kẽm) dùng hoài, như các mục “Thời sự Nghệ thuật,” “Vấn đề,” và người chọn kiểu chữ cho tờ báo. [Hơn 40 năm nay không có tờ báo nào chọn trùng kiểu chữ mansette của Khởi Hành, giản dị đó là kiểu chữ không đúc sẵn, chân chữ vuông vì được vẽ thêm vào. Khi làm Thời Tập năm 1973, chữ Thời Tập cũng vậy, chưa từng báo nào có kiểu chữ ấy vì tôi đã nhờ họa sĩ Lê Tài Điển sáng tác cho một kiểu chữ chỉ có mình có] v.v. Sau có thêm Nguyễn Hữu Nhật, Nguyễn Hải Chí (CHÓE) … TKTS chỉ trả nhuận bút cho các nhà văn do mình đứng ra mời, xin bài, tùy quyết định riêng không cần báo cáo. TKTS không có trách nhiệm về nhuận bút với các bài lai cảo (tác giả tự ý gửi đến). Nếu một tác giả có bài được đăng với điều kiện đòi nhuận bút, quản lý sẽ giải quyết bằng quỹ khác của tờ báo. Do toàn quyền quyết định mức nhuận bút, tôi không cần giấy tờ chứng minh dù với cả chủ nhiệm. Cùng một trang báo song được chia ra ít nhất là 3 mức: 700đ, 1,000đ, 1,500đ. Những người được trả mức 3 là những người mới vào nghề, mức 1 dành cho Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Ký giả Lô Răng, Võ Phiến; mức 2 dành cho Dương Nghiễm Mậu, Cao Huy Khanh chẳng hạn. Chị Năm Đen có quán cà phê bí tất ở đầu hẻm Phạm Ngũ Lão cách tòa soạn 4, 5 căn mỗi tháng tính tiền tôi nợ khoảng 3 hay 4 ngàn, do tòa soạn Khởi Hành quá nhỏ, vì chung văn phòng với 3 ông khai thuế xe, giấy lưu hành xe (Nha Lộ Vận ở bên kia đường, trong khu Nhà Ga xe lửa) v.v. Khi có anh em đến thăm, câu đầu tiên của tôi là “Ra ngoài quán chờ nhé. Uống gì cứ gọi trước đi. Bảo giùm Năm Đen mang cho moa chai 33.” Hơn nữa mỗi buổi sáng vào Cục Tâm Lý Chiến làm 4 trang nhật báo Tiền Tuyến, soạn tin soạn bài, “mise en page” tờ báo, tôi ra Khởi Hành làm việc khá trễ, đâu cũng 4 giờ chiều. Lần nào cũng thấy bằng hữu đang chờ ở quán cóc. Mỗi buổi chiều chúng tôi có một họp mặt hào hứng. Chuyện bài thơ kia hay, cái truyện đó lạ, … thường là đề tài nói ở đây.
6.
Gần một năm sau khi Khởi Hành xuất hiện, Hội VNSQĐ mới được hợp thức hóa bởi nghị định số 814 Bộ Nội Vụ KS-14 ngày 2 tháng 10.1970. Trụ sở đặt tại 72 Nguyễn Du Sài gòn. Trong Đại hội Văn nghệ sĩ Quân đội kỳ thứ hai tại Trại Đào Bá Phước đường Tô Hiến Thành, ngày 19 và 20.2.1971, các hội viên đã bầu ra một Ban Chấp hành mới, trong đó chủ tịch Đại tá nhạc sĩ AnhViệt được lưu nhiệm, phó chủ tịch là Hải quân Đề đốc nhà thơ Hữu Phương; tác giả Viên Linh là Ủy viên Sân khấu Kịch nghệ. [Do tôi cũng là Trưởng ban kịch Sông Hồng trên Đài phát thanh Quốc Gia, và thường xuyên cung cấp kịch bản 30 phút (27 vở) cho Đài Tự Do phát thẳng ra Bắc qua Đài phát tuyến ở Đông Hà]. Anh Cung than phiền ở Đại Hội là anh lãnh được nhuận bút khác biệt với người khác khiến Đại tá Chủ nhiệm phải giải thích, vì chỉ có ông mới biết rõ hợp đồng làm việc với tôi. Nguyễn Đạt lại nói đưa tôi một bài thơ đăng Khởi Hành được trả những 500đ, thật sự không phải thơ Đạt hay mà được trả hơn người được trả ít, mà vì lúc ấy tôi biết anh đang cần. Hay tôi từng trả lời phỏng vấn của nhà thơ Phan Nhiên Hạo và anh phổ biến trên blog của anh, việc tôi trả Thanh Tâm Tuyền 2,500đ. một bài đăng Khởi Hành, chuyện ấy có thật, vì thơ văn thi sĩ “Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy” luôn luôn thuộc loại unique, original, chỉ có một, có thể không được ưa thích, song được tò mò đọc qua cho biết. Đó là chỗ ăn khách của Thanh Tâm Tuyền. Anh và tôi cùng làm việc tại báo Tiền Tuyến, gặp nhau hàng ngày trong nhiều năm, nên một lần cần bài, tôi bảo anh: “Tôi trả anh 500đ một trang pelure viết tay.” Hôm sau anh đưa tôi 5 trang viết tay bài Âm Bản, chữ như con gà mái, đăng chỉ được nửa trang báo Khởi Hành, tôi đưa anh 2,500đ như đã hứa. Tờ Khởi Hành số 39-40 báo Tết in 10,000 số. bìa đỏ rực rỡ chỉ in một chữ “PHÚC” vĩ đại chưa từng có.
VL