Trong tiếng Anh, chữ “stampede” thường được dùng để tả một bầy thú đang chạy tán loạn, giẫm đạp lên mọi thứ, kể cả lên nhau. Nhưng có nhiều trường hợp “stampede” cũng được dùng cho con người.

Những bó hoa cho nạn nhân trong vụ “stampede” ở Hàn Quốc. Ảnh: Ahn Young-joon/AP   

Hôm cuối tuần rồi, một đám đông gần cả trăm ngàn người ở Seoul, thủ đô Nam Hàn, đã tràn vào một khu phố hẹp để ăn mừng Halloween. Kết quả là một cảnh tượng hãi hùng bi thảm. Nhà chức trách cho biết hơn 150 người đã thiệt mạng, đa số là thanh thiếu niên. Báo chí gọi đây là một cuộc “stampede”. Lược sơ lịch sử, ta có thể thấy những vụ chen lấn chỗ đông người dẫn đến tử vong xảy ra khá thường xuyên. Phần lớn “stampede” diễn ra tại các trận thể thao, đại nhạc hội hay những sự kiện tôn giáo.

Mới đây nhất, hồi đầu tháng 10, một trận đá banh ở Indonesia đã dẫn đến ẩu đả xô xát giữa các nhóm fan cuồng của hai bên. Cảnh sát Indo đã phải dùng lựu đạn cay hòng giữ trật tự, nhưng rốt cuộc lại làm cho tình hình rối ren thêm. Ðám đông đã “stampede” khỏi sân banh trong hoảng loạn; 125 người thiệt mạng và vô số người bị thương. FIFA cho biết đây là vụ chết người lớn nhất kể từ trận banh World Cup vòng ngoài giữa Guatemala và Costa Rica năm 1996; số người chết lần đó là 80 mạng. Nhưng trước đó cũng đã xảy ra nhiều vụ “stampede” khác tại các trận đá banh trên thế giới.

Cảnh sát ẩu đả với khán giả trên sân Malang, Indonesia. Nguồn ảnh: Ariana News.

Tháng 10 năm 1982, có 66 khán giả đã thiệt mạng sau một trận banh của giải UEFA Cup giữa hai đội Haarlem và Spartak Moscow. Tháng 5 năm 1985, có 39 người đã chết sau trận chung kết giải European Cup giữa Liverpool và Juventus tại sân vận động Heysel ở Bỉ. Tháng 3 năm 1988, tại một sân banh ở Kathmandu, Nepal, trời bỗng đổ mưa đá bất chợt khiến đám đông bỏ chạy ra về. Nhưng không hiểu sao tất cả các cổng ra vào đều bị khoá, làm cho mọi người hoang mang dẫn đến hỗn loạn và 93 người đã phải trả giá bằng mạng sống. Tháng Tư năm 1989, có 97 người chết vì giẫm đạp tại sân đá banh Hillsborough ở. Sheffield, Anh quốc. Năm 2001, cảnh sát Ghana đã bắn lựu đạn khói vào đám đông fan cuồng tại một trận đá banh ở thủ đô Accra, dẫn đến tình trạng hỗn loạn và khiến cho hơn 120 người chết vì bị “stampede”.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Ngoài thể thao ra, nhiều sự kiện giải trí khác cũng dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy chết người.  Tháng 12 năm 1979,  có 11 khán giả đã bị đám đông giẫm đạp trong một vụ “stampede” ở Cincinnati trước khi ban nhạc rock The Who lên sân khấu. Năm 2003, tại hộp đêm E2 ở Chicago, 21 người đã bị chèn đến ngạt thở trong cầu thang khi hỗn loạn xảy ra. Tại sân vận động Philsports Arena ở Phi Luật Tân năm 2006, trong lúc chờ đợi để tham gia buổi dự thi cho một chương trình văn nghệ giải trí thuộc loại variety show trên TV, đám đông đã mất trật tự dẫn đến chen lấn để giành chỗ; kết quả là 78 người đã phải thiệt mạng. Tại  lễ hội âm nhạc Love Parade ở Duisburg, Ðức, năm 2010, hàng chục ngàn người đã mắc kẹt bên trong một đường hầm hẹp; 21 người chết và hơn 600 người bị thương. Năm 2013, một vụ cháy tại vũ trường Kiss ở Brazil đã khiến cho thiên hạ bấn loạn và “stampede”, con số tử vong lên đến hơn 200 nhân mạng. Và mới hồi tháng 11 năm ngoái, khán giả tại buổi concert của nhạc sĩ Travis Scott ở Houston đã chen nhau tràn đến sân khấu làm sập giàn dựng khiến 10 người chết và vô số bị thương.

Stampede tại đại nhạc hội Love Parade ở Duisburg, Đức. Ảnh: EPA

Nhưng khi nói về những cuộc “stampede” lớn nhất trong vòng vài thập niên qua, hầu hết đều có liên quan đến tôn giáo. Mecca ở Saudi Arabia là nơi xảy ra nhiều tai hoạ nhất. Năm 1990, tại cuộc hành hương thường niên gọi là “hajj” ở Mecca, 1426 giáo dân Muslim đã bị đè chết trong một cuộc chen lấn vĩ đại nhiều trăm ngàn người. Năm 1994 “stampede” lại xảy ra lần nữa, cũng tại đây, khiến 270 người bỏ mạng. Rồi đến năm 1998 thêm 118 người Hồi Giáo hành hương thiệt mạng tại Mecca. Chưa hết, tại một buổi lễ trên cây cầu Jamarit Bridge gần Mecca năm 2004, đám đông đã xô đẩy nhau dẫn đến 251 người chết. Và chỉ hai năm sau một cuộc “stampede” khác gần đó đã khiến cho 345 người đi dự phải thiệt mạng. Kinh khủng nhất là vụ chen lấn tại Mecca năm 2015 khiến cho 2,411 người Muslim tử vong!

Xem thêm:   Hang gấu

Ngoài “hajj” ở Saudi Arabia ra, nhiều cuộc lễ hội tôn giáo khác trên thế giới cũng từng bị “stampede” đến chết người. Gần Việt Nam nhất là Lễ Hội Nước ở Nam Vang vào tháng 11 năm 2010. 345 người Cam Bốt đã thiệt mạng và cả ngàn người bị thương. Ở Ấn Ðộ, hơn 260 người Ấn giáo đi hành hương tại ngôi đền Mandhardevi đã bị đám đông chèn ép đến chết vào đầu năm 2005. Năm 2008, gần 170 người đã thiệt mạng trong một cuộc chen lấn tại một ngôi đền Hindu khác ở Jodhpur, Ấn Ðộ. Tháng Tám năm 2005, hơn 650 người Iraq theo đạo Shiite Islam đã thiệt mạng trên một cây cầu bắc qua sông Tigris gần thủ đô Baghdad. Nhiều người đã rơi xuống nước và chết đuối trên sông.

Đám đông đi hành hương ở Mecca, Saudi Arabia. Ảnh: Mohamed Hamed

Người Do Thái cũng không tránh khỏi. Tại cuộc hành hương thường niên lên núi Mount Meron hồi tháng Tư năm ngoái, một vụ “stampede” đã diễn ra khiến 45 giáo dân thiệt mạng. Ngoài những sự kiện thể thao, giải trí và tôn giáo ra, những cuộc tập hợp xuống đường lớn mang tính chính trị đôi khi cũng dẫn đến tai hoạ. Như tại thành phố Nagpur, Ấn Ðộ, năm 1994, hơn 100 người đã chết vì chen lấn.

Những năm gần đây ở Việt Nam, tình trạng đám đông tụ tập đông đảo tại các buổi lễ hội lớn hay sau các trận banh xảy ra khá thường xuyên. Giới trẻ ở Việt Nam ngày nay lại hay bắt chước thanh niên Hàn Quốc — từ phong cách ăn mặc cho tới âm nhạc, phim kịch đủ kiểu. Mong rằng sau thảm hoạ ở Seoul thanh niên Việt Nam sẽ cẩn thận hơn và tránh đặt mình vào những tình huống tương tự. Còn đối với người Việt ở Mỹ thì có lẽ “stampede” không phải là vấn đề hệ trọng vì dân ta nói chung ít khi tham dự các sự kiện thể thao hay giải trí lớn của người Mỹ. Tuy nhiên, FIFA World Cup sắp đến Bắc Mỹ năm 2026; chắc chắn sẽ có nhiều người Việt dắt nhau đi coi đá banh…

Dân chúng vứt dép tháo chạy trong hoảng loạn trên cây cầu ở Koh Pich, Cam Bốt. Ảnh: AP

IB