Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một hãng hàng không tư nhân đã thành công đưa người lên không gian. Đó là công ty SpaceX mà chủ nhân là tỉ phú Elon Musk, người đứng đầu hãng xe ô-tô điện Tesla.

Crew Dragon không người lái thực tập đáp lên ISS năm 2016. nguồn: Spacex     

Thứ Bảy 30/5/2020 sẽ được ghi vào sử sách là ngày hai phi hành gia Bob Behnken và Doug Hurley của NASA được phóng vào quỹ đạo trên chiếc phi thuyền mang tên Crew Dragon do công ty SpaceX chế tạo.

Và 20 giờ sau đó họ đã đáp thành công lên trạm không gian quốc tế ISS (International Space Station), đánh dấu sự khai sinh kỹ nghệ du hành không gian dân sự. Sự kiện này đã được nhiều triệu người trên thế giới theo dõi trực tiếp, nhiều hơn bất cứ chương trình nào khác lúc đó. Nó là kết quả một cuộc hành trình dài hai thập niên.

Năm 2001, nhà tỉ phú trẻ Elon Musk nảy ra ý tưởng xây một “Ốc đảo Hoả tinh” – “Mars Oasis”, một căn nhà kính nhỏ có ươm sẵn hạt giống khô, được phóng lên sao Hoả để biến thành vườn rau. Mục đích của Elon Musk là để gây sự chú ý trong công chúng về kỹ nghệ không gian đồng thời giúp NASA có thêm ngân sách. Tuy nhiên, sau khi tính toán lại, Musk phát hiện sẽ tốn rất nhiều tiền để chế tạo hoả tiễn có thể làm được việc này. Tháng 10, 2001 Elon Musk thân hành sang Moscow để tìm cách mua lại các đầu hoả tiễn liên lục địa ICBM cũ của Liên Xô. Nhưng Elon Musk đã bị các vị tướng Nga cười vào mặt và bị cho là tay mơ không biết gì.

Bob Behnken (trái) và Doug Hurley trong bộ áo phi hành gia thiết kế theo mốt mới. nguồn: Spacex

Không nản chí, tháng 2 năm 2002 Musk trở lại Nga lần thứ nhì cùng với cựu nhân viên CIA Mike Griffin. Lần này công ty Kosmostra đồng ý bán cho Musk một đầu hoả tiễn ICBM với giá $8 triệu đô la. Musk từ chối, cho là quá mắc. Trên chuyến bay về lại Mỹ, Elon Musk quyết định thành lập công ty SpaceX để thiết kế loại hoả tiễn mình cần. Áp dụng nguyên tắc “vertical integration” trong doanh nghiệp – phối trí chuỗi cung ứng theo chiều đứng, SpaceX tự chế tạo gần 80% những bộ phận họ cần thay vì đặt mua từ các hãng khác. Nhờ vậy giá thành sản phẩm của SpaceX có thể hạ thấp gấp 10 lần và tiền lời tăng 70%.

Xem thêm:   Ham & hố

Chiếc hoả tiễn đầu tiên của SpaceX ra đời năm 2003 và được đặt tên là Falcon 1 (mượn tên từ chiếc Millennium Falcon trong bộ phim Star Wars). Ðến năm 2006 Musk đã đầu tư hơn $100 triệu vào công ty. Từ 160 nhân viên năm 2005, SpaceX giờ đây có hơn 5000 nhân viên; đại bản doanh đặt tại Hawthorne, California.

Vì SpaceX là một công ty tư nhân chuyên vận chuyển hàng hoá và hành khách lên không gian, Musk luôn nghĩ đến việc giữ giá cho thật thấp: “Theo tôi, $500/lb cho mỗi chuyến bay là điều khả dĩ.” Nhưng để làm được chuyện đó, SpaceX phải thiết kế loại hoả tiễn có thể xài lại. Và đó là điểm khác biệt lớn giữa hoả tiễn của SpaceX và hoả tiễn của NASA. Sau khi được dùng để phóng phi thuyền lên một độ cao nhất định, Falcon có thể tách ra và tự đáp xuống một chiếc xà lan giữa đại dương, không phải rơi xuống biển để được vớt lên như hoả tiễn Saturn của Apollo hay Ares của phi thuyền con thoi Space Shuttle.

Hỏa tiễn Falcon thử nghiệm đáp thành công lên chiếc xà lan mang tên “Tất nhiên em vẫn còn yêu anh” (Of course I still love you), năm 2016. nguồn: spacex

SpaceX chưa hoạt động được bao lâu thì năm 2004 chính phủ George W. Bush quyết định chấm dứt chương trình Space Shuttle, sau khi xảy ra vụ tai nạn thứ nhì của chiếc Columbia năm 2003. Thay vào đó, ông Bush đề xuất một kế hoạch mới mang tên “Commercial Crew Development Program” (CCDP) với mục đích đào tạo một thế hệ phi hành đoàn tương lai, dựa trên sự hợp tác giữa nhà nước với tư nhân. Nhưng phải 7 năm sau Space Shuttle mới thực sự đóng cửa.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Phi vụ cuối cùng của NASA đưa phi hành gia Mỹ lên trạm không gian quốc tế là STS-135, trên chiếc Atlantis vào tháng 7, 2011. Từ đó đến nay, phi hành gia Mỹ nào cần bay lên ISS làm việc phải quá giang phi thuyền Soyuz của Nga – NASA phải trả khoảng $80 triệu cho một ghế!

Trước chuyến bay STS-135 một năm, chính phủ Obama cho ra đạo luật “NASA Authorization Act” để khuếch trương chương trình CCDP của người tiền nhiệm.

Mặc dù lúc đó kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục, ông Obama yêu cầu Quốc Hội chi $58 tỉ đô la trong vòng 3 năm để thúc đẩy các chương trình thám hiểm không gian tương lai, trong đó có việc tài trợ cho trạm không gian ISS ít nhất đến năm 2020. Nhờ đạo luật này mà SpaceX đã ký kết được với NASA một số hợp đồng trị giá nhiều trăm triệu đô la, thành quả là chuyến bay lịch sử chúng ta vừa được chứng kiến cuối tuần qua.

Elon Musk (phải) hướng dẫn Tổng thống Obama thăm viếng trung tâm SpaceX năm 2010. nguồn: wikimedia

Doug Hurley, phi đoàn trưởng trong chuyến bay lịch sử này, thật ra không xa lạ gì với ISS. Ông là người Mỹ cuối cùng của chương trình Space Shuttle đáp lên ISS trên STS-135 cách đây 9 năm. Nay ông được NASA giao trọng trách quay trở lại để mở màn một kỷ nguyên mới cho nhân loại. Cả ông và phi công Bob Behnken đều có nhiều năm kinh nghiệm điều khiển Space Shuttle. Họ nói so với con thoi thì con rồng Crew Dragon xóc dữ tợn hơn, không êm bằng, nhất là trong mấy phút đầu khi vừa rời bệ phóng. Nhưng ngược lại, dụng cụ máy móc của Dragon tân tiến hơn nhiều, với màn hình touch screen, iPad hiện đại… không như dàn computer cũ kỹ từ thập niên 1980 của Space Shuttle.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Và cũng nhờ những kỹ thuật truyền thông hiện đại đó mà chúng ta có thể theo dõi cuộc hành trình của họ trực tiếp qua internet, mạng xã hội v.v. Thật hồi hộp khi xem chiếc Crew Dragon tiến gần đến trạm không gian để “cập bến”. Dù biết đã được dợt trước nhiều lần ở dưới đất, nhưng thấy sự việc xảy ra trong thì hiện tại vẫn khác vì đâu ai có thể bảo đảm mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Suốt chiều dài lịch sử của ngành du hành không gian đã xảy ra biết bao nhiêu tai nạn, lắm khi chết người. Bản thân SpaceX đã trải qua nhiều lần thất bại, nhiều chuyến bay không thành công, nhiều hoả tiễn tan tành theo mây khói…

Thành viên ISS, từ trái: Anatoly Ivanishin, Ivan Vagner của Nga; Chris Cassidy của Mỹ chào đón Bob Behnken và Doug Hurley sau khi Crew Dragon vào đến trạm không gian. nguồn: NASA

Ðừng nói chi xa, mới trước đó một ngày, tức 29/5, tại trung tâm thí nghiệm ở Boca Chica, Texas, một chiếc hoả tiễn Starship của SpaceX đã nổ tung và cháy rụi trong một cuộc thử nghiệm. Starship là loại hoả tiễn Elon Musk hy vọng sẽ đưa người lên mặt trăng và sao Hoả để hoàn thành giấc mơ “Ốc đảo Hoả tinh” của ông cách đây gần hai thập niên. Nhưng, như ông bà ta nói, “Thất bại là mẹ thành công.” Bảo đảm Elon Musk vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình.

Trong lúc nước Mỹ đang trải qua những ngày tháng sôi động vì đại dịch, vì các cuộc xuống đường, vì bạo loạn… chuyến bay lịch sử của Bob Behnken và Doug Hurley chẳng khác nào một cơn mưa đến thật bất ngờ làm mát dịu không khí. Nó làm ta liên tưởng đến Apollo 11 và giây phút Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt chân lên mặt trăng cách đây nửa thế kỷ. Khi ấy nước Mỹ cũng đang bị xâu xé bởi chiến tranh Việt Nam, bởi các cuộc biểu tình, bởi phong trào đòi bình đẳng… Nhưng trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi mọi người như dừng lại để chia sẻ niềm vui chung của nhân loại và mừng cho chiến thắng của khoa học, của sự sáng tạo, của ý chí và tinh thần đồng đội.

Như Apollo 11, Crew Dragon và Elon Musk cho ta niềm hy vọng vào một tương lai tươi tốt hơn, không chỉ riêng cho kỹ nghệ không hành mà cho tất cả loài người.

IB