Nhiếp ảnh là một trong những công cụ ghi chép lịch sử tuy ngắn gọn nhưng dễ hiểu. Bởi vậy nên tiếng Anh có câu “Một bức hình đáng giá ngàn lời.” Bức ảnh ba phụ nữ Mỹ tại Los Angeles này chỉ cần ngó sơ ta cũng có thể đoán nó được chụp vào thập niên 1960 – từ mốt áo quần cho tới kiểu xe. Nó kể lên câu chuyện về một nếp sống tự do, thoải mái và sung túc.

Nguồn: Instagram.       

Cảnh thiếu nữ tắm nắng này được chụp ở Tehran năm 1978, chỉ vài tháng trước khi xảy ra cuộc cách mạng Hồi Giáo. Nó cho thấy không khí tự do, phóng khoáng của Iran trước khi bị biến thành một xã hội giáo chế dưới quyền cai trị của giáo chủ Ayatollah Khomeini, không khác gì miền Nam Việt Nam trước khi rơi vào tay cộng sản. Hình ảnh cô gái đàn guitar bên trái cũng nói lên được nhiều điều.

Nguồn: Instagram.

Thật ra phụ nữ Âu Mỹ ngày xưa ăn mặc cũng kín đáo, chỉ khác ở chỗ không phải trùm mặt kín mít như ở Afghanistan. Trong hình là Lady Norman (1883-1964), một nhà hoạt động cho nữ quyền người Anh. Bà tranh đấu bền bỉ cho quyền đi bầu và có nhiều đóng góp cho nước Anh trong hai cuộc thế chiến. Bức ảnh chụp năm 1917 tại London với kỹ thuật căng nét cực rõ cho thấy bà đang tự lái một chiếc scooter điện, biểu dương cho sự độc lập của phụ nữ.

Nguồn: FPG/Staff via Getty

Mary Ann Bevan (1874-1933) từng đoạt giải hoa hậu “Người đàn bà xấu nhất”. Bà bị một chứng bệnh hiếm tên là acromegaly làm cho xương phát triển không bình thường khiến bà bị biến dạng. Bà lấy ông Thomas Bevan năm 28 tuổi, vài năm trước khi mắc bệnh. Sau khi ông Bevan mất năm 1914, bà phải sinh sống bằng nghề diễn cho đám xiếc Ringling Brothers để nuôi bốn người con.

Nguồn: Wikimedia.

Đây là một bức ảnh tuy trông bình thường, tự nhiên nhưng vô cùng hiếm quý. Nhìn kỹ ta sẽ thấy nhân vật thứ nhì từ trái không ai khác hơn là công chúa Diana của Anh. Trong hình, Diana đang chạy chân không, đua với một số phụ huynh khác tại trường của hoàng tử William trong ngày Sports Day. Theo thông lệ, người trong Hoàng Gia không được khuyến khích tham dự những trò chơi “bình dân” như vầy. Nhưng Diana được công chúng yêu mến chính vì cái tánh bình dân ấy của mình.

Nguồn: Anwar Hussein/Getty

Năm 1944, Edith Steiner được giải cứu khỏi trại giết người Auschwitz của Hitler bởi một đội quân của Scotland. John MacKay là một binh sĩ trong đội quân ấy. Một năm sau họ gặp lại nhau trong một buổi tiệc kỷ niệm ngày hai mẹ con Edith thoát chết. Họ yêu nhau, lấy nhau, và có hai người con. Hình bên phải là đôi “uyên ương” cụng ly mừng 70 năm vợ chồng.

Nguồn: Instagram

Thời Đệ nhị Thế chiến, chuyện vợ chồng khác màu da là điều cấm kỵ. Thế nhưng khi Mary, người Anh, gặp Jake Jacob, một binh sĩ gốc Trinidad phục vụ cho một quân đoàn Mỹ đồn trú tại Lancashire, England, cô đem lòng thương và đòi lấy Jake cho bằng được mặc dù bị ông bố doạ tống ra khỏi nhà. Cuối cùng họ vẫn sống một đời hạnh phúc bên nhau cho tới khi răng long tóc… rụng!

Nguồn: Instagram

Olivia Newton-John và John Travolta, năm 1979 vs 2019. Họ từng đóng chung trong phim nhạc Grease. (1979), đoạt khối giải thưởng điện ảnh và âm nhạc. Nhiều người Việt có lẽ quen thuộc với những bản nhạc top hit của Olivia Newton-John vào thập niên 70-80 như “If You Love Me Let Me Know,” “Have You Never Been Mellow,” “Physical”… Ba năm sau khi bức hình bên dưới được chụp, Olivia Newton-John qua đời ở tuổi 74.

Nguồn: Instagram