“Tự trị dường như là cụm từ nhạy cảm và có thể được xem là vi hiến, vì ở Việt Nam, tất cả đều phụ thuộc vào đường lối – chính sách của đảng cộng sản, giáo  dục đại học cũng không được phép nằm ngoài.” Loan Thảo (VNTB – 11/11/2020)

Tôi vừa mới nghe ông Trần Văn Chánh phàn nàn: “Cũng như các hội nghề nghiệp khác, chưa từng thấy Hội nhà giáo Việt Nam, giới giáo chức đại học có một lời tuyên bố hay kiến nghị tập thể gì liên quan những vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng; thậm chí nhiều lần Trung Quốc lấn hiếp Việt Nam ở Biển Đông trong khoảng chục năm gần đây cũng thấy họ im phăng phắc, thủ khẩu như bình…”

Tác giả của đoạn văn thượng dẫn – chắc chắn – không thể ngờ rằng chỉ vài hôm sau, sau lời than phiền của mình, giới giáo chức Việt Nam cùng nhiều nhà khoa học (hiện đang công tác hoặc nghỉ hưu) đã lựa chọn một cách ứng xử hoàn toàn khác hẳn. Thay vì “im phăng phắc” – hay  “thủ khẩu như bình” – hôm 07/08/2021, họ đã đồng lòng ký tên dưới bức thư (“Thư Ngỏ đến Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục & Đào Tạo Nguyễn Kim Sơn”) đề cập đến về một vấn đề hơi nhậy cảm:

Thưa Bộ trưởng… vừa qua, ngày 9/8/2021 nữ giảng viên Trần Thị Thơ (trưởng bộ môn, Khoa Tiếng Anh, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng) đã bị nhà trường, ở một địa phương có truyền thống cởi mở, phóng khoáng về tư tưởng, sa thải vì một phát ngôn bày tỏ quan điểm và tình cảm đối với đồng bào khi hệ thống an sinh xã hội của đất nước chưa được hoàn thiện, khiến người dân phải chạy dịch hàng ngàn cây số trên những chiếc xe máy đầy hiểm nguy và bất trắc…

Khi chủ trương tự chủ đại học đang được khẩn trương tiến hành, khi việc chấn hưng nền học vấn của nước nhà đang được khẩn trương thực hiện thì một hành xử thiếu cân nhắc, thiếu tính toán như thế đối với tiếng nói và tình cảm của một nhà giáo – nhà khoa học chính là đang đi ngược lại với tinh thần và ý chí của toàn ngành giáo dục. Mặt khác, sa thải cô Trần Thị Thơ về mặt khách quan là dung dưỡng và thậm chí khuyến khích việc làm vô đạo: trò tố cáo thầy!

Sống trong một chế độ toàn trị thì biểu lộ sự bất bình – bằng bất cứ hình thức nào – trước những hiện tượng bất công và phi lý, cũng đều là nghĩa cử rất đáng được trân trọng. Đây là dấu chỉ của tính cương trực, và lòng can đảm của những lương dân, giữa một xã hội bất nhân.

Xem thêm:   Sói cụt đuôi

Tôi vô cùng ngưỡng mộ các vị thức giả đã từng lên tiếng đối kháng với chế độ hiện hành ở Việt Nam, kể cả những nhân vật chỉ bầy tỏ một thái độ rất chừng mực và phương cách đối lập an toàn hay trung thành (loyal opposition) chăng nữa.

Dù thế, tôi vẫn xin phép được nói thêm đôi lời về vấn đề tự trị (cùng việc làm “vô đạo” của sinh viên qua bưc thư ngỏ thượng dẫn) với hy vọng có thể giải ảo chút ảo tưởng – nếu có, và chắc có – về qui chế tự trị đại học ở xứ sở mình.

Trước hết, xin thưa ngay rằng “trò tố cáo thầy” chả phải là chuyện mới mẻ gì đâu:

“Trong các Đại Học, trong các phân khoa, trong mỗi lớp, trong mỗi buổi học, suốt cả năm, trong đám sinh viên luôn có những tay làm do thám … Bất cứ những gì chúng tôi nói trong lúc thuyết trình, bên cạnh những bài học, những câu chuyện trao đổi ở hành lang trong lúc chờ giờ trở vào bục giảng, tất cả những chuyện đó đều được ghi chú cẩn thận và được báo cáo đầy đủ cho giới chức trách nhiệm. [“Nguyễn Mạnh Tường. Kẻ bị mất phép thông công – Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức(Un Excommunité – HàNội 1954-1991: Procès d’un intellectuel) bản dịch Nguyễn Quốc Vĩ, Quê Mẹ: Paris, 1992].

Tai mắt của Nhà Nước, tất nhiên, không chỉ giới hạn trong khuôn viên đại học. Trong toà soạn báo cũng thế, cũng “lập tai mắt tại các phòng ban để thâu tóm thông tin” – theo như tố cáo (“Thư Của Các Phóng Viên Báo Công An TPHCM Gửi Các Cấp Lãnh Đạo”) đọc được vào hôm 26 tháng 8 năm 2021, trên trang Tiếng Dân.

Tôi cũng chả hiểu tại sao họ lại “tố cáo” một chuyện mà ai cũng đã biết từ lâu như thế. Chứ có nơi nào mà “giới chức trách nhiệm” của VN không chúi mũi vào (chùa chiền, giáo đường, tu viện, đan viện, thánh thất, tư thất … ) kể cả gầm giường và giỏ rác, để tìm xem những “bao cao su đã qua xử dụng” hay chưa!

Xem thêm:   Rất lâu quê nhà

Với chủ trương “lãnh đạo trực tiếp – toàn diện – tuyệt đối” cùng với thuộc tính đa nghi, bất tín và bất an thường trực, Đảng và Nhà Nước rất dị ứng với những tổ chức hoặc đoàn thể sinh hoạt tự trị hay độc lập.

Xin ghi lại đôi ba sự kiện:

Hôm 11 tháng 04 năm 2007, sau nhiều lần bị hành hung và sách nhiễu, ông Lê Trí Tuệ (Phó Chủ Tịch Công Đoàn Độc Lập Việt Nam) đã phải chạy trốn ra nước ngoài lánh nạn. Ông bị công an Hà Nội bắt cóc tại thủ đô Phnom Penh vào hôm 16 tháng 5 năm 2007. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã long trọng ghi nhận trong bản báo cáo 2008 về tình trạng nhân quyền Việt Nam rằng : “Ông Lê Trí Tuệ hiện vẫn biệt tích… và theo một số lời đồn mật vụ của chính quyền Việt Nam đã giết ông ta.”

Những thành viên trụ cột còn lại của công đoàn này (Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh) đều bị bắt giữ và bị tuyên phạt tổng cộng 23 năm tù giam, bởi TAND tỉnh Trà Vinh, vào hôm  26/10/2010. Hiện nay cả ba đều đang tị nạn ở Bangkok, Thái Lan.

Ngày 05 tháng 01 năm 2021, ba thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn bị TANDTPHCM tuyên phạt tổng cộng 37 năm tù.

FB Anh Dung Lam buồn bã kết luận: “VN vừa mới bỏ tù ba nhà báo của Hội Báo Chí Độc Lập. Tất cả những gì có liên quan đến hai chữ Độc Lập đều từ từ đưa vào chốn lao ngục vài chục năm trở lên.”

Mọi thứ “có liên quan đến hai chữ tự trị” e cũng sẽ không khác lắm. Cũng đều có thể khiến cho người trong cuộc vướng vào lòng lao lý như chơi, chứ nếu chỉ bị “sa thải” thôi (như trường hợp của cô giáo Trần Thị Thơ) thì vẫn phải được coi như là .. . may mắn!

Đừng để bị tiếp tục lừa mị bởi những lời lẽ hoa mỹ của giới quan chức VN. Họ nói vậy, chớ không phải vậy đâu:

  • T.T Vũ Đức Đam: “Những vướng mắc về quản lý nhà nước liên quan tới ngành GD-ĐT trong tự chủ ĐH không còn nhiều, và cũng không có vấn đề gì lớn.”
  • Thứ Trưởng Giáo Dục Hoàng Minh Sơn: “Quá trình thực hiện thí điểm về tự chủ đại học đã có thành công nhất định, là xu hướng không thể đảo ngược và cần làm sao để ngày càng tốt hơn.”
  • TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động: “Quyền tự chủ đại học đã được Quốc hội luật hóa từng bước, bắt đầu từ gần 10 năm trước, cụ thể là tại Luật Giáo dục đại học năm 2012.”
  • Anh Hùng Lao động Lê Công Cơ, Chủ tich HĐQT Trường Đại học Duy Tân: “Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT cứ mở rộng cửa, sẽ không ai ra ngoài luật pháp.”
Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 7 tháng 3 năm 2024

Dường như chỉ riêng có mỗi T.S Vũ Thị Phương Anh  vẫn còn giữ được đôi phần dè dặt, và chân thật: “Đúng là đường đi chưa tới, nhưng tôi vẫn tin là nó sẽ tới mặc dù chậm, và cái chậm đó là đáng tiếc.”

Ơ hay, sao lại “chậm” nhỉ?

Dù đang ở vào thời chiến, miền Nam Việt Nam đã thực hiện quy chế tự trị đại học từ giữa thế kỷ trước cơ mà. Sao mãi đến hôm nay Bên Thắng Cuộc vẫn lúng túng và tìm mọi cách để trì hoãn vấn đề như vậy?

Sợ “thua” dân sao? Dân trí cao thì Nhà Nước khó có cơ hội lộng quyền nên ngại chăng?

Bỉnh bút Loan Thảo VNTB lý giải như sau: “Tự trị dường như là cụm từ nhạy cảm và có thể được xem là vi hiến, vì ở Việt Nam, tất cả đều phụ thuộc vào đường lối – chính sách của đảng cộng sản, giáo dục đại học cũng không được phép nằm ngoài.”

Nói thế khiến không ít người cụt hứng. Tuy thế, sự thực trần trụi thì đúng là như vậy. Ngay đến đền chùa còn phải nằm co trong khuôn khổ quốc doanh và thùng tiền công đức mà Đảng còn đang lăm le, nhất định phải “quản lý” cho bằng được thì mơ chi đến chuyện đại học tự trị cho nó thêm rách việc!

TNT