“Người kéo đờn trên mái nhà? Nghe như chuyện điên rồ. Nhưng trong cái làng Anatevka bé tí này, có thể nói người nào cũng là kẻ đang ‘kéo đờn trên mái nhà’, cố xướng lên một giai điệu êm ái mà không để bị té lòi cổ. Thật không dễ tí nào!”

“Violiniste”, một trong nhiều bức tranh của Marc Chagall (1887-1985) về người đánh đàn vĩ cầm, đã tạo cảm hứng cho tựa vở nhạc kịch. nguồn: guggenheim museum

Ðó là câu nói mở đầu nhạc kịch ‘Fiddler on the Roof’, thốt lên bởi nhân vật chính là Tevye [Te-vy-ê], một anh chàng làm nghề bán sữa trong ngôi làng người Do Thái tên Anatevka ở Nga, vào năm 1905 –  khoảng 10 năm trước khi cách mạng bùng nổ.

Tuy nghèo nhưng Tevye là một người đàn ông tốt bụng, sùng đạo và luôn noi theo cái gọi là “truyền thống” (tradition) tổ tiên truyền lại từ đời này sang đời khác mà bản thân anh ta cũng chả biết đến từ đâu.

Bài nhạc mở màn, “Tradition”, nhấn mạnh vai trò gia trưởng của người đàn ông; đàn bà lo việc bếp núc, con cái… Thanh niên học Kinh Torah; thiếu nữ học thêu thùa may vá v.v. Ðặc biệt quan trọng là truyền thống cưới gả – cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, và thường phải nhờ bà mai làm mối.

Yehezkel Lazarov tuyệt vời trong vai Tevye, với bản nhạc kinh điển “If I Were a Rich Man” (Ước gì tôi là một phú ông). ảnh: joan marcus/dsm

Tevye có 5 (NĂM!!) cô con gái; ba cô lớn đã đến tuổi cập kê. Trong truyện, nhân vật bà mai Yente [Den-tê] là một người đàn bà dài hơi, hay ngồi lê đôi mách hóng chuyện thiên hạ nhưng khá hiền lành đôn hậu. Ai cũng ngán cái tánh dông dài của Yente, nhưng những bà mẹ có con gái như Golde [Gôn-đờ], vợ của Tevye, rất kiêng nể vì cần kiếm chồng cho mấy cô con. Ngày xưa khi Tevye lấy Golde làm vợ cũng do cha mẹ sắp đặt qua người mai mối; đêm tân hôn họ mới biết nhau. Ðó cũng là truyền thống họ muốn tiếp nối cho con mình.

Nhưng những biến chuyển xã hội và lịch sử tại nước Nga đầu thế kỷ 20 đã lan dần đến ngôi làng Anatevka hẻo lánh, làm đảo lộn mọi trật tự xưa cũ. Tzeitel [Zai-tô], trưởng nữ của Tevye, đem lòng yêu Motel [Mo-tô] – một anh chàng thợ may nghèo kiết xác, mặc dù Yente đã tìm được cho cô một tấm chồng giàu có là ông Lazar Wolf, chủ lò mổ thịt già khú đế vừa goá vợ. Tevye đồng ý gả Tzeitel cho Lazar Wolf vì nghĩ như vậy con mình “sẽ không lo bị đói”. Nhưng Motel đã thuyết phục Tevye cho anh lấy Tzeitel nhờ câu nói dũng cảm, “Một anh thợ may nghèo cũng đáng được hưởng hạnh phúc vậy!”

Màn vũ “Bottle Dance” cực kỳ ấn tượng trong tiệc cưới của Tzeitel và Motel. ảnh: Joan marcus/DSM

Trong khi đó, Hodel [Ho-đồ], cô con gái thứ nhì, lại phải lòng chàng sinh viên Perchik [Pơ-chjic] đến từ Kiev. Tevye tình cờ gặp chàng thư sinh nghèo đói này lang thang ngoài chợ. Thấy Perchik ăn nói cũng có “trí tuệ”, Tevye mời anh ta về dạy học cho hai cô con gái út, đổi lại cho anh ta ở trọ và ăn uống chung trong nhà.  Perchik đại diện cho thành phần trí thức trẻ thời bấy giờ, chán ngán chế độ Sa Hoàng, muốn làm cách mạng.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Hodel tuy không quan tâm gì đến chính trị, nhưng từ Perchik cô cũng học được một số điều mới lạ – như dám “nhảy đầm” với Perchik trong đám cưới của chị mình, và “phụ nữ bình quyền”.

Khi Perchik quyết định rời Anatevka để đi “làm kách mệnh”, chàng và nàng đến gặp Tevye để “thông báo” rằng họ sẽ cưới nhau. Chưng hửng, Tevye hỏi vặn, “Tụi bây không cần xin phép tao nữa hả?” “Dạ thưa không. Tụi con chỉ cần Cha ban phép lành cho tụi con mà thôi.” Tevye: “?!?!” Nhưng rồi vì thương con gái, Tevye một lần nữa gác “truyền thống” sang một bên, cho Hodel đi theo tiếng gọi của con tim.

Trong lúc những tình huống cười ra nước mắt này diễn ra thì cũng xảy đến một số sự kiện nghiêm trọng. Chính quyền ra lệnh cho lính đến phá rối tiệc cưới của Tzeitel và Motel, đập phá đồ đạc và đánh Perchik bị thương. Trớ trêu thay, cô con gái thứ ba của Tevye là Chava [Kha-va] lại đem lòng yêu một anh chàng người Nga tên Fyedka [Phi-ét-ca]. Ðến đây thì mọi chuyện đã vượt giới hạn “lễ giáo” của người Do Thái và quá sức chịu đựng của Tevye, một người sùng đạo rất mực. Ông từ cô con gái, và thề không nhìn mặt con mình nữa sau khi Chava bỏ nhà để đi theo Fyedka.

Ba cô đến tuổi cập kê đang mơ ước được bà mai kiếm cho mình tấm chồng đẹp trai, học giỏi và … nhiều tiền, trong bài “Matchmaker”. Từ trái: Natalie Powers, Mel Weyn, Ruthy Froch. ảnh: joan marcus/dsm

Chưa hết, ít lâu sau Sa Hoàng ra lệnh trục xuất tất cả người Do Thái ra khỏi Anatevka. Mọi người chỉ có ba ngày để bán đồ đạc nhà cửa và cuốn gói ra đi. Màn cuối của nhạc kịch là cảnh dân làng tay xách nách mang nối đuôi nhau rời bỏ quê làng, mỗi người một hướng. Trong khi ấy thì anh chàng “fiddler” vừa đi vừa kéo bài “Fiddler on the Roof” thật là thảm thiết.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Tuy có kết thúc bi thương như vậy, nhưng “Fiddler” là một vở hài kịch làm người xem cười nghiêng ngửa từ đầu đến cuối, kể cả giây phút bà mai Yente đến từ giã Golde. Với lối dẫn chuyện lôi cuốn, lời thoại sắc sảo thông minh, và tình tiết dàn xếp hợp lý chặt chẽ, người xem không hề cảm thấy bị hụt hẫng khi cảm xúc dịch chuyển lia lịa từ hài sang bi và ngược lại. Thêm vào đó là phần âm nhạc hết sức quyến rũ, êm ái, dễ nghe.

Nhưng nổi bật nhất và xuyên suốt vở nhạc kịch là các màn vũ cực kỳ sáng tạo, linh động, hài hoà với bố cục một cách tự nhiên, không có vẻ gì là dàn dựng nhưng lại chính xác từng li từng tí. Từ lúc mở màn với vũ điệu “Tradition” của dân làng đến màn “bottle dance” truyền thống (đội chai rượu trên đầu) trong buổi tiệc cưới, nhất nhất đều khiến người xem muốn đứng lên nhảy múa theo. Nhưng tương phản với những màn tươi vui đó là cảnh anh chàng “fiddler” trong bộ áo tím thẫm đi loanh quanh đánh đàn, như để nhắc nhở mọi người rằng cuộc sống của người dân lúc nào cũng bấp bênh, chẳng khác nào kẻ “kéo đờn trên mái”, không khéo là té lộn nhào gãy cổ. Và việc họ phải lìa bỏ quê hương đi tứ tán cũng nằm trong ý nghĩa đó. Dẫu vậy, ta có thể tin rằng đi đến đâu họ cũng sẽ vẫn cố gắng gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống của cha ông.

Hồn ma vợ ông hàng thịt hiện về, dọa không cho chồng lấy con gái của Tevye. ảnh: Joan marcus/DSM

Ra mắt Broadway năm 1964, “Fiddler on the Roof” đã được đề cử 10 giải Tony Award và thắng hết 9, mặc dù trước đó nhiều nhà đầu tư đã không dám bỏ tiền vì sợ sẽ bị kỳ thị bởi những người bài Do Thái. Ðến năm 1971 nhạc kịch này được dựng thành phim và đoạt thêm 3 giải Oscars nữa. Nếu không lầm thì ngày xưa phim này cũng đã được chiếu tại Sài Gòn, hình như là ở rạp Eden (độc giả nào nhớ xin kiểm chứng giùm).

Xem thêm:   Allen PAC

Từ đó đến nay “Fiddler” đã được tái dựng trên Broadway (New York) và West End (London) nhiều lần, chưa kể không biết bao nhiêu tour lưu diễn trên khắp thế giới. Câu chuyện của “Fiddler” tuy đến từ một tập truyện của nhà văn Sholem Aleichem, về cuộc đời của “Chàng bán sữa tên Tevye” người Do Thái, nhưng nó chứa đựng những yếu tố nhân bản phổ quát mà dân tộc nào cũng có, cũng hiểu và cảm nhận được – gia đình, tín ngưỡng, tình yêu, cách mạng, mâu thuẫn giữa nề nếp cũ và lối sống mới v.v. Chính vì thế mà “Fiddler” đã được tái chế để dàn dựng tại nhiều nơi, bằng nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Nhật.

Bản thân người viết đã từng đóng vai Perchik khi vở nhạc kịch này được một ca đoàn địa phương dàn dựng cách đây vài năm. Ðóng đến màn di tản vào phút cuối, rất nhiều cảm xúc phức tạp đã dâng lên khi liên tưởng đến cảnh biết bao người Việt đã phải bỏ xứ ra đi vì bị ruồng đuổi, bao nhiêu gia đình bị ly tán, bao nhiêu người mất mạng trên biển cả hay trong rừng sâu. Ðược xem lại vở nhạc kịch này do một đoàn nghệ sĩ Broadway chuyên nghiệp trình diễn quả thật là một món quà tinh thần vô giá. Chợt nghĩ thầm, giá mà nhiều người Việt cũng biết để đi xem thì hay biết mấy.

Quê hương bị chính quyền cướp, tương lai mịt mờ vô định… người dân bỏ làng ra đi trong tiếng đàn da diết của gã “fiddler”. ảnh: joan marcus/dsm

IB

Dallas

“Fiddler on the Roof” đang được Dallas Summer Musicals trình diễn tại Music Hall at Fair Park, Dallas, cho đến ngày 18/8. Sau đó nhạc kịch sẽ dời đô sang Bass Performance Hall, Ft Worth, từ ngày 20-25/8.