Năm 2015, Bảo tàng Kem (Museum of Ice Cream) được khai trương ở New York. Kể từ đó thế giới bảo tàng và cả mạng xã hội Instagram sẽ chẳng bao giờ còn giống như trước nữa. Sự thành công đã đặt ra một cột mốc cho xu hướng hoàn toàn mới trong ngành bảo tàng.

Sau thành công ở New York, Bảo tàng Kem tiếp tục triển lãm lưu động ở Los Angeles, San Francisco và cả Miami. Khách viếng thăm bảo tàng được đắm mình trong mảng màu rực rỡ. Mỗi phòng trong bảo tàng đều có một phông nền backdrop theo chủ đề để bất kỳ ai ghé xem cũng có thể tạo được những tấm hình đáng giá trên Instagram.

Kể từ dấu mốc đó, hàng loạt các bảo tàng theo phong cách pop-up thân thiện với Instagram nở rộ như Color Factory, Dream Machine, A. Human, Egg House, Rosé Mansion, Candytopia… với các chủ đề về màu sắc, giấc mơ, pizza, trứng, kẹo, rượu vang Rosé.

Ở các bảo tàng pop-up, căn phòng và khách viếng thăm mới chính là trung tâm điểm. Ðiều khiến các bảo tàng pop-up khác biệt với các bảo tàng truyền thống là khía cạnh chụp hình của những người viếng thăm.

Những bảo tàng pop-up với nghệ thuật sắp đặt mời gọi khách viếng đắm chìm trong không gian hình khối đầy màu sắc, thanh nhã, đơn giản, và rực rỡ. Những người sáng tạo bảo tàng pop-up đã nhìn ra được cơ hội kinh doanh khi biến bảo tàng thành nơi có thể thỏa sức bấm những góc ảnh gây ấn tượng nhất, cả khi bảo tàng không có được tác phẩm của những nghệ sĩ tiếng tăm.

Các bảo tàng truyền thống buộc phải ghi nhận xu hướng này, thấy được điều gì hấp dẫn công chúng đến thăm, và làm sao có thể cạnh tranh với các bảo tàng pop-up.

Vài năm trước, rất hiếm bảo tàng cho phép sử dụng camera, viện lý do tác quyền và bảo vệ các tác phẩm nhạy cảm với ánh sáng. Nhưng giờ đây khó tìm được một bảo tàng nào cấm chụp ảnh. Gallery Renwick ở Washington D.C. đã tiên phong trong việc thay đổi, bằng cách khuyến khích khách thăm chụp hình ở triển lãm “Wonder”. Chỉ trong 6 tuần khai mạc triển lãm này, số lượt khách tới đã cao hơn tổng lượng khách cả năm trước đó.

Sau khi nới lỏng quy tắc chụp hình và trưng bày thân thiện với mạng xã hội, các bảo tàng thấy số khách tăng đáng kể, đặc biệt với các kiểu triển lãm hợp với nhiếp ảnh, selfie và Instagram.

Và bảo tàng truyền thống lẫn bảo tàng pop-up Instagram đều cùng đối mặt với một vấn đề khó giải quyết: hạn chế bớt chụp hình thì sẽ giới hạn lượng khách muốn tới xem, mà cho phép và thử nghiệm nghệ thuật thì lại có quá đông người.

Tổng kết lại thì sự bùng nổ của “bảo tàng Instagram”đã vĩnh viễn thay đổi cách thức cũ. Thông điệp khi đến thăm bảo tàng trong kỷ nguyên Instagram là: Ðây là thứ tôi thấy. Và thời nay, với rất nhiều người khi đến bảo tàng thì: Tôi đã ở đó. Tôi đến, đã nhìn, và tôi selfie!

S