Những ai coi thể thao nhiều đều biết trước các trận banh ở Mỹ hầu như bao giờ cũng có màn chào quốc kỳ. Nhưng bạn có biết truyền thống này có từ hồi nào và từ đâu ra không?

Màn chào cờ trước Game 1 giải World Series 2017 trên sân nhà đội Los Angeles Dodgers. Ảnh: LG Pattersin/MLB Photos     

Trước khi trả lời câu hỏi tưởng dễ mà khó này, ta phải tìm hiểu về nguồn gốc bản quốc ca cái đã. Tên bản nhạc này có lẽ ai cũng biết — “The Star Spangled Banner” (lá cờ đính sao). Trẻ con Mỹ đều được học tên tác giả lời bài hát này là Francis Scott Key. Nhưng nếu bạn hỏi người dân Mỹ ai là người soạn ra giai điệu quen thuộc này, bảo đảm hầu hết sẽ lắc đầu.

Bản nhạc này được xuất bản năm 1778 với tựa đề “The Anacreontic Song”, tác giả tên là John Stafford Smith. Nó được dùng làm bài nhạc chính thức cho một hội nam giới (gentlemen’s club) ở London mang tên Anacreontic Society. Anacreon là một nhà thi sĩ Hy Lạp thời cổ đại, nổi tiếng với những bài thơ tình ướt át và những tửu khúc kể chuyện ăn uống nhậu nhẹt. Hội viên, đa phần thuộc thành phần cao cấp trong xã hội, gặp nhau mỗi tháng một lần để chơi nhạc, hát hò, ăn nhậu v.v. Lời bài nhạc nguyên thuỷ dĩ nhiên không giống gì lời bài quốc ca Mỹ ta biết đến ngày nay, nhưng bài nhạc được phổ biến nhanh chóng, lan truyền sang Mỹ châu và rất được dân chúng mọi tầng lớp yêu thích.

Bài nhạc gốc “Anacreontic Song”. Nguồn: Wikimedia

Không lâu sau khi Hoa Kỳ giành được độc lập thì bên Anh hội Anacreontic giải thể. Tuy nhiên ở Mỹ bản nhạc vẫn được tiếp tục hát khắp nơi. Ðến thập niên đầu thế kỷ 19 thì xảy ra Chiến Tranh 1812 giữa Mỹ với Anh. Năm 1814 quân Anh tấn công Washington, D.C., đốt toà nhà Quốc Hội và Bạch Cung mới xây xong. Tổng thống James Madison và đệ nhất phu nhân phải tản cư sang Maryland. Hai luật sư Francis Scott Key và John Stewart Skinner được tổng thống giao trọng trách gặp tướng Anh để bàn việc trao đổi tù binh và cầu hoà.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Họ được đưa lên chiến thuyền HMS Tonnant đậu ngoài vịnh Baltimore để điều đình với đề đốc Robert Ross và phó đề đốc Alexander Cochran. Trong bữa ăn tối hôm ấy họ tình cờ được nghe hai vị tướng Anh bàn kế hoạch tấn công Baltimore. Vì thế họ không được cho trở lại đất liền mà bị “tạm giữ” trên chiến hạm HMS Minden cho đến khi trận đánh kết thúc. Sau một trận mưa pháo mở màn, chiến thuyền Anh tìm cách len lỏi qua hàng phòng thủ của Mỹ nhưng bị đánh trả mãnh liệt từ Fort Henry, chốt phòng ngự cuối cùng của Mỹ.

“Lá cờ đính sao” nguyên thuỷ tại Fort Henry. Nguồn: Wikipedia

Từ trên HMS Minden Francis Scott Key theo dõi trận đánh thâu đêm nhưng không biết được kết quả. Mãi đến tờ mờ sáng hôm sau ông mới nhìn thấy, qua màn sương và khói của bom đạn, lá cờ đính sao được kéo lên. Fort Henry vẫn đứng vững. Cảm xúc dâng tràn, Francis Scott Key đặt bút làm một bài thơ tả lại cảnh mình vừa chứng kiến. Lá cờ này ngày nay được lưu giữ tại viện bảo tàng Snithsonian ở Washington, D.C.

Ngày 16 tháng 9 Key và Skinner được trả về đất liền. Trong khách sạn ở Baltimore đêm hôm ấy Key hoàn tất bài thơ dài bốn khổ của mình và đặt tựa cho nó là “Defense of Fort M’Henry” (Tử thủ tại Ðồn M’Henry). Key đưa bài thơ cho người anh rể của mình là Joseph Nicholson. Ngay lập tức Nicholson nhận ra lời bài thơ ăn khớp với giai điệu của bản Anacreontic Song. Ông liền mang đến cho một nhà in ở Baltimore in ra nhiều bản. Chỉ ba ngày sau, 20 tháng 9, bài thơ xuất hiện trên hai tờ báo lớn ở Baltimore với lời chú: “Giai điệu: Anacreontic Song.” Thomas Carr, chủ một tiệm bán nhạc khí ở Baltimore, bèn in thành bản nhạc hoàn chỉnh với đầy đủ ký âm và đặt cho nó cái tên mới: “The Star Spangled Banner.” Bài nhạc quen thuộc với ca từ mới mẻ và hào hùng được dân chúng hưởng ứng ngay lập tức. Chẳng bao lâu sau “Star Spangled Banner” được loan truyền khắp nơi, xuất hiện thường xuyên tại các dịp lễ lạt, diễn hành v.v.

Cầu thủ đội New York Yankees trước một trận banh năm 1921. Nguồn: Internet

Khi nước Mỹ bắt đầu bước vào cuộc Nội Chiến, “Star Spangled Banner” lại càng được trình diễn nhiều hơn. Năm 1862 đánh dấu lần đầu tiên bài nhạc được chơi trong một sự kiện thể thao, nhân dịp khánh thành một sân banh baseball. Từ đó về sau, nó hay được dùng để khai mạc các mùa banh, nhưng vẫn không phải trận banh nào nó cũng có mặt. Nhưng có lẽ số phận của bài nhạc có ca từ “bom nổ rầm trời” này đã được gắn liền với chiến tranh, vì các binh chủng trong quân đội Hoa Kỳ bắt đầu dùng nó như bản quân nhạc chính thức của họ.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Năm 1918, giải vô địch baseball World Series giữa hai đội Chicago Cubs và Boston Red Sox diễn ra trong bầu không khí u ám của Ðệ I Thế Chiến. Hơn 100,000 quân nhân Mỹ đã tử trận trong vòng chưa đầy hai năm. Trước đó một ngày ai đó đã đặt bom, cho nổ ngay tại Chicago. Thời tiết hôm đó lại xấu, khán giả không mấy ai hứng thú coi banh. Giữa hiệp thứ 7 của Game 1, ban nhạc bỗng nổi hứng chơi bài “Star Spangled Banner”. Một cầu thủ từng phục vụ trong Hải Quân đứng lên, hướng về lá cờ và giơ tay chào kiểu nhà binh. Vài cầu thủ khác thấy vậy cũng đứng ngả mũ đặt tay trên ngực trái. Khán giả tự động đứng dậy và hát theo. Khi bản nhạc chấm dứt mọi người vỗ tay reo hò ầm ĩ; không khí thay đổi hẳn. Thế là trong các trận kế tiếp việc này được tái diễn, khán giả tham gia càng lúc càng hăng hái. Ðội Boston Red Sox còn phát vé cho thương phế binh vào xem miễn phí. Kể từ đó chủ đội Boston ra quyết định chơi bản “Star Spangled Banner” trong tất cả các trận banh tại sân nhà. Một vài đội banh khác cũng bắt chước theo.

Ca sĩ Whitney Houston hát Quốc Ca tại Super Bowl XXV. Ảnh: George Rose

Nhưng ta nên nhớ, khi ấy nước Mỹ chưa có quốc ca. Phải đến năm 1931 “Star Spangled Banner” mới được Quốc Hội chuẩn thuận và được Tổng thống Herbert Hoover ký ban hành làm bài Quốc Ca chính thức cho Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ở Việt Nam thì đến năm 1941 mới có Lưu Hữu Phước soạn bài Thanh Niên Hành Khúc mà sau này được dùng làm Quốc Ca cho nước Việt Nam Cộng Hoà. Cùng vào thời điểm ấy, khi Ðệ II Thế Chiến xảy ra, một lần nữa bài “Star Spangled Banner” được dùng trong thể thao để khích động lòng yêu nước. Chủ tịch hiệp hội bóng bầu dục NFL ra lệnh tất cả các trận banh phải có màn chào cờ. Không lâu sau đó hiệp hội hockey NHL cũng ra quy định tương tự, và mỗi khi chơi trên sân Canada cả hai bản quốc ca của Mỹ và Canada được dùng để khai mạc trận đấu. Lần lượt các hiệp hội thể thao khác như bóng rổ NBA và sau này bóng tròn MLS cũng noi theo.

Xem thêm:   Tranh cãi...

Ngày nay việc chào cờ trước các trận banh đã trở thành truyền thống, kể cả ở các cấp trung học hay đại học. Nhưng có một sự kiện thể thao lớn mà bản nhạc này được giới phê bình theo dõi nhiều nhất, đó là trận vô địch football Super Bowl. Ðược mời hát bản quốc ca để mở đầu trận đấu này là một vinh dự không phải ai cũng có được. Trong số các ca sĩ từng trình diễn bài này tại Super Bowl, hay nhất xưa nay có lẽ là Whitney Houston trước Super Bowl XXV năm 1991 [1].

Tuy các ca sĩ đều cố gắng mang đến cho bản nhạc quen thuộc này phong cách riêng của mình, không phải ai cũng thành công. Người thì uốn éo giai điệu, kẻ thì đổi sang thể loại pop hay country v.v. Trong số những biến thể độc đáo nhất phải kể phiên bản của cố ca sĩ Marvin Gaye trước trận NBA All-Star Game năm 1983 được xem là có một không hai. Nếu bạn chưa nghe qua nên xem cho biết [2]. Bảo đảm không hay không lấy tiền.

Francis Scott Key. Nguồn: Wikipedia

IB

[1] https://youtu.be/N_lCmBvYMRs

[2] https://youtu.be/QNydcwDriuU