Năm 1978, một uỷ ban phụ trách vấn đề phụ nữ tại huyện Sonoma County đề nghị tiểu bang California nên lập ra “Tuần lễ Lịch sử Phụ nữ” vào đầu tháng Ba, ăn khớp với ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3). Thấy ý kiến này được nhiều người dân hoan nghinh, năm 1980 một tổ chức mang tên National Women’s History Project vận động với chính phủ Liên Bang yêu cầu lập ra tuần lễ này trên toàn nước Mỹ. Họ được Tổng thống Jimmy Carter và phu nhân Rosalynn ủng hộ hết mình.

Ngày 8 tháng 3, 1980, Tổng thống Carter ban hành một sắc lệnh công nhận Tuần Lễ Phụ Nữ (Đệ nhất Phu nhân Rosalynn đứng ở bìa phải). Nhiều tiểu bang bắt đầu đưa đề tài phụ nữ vào môn sử tại các trường học. Năm 1987 Quốc Hội thông qua một đạo luật, công nhận tháng Ba là Tháng Lịch Sử Phụ Nữ. Kể từ đó, mỗi năm một tiêu đề được chọn cho tháng Phụ Nữ; tiêu đề năm nay là “Women Who Tell Our Stories” – những người phụ nữ kể chuyện. Sau đây là năm khuôn mặt phụ nữ tiêu biểu trong dòng văn học nghệ thuật ở Mỹ.

Nguồn ảnh: White House

1. Willa Cather (1873-1947) được xem là một trong những tiểu thuyết gia lớn của văn học Mỹ thuộc thế kỷ XX. Bà viết khá nhiều về đời sống những người Mỹ trắng đầu tiên đến lập nghiệp tại vùng Nebraska. Bằng ngòi bút chân thật nhưng sống động, bà mô tả cuộc sống của những người nông dân cần cù chất phác khai khẩn vùng đất Trung Mỹ phì nhiêu qua những tác phẩm đặc sắc như “Alexander’s Bridge,” “My Antonia,” “My Mortal Enemy.”

Ảnh: wikimedia

2. Gertrude Stein (1874-1946) không chỉ là một nhà văn, nhà thơ và kịch tác gia mà còn là nhà sưu tầm tranh nổi tiếng. Bà có công mang một số hoạ sĩ vô danh tiểu tốt đến với công chúng, trong đó có Henri Matisse, Juan Gris và Pablo Picasso. Bà nằm trong nhóm các nhà văn ngoài luồng bà đặt tên là “The Lost Generation” (Thế hệ Thất lạc) gồm những tên tuổi khá “lạc lõng” như Ernest Hemingway, F. Scott Fitzgerald…

Ảnh: Hulton Archive

3. Lillian Hellman (1905-1984) là một kịch tác gia, người viết hồi ký và nhà hoạt động. Bà nổi tiếng là một người có cá tính mạnh mẽ, thích đi ngược xu hướng thời đại. Việc bà kham nổi nghề viết kịch trong thế giới của đàn ông cũng nói lên được nhiều về sự cứng rắn và trì chí của bà. Những tác phẩm nổi tiếng của Lillian Hellman có “The Children’s Hour” (bị cấm tại một số tiểu bang), “The Autumn Garden,” “The Little Foxes.”

Lillian Hellman tại London, tháng 2 năm 1945 (AP)

4. Maya Angelou (1928-2014) là một nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia và nhà hoạt động dân quyền. Bà là tác giả 36 đầu sách, trong số đó có 30 quyển được liệt vào hạng bestseller bán chạy nhất nước. Bà nổi tiếng với bài thơ “Tôi Biết Vì Sao Con Chim Lồng Hót” (I Know Why The Caged Bird Sings). Năm 1993 bà được mời đọc thơ trong lễ nhậm chức của Tổng thống Bill Clinton. Bà được trao tặng huân chương Presidential Medal of Freedom năm 2010.

Ảnh: Gerald Herbert, AP

5. Aretha Franklin (1942-2018) là một nhà viết nhạc, ca sĩ, dương cầm sĩ và nhà hoạt động dân quyền. Năm 16 tuổi bà đi tour cùng mục sư Martin King Jr. Bà đàn và hát trong đám tang của ông. Được tặng biệt danh “Queen of Soul”, bà từng thắng nhiều giải thưởng lớn như Grammy (trong hình), National Medal of Arts v.v. Bà còn là phụ nữ đầu tiên được bầu vào “Rock’n’roll Hall of Fame.”

Ảnh: Michael Ochs Archives