Du khách đến Philadelphia có lẽ đều ghé thăm di tích lịch sử Independence Hall (Dinh Độc Lập) cái nôi của nền dân chủ Hoa Kỳ và cũng là khuôn mẫu cho nhiều chế độ dân chủ khác trên thế giới. Đây là nơi vào ngày 4 tháng 7 năm 1776 các đại biểu của 13 tiểu bang thuộc địa đã phê chuẩn và thông qua bản Tuyên Ngôn Độc Lập mà chúng ta ăn mừng hàng năm. Tuy nhiên, có nhiều chi tiết về bản tuyên ngôn này có thể bạn chưa biết.

Quảng trường Independence Square, Philadelphia (ianbui/TRẺ)       

Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên Ngôn, thật ra đã soạn nó xong từ những tuần trước đó. Bức tranh nổi tiếng của John Trumbull thường được tưởng lầm là cảnh các nhà quốc phụ ký kết bản Tuyên Ngôn vào ngày 4 tháng 7, nhưng thật ra đây chỉ là lúc Uỷ Ban Năm Người đệ trình bản thảo của Jefferson trước chủ tịch Quốc Hội Đại Lục (Continental Congress) vào ngày 28 tháng 6. Phải đến ngày 2 tháng 7 Quốc Hội mới đem nó ra bàn thảo, mổ xẻ, chỉnh sửa v.v. Và như ta biết, phiên bản hoàn chỉnh được Quốc Hội biểu quyết chấp thuận vào ngày 4 tháng 7, 1776.

Nguồn ảnh: Architect of the Capitol

Tuy đã được thông qua, nhưng phải mất 6 tháng sau bản Tuyên Ngôn ấy mới được tất cả 56 vị đại biểu đặt bút ký tên vào. Lý do là vì thời bấy giờ phương tiện giao thông bằng ngựa còn rất chậm, mà hệ thống bưu điện “toàn quốc” thì chưa ra đời. Thành thử sau khi đại nghị kết thúc, văn bản chính thức được giữ tại Philadelphia để chờ tất cả các đại biểu đến ký tên vào đó. Người cuối cùng ký vào bản Tuyên Ngôn là ông Thomas McKean, đại diện tiểu bang Delaware. Sau đại nghị, ông McKean (trong ảnh) ở lại luôn và làm chánh thẩm phán Tối Cao Pháp Viện tiểu bang Pennsylvania; năm 1799 ông được bầu làm Thống Đốc tiểu bang.

Nguồn ảnh: Wikimedia

Khi nhắc đến các nhà quốc phụ, ta thường liên tưởng đến hình ảnh những người đàn ông lớn tuổi, nhưng thật ra cũng có những người khá trẻ. Thomas Lynch Jr., đại biểu tiểu bang Virginia tại Continental Congress, khi ký tên vào bản Tuyên Ngôn mới 26 tuổi và là người trẻ nhất. Cha ông là đại biểu tại quốc hội đầu tiên, gọi là Congress of Federation, tiền thân của Continental Congress. Người lớn tuổi nhất ký tên vào bản Tuyên Ngôn không ai khác hơn cụ Benjamin Franklin, khi ấy đã 70 tuổi. Các nhà quốc phụ nhiều người làm nghề luật sư hay thẩm phán, có người làm nghề nông, doanh nhân v.v. Dù làm nghề gì chăng nữa, họ đều có nguy cơ mất tất cả nếu cuộc chiến giành độc lập thất bại.

Ben Franklin và cây đàn Glass Armonica do ông sáng chế. (Wikimedia)

Bản tuyên ngôn ra đời sau khi cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ trước đó một năm, 1775. Nhưng phải đến năm 1783 nước Mỹ mới giành được độc lập. Trong khoảng thời gian đó, 8 trong số những người ký tên vào bản Tuyên Ngôn đã qua đời. Có người chết vì tuổi tác hay bệnh tật, nhưng cũng có vài trường hợp khá ly kỳ. Button Gwinnett, tiểu bang Georgia, chết lãng xẹt trong một cuộc đấu súng tay đôi. Huyện Gwinnett của Georgia ngày nay, gần Atlanta, được đặt tên ông. Thomas Lynch Jr., (trong ảnh), nhà quốc phụ trẻ nhất, chết đuối vì bị đắm thuyền trong một trận bão. Ben Franklin, người già nhất, lại sống khoẻ để chứng kiến ngày đại thắng; ông mất năm 1790, thọ 84 tuổi.

Nguồn ảnh: Wikimedia

Có một điều ít ai nhắc tới, là vào thời điểm trước khi bản Tuyên Ngôn chính thức ra đời, trên khắp 13 thuộc địa lúc bấy giờ đã có gần 100 bản tuyên cáo khác nhau được công bố tại địa phương, từ thôn xã cho đến quận huyện và luôn cả cấp tiểu bang. Người dân khi ấy đã chán ngán chính quyền của vua Anh đến cùng cực. Sau khi chiến cuộc bùng nổ năm 1775, mức độ oán thán ngày càng dâng cao. Châm dầu cho ngọn lửa cách mạng là tập sách Common Sense của nhà tư tưởng Thomas Paine, người có công lớn trong việc hỗ trợ tinh thần cho đạo quân của đại tướng George Washington. Có thể nói, nếu Washington là Lê Lợi thì Thomas Paine là Nguyễn Trãi.

Nguồn ảnh: Wikimedia

Chính vì thấy dân chúng khắp nơi đều bày tỏ nguyện vọng tách khỏi nước Anh, Quốc Hội bèn giao cho Richard Henry Lee (trong ảnh) nhiệm vụ soạn một dự luật nhằm chính thức hoá việc thành lập một quốc gia mới. Dự luật mang tên Lee Resolution được Quốc Hội thảo luận và thông qua vào tháng Sáu, 1776. Theo đó, một Uỷ Ban Năm Người được uỷ thác việc soạn bản Tuyên Ngôn Độc Lập, gồm có: Thomas Jefferson, John Adams, Ben Franklin, Robert R. Livingston và Roger Sherman (được vẽ trong bức tranh bất hủ của Trumbull ở đầu bài). Thomas Jefferson đã dựa vào những ý tưởng và lời cáo buộc trong các bản tuyên cáo trước đó để soạn bản thảo cho Tuyên Ngôn Độc Lập mà ta biết đến ngày nay.

Nguồn ảnh: Wikimedia

Ngày 9 tháng 7, 1776, đạo quân kháng chiến ở New York được nghe đọc bản Tuyên Ngôn lần đầu. Có thể xem đây là bản hịch tướng sĩ đầu tiên của nước Mỹ. Lúc ấy quân Anh đang bao vây Brooklyn và sắp sửa đánh chiếm Long Island. Trong cơn phẫn nộ, một số người đã đánh sập bức tượng vua George ở Bowling Green mặc dù tướng Washington không đồng ý, ông cho rằng tượng ấy nên để chính quyền tương lai xét xử. Sau khi bị giật sập, bức tượng đã được nấu chảy để dùng làm đạn đồng. Tuy tinh thần binh sĩ đang ở cao độ sau khi được nghe bản Tuyên Ngôn Độc Lập, Washington đã phải nhượng bộ trước uy lực của lính Anh, lui quân về Manhattan để bảo toàn lực lượng và chờ thời.

Tranh của Johannes Adam Simon Oertel tả cảnh giật sập tượng vua George (New York Historical Society)