Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, mùng 6 tháng 2 âm lịch không chỉ là Lễ Hai Bà Trưng mà còn là Ngày Phụ Nữ. Nhưng sau năm 1975, ngày phụ nữ ở Việt Nam bị đổi sang ngày 8 tháng 3, tức Ngày Quốc Tế Phụ Nữ. Hai ngày này khác nhau ra sao?

Lễ Hai Bà Trưng tại Sài Gòn, 1960. Nguồn: Manh Hai Flickr

Lễ Hai Bà Trưng năm nay rơi vào ngày 18 tháng 3 dương lịch. Các vị cao niên có thể còn nhớ, năm 1960 lễ Hai Bà tại Sài Gòn đã diễn ra thật long trọng với một vị khách quý từ Miến Ðiện là bà Aung San — mẹ của chính trị gia Aung San Suu Kyi hiện đang bị quân đội Miến giam giữ sau vụ đảo chánh hồi tháng Hai. Nhìn lại những hình ảnh xưa, ta có thể nhận thấy chính quyền miền Nam thời bấy giờ đã có những nỗ lực đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ vào các sinh hoạt xã hội.

Buổi lễ có sự góp mặt của các đoàn thể đủ mọi thành phần, các liên đoàn phụ nữ, những chiếc xe hoa đầy màu sắc, nữ sinh các trường Gia Long, Trưng Vương đi diễn hành, và dĩ nhiên có ngựa voi và lính hầu. Thêm vào đó là các màn thi nữ công, gia chánh, cắt may, thêu thùa, em bé đẹp, viết văn giỏi v.v. Tất cả nói lên những nét đẹp trong một đất nước đang trên đường dân chủ hoá tuy chiến tranh vẫn rình rập và thể chế sắp có nguy biến.

Các hội đoàn trong Ngày Phụ Nữ 1960. Nguồn: Manh Hai Flickr

Thế rồi sau 1975, dân miền Nam không còn có những Ngày Phụ Nữ như vậy nữa, thay vào đó là Ngày Quốc Tế Phụ Nữ mà dân ta quen gọi là Tám tháng Ba (8/3). Nhưng khác với 8/3 trên thế giới, tại Việt Nam ngày 8/3 được xem gần giống như lễ Valentine’s Day — ngày quý bà quý cô được chìu chuộng, tặng hoa, tặng quà, tặng thơ… Hầu như không người Việt nào nghĩ đến 8/3 như ngày để đấu tranh cho nữ quyền, nhân quyền và dân quyền vốn là nguồn gốc lịch sử của nó.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Cách đây hơn 110 năm phụ nữ Mỹ chưa được phép đi bầu. Tháng Hai năm 1909, Uỷ ban Phụ nữ của đảng Xã Hội ở New York tổ chức một cuộc mít tinh để vận động cho nữ quyền. Một năm sau, nhiều tổ chức phụ nữ khác trên toàn nước Mỹ cũng tổ chức những sinh hoạt tương tự vào ngày 27/2/1910 — đó là lần đầu ngày này được gọi là Ngày Cho Phụ Nữ. Ðến tháng Tám năm ấy, tại Copenhagen, Ðan Mạch, đảng Xã Hội Quốc Tế bắt chước Mỹ tổ chức một cuộc hội nghị dành riêng cho phụ nữ. Hơn 100 đại biểu đến từ 17 quốc gia đồng ý lập ra một ngày lễ thường niên để vận động cho quyền bình đẳng và quyền đi bầu của phụ nữ.

Phụ nữ Mỹ xuống đường tại New York năm 1970. Ảnh: Eugene Gordon.

Ngày 19 tháng Ba năm 1911, hơn một triệu người đã xuống đường ở Ðức, Áo, Ðan Mạch và Thuỵ Sĩ để đánh dấu Ngày Quốc Tế Phụ Nữ đầu tiên. Chỉ riêng tại vùng Áo-Hung có hơn 300 cuộc biểu tình lớn nhỏ. Phụ nữ Âu Châu khắp nơi bắt đầu đòi hỏi không chỉ quyền đi bầu mà còn cả quyền được ra tranh cử, đồng thời kêu gọi chấm dứt tình trạng kỳ thị giới tính tại nơi làm việc. Kể từ đó cứ đến tháng Hai và tháng Ba hàng năm các hội đoàn phụ nữ trên thế giới tiếp tục tổ chức Ngày Quốc Tế Phụ Nữ. Bắt đầu từ năm 1913 phụ nữ Nga cũng tham gia phong trào.

Lần đầu tiên Ngày Phụ Nữ Quốc Tế diễn ra đúng vào ngày 8/3 là năm 1914 tại Ðức. Hôm đó là một ngày Chủ Nhật. Trong cùng ngày, một cuộc biểu tình lớn đòi quyền đi bầu đã diễn ra tại Luân Ðôn. Không khác gì nhà cầm quyền cộng sản ngày nay, cảnh sát Anh đã chận bắt nhà đấu tranh Sylvia Pankhurst khi bà đang trên đường đến địa điểm biểu tình để diễn thuyết. Nên nhớ tình hình thế giới vào thời điểm đó rất phức tạp. Các phong trào công nhân đang nổi lên khắp nơi chống lại tình trạng tư bản hoang dã bóc lột người lao động. Ở Âu Châu cuộc đại thế chiến đang bước vào giai đọan khốc liệt. Dịch cúm Tây Ban Nha đang chực bùng nổ.

Ngày Quốc Tế Phụ Nữ tại Lahore, Pakistan, năm 2020. Ảnh: Arif Ali

Ngày Tám tháng Ba năm 1917, tại thành phố Petrograd ở Nga, các nữ công nhân ngành dệt may bắt đầu một cuộc đình công lớn đòi hỏi cải tổ kinh tế, cải thiện đời sống, chống đối Nga Hoàng và châm ngòi cho cuộc Cách Mạng Tháng Hai. Leon Trotsky thuật lại, “Chúng ta tưởng Tám tháng Ba năm nay chỉ là một Ngày Phụ Nữ bình thường, nào ngờ nó đã khai mào cho cuộc cách mạng.” Chỉ trong vòng vài ngày thành phố bị tê liệt vì đình công; Nga hoàng Nicholas II phải thoái vị. Chính phủ lâm thời lên thay thế và ngay lập tức thay đổi luật để cho phụ nữ Nga được quyền đi bầu.

Xem thêm:   Dinh Độc Lập biểu tượng tinh thần quốc gia

Sau cuộc Cách Mạng Tháng Mười thành công, chính quyền Bolshevik chọn 8/3 làm lễ quốc gia. Từ đó về sau Ngày Quốc Tế Phụ Nữ được gắn liền với Liên bang Xô Viết và các nước trong khối cộng sản. Tại Trung Quốc, 8/3 được cả hai nhóm Cộng Sản và Quốc Dân Ðảng chọn làm ngày lễ chính thức, phụ nữ được cho nghỉ làm … nửa ngày.

Sang thập niên 1960, một đợt tranh đấu cho nữ quyền lần thứ nhì nổi lên ở các nước Tây Âu. Ngày Quốc Tế Phụ Nữ một lần nữa được dùng để thúc đẩy một số cải cách trong xã hội để phụ nữ được đối xử bình đẳng. Nhiều vấn đề bất cập trong lương bổng, cơ hội tiến thân, quyền tự do cho phụ nữ v.v. được các nhà lập pháp mang ra mổ xẻ. Ðến năm 1975 thì phong trào nữ quyền đã lớn rộng đủ để Liên Hiệp Quốc phải công nhận 8/3 là Ngày Quốc Tế Phụ Nữ trên toàn cầu. Từ đó 8/3 không còn bị xem là sản phẩm riêng của các nước cộng sản nữa.

Phụ nữ Úc biểu tình ngày 15/3/2021 tại Sydney. Ảnh: Rick Rycroft

Ở Mỹ, nơi Ngày Phụ Nữ được khởi xướng cách đây hơn một thế kỷ, chính phủ Hoa Kỳ trong những năm gần đây cũng dành ngày 8/3 để đề cao những thành tựu của phụ nữ trong xã hội và đề xuất những chính sách có lợi cho phụ nữ. Chẳng hạn như năm 2011 Tổng thống Obama tuyên bố tháng Ba là “Tháng Của Lịch Sử Phụ Nữ”. Năm 2019, Tổng thống Trump ra một thông báo tuyên dương “vai trò lãnh đạo, lòng can đảm và những đóng góp của phụ nữ cho gia đình, cộng đồng và quốc gia,” và hứa hẹn chính quyền “sẽ tiếp tục hỗ trợ và tài trợ cho các nhà kinh doanh phụ nữ, giúp họ có vốn khởi nghiệp.” Mới đây nhất, Tổng thống Biden đã mượn ngày 8/3 để ban một sắc lệnh thành lập Hội đồng Cố vấn chuyên trách các vấn đề liên quan đến giới tính “để tất cả mọi chính sách của chính quyền, đối nội cũng như đối ngoại, đều dựa trên nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ vai trò người phụ nữ.” Ngoài ra ông Biden cũng hứa “chính quyền bảo đảm phụ nữ sẽ được đại diện đầy đủ trong mọi cơ quan hành chánh ở các cấp.”

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Như vậy rõ ràng 8/3 không phải là ngày cho mấy ông nịnh các bà kiểu như: “Hôm nay mùng Tám tháng Ba / Tôi giặt giùm bà cái áo của tôi…” Không. Ngày Quốc Tế Phụ Nữ là ngày chúng ta cần lên tiếng về những bất công, bất bình đẳng còn đang tồn tại. Xã hội Việt Nam lúc nào cũng có những người phụ nữ can trường, dám thách đố cường quyền bằng tiếng nói ôn hoà nhưng thẳng thắn của mình. Họ là những Trưng Trắc, Trưng Nhị tân thời — như nhà văn Phạm Ðoan Trang, kỹ sư Ðinh thị Thu Thuỷ, nông dân Bùi thị Nối — đang bị đàn áp và giam cầm bởi một chế độ độc tài tinh vi hơn thời phong kiến nhiều. Ngày Quốc Tế Phụ Nữ chính là dịp để chúng ta tôn vinh những người như họ, đồng thời kêu gọi cộng đồng thế giới tạo áp lực lên nhà cầm quyền cộng sản, buộc chúng phải trả tự do cho những người phụ nữ anh hùng ấy. Có như thế thì chúng ta mới xứng đáng là con cháu của Hai Bà.

IB