Tôi may mắn được bằng hữu gửi cho cuốn băng ghi âm buổi nói chuyện (“Ðịnh Hướng Tương Lai Với Thế Hệ Tăng Sĩ Trẻ Ngày Nay”) của Thích Tuệ Sỹ, tại chùa Từ Hiếu – Huế. Khi đề cập đến sự “căng thẳng” giữa quý vị sư tăng bên Viện Hóa Đạo và nhà đương cuộc Hà Nội, về quyết định khai sinh ra Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh – vào năm 1981 – Hòa Thượng có nhắc lại lời phát ngôn (rất độc đáo và thú vị) của một vị tướng lãnh trong trong của lực lượng công an:

“Ông Mai Chí Thọ nói thế này: Các thầy chỉ có hai con đường: một là theo, hai là chống. Các thầy theo, chúng tôi dành nhiều thứ ủng hộ các thầy. Còn các thầy chống, chúng tôi có đủ xe tăng thiết giáp. Các thầy muốn chống thì chống đi”!

Ông đại tướng (có lẽ) chỉ dọa chơi, theo thói quen của kẻ quyền thế – thế thôi – chứ cái nhà nước hiện hành ở VN không đến nỗi quân phiệt hay võ biền và thô bạo tới cỡ đó đâu. Họ thiếu gì cách “thuyết phục” (hoặc khiếp phục) “các thầy” mà đâu cần phải dùng đến súng đạn.

Hôm 3 tháng 6 năm 2024 vừa qua, RFA ái ngại loan tin:

“Một ngôi chùa của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (gọi tắt là Tăng đoàn) tiếp tục bị kẻ xấu hắt mắm tôm trong đêm, không lâu sau lễ Phật đản bị phá rối ở Huế… Vị sư trụ trì cho hay, họ chửi bới om sòm trước sự chứng kiến của nhiều Phật tử. Sau đó, ông còn thường xuyên nhận được lời đe doạ ‘ra đường coi chừng bị tông xe’ từ một số điện thoại di động”.

Hắt mắm tôm hay vứt cứt vào chùa, và đe dọa xe tông – tất nhiên – không phải là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của chính phủ hiện hành. Thường khi, nhà nước VN vẫn xử dụng những phương cách văn minh và thu phục nhân tâm hơn – thấy rõ:

Xem thêm:   Dân Đức & Quan Đức

Thảo nào mà có vị thức giả nhận xét: “Sau hơn 40 năm, có thể sẽ không cần phải dùng đến xe tăng hay thiết giáp để dẹp bỏ một giáo hội. Bản thân sự suy đồi của giáo hội đó đã đập tan hình ảnh của họ trong mắt công chúng rồi”. (Trần Phương. “Khởi Điểm Suy Đồi Của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam”. Tạp Chí Luật Khoa – 05/21/2024).

Ai cũng tưởng vậy (và tui cũng vậy) nhưng không phải vậy. Tưởng vậy là tưởng năng thối. Câu văn thượng dẫn chưa kịp ráo mực thì một tu sỹ xuất hiện, bất ngờ như một vị bồ tát giáng trần, và kỳ diệu như “cơ trời” vậy:

“Trong bối cảnh nêu trên, bỗng xuất hiện Thích Minh Tuệ như ánh đuốc nhiệm màu, soi sáng căn hầm hỗn độn, mung lung u tối… Với thân hình gầy còm nhưng dẻo dai phi thường, gương mặt cháy nắng chất phác, nụ cười hiền hậu, lời nói chân thật, mộc mạc và nhất là hành trì tu tập theo Hạnh Đầu đà đã sáu năm, Minh Tuệ hiển hiện lên là người Việt Nam, tu THẬT. Vì thế hình ảnh Minh Tuệ đã làm rung động hàng triệu con tim, lóe lên niềm tin và hy vọng vào Tam pháp bảo, vào những điều tốt đẹp mà người dân đang khát khao, tìm kiếm”. (Mạc Văn Trang. “Cơ Trời”. Sài Gòn Nhỏ – 04/06/24).

Ủa! Chớ “Hạnh Đầu Đà” là “pháp môn” chi và tu tập ra sao mà có thể biến một vị khất sỹ thành “một ánh đuốc nhiệm màu”, “làm rung động hàng triệu con tim” – như vậy?

Trong thông bạch của Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Tỳ kheo Thích Viên Định cho biết:

“Tu sĩ Thích Minh Tuệ là một người giữ giới luật, tu theo hạnh đầu đà của Phật dạy, không nhà không cửa, không chùa viện, am thất, rày đây, mai đó, ngày ăn một bữa, mặc y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây, nơi đất hoang, nghĩa địa, tự do tự tại, không nơi cố định, đúng phẩm hạnh một vị tu sĩ Phật giáo, mọi người ai cũng kính phục, noi theo, công nhận đúng là một tu sĩ Phật giáo, thì còn cần gì phải theo giáo hội này, tổ chức kia cho thêm phiền phức, buộc ràng” ?

Xem thêm:   "Tôi chỉ là người kể chuyện"

Chúa/Phật ơi! Tu kiểu đó thì xe tăng và thiết giáp của Đảng và Nhà Nước kể như là vô dụng? Cứt đái và mắm tôm e cũng không có chỗ dùng. Bằng khen với bằng tưởng lục thì cồng càng quá, bỏ đâu có lọt vô cái ruột nồi cơm điện. Còn huân chương nhà nước làm sao đính (dính) vào được y phục “làm bằng những mảnh vải rách” tươm!

Hèn chi mà cả làng Ba Đình (Hà Nội) đều đứng ngồi và ăn ngủ không yên, theo ghi nhận của cư dân mạng:

  • Trà Đóa: “Liệu người ta có thể làm gì được một người đã buông bỏ triệt để?

như đấm vào hư không thôi”.

  • Le Anh Hung: “Cả một hệ thống hùng mạnh với ‘cơ đồ, tiềm lực, uy tín quốc tế chưa bao giờ được như bây giờ’ mà phải sợ hãi một người chỉ có độc cái ruột nồi cơm điện trên tay, đầu trần chân đất, ngày ăn một bữa. Lạ thay và cũng kỳ diệu thay”!
  • Chau Trieu: “Đế quốc nào cũng đánh thắng, kẻ thù nào cũng khuất phục… nhưng lại sợ một khất sĩ không tài sản không vũ khí”.
  • Inra Sara: “Ông Minh Tuệ đã trồi lên. Sẽ còn nhiều ‘minh tuệ’ khác nữa – ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ. Chắc chắn”!

Tới nước này thì phải “cất kỹ” cái ông Minh Tuệ này thôi, đúng như dự đoán của luật sư Đặng Đình Mạnh: “Dù không hề có chủ đích, nhưng vị hành giả đã là mối đe dọa, thách thức về an ninh đối với chế độ vì khả năng hiệu triệu công chúng một cách tự nhiên, nên sự lộ diện của ông ở nơi công cộng, hoặc ở bất kỳ nơi nào công chúng biết là điều không  thể được chấp nhận”.

Thế là sư Minh Tuệ bỗng biến mất tiêu khiến T.S Nguyễn Minh Diện âu lo thấy rõ: “Đã sang ngày 6.6.2024, và chưa có bất cứ thông tin, hình ảnh, video nào xác thực Ngài Minh Tuệ hiện ra sao và đang ở đâu. Đã xuất hiện nhiều tin đồn rất lo ngại”!

RFA cũng vội vã loan tin: “Sư Thích Minh Tuệ mất tích: Dân biểu Hạ viện California và tổ chức quốc tế bày tỏ quan ngại.”

Với ít nhiều chủ quan, tôi e rằng mọi sự “quan ngại” cho sự an nguy của một vị bồ tát đều không cần thiết. Điều cần với người dân Việt thì họ đã được chứng thực và trải nghiệm rồi: Dù ở Việt Nam có xe tăng, đại pháo, cứt đái, mắm tôm, cùng đủ kiểu và đủ cỡ huân chương, nhà nước toàn trị hiện hành vẫn không ngăn được sự xuất hiện của một vị bồ tát – giữa ban ngày!

Xem thêm:   Thợ ngói âm dương

Tôi rất cảm kích sự quan ngại của tất cả mọi người về sự an nguy của TMT.

Cùng với nhiều “nhiều tin đồn lo ngại,” cũng có không ít người bầy tỏ một thái độ rất an nhiên:

  • Mạc Văn Trang: “Sứ mệnh của Minh Tuệ xuất hiện một lần trong tháng 5/2024 vậy cũng đủ”.
  • Doan Thuy: “Dù không thể tiếp tục hành trình Bắc Nam như dự kiến ban đầu nhưng Thầy Minh Tuệ đã hoàn thành xong sứ mệnh lan tỏa Chánh Pháp, thức tỉnh tâm đạo, soi rọi bản ngã và sự giả hình của mỗi người trong chúng ta bằng chính những bước chân khổ hạnh của mình”.
  • Nguyễn Đình Bổn: “Ông xuất hiện giữa đời như một tia chớp kèm tiếng sấm động đến chân tâm, như một ánh sáng của tuệ nhãn rọi nguyên hình bọn yêu ma đội lốt tu hành. Dù hôm nay ông biến mất hay sẽ xuất hiện ở một nơi nào đó thì ‘việc của ông’ đã hoàn tất.

Cá nhân tôi mạng thủy nên chỉ chợt nhớ đến bài kệ của thiền sư Hương Hải:

Nhạn quá trường không,
Ảnh trầm hàn thủy;
Nhạn vô di tích chi ý,
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
 

Con chim nhạn bay qua trên không dài, bóng nó chìm ở trong nước; con chim nhạn không cố ý lưu bóng trong hồ, mặt nước cũng không cố ý nắm giữ hình bóng con chim nhạn. Cũng vậy, các pháp qua tâm chúng ta như bóng chim nhạn, nó không cố ý lưu giữ trong tâm ta, nó đến thì ta hãy đón nhận mà không chờ đợi, không mong muốn, không trước ý, nó đi thì tâm ta lại rỗng rang, trống không. Đúng ra, tâm của ta cũng không cố ý nắm giữ các pháp ấy, nhưng tại sao chúng ta chúng ta cứ ôm tham, ôm sân vào để đau khổ vậy? Ngày nào cũng bắt con “chim nhạn” nhét vào tâm là sao? Như vậy là ta sống sái với định luận của nhiên giới, sái với định luật của tâm giới.

TNT