Nhà làm phim Jim Jarmusch từng tuyên bố một câu bất hủ: “Chẳng có gì là nguyên thuỷ cả, tất cả đều vay mượn. Nếu cần thì ta cứ ăn cắp, miễn nó đẩy sự sáng tạo lên tầng cao mới.” Trong thế giới của sân khấu và điện ảnh, ta có thể thấy sự vay mượn lẫn nhau xảy ra khá thường xuyên, nhiều khi phiên bản mượn còn hay hơn phiên bản gốc. Nhạc kịch “Tootsie” là một ví dụ.

Ảnh: Broadway Dallas       

Phim “Tootsie” là bộ phim ăn khách thứ nhì năm 1982, chỉ đứng sau “E.T.”, với doanh thu hơn $240 triệu. Tài tử Dustin Hoffman đóng vai Michael Dorsey, một diễn viên đầy tài năng nhưng tánh nết kỳ quái nên không ai mướn. Cuối cùng đói quá anh ta chơi liều, giả làm nữ diễn viên Dorothy Michaels hòng kiếm một vai phụ trong một tuồng soap opera trên TV. Tưởng đùa cho vui, ai dè anh ta không những được mướn mà còn trở nên nổi tiếng và show nọ thành công hết cỡ!

Nguồn: wikipedia

Nhạc kịch “Tootsie” mượn cốt truyện ấy nhưng thay bối cảnh Hollywood bằng sân khấu Broadway. Trong cả hai phiên bản, nhân vật chủ lực vẫn là Michael Dorsey/Dorothy Michaels. Nó đòi hỏi người đóng vai chính phải có khả năng đổi giọng một cách tự nhiên và thiệt là nhanh. Đóng phim giả gái thì còn dễ vì không phải hát, phải múa. Đóng nhạc kịch khó hơn nhiều. Coi vở này ta mới thấy nghệ thuật sân khấu của Âu Mỹ cao cỡ nào. Ảnh: Michael Dorsey làm bồi bàn kiếm sống chờ thời.

Nguồn ảnh: Broadway Dallas

Tuy là nhạc kịch, nhưng “Tootsie” mang nhiều tính chất thoại kịch hơn là nhạc kịch thuần tuý, với nhiều màn đối đáp thật sáng tạo và hài hước. Nhờ vậy mà vở này đã ẵm được một giải Tony cho Kịch bản Xuất sắc năm 2019. Các diễn viên chính đều phải là những người có nghề diễn kịch, vì nó đòi hỏi kỹ năng diễn xuất ở mức tinh tế hơn một nhạc kịch bình thường. Mọi cử chỉ, nét mặt hay ánh mắt đều phải có chủ ý và lộ rõ ra cho khán giả nhìn thấy. Nhân vật Jeff trong hình, bạn cùng phòng của Michael, là một ví dụ.

Nguồn ảnh: Broadway Dallas

Một trong những lý do phiên bản vay mượn này hay hơn phiên bản gốc là các màn vũ múa được xen kẽ giữa câu chuyện. Coi kịch đã hơn coi phim ở chỗ mọi thứ diễn ra không ngừng ngay trước mắt ta, không có vụ ngưng cắt để làm lại. Coi nhạc kịch còn sướng hơn một bậc, vì có thêm âm nhạc và múa hát. Có lẽ đây là một môn nghệ thuật còn lâu lắm người Việt mới làm nổi vì nó quá khó. Người diễn giỏi chưa chắc biết hát; người hát giỏi chưa chắc biết múa; và rất ít ai làm giỏi được cả ba.

Nguồn ảnh: Broadway Dallas

Các nam tài tử nhạc kịch trên Broadway không những biết múa, biết hát mà hầu hết đều có thể hình đẹp. Theo dõi họ trên Instagram ta thấy họ hay đăng hình khoe cơ bắp cuồn cuộn. Điều này cũng dễ hiểu, vì muốn nhảy múa ngày này qua tháng nọ để kiếm sống cần phải có thể lực tốt. Thành thử việc đi gym tập thể dục là chuyện đương nhiên. Kịch sĩ ở Việt Nam không biết mấy người có được thân hình như anh này.

Nguồn ảnh: Broadway Dallas

“Tootsie” được đề cử mười giải Tony thật xứng đáng. Mặc dù nó không thắng giải Best Musical hay Best Music Score nhưng dàn orchestra của nó rất hùng hậu, với đủ loại kèn trống nghe rất đã tai. Song cái hay nhất của nó vẫn là cốt truyện và những tình huống bi hài cực kỳ dí dỏm, thông minh. Lâu lắm rồi mới được coi một vở nhạc kịch mà khán giả cười bò lăn bò lóc, cười muốn bể rạp.

Ảnh: Broadway Dallas.

Lần đến Dallas này “Tootsie” được diễn tại rạp Winspear Opera House, một nhà hát tuy không lớn nhưng đẹp mê hồn và âm thanh cực kỳ tốt. Ngồi đâu ta cũng nhìn được và nghe được diễn viên trên sân khấu rất rõ. Mặc dù sàn diễn ở đây tương đối nhỏ so với Music Hall ở Fair Park, nhưng bù lại nó tạo nên cảm giác ấm cúng và gần gũi hơn. Chỉ một điều duy nhất hơi hổng ưng là parking đến $30. Nhưng phải công nhận coi kịch ở đây đã thiệt!

Ảnh: ianbui/TRẺ