Ngày 19/1 ban tổ chức giải thưởng nhân quyền Martin Ennals Human Rights Award tuyên bố 3 người Khôi Nguyên cho năm 2022, trong đó có một người Việt là nhà báo Phạm Đoan-Trang.

Phạm Đoan Trang. Nguồn: Facebook  

Giải thưởng này có từ năm 1992, và được đặt tên theo một nhà hoạt động nhân quyền người Anh từng làm tổng-thư-ký cho tổ chức Amnesty International (Ân-xá Quốc-tế) từ năm 1968 đến năm 1980. Trong suốt nhiệm kỳ của ông, ÂXQT đã được trao Giải thưởng Nobel Hoà bình, Giải thưởng Erasmus và Giải thưởng Nhân quyền Liên-Hiệp-Quốc. Mục đích của giải là để ghi nhận công lao và nỗ lực của những nhà hoạt động cho nhân quyền trên thế giới, đồng thời còn là một hình thức để bảo vệ họ. Trong thông cáo báo chí, ban tổ chức ghi rõ:

Mỗi năm, Giải thưởng Martin Ennals vinh danh và bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền đã bất chấp rủi ro để đấu tranh vì tự do, công lý, bình đẳng và trách nhiệm giải trình đối với cộng đồng và đất nước họ. Các nhà hoạt động vì nhân quyền làm việc không mệt mỏi trên toàn cầu. Bằng niềm đam mê và sự lôi cuốn của mình, nhiều nhà hoạt động đã tạo cảm hứng cho nhiều người khác, từ đó huy động được thế hệ tương lai của phong trào.”

Ðặc điểm chung và nổi bật nhất của 3 người được vinh danh năm nay, theo lời ban tổ chức, chính là lòng can đảm của họ.  Chúng ta hãy đọc sơ về 3 người này để hiểu vì sao họ được chọn:

Phạm Đoan-Trang là một nhà báo, biên tập viên và là nhà hoạt động dân chủ hàng đầu ở Việt Nam, nơi mà Ðảng Cộng sản hầu như không chừa không gian nào cho các tiếng nói đối lập phát triển. Cô đã điều hành nhiều cơ quan truyền thông độc lập để nâng cao nhận thức của người Việt Nam về những quyền căn bản của mình, và truyền cảm hứng cho nhiều nhà báo và nhà hoạt động khác lên tiếng. Cô là một trong những nhà hoạt động bị chính quyền truy đuổi gắt gao nhất tại Việt Nam. Vào tháng 10/2020, cô bị bắt. Ngày 14/12/2021, Phạm Ðoan Trang bị kết án 9 năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Ngày càng có nhiều tiếng nói lo lắng về tình trạng sức khoẻ của cô.

TS Daouda Diallo. Nguồn: Martin Ennals Award

Tiến sĩ Daouda Diallo là một dược sĩ trước khi trở thành nhà hoạt động nhân quyền ở Burkina Faso. Ông là người sáng lập Liên minh xã hội dân sự CISC. Khi Burkina Faso do bị giằng xé vì những cuộc đụng độ giữa lực lượng của chính quyền, các nhóm phiến quân và các phe nhóm Hồi giáo, ông đã dành tâm sức cho việc tư liệu hóa các vụ vi phạm nhân quyền tại đây. Ông đã giúp những nạn nhân của bạo lực và gia đình họ đòi công lý và trách nhiệm giải trình của Diallo về việc đoàn kết các nhóm sắc tộc và niềm tin khác nhau đã trở thành nguồn cảm hứng cho một quốc gia đang phải vật lộn với nghèo đói tột cùng và một nền quản trị kém.

Xem thêm:   Cuộc tấn công ngoại mục

Abdul-Hadi Al-Khawaja là một người đầy sức hút của phong trào nhân quyền ở Bahrain và là lãnh đạo của cuộc biểu tình đòi dân chủ và mở rộng tự do tại các quốc gia vùng Vịnh vào năm 2011. Al-Khawaja không chỉ là một nhà hoạt động mà còn là một doanh nhân. Ông đã sáng lập những tổ chức nghiên cứu và bảo vệ nhân quyền đầu tiên trong khu vực – những tổ chức này vẫn tồn tại đến ngày nay. Ông là nguồn cảm hứng để các thế hệ tương lai ở Bahrain tiếp tục cuộc đấu tranh, bất chấp ông đã phải ngồi tù suốt một thập niên.

Ban giám khảo của giải gồm 10 tổ chức bảo vệ nhân quyền hàng đầu trên thế giới, đó là: Amnesty International; Bread for the World; International Commision of Jurist; International Federation for Human Rights; Front Line Defenders; Human Rights First; Human Rights Watch; Human Rights Information and Documentation Systems; World Organization against Torture; và International Service for Human Rights.

Mỗi khôi nguyên sẽ được trao tặng từ 20,000 đến 30,000 Franc Thuỵ Sĩ. Giải thưởng này phần lớn do chính quyền bang Genève tài trợ cùng với Bộ Ngoại-giao Thuỵ-sĩ và một số cơ quan chính phủ ở Âu Châu (Ireland, Norway, Ðức) và Ðài-Loan. Ngoài giá trị vật chất, giải thưởng còn góp phần bảo vệ người tù qua việc họ được cộng đồng quốc tế, nhất là Liên Hiệp Quốc, biết đến và theo dõi. Riêng về Phạm Ðoan Trang, ban giám khảo nhận xét:

Xem thêm:   "Thế hệ cợt nhả"

Trong một môi trường không tạo điều kiện cho báo chí điều tra tồn tại, các sáng kiến thành lập tổ chức truyền thông độc lập mà cô khởi xướng (như Luật Khoa tạp chí và Nhà xuất bản Tự Do) trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều người. Những việc làm của Ðoan Trang đã lôi cuốn nhiều nhà báo khác ở Việt Nam lên tiếng về các hành vi vi phạm nhân quyền. Những nỗ lực bền bỉ của Ðoan Trang nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nhân quyền đã khiến cô trở thành một trong những nhà hoạt động bị chính quyền Việt Nam truy đuổi sát sao nhất, cho đến khi họ bắt cô vào năm 2020.

Abdul-Hadi Al-Khawaja. Nguồn: BBC

Chính bản thân Ðoan-Trang cũng biết mình có thể bị bắt bất cứ lúc nào, tuy nhiên cô không hề tỏ ra lo sợ. Ðiều mà Ðoan-Trang lo nhất nếu bị bắt vào tù là không có cây đàn, bởi vì đối với cô âm nhạc là trên hết, là đam mê lớn nhất đời mình. Ðoan-Trang từng thổ lộ nếu được quyền chọn lựa, cô sẽ làm nhạc sĩ chứ không phải làm báo, viết sách hay là nhà hoạt động gì cả.

Phạm Thanh Nghiên, một cựu tù nhân chính trị đồng thời là bạn của Ðoan-Trang có kể một câu chuyện rất xúc động về “Cây Ðàn Tù” được chuyền tay nhiều thế hệ tù nhân để cuối cùng vào tay chồng cô, Huỳnh Anh-Tú, và được đi theo Anh-Tú “ra khỏi tù” khi anh mãn hạn. Năm 2018, vợ chồng Thanh-Nghiên quyết định gửi cây đàn lịch sử này sang Úc để nhờ một người bạn cất giữ giùm. Một số cựu tù nổi tiếng đã đến ký tên lên nó, như Thượng tọa Thích Thiện Minh, Nguyễn Hữu Cầu. Khi Ðoan-Trang được hỏi có muốn ký tên lên đàn hay không, cô trả lời mình không xứng đáng vì chưa đi tù ngày nào. Thanh-Nghiên kể lại trong bài “Kỷ Niệm Về Phạm Ðoan Trang Và Cây Ðàn Tù”:

Xem thêm:   Một ngày thường...

Khi được mời ký lên ‘Cây Ðàn Tù’, Trang lưỡng lự:

– Tôi đã đi tù ngày nào đâu nhận vinh dự này. Cả năm người đều đã vào tù rồi, toàn án nặng. Chú Cầu 37 năm, thầy Minh 26 năm, ông [Nghiên] nhẹ nhất cũng 4 năm. Tự nhiên tôi lạc loài ký tên vào đó, sợ không xứng.

Tôi mắng:

– Cái gì mà xứng với không xứng. Tôi chả mong đâu, nhưng trước sau kiểu gì ông chả tù. Không là cựu tù thì cũng là ‘tù nhân dự khuyết’ rồi. Cứ ký đi.

– Ừ, ông nói đúng. Chuyện tôi bị bắt chỉ là thời gian thôi. Tôi cũng xác định rồi. Ký thì ký.

Cây Đàn Tù. Nguồn: Phạm Thanh Nghiên

Ngày 6 tháng 10, 2020, chỉ vài giờ sau khi chính quyền Hoa-Kỳ và Việt-Nam kết thúc cuộc họp thường niên về nhân quyền, công an đã đến bắt Phạm Ðoan Trang tội “tuyên truyền chống chính quyền.” Cô bị giam hơn 10 tháng trời không được gặp luật sư; gia đình hoàn toàn không có thông tin về cô. Một ngày trước khi bị đưa ra toà (14/12/2021) cô mới được cho biết mình sắp bị mang ra xét xử. Như một trường hợp ngoại lệ, Mẹ cô được cho phép vào phòng xử; đó là lần đầu tiên hai mẹ con nhìn thấy mặt nhau từ khi Ðoan-Trang bị bắt. Phiên toà kết thúc với bản án khá nặng: 9 năm tù!

Trước khi bị dẫn ra khỏi phòng, Ðoan-Trang đã quay lại nói lớn cho Mẹ cô nghe: “Con yêu mẹ. Con không sợ đâu. Mẹ giữ gìn sức khoẻ!”

Năm nay lễ trao giải thưởng Martin Ennals sẽ được tổ chức vào ngày 2 tháng 6 — tại Genève thay vì trực tuyến. Mong sao đến lúc đó Ðoan-Trang sẽ được đích thân đến Thuỵ-Sĩ để nhận giải.

IB