Sài Gòn cuối cùng cũng có được đường xe điện ngầm Metro đầu tiên, chính thức đi vào hoạt động ngày 22/12/2024 sau gần 17 năm thi công, chờ đợi và …. đội vốn. Tuy mới chỉ mở được một tuyến Bến Thành – Suối Tiên, nhưng sự kiện này dù gì cũng là một cột mốc tiến bộ trong hành trình văn minh hoá. Nhân dịp này, mời quý độc giả cùng chúng tôi lướt xem vài nhà ga được cho là đẹp trên thế giới.
Trạm xe điện Formosa Boulevard ở Đài Loan là một công trình nổi tiếng nhờ chiếc vòm thuỷ tinh lớn nhất thế giới, đường kính rộng 30m với diện tích 2,180 mét vuông. Nó được lắp ráp bởi 4,500 mảnh thuỷ tinh đủ màu, do công ty Glasstudios Derix của Đức thiết kế, với những chiếc dĩa tròn bằng thuỷ tinh nguyên thuỷ đến từ vùng Milan, Ý. Không chỉ là nhà ga, nó còn được cho thuê làm nơi tổ chức đám cưới. Còn được gọi là ga Cao Hùng, trạm được khánh thành năm 2009 để kỷ niệm 40 năm xảy ra cuộc đàn áp phong trào nhân quyền tại Cao Hùng năm 1979, dẫn đến việc thành lập một thể chế dân chủ thực thụ cho Đài Loan.
Nhà ga Toledo tại thành phố Naples, Ý, thiết kế bởi kiến trúc sư William Kentridge và hoạ sĩ Robert Wilson, được xem là một trong những công trình nghệ thuật độc đáo nhất của thế giới xe điện ngầm. Với chiều sâu gần 40 mét, nó được chiếu sáng bởi những mảnh kính mang ánh sáng mặt trời xuống từ mặt đường. Phần thứ nhất hoàn tất năm 2012, và ngay lập tức đoạt giải kiến trúc quốc tế LEAF cho công trình công cộng đẹp nhất năm 2013. Còn được gọi là Toledo Art Station, nhà ga này là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất trong vùng Naples vốn đã nổi tiếng là cái nôi của nghệ thuật thời Phục Hưng.
Paris có một nhà ga gần trường đại học mỹ thuật quốc gia Conservatoire des Artists, làm lại từ một trạm ga cũ có từ thập niên đầu thế kỷ 20. Năm 1994, trạm được tân trang để kỷ niệm 200 năm tuổi của trường. Thiết kế bởi hoạ sĩ hoạt hoạ Francois Schuiten người Bỉ, trạm dùng những hình ảnh và biểu tượng nhằm vinh danh Jules Verne, nhà văn khoa học giả tưởng người Pháp. Sàn đợi xe mang những yếu tố gợi ý chiếc tiềm thuỷ đĩnh Nautilus đến từ truyện Hai Ngàn Dặm Dưới Đáy Biển. Tường và trần đều bằng đồng, và đặc biệt không treo bất cứ một bảng quảng cáo nào.
Trong tất cả các nước trên thế giới, có lẽ chẳng nơi nào có nhiều trạm metro đẹp bằng Nga, nhất là những trạm được xây từ thời còn là Liên Xô. Nói gì nói, các kiến trúc sư Nga thời đó rất ư là kỹ lưỡng. Ắt hẳn nhà nước cộng sản đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng những nhà ga không chỉ để phục vụ hành khách mà còn dùng làm biểu tượng cho sự “ưu việt” của chế độ. Muốn kể hết những bến xe hay trạm xe đẹp ở Nga sẽ phải tốn hàng chục trang giấy. Trong ảnh là ga Arbatskaya ở Moscow, hoàn tất năm 1953, với những chiếc vòm trông vừa hoàng gia vừa hiện đại.
Một nhà ga đẹp không nhất thiết phải tốn nhiều tiền để xây. Trạm Szent Gellert ter Station tại thủ đô Budapest, Hung Gia Lợi, là một ví dụ điển hình. Sử dụng những vật liệu tương đối rẻ tiền (so với những nhà ga bên Nga chẳng hạn), các kiến trúc sư Hung đã thành công trong việc tạo dựng một không gian đậm chất nghệ thuật nhưng đồng thời gần gũi với người bình dân, nhất là với giới công nhân, thợ thuyền. Tường và sàn nhà ở tầng trệt dùng những mảng gạch mosaic cổ truyền, một trong những nét văn hoá đặc trưng của người vùng này.
Tại Madrid, Spain, các nhà thiết kế còn đi một bước xa hơn nữa là biến nhà ga Atocha Station thành một nhà kiếng khổng lồ rộng gần 4,000 mét vuông. Nơi đây được trồng hơn 100 loại thảo mộc vùng nhiệt đới đến từ Mỹ Châu, Á Châu và Úc Châu. Hiện thời nhà ga có khoảng 70 cây dừa, nhiều loài hoa khác nhau và hơn cả ngàn loài cây cỏ cũng như sâu bọ, cộng thêm một cái ao nuôi rùa. Thật chẳng khác nào một Thảo Cầm Viên thu nhỏ trong hệ thống đường sắt thành phố. Tưởng tượng Sài Gòn mà có được một nhà ga kiểu vầy thì hay biết mấy!
Thế giới có quá nhiều nhà ga độc đáo và đẹp mắt, không thể nào kể hết trên vài trang báo. Metro Bến Thành so với những đàn anh đàn chị đi trước cả trăm năm vẫn còn khiêm tốn lắm. Song trễ còn hơn không. Chỉ mong các nhà thiết kế tương lai biết nhìn xa, bắt chước những cái hay, cái đẹp của thiên hạ và bớt vỗ ngực tự hào quá đáng. Khi nào Việt Nam có thể tự xây được cho mình một tuyến metro mà không cần đến kỹ sư hay vốn ODA từ nước ngoài, khi ấy hãy hãnh diện cũng chưa muộn.
Đường hầm Bund Tunnel ở Thượng Hải khai trương năm 1999, băng dưới lòng sông Hoàng Phổ, dành cho khách du lịch.
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.