Mùa Thu năm 1957, một nữ ca sĩ opera tuyệt đại đa số người Việt không ai biết đến đã đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhứt. Marian Anderson là ai?

Ảnh: Richard Avedon, Museum of Modern Art, New York
Cố nhạc trưởng Arturo Toscanini của Ý tuyên bố, “Marian Anderson là một giọng hát trăm năm mới có một lần.” Song cuộc đời bà, như của bao nhiêu nghệ sĩ da Ðen khác ở Mỹ thời Phân cách Chủng tộc (Segregation), đầy những thử thách và khó khăn. Nhưng không những bà đã vượt qua được tất cả, Marian Anderson luôn giữ cho mình một thái độ khiêm tốn và cao thượng, không bao giờ buông tiếng bỉ bai.
Marian Anderson ra đời năm 1897 tại Philadelphia. Bố bà, John Anderson, là một người bán than và nước đá tại trạm xe lửa. Mẹ bà trước kia từng học đại học một thời gian và có thời làm nghề gõ đầu trẻ ở Virginia. Nhưng sau khi lấy chồng và dọn về Philadelphia, bà không được tiếp tục hành nghề vì luật tiểu bang Pennsylvania cấm người dạy học nếu chưa có bằng. Cho nên mẹ bà phải lao động chân tay như lau chùi, dọn dẹp nhà cửa cho người khác để kiếm tiền nuôi con.
Marian là trưởng nữ và có hai người em. Năm lên sáu, Marian được người cô ruột tên Mary khuyến khích gia nhập ca đoàn thiếu nhi của nhà thờ. Mary còn dẫn Marian đi hát tại các nhà thờ khác trong vùng hay cho các buổi nhạc từ thiện để gây quỹ v.v. Ba của Marian cũng rất ủng hộ con mình, thậm chí ông còn ráng mua cho Marian cây đàn piano. Vì nhà nghèo không có tiền mướn thầy, Marian tự mò mẫm học đàn một mình. Năm bà 12 tuổi thì ba bà mất sau khi bị thương ở đầu trong lúc làm việc. Mẹ Marian phải dẫn ba chị em bà về ở với ông bà Nội.

Marian Anderson hát quốc ca trong lễ nhậm chức của John F. Kennedy. Nguồn: Library of Congress
Lên trung học, Marian vẫn tiếp tục sinh hoạt với ca đoàn của nhà thờ. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của họ, bà được tặng một số tiền khoảng $500 để đi học hát với một người thầy trong vùng. Sau khi ra trường trung học năm 1921, Marian ghi danh vào nhạc viện Philadelphia Musical Academy nhưng bị từ chối. Không nản chí, bà tự đi tìm thầy riêng để học hát. Một hôm, Marian được dịp hát thử cho Giuseppe Boghetti, vị giáo sư dạy hát nổi tiếng thời bấy giờ, và theo lời ông kể lại thì phiên bản “Deep River” của bà đã làm ông bật khóc.
Năm 1923, hãng dĩa Victor cho thâu tiếng hát Marian Anderson lần đầu với hai bài “Deep River” và “My Way’s Cloudy”. Sang năm 1924 ông Boghetti đứng ra tổ chức một buổi diễn cho Marian Anderson tại nhà hát lớn The Town Hall ở New York City. Ðêm nhạc thất bại hoàn toàn. Khán giả thưa thớt, giới phê bình thì chê thậm tệ.
Phải đến năm 1925 Marian mới được công chúng thực sự biết đến sau khi bà thắng một giải thi hát lớn do dàn nhạc đại hoà tấu New York Philharmonic tổ chức. Ngày 26 tháng 8 cùng năm bà được mời hát cùng với New York Philharmonic trong một chương trình nhạc và được khán giả cũng như giới phê bình khen thưởng nồng nhiệt. Những năm sau đó bà cũng được mời đi trình diễn tại một số nơi trên nước Mỹ, kể cả tại Carnegie Hall năm 1928. Nhưng nói chung thì sự nghiệp ca nhạc của Marian vẫn không thể cất cánh.

Marian Anderson và Kosti Vehanen, London, 1934. Nguồn: Marian Anderson Collection.
Năm 1929 bà được một học bổng trị giá $1500 từ quỹ Rosenwald Fellowship để sang Berlin thụ huấn. Tại Âu Châu bà vừa học hát vừa đi tour để kiếm tiền. Nhà dương cầm người Phần Lan Kosti Vehanen trở thành người đệm đàn chính cho bà trong nhiều năm. Qua sự giới thiệu của Vehanen, bà được gặp nhà soạn nhạc lừng danh Jean Sibelius. Hai người trở thành bạn thân. Sibelius đã soạn nhiều bản nhạc cho Marian Anderson hát; nổi tiếng nhất là bài “Solitude” mà ông đề tặng riêng cho bà năm 1939.
Marian Anderson rất thành công ở Âu Châu, đi đến đâu cũng được công chúng đón tiếp nồng nhiệt và được ở trong những khách sạn sang trọng bậc nhất.. Năm 1935 bà được mời trình diễn tại The Town Hall, New York, lần thứ nhì. Và lần này Marian Anderson đã thành công rực rỡ.
Albert Einstein đã nhiều lần mời bà về ở nhà mình. Lần đầu tiên là vào năm 1937, khi bà đến hát tại đại học Princeton. Lần cuối cùng bà ở trong nhà của Einstein là vào năm 1955, không lâu trước khi ông qua đời. Einstein không chỉ là một khoa học gia mà còn là một tay vĩ cầm. Ông hay nói âm nhạc và vật lý thật ra chỉ là một, và nếu không đi vào con đường khoa học thì ông có lẽ đã trở thành một nhạc sĩ. Năm 2021, câu chuyện về tình bạn giữa Einstein và Marian Anderson đã được soạn thành vở kịch “My Lord, What A Night.”

Marian Anderson và Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt, 1939. Nguồn: Library of Congress.
Ðúng vào ngày Lễ Phục Sinh năm 1939, Marian Anderson bước ra trước đám đông ước lượng trên 75,000 người và cất tiếng hát, bài “My Country, ‘Tis of Thee” (Quê hương đất nước của tôi). NBC đã phát thanh trực tiếp buổi trình diễn đến hàng triệu người trên toàn nước Mỹ. Chương trình hôm đó không dài, bà chỉ hát khoảng mươi bài trong vòng hơn nửa tiếng đồng hồ, nhưng tiếng vang của nó kéo dài đến nhiều thập niên sau. Năm 1957 bà được chính phủ Mỹ chọn làm đại sứ văn hoá để đi một vòng Châu Á, đó là lần bà có dịp ghé thăm Việt Nam. [*]
Năm 1963, tại cuộc xuống đường vĩ đại do mục sư Martin Luther King dẫn đầu, Marian Anderson đã được mời hát một lần nữa trước tượng đài của Lincoln. Khi ấy bà đã 66 tuổi, và lượng khán giả cũng nhiều hơn kỳ trước gấp mấy lần.
Marian Anderson thổ lộ lần đầu tiên xuất hiện trước đám đông tại Lincoln Memorial bà run ghê lắm và chỉ biết nhắm mắt lại. Nhưng một khi cất tiếng hát thì bà cảm thấy mọi chuyện như đâu vào đó. “Ta không hề đơn độc,” bà nói. “Khoảnh khắc ấy hiện hữu, cho bạn và cho tôi, là nhờ bàn tay của nhiều người chúng ta không bao giờ hân hạnh biết đến.”

[*] Xem hình ảnh Marian Anderson đến Việt Nam tại Youtube link: “Marian Anderson in Asia (1957)” https://youtu.be/KmC7SirCmZ8
IB
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.