Tôi đã trót có dăm ba lời về nón cối, mũ cối, và dép râu nên (lỡ trớn) cũng xin được thưa luôn – đôi câu – về cái nón tai bèo.

Theo một tài liệu, chiếc mũ tai bèo đầu tiên xuất hiện ở một đơn vị võ trang ta trong đêm Đồng Khởi (17-1-1960) ở Bến Tre. Dần dần chiếc mũ vải mềm, màu xanh, vành tròn, có làn sóng giống như những cánh bèo trên sông nước, càng được đông đảo các chiến sĩ giải phóng quân sử dụng.

Đến những năm 1966-1967, chiếc mũ tai bèo “dễ thương như một bàn tay nhỏ”, với nhiều tiện lợi ở một xứ sở nhiệt đới nắng lắm mưa nhiều, trong hoàn cảnh chiến trận cần cơ động, gọn nhẹ, đã được đưa vào hành trang của anh bộ đội Giải phóng. Nó chính thức nằm trong trang phục của Quân giải phóng miền Nam. Và từ đó, chiếc mũ tai bèo cùng đôi dép cao su cũng hiện lên trong thơ, văn, nghệ thuật, gần gũi, giản dị mà đầy tự hào, cao vợi.” (Đàm Chu Văn. “Nhớ Chiếc Mũ Tai Bèo.” Đồng Nai Online 13.11.2019).

Trí nhớ của tác giả đoạn văn thượng dẫn e có vấn đề, chứ thực sự thì cái mũ bèo nhèo này chưa từng bao giờ được ca tụng (“tự hào, cao vợi”) như nón cối hay dép râu cả. Lý do dễ hiểu vì nó không thuộc về lực lượng chính quy mà chỉ là trang phục dành cho đám binh lính Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (M.T.G.P.M.N) thôi. Chả những thế, cái mặt trận này đã chết. Vì chút “nhậy cảm chính trị” (hay cũng có thể là do “tế nhị”) nên không mấy ai muốn nhắc nhở (xa gần) gì đến sợi giây thừng trong một căn nhà đã có người bị treo cổ!

Thảng hoặc, mới thấy một vị quan chức cấp địa phương có cố gắng “nâng cấp” cái mũ tai bèo nhưng nỗ lực này – xem ra – cũng chả đến đâu. Ký giả Đoàn Nguyễn (Sài Gòn Tiếp Thị Online) tường thuật:

“Tại một hồ nước trên cánh đồng thuộc xã Đại Cường (Đại Lộc, Quảng Nam) có một pho tượng cô du kích đầu đội mũ tai bèo, vai mang súng. Bức tượng khi xây có thể là thạch cao trắng, nhưng bây giờ, người ta thấy đã loang lổ nhiều mảng đen.

Trong hồ nước, nông dân làm chuồng nuôi vịt. Qua mấy ngày mưa lũ, đàn vịt không còn, chỉ còn lại cái chuồng xiêu vẹo tả tơi. Một bác nông dân vác cuốc đi ngang dừng lại góp chuyện: “Mấy tháng trước, hồ nước sạch sẽ lắm, không ai dám thả vịt, thả cá, nước trong vắt. Nhưng từ khi thay Phật bà bằng cô du kích thì ra như ri đây”. Phật Quan Âm? Tôi ngạc nhiên và nhìn kỹ thì thấy có điều lạ là cô du kích này đứng trên… toà sen.

Trước đó, tuy cô du kích chưa bao giờ có chỗ đứng “ngang hàng” với Phật Quan Âm nhưng cũng chiếm được vị trí tương đối khá trang trọng trong tranh ảnh cổ động và sách báo của nhà đương cuộc Hà Nội. Cùng với những thành viên của lực lượng Dân Công Hỏa Tuyến hay Thanh Niên Xung Phong, họ luôn được xưng tụng là những bông hoa nở giữa chiến trường, bông hoa trên tuyến lửa, hoa lan trong rừng cháy

Xem thêm:   Nị ăn cơm chưa?

Sau khi chiến trường đã ngưng tiếng súng thì mọi hy vọng về một cuộc sống an lành (“đôi chim bồ câu trắng hẹn nhau về làng xưa”) cũng đều biến thành ảo vọng. Những bông hoa từng nở trên tuyến lửa đều héo úa trong các “xóm không chồng” giữa thời bình. Họ trở thành những con số không tròn trĩnh: không chồng, không con, không nhà, và không chế độ!

Họ chỉ được hưởng trợ cấp mỗi một lần thôi nhưng rất tượng trưng, và cũng rất muộn màng. Quyết định 290/2005/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ – Về Chế Độ, Chính Sách Đối Với Một Số Đối Tượng Trực Tiếp Tham Gia Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước nhưng chưa được Hưởng Chính Sách Của Đảng và Nhà Nước – ký ngày 8 tháng 11 năm 2005, quy định như sau:

Dân quân tập trung ở miền Bắc từ ngày 27 tháng 01 năm 1973 trở về trước, du kích tập trung ở miền Nam (bao gồm cả lực lượng mật) từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước do cấp có thẩm quyền quản lý đã về gia đình phải được hưởng trợ cấp một lần theo số năm thực tế tham gia dân quân, du kích tập trung, cứ mỗi năm được hưởng 400.000 đồng. Mức chi trả trợ cấp một lần thấp nhất bằng 800.000 đồng.

Những con số bạc bẽo và thảm hại này hoàn toàn tương phản với tâm tình chứa chan của những kẻ đã từng chiến đấu bên nhau, dù họ không hẳn đã là đồng đội cùng chung lực lượng hay đơn vị. Một cựu chiến binh tâm sự:

Xem thêm:   Triết Gia & Danh Ca

Sáng ngày 30-4-1975, sau khi Sư đoàn 10 (thuộc Quân đoàn 3) đánh chiếm xong một số mục tiêu đã định, ông Việt khi đó là Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội xe, thuộc Phòng hậu cần Sư đoàn 10, lái chiếc zeép (chiến lợi phẩm) có gắn máy thông tin 2W và rơ-moóc, đưa đồng chí Võ Khắc Phụng-Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 10 cùng một số sĩ quan chỉ huy tổ chức đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Trên xe có một thiếu nữ độ 20 tuổi, gương mặt tươi sáng, đội mũ tai bèo, luôn luôn mang khẩu tiểu liên AK bên mình. Đó là nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Nết (biệt hiệu: Nguyễn Thị Trung Kiên, nguyên mẫu nhân vật Cô Nhíp trong bộ phim truyện cùng tên – bộ phim đầu tiên của điện ảnh miền Nam sau ngày giải phóng).

Theo sự dẫn đường thông minh, chủ động và linh hoạt của cô Nết, đội hình tấn công vừa vận động, vừa chiến đấu, vượt qua mọi trở ngại, thần tốc xốc tới…

Đã 40 năm trôi qua. Ông Việt và những người bạn chiến đấu ngày ấy … vẫn thường xuyên liên lạc, thông báo cho nhau chuyện vui, buồn. Những lúc như thế, các ông thường nhắc tới cô Nết, mong biết tin tức về người nữ biệt động xinh đẹp, gan dạ, mưu trí, dũng cảm và thông minh ấy… (Phạm Xưởng. “Cô Nhíp Đang Ở Đâu.” TIẾNG NÓI CỦA CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM – 01.06.2015).

Câu hỏi trên đã nhận được hồi đáp, qua một status ngắn của FB Văn Toàn, vào hôm 13 tháng 4 năm 2016:

Sáng ngày 29-4-1975, xe tăng của bộ đội Bắc Việt tiến vào cửa ngõ Sài Gòn theo hướng Tây bắc. Trên xe có một thiếu nữ độ 20 tuổi, gương mặt xinh đẹp, đội mũ tai bèo, luôn luôn mang khẩu tiểu liên AK bên mình dẫn đường cho bộ đội.

Đó là nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Cao Thị Nhíp (tên hoạt động là Nguyễn Thị Trung Kiên,). Vốn thông thuộc đường xá, Cô Nhíp đã ngồi trên xe chỉ huy để hướng dẫn toàn đơn vị của Thiếu tá Bùi Quang Đấng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Sau này, đạo diễn Nguyễn Trí Việt của Hãng phim Giải Phóng đã dựa vào hình tượng này để dựng thành bộ phim “Cô Nhíp” khá nổi tiếng. Hiện nay bà Nhíp đã sang định cư tại thành phố Garden Grove, Nam California, Hoa Kỳ từ lâu và mang quốc tịch Mỹ với tên họ khác…  

Bên dưới thông tin thượng dẫn có không ít những lời lẽ vô cùng cay nghiệt:

  • Tung Thu Tran: Bà nầy ăn cơm quốc gia thờ ma cs!
  • Hoang Nam: Mẹ kiếp sao bà không chết cho rồi?
  • Kim Oanh Tran: Loài ký sinh trùng dơ bẩn ai biết bà ta ở đâu làm ơn thông báo để đồng bào tránh xa
  • Anh Nguyen Hung: Bên thắng cuộc mà cũng đu càng à, LOÀI VÔ SỈ.
  • Quyền Toàn Lâm: Thiên đường ko ở qua đó làm j chòi.

Bà Nhíp không phải là người duy nhất đã rời khỏi Việt Nam, và đã thay tên cùng quố́c tịch. Hơn nửa thế kỷ qua đã có vài triệu người bỏ đi như thế, và dòng người này chưa bao giờ ngừng lại cả. T.S  Phương Mai gọi đây là cuộc “tị nạn niềm tin.”

Xem thêm:   Triển Lãm Nhiếp Ảnh Lê Văn Khoa

Cũng như bao nhiêu kẻ khác, khi niềm tin đã mất, bà Nhíp có toàn quyền thay đổi chính kiến và đổi thay nơi cư trú để tìm đến một nơi có cuộc sống an toàn và khả kham hơn. Chỉ có điều đáng tiếc (và đáng nói) là số nạn nhân của những cái nón tai bèo thì quá nhiều mà kẻ may mắn, có cơ hội làm lại cuộc đời, lại quá hiếm hoi – và dường như chỉ có mỗi một thôi!

TNT