Văn minh khởi đầu ở nơi mà tha nhân được trợ giúp khi gặp nghịch cảnh.” Margaret Mead

Tôi hơi chậm hiểu lại rất chóng quên nên dù đã lê lết qua hơi nhiều trường ốc (trong cũng như ngoài nước) nhưng trình độ học vấn và kiến thức cũng chả̉ hơn ai, vẫn chỉ ở mức làng nhàng. Nói tóm lại là thuộc loại “xoàng”!

“Xoàng” thì đã sao?

Chả trăng/sao gì đâu, nếu tôi biết thân biết phận một chút – chút thôi. Khổ nỗi, tôi lại cứ tưởng là mình cũng thuộc loại đầu óc trung bình (hoặc dưới mức đó không xa lắm) nên ghi danh học – tùm lum/tùm la – đủ thứ phân khoa: Triết Lý, Tâm Lý, Xã Hội, Nhân Chủng …

Mâm nào cũng có “em”!

Dần dà, tôi nhận ra là ngành học cuối có vẻ hợp với cái tạng, và cái tính bao la trời biển (bẩm sinh) nên quyết định theo đuổi cho tới bến luôn. Quyết định này – tiếc thay – đã không được vị cố vấn giáo dục (academic counselor) củ̉a nhà trường tán đồng, hay khuyến khích:

“Ấy chớ! Chớ nên đi vào con đường xa xôi, lôi thôi, diệu vợi, hoang vu, âm u, và mịt mù như thế. Với bằng tiến sỹ nhân chủng thì chỉ có hai cách để kiếm sống thôi: đi dậy hoặc đi chạy taxi. Dậy học thì ngay dân bản xứ cũng khó chen chân, nói chi đến cái ngữ di dân với vốn tiếng Anh ngọng nghịu. Còn chạy taxi ở New York (hay San Francisco) thì cái thứ trông lừ khừ, lù khù, lù đù, lừ đừ như ông từ vào đền (“kiểu giống chú mày”) chắc cũng chỉ được độ ba bẩy/hai mốt ngày là … phải bỏ việc thôi – con ạ!

Tất nhiên, không ai nỡ nói thẳng vào mặt tha nhân những lời lẽ nặng nề đến thế. Tuy thế (tuy kém thông minh và vô cùng chậm hiểu) tôi cũng đủ nhậy cảm để nhận ra cái tình huống (không được thuận tiện cho lắm) của mình. Quả là tôi lầm thật, và chắc rằng lầm lắm, chứ chả bỡn đâu!

Thực lòng, tôi cũng chả mặn mà (đéo) gì với cái bằng tiến sỹ. Tôi chỉ có chút hoài bão, mong được hấp thụ chút ít kiến thức cơ bản về một ngành học lạ, cùng với ước mơ là sẽ thành lập được phân khoa về nhân chủng học (ở quê nhà) mai hậu.

Xem thêm:   Buôn lậu “hàng Trung Quốc”

Mai hậu chả biết là bao giờ mà đời người thì ngắn ngủi. Cố hương thì (thương ơi) lại xa tít mù khơi mà đường về thì mãi vẫn chưa có lối. Đã thế, cơm áo không đùa với khách thơ hay khách trú (fresh off the boat) không một xu dính túi, không nghề nghiệp trong tay, bằng cấp và học thức cũng không luôn … nên đành thôi vậy.

Giấc mơ nhân chủng học, tới đây, kể như là chấm hết (hay nói rõ hơn là đã chết) nhưng tôi nhất định vẫn chưa chịu mang chôn. Thỉnh thoảng – đi lang thang trên mạng – cứ thấy loáng thoáng đâu đó có đám nào tụ tập dò tìm/xăm xoi/đào xới/bới móc/khai quật (hang hốc, lăng tẩm, mộ bia, mồ mả, xương cốt …) là thế nào tôi cũng dừng chân, ghé mắt xem qua, vài phút .

Có lần, tôi tình cờ xem được đôi ba bài báo có đề cập đến nơi xuất phát của nền văn minh nhân loại:

Xin được tóm lược nội dung:

Khi được hỏi “điều gì có thể được xem như là dấu hiệu đầu tiên của sự văn minh”, nhà nhân chủng học Margaret Mead trả lời rằng:“Helping someone else through difficulty is where civilization starts”. (“Văn minh khởi đầu ở nơi mà tha nhân được trợ giúp khi lâm vào nghịch cảnh”).

Theo bà, trong thế giới loài vật khi một con thú bị gẫy chân thì chết là cái chắc. Nó  không còn khả năng sinh tồn, và sẽ bị đồng loại sâu xé tức thì. Do vậy, khi khai quật được một cái xương đùi của kẻ bị thương đã được chữa lành (15 ngàn năm trước) thì đây là dấu chỉ của văn minh, di tích về tính tương trợ của giống người.

Margaret Mead từ trần vào ngày 15 tháng 11 năm 1978. Gần nửa thế kỷ sau, sau khi bà tạ thế, mới có một cuộc tái khai quật tại hang động Shanidar (Trung Đông) vào năm 2018. Đến năm 2024 thì Netflix trân trọng giới thiệu một cuốn phim tài liệu (“Secrets of Neanderthal”) dài 80 phút – sản phẩm của BBC – vào hôm 2 tháng 5 vừa qua, với nhiều khám phá mới lạ có liên quan đến vấn đề thượng dẫn.

Xem thêm:   Một ngày du ngoạn Nha Trang - Sông Cầu

Một trong những phát hiện quan trọng đưa đến kết luận là người Neanderthal đã từng thể hiện sự thương cảm và tinh thần tương thân/tương ái lâu lắm rồi, chớ không phải chỉ mới 15 ngàn năm đâu!

Fred Lewsey, thuộc phân khoa nhân chủng của Đại Học Cambridge, cũng có bài tóm lược (“Revealed: face of 75,000-year-old female Neanderthal from cave where species buried their dead”) về cuộc khai quật mới mẻ này. Ông ghi nhận:

“ … remains from Shanidar Cave still show signs of an empathetic species. For example, one male had a paralysed arm, deafness and head trauma that likely rendered him partially blind, yet had lived a long time, so must have been cared for. (hài cốt từ hang động Shanidar còn có dấu hiệu của những giống loài đồng cảm. Chẳng hạn, có một người nam với cánh tay bị liệt, điếc và bị thương trên đầu rất có thể bị mù nữa mà vẫn sống thọ, hẳn đã được chăm sóc đàng hoàng.)

Tinh thần tương trợ của giống người Neanderthal (được thể hiện từ bốn mươi lăm ngàn năm trước) khiến tôi không khỏi bùi ngùi, khi thoáng nhớ đến những mẩu tin ngăn ngắn – xuất hiện hằng ngày – trên mặt báo ở đất nước mình:

Những đứa bé thơ (không trường lớp) những người già cả neo đơn (không nơi nương tựa) những kẻ thương tật (không được chăm sóc) những mảnh đời cùng quẫn rách bươm (không hề được đoái hoài) …  đã biến VN thành một “cường quốc vé số”, theo như ghi nhận của giới truyền thông:

Xem thêm:   Mạ Thủ & Cò Mù

Tuy là “lực lượng kinh tế nòng cốt” của một “cường quốc” nhưng những đạo quân vô danh này luôn bị trấn lột, bóc lột, ức hiếp, và dầy xéo đủ cách bởi bọn trẻ trâu (nghiện ngập) và đám lãnh đạo (đã không còn nhân tính) ở xứ sở này.

Từ Việt Nam, thông tín viên Uyên Nguyên (RFA) tường thuật:

Việt Nam có 64 tỉnh thành, trong đó, số lượng công ty xổ số kiến thiết không liên kết giữa các tỉnh chiếm số lượng 100%, nghĩa là có tổng cộng 64 công ty xổ số kiến thiết qui mô lớn, nhỏ khác nhau. Trong đó, có chừng 30 công ty liên kết các miền, cụ thể là Bắc, Trung, Nam, mỗi miền, các tỉnh tự liên kết với nhau để tạo thành tập đoàn xổ số kiến thiết.

Và, mỗi công ty có số lượng nhân viên biên chế chưa tới 50 người, với mức lương khá hời, số còn lại, cũng là nhân viên nhưng không có bất kì một chế độ nào, đó là những người bán vé số. Số lượng này đông gấp nhiều chục lần nhân viên biên chế, nhưng thu nhập và đời sống của họ vô cùng khó khăn. Thậm chí, có nhiều người chết trên đường đi bán vé số vì bụng đói và bệnh tật!

Những đứa bé thất học, những người già cả neo đơn, những kẻ thương tật ở nước CHXHCNVN (Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc) nếu sống trước đây vài chục ngàn năm – rất có thể – đã được đồng loại cưu mang và nuôi dưỡng, chứ không đến nỗi phải “chết trên đường đi bán vé số vì bụng đói và bệnh tật” như hiện trạng đâu. Dòng dõi Lạc Hồng hay con Rồng cháu Tiên (gì đó) mà sao ăn ở, cư xử bất nhân và man rợ dữ vậy – hả Trời?

TNT