“The Band’s Visit” là một câu chuyện bình dị về tình yêu và tình người, về nỗi cô đơn và niềm hy vọng, về sự cảm thông giữa hai dân tộc, hai nền văn hoá tưởng chừng đối nghịch.

Sảnh đường nhà hát Winspear Opera House. ảnh: ianbui/trẻ     

Vở nhạc kịch của David Yazbek dựa theo một bộ phim cùng tên ra đời năm 2007 do Eran Kolirin đạo diễn. Khai trương năm 2016 tại một nhà hát nhỏ “off Broadway”, chỉ một năm sau “The Band’s Visit” đã được mang lên Broadway. Ngay trong mùa đầu tiên nhạc kịch này đã được đề cử 11 giải Tony – và thắng 10. Rồi chỉ sau hai mùa diễn nó lại đóng cửa và bắt đầu đi tour.

Một lần nữa, Dallas Summer Musicals đã hợp tác với nhà hát Winspear Opera House tuyệt đẹp để mang “The Band” đến với công chúng. Không khí ấm cúng và gần gũi của Winspear thật thích hợp với câu chuyện “gánh hát về làng” lạ lùng này.

Bối cảnh là ngôi làng Bet Havitka của người Do Thái ở vùng Negev; thời điểm là năm 1997. Làng nằm trơ thân giữa cát bụi, hoàn toàn không có gì để thu hút du khách. Trong làng có một quán ăn nhỏ, gần bến xe. Chủ quán tên Dina đã qua một đời chồng, chưa già nhưng cũng không còn trẻ. Dân làng là những con người hết mực bình thường, với một cuộc sống tẻ nhạt không kém.

Cô chủ quán Dina (giữa) và hai nhân viên Itzik (trái) và Papi (phải) giải thích câu chuyện “bé cái lầm”. nguồn: dallas summer musicals

Một hôm một ban nhạc bỗng dưng xuất hiện. Họ gồm tám người, đồng phục chỉnh tề, dẫn đầu bởi một vị nhạc trưởng nghiêm nghị và lớn tuổi tên Tewfiq. Họ là dàn nhạc Lễ Tân của Bộ Cảnh Sát Alexandria, Ai Cập, được chính phủ Do Thái mời sang trình diễn trong dịp khánh thành một trung tâm văn hoá Arabic tại thành phố Petha Tikva. Không hiểu sao khi họ xuống phi trường Tel Aviv chẳng có ai ra đón; họ phải kiếm xe đò đi tự túc. Nhưng, có thể do “lỗi của thằng đánh máy” đã ghi sai tên thành phố hoặc do ngôn ngữ bất đồng, họ mua nhầm vé đi Bet Havitka!

Xem thêm:   Chiến sĩ vô danh

Ra khỏi bến xe, Tewfiq và đoàn nhạc chưng hửng khi nghe cô chủ quán và hai cậu thanh niên chạy bàn giải thích (bằng tiếng Anh bồi) sự khác biệt giữa Petah Tikva và Bet Havitka trong âm ngữ Hebrew. Sau một hồi dài khoa tay múa chân, đôi bên bắt đầu tạm hiểu ra rằng “tình hình rất đỗi tình hình”, bởi đến sáng mai mới có chuyến xe khác. Nhạc trưởng Tewfiq bèn nhờ cô chủ chỉ đường đến khách sạn gần nhất. Nhưng Bet Havitka chỉ là một thị trấn nhỏ giữa sa mạc thì lấy đâu ra khách sạn!

Dina bèn đề nghị ban nhạc tạm trú tại nhà mình và nhà hai cậu nhân viên là Papi và Itzik (cả hai đều lắc đầu nguầy nguậy, nhưng lệnh bà chủ nên phải tuân). Nhạc trưởng Tewfiq mới đầu cũng ngại, nhưng thấy không còn cách nào khác nên ông nhận lời. Ông kéo Haled, tay trumpet nổi tiếng đào hoa của ban nhạc, theo mình về nhà Dina. Số còn lại chia làm hai nhóm về nhà Papi và Itzik…

Bữa cơm tối tại nhà vợ chồng Itzik. Sau vài ly rượu, ông già vợ bỗng nổi hứng hát hò nhảy múa khiến thằng bé trong nôi phải khóc ré! nguồn: Dallas summer musicals

Ðến đây thì câu chuyện bắt đầu rẽ ra nhiều nhánh, mỗi nhánh là một cảnh đời của những người dân làng. Hầu như không có ai là nhân vật chính, và cũng chẳng có nhân vật nào thực sự đặc biệt hay độc đáo. Tất cả đều bình thường đến độ ta không còn nghĩ họ là người Do Thái hay Ả Rập mặc dù đa số diễn viên là người gốc Trung Ðông, nói tiếng Anh không chuẩn. Ta chỉ thấy họ cũng chẳng khác gì mình. Cũng có những lo âu về việc làm, con cái. Cũng có những mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng. Cũng có những hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp, vui vẻ hơn. Cũng có ước mơ tìm được người trong mộng, thoát cảnh cô đơn buồn tẻ…

Nối kết những mảng đời rời rạc này lại với nhau để tạo một bức tranh sống động là phần âm nhạc. Trong nhạc kịch bình thường, dàn nhạc công ngồi dưới hầm và được nhạc trưởng điều khiển để ăn khớp với những gì đang xảy ra. Nhưng vì vở này còn có cả một ban nhạc trên sân khấu nữa nên nó đòi hỏi một sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa đạo diễn và nhạc trưởng. Ðây là một vở nhạc kịch có nhiều nhạc sĩ vừa đóng kịch vừa chơi nhạc sống ngay trên sàn diễn. Mà nhạc cụ của họ cũng không phải thứ ta thường thấy – chẳng hạn như chiếc trống Darbuka hay cây đàn Oud tiêu biểu của cổ nhạc Arabic.

Xem thêm:   Sài Gòn & TP. HCM

Phải nói nhà soạn nhạc David Yazbek – một người Mỹ gốc Lebanon và Do Thái, nắm rất vững nhạc ngữ vùng Trung Ðông. Ngoài ra ông còn áp dụng rất tài tình jazz, pop, ballad… để làm nên một sản phẩm hiện đại đầy sáng tạo và mang nhiều cảm xúc. Mỗi cảnh đời được ông thể hiện bằng một thứ âm nhạc khác nhau. Nhưng xuyên qua tất cả vẫn là những giai điệu mang đậm hương vị của một vùng đất đầy mâu thuẫn và tranh chấp, được xoa dịu bởi một thứ ngôn ngữ chung là âm nhạc và nghệ thuật.

Nhạc trưởng Tewfiq (Sasson Gabay) và người đẹp Dina (Chilina Kennedy) trong bài “Omar Sharif”. nguồn: DSM

Ấn tượng nhất có lẽ là bài “Omar Sharif” của nhân vật Dina. Ðêm hôm ấy, sau bữa ăn tối Dina mời Tewfiq đi “dạo phố” với mình. Nói thế cho oai chứ Bet Havitka nào có phố xá chi – “đi loanh quanh lại về chốn cũ…” Cuối cùng họ ngồi xuống trên một băng ghế công viên. Dina kể (hát) cho Tewfiq nghe hồi còn bé cô được mẹ dẫn đi coi phim Ả Rập ra sao, và cô đã thần tượng tài tử Omar Sharif với nữ ca sĩ Oum Kalthoum của Ai Cập như thế nào. Tất nhiên nghe xong Tewfiq cũng “xiêu xiêu”, ta có thể nhận ra một thứ tình cảm hồn nhiên nảy nở giữa hai người. Nhưng như bao nhiêu câu chuyện yêu thương đời thường, ai đoán trước được kết cuộc sẽ ra sao…

Xem thêm:   Chuyện khó tin

“The Band’s Visit” hay ở chỗ nó không hề bước vào lối mòn của những chuyện tình sến súa, các phương trình cũ kỹ hay những đáp án sáo mòn. Soạn giả Itamar Moses nói ông cố tình không cho bất cứ nhân vật nào trong truyện một cái kết “có hậu”. Ðiều ông muốn là đưa họ đến gần chỗ đó nhất rồi bỏ lửng, để người xem tự suy diễn cho riêng mình một cái kết nào hợp tình hợp lý nhất. Có lẽ vì vậy mà một số khán giả khi xem xong đã không hài lòng. Có người còn nói rằng nhạc kịch chi mà chẳng có vũ múa vui nhộn gì ráo.

Nhưng đó là những lời phê bình dựa theo thói quen mà quên rằng đây không phải là một vở nhạc kịch tiêu biểu. Việc thành phần diễn viên đa số không phải là Mỹ (trắng) đã là một sự kiện hiếm có, nói chi đến phần âm nhạc cũng như kịch bản “ngoài luồng”. Không phải vô cớ mà “The Band’s Visit” đoạt 10 giải Tony – “Best Musical”, “Best Direction”, “Best Actor”, “Best Actress”, “Best Lighting”, “Best Musical Score”, “Best Book” (kịch bản hay nhất) v.v. cùng một loạt những giải thưởng khác của giới kịch nghệ New York. Ðã vậy còn thêm giải Grammy Album nhạc kịch hay nhất 2019 nữa!

Đêm buồn tỉnh lẻ chẳng gì vui, mấy chàng nhạc công tự tiêu khiển giết thì giờ. Nhạc cụ của họ, từ trái: Violon, đàn Oud, kèn Clarinet, trống Darbuka, Cello. nguồn: dallas summer musicals

Ðặc biệt trong chuyến tour này diễn viên gạo cội Sasson Gabay, người thủ vai Tewfiq đầu tiên trong cuốn phim năm 2007, trở lại trong vai Tewfiq trên sân khấu. Ngoài ra còn có con ông là Adam Gabay thủ vai Papi. Làm nhớ trước 75, sân khấu cải lương ở miền Nam cũng có hai cha con Hữu Phước – Hương Lan.

Nhìn trên tổng thể thì “The Band’s Visit” là một vở hài ý nhị dành cho người lớn (theo nghĩa có chút kinh nghiệm trường đời) hơn là cho trẻ con. Tuy nhiên cũng có một vài nhân vật lứa tuổi mới lớn với nhiều tình huống khá hài hước. Ðể khuyến khích lớp trẻ đi xem, Dallas Summer Musicals có vé đặc biệt cho sinh viên học sinh ($25 với student ID) vào những đêm Thứ Hai đến Thứ Sáu, bán tại Box Office một giờ trước khi mở màn (7:30).

Tuồng đêm buồn tỉnh lẻ này chỉ diễn đến ngày 23/2 là hết.

Nhân mùa Valentine, thay vì tặng hoa hay sô cô la, tại sao bạn không “đổi tông”, dẫn “người thương” của mình đi coi hát, biết đâu lại được “hâm nóng tình già”!?

Haled (Joe Joseph) thổi bài “My Funny Valentine” giúp vui cho Tewfiq và Dina sau một đêm hai người “lang thang trên phố vắng”. nguồn: dallas summer musicals

IB

Dallas