Tôi quen Đinh Quang Anh Thái đã lâu, lâu tới cỡ không còn biết là mình đã gặp gỡ y vào cái thuở xa xưa nào nữa. Dù không mấy khi có dịp “giao lưu” (hay “tương tác”) nhưng tôi vẫn nghe thằng chả ra rả hàng ngày, về đủ thứ chuyện trên trời/biển – ròng rã suốt từ thế kỷ này, qua đến thế kỷ kia – và hoàn toàn chưa thấy có dấu hiệu gì là gã sẽ (hay sắp) tắt đài trong tương lai gần cả.

Nghề của chàng mà. Tắt tiếng là (dám) treo niêu luôn, chớ đâu phải chuyện chơi. Chỉ có điều hơi bất ngờ là đương sự không chỉ nói nhiều mà viết cũng nhiều không kém. Hết xuất bản Ký 1, Ký 2, rồi tới Ký 3. Nay mai (không chừng) sẽ có Ký 4 và Ký 5 luôn nữa.

Ký (đéo) gì mà lắm thế nhỉ?

Muốn biết, hãy đọc thử một đọan (ngăn) ngắn cho vui – nếu rảnh:

“Cuối năm 1984, từ đảo tỵ nạn Galang, tôi ‘chân ướt chân ráo’ đến Mỹ định cư tại Virginia. Chưa được một tháng, hưởng mùa tuyết rơi đầu tiên trong đời, tôi dọn sang miền Nam California kiếm sống bằng nghề đánh cá tại Cảng San Pedro…

Một lần, sau ba tuần lênh đênh sóng nước quay về bến với cá đầy khoang, anh Cường đón tôi, nói, ông Nguyễn Ngọc Bích ở Virginia gọi nhắn tôi gọi lại gấp cho ông.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích từng du học Mỹ nhiều năm, ông về Việt Nam khoảng 1970 và giữ chức Cục Trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại thuộc Bộ Dân Vận Chiêu Hồi. Tôi được hân hạnh quen biết và sau trở nên thân tình với ông Bích từ năm tôi 18 tuổi.

Giáo sư Bích nói qua phone, Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt sắp họp và ông muốn mời tôi về nhận ‘bó đuốc cách mạng’ do thế hệ đi trước trao lại. Tôi hỏi, ai sẽ trao bó đuốc cho thế hệ chúng tôi.

Ông Bích trả lời: “Ông cựu Đại sứ Bùi Diễm.” Không hiểu tại sao lúc đó tôi buột miệng nói:’Vậy em sẽ không tham dự vì thế hệ ông Diễm chẳng có gì hay ho để trao bó đuốc cách mạng cho bọn em.” (Đinh Quang Anh Thái. “Vĩnh Biệt Bác Bùi Diễm.” Ký 3. Đào Nguyên Dạ Thảo: USA: 2021).

Xem thêm:   Người Việt & smartphone

Thế thì hỗn thật và hỗn lắm!

Tôi cũng thế, cũng hỗn láo hết biết luôn.

Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt khai mạc vào năm 1986, với chủ đề Trao Bó Đuốc Cho Thế Hệ Mai Sau. Dù chả được ai mời mọc chi cả (chỉ “nghe hơi nồi chõ” thôi) nhưng tôi cũng tương luôn một câu, còn hỗn hào hơn nữa, trên mặt báo: “Làm gì có đuốc mà trao”!

Nhiều thập niên sau, Thái vẫn cứ áy náy mãi về ngôn từ bất nhã và thái độ bất kính của mình:

“Mãi tới nay, tôi vẫn vô cùng ân hận vì đã buông ra một câu xấc xược như thế với cụ Bùi Diễm và những người thuộc thế hệ cụ. Sau này nhìn lại ngày tháng đó, tôi hiểu tại sao mình hỗn láo như vậy …: Chỉ vì cá nhân tôi – và tôi tin là nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi – ít hiểu biết về những đóng góp của thế hệ cha chú trong công cuộc mưu tìm độc lập, hạnh phúc, ấm no cho con người và đất nước Việt Nam suốt thế kỷ qua”. (S.đ.d. tr. 26).

Tôi cũng vậy. Cũng “ân hận” mãi về những câu chữ mất dậy mà mình đã viết, khi còn trẻ người non dạ!

Đúng như Thái nói: “Nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi ít hiểu biết về những đóng góp của thế hệ cha chú trong công cuộc mưu tìm độc lập, hạnh phúc, ấm no cho con người và đất nước Việt Nam suốt thế kỷ qua.”

Chớ dễ gì mà biết được chớ. Cha chú của chúng tôi đã “biến mất” hết trơn mà. Người tuẫn tiết (*) kẻ lao tù và không ít vị đã bỏ mạng vì tra khảo, hay kiệt lực, trong ngục thất.

Cho đến nay thì cái chết của nhà thơ Vũ Hoàng Chương, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, thượng tọa Thích Thiện Minh, bác sỹ Phan Huy Quát, sử gia Phạm Văn Sơn, dân biểu Đặng Văn Tiếp, học giả Hồ Hữu Tường, luật sư Trần Văn Tuyên, linh mục Nguyễn Văn Vàng, linh mục Nguyễn Văn Vinh, giáo sư Nguyễn Duy Xuân … (và những đòn thù thâm độc mà họ nhận lãnh trong những năm tháng lao tù) vẫn chưa được hoàn toàn bạch hóa.

Tuy nhiên, rất nhiều “cái chết mờ ám, bất đắc kỳ tử” (hồi giữa thế kỷ trước) thì đã tỏ tường khá lâu rồi.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 7 tháng 11 năm 2024

“Những người bị  giết đều là những tinh hoa, là  danh sĩ đạo cao đức trọng, yêu nước thương dân, có thành tựu văn hóa sáng giá cống hiến cho nền văn hiến nước nhà. Họ chết mỗi người mỗi cách đau xót và hàm oan:   

Nhà văn Lan Khai bị xô xuống vực, văn hào Ngô Tất Tố bị bức cho treo cổ tự vẫn, Khái Hưng bị bỏ rọ trắn sông, Phạm Quỳnh đối thủ  đáng gờm của thực dân Pháp bị xử tử, Tạ Thu Thâu nhà yêu nước lớn bị tử bắn; nàng thơ  nữ sĩ Thu Hồng bị bắn lén từ sau lưng; Nhượng Tống dịch giả tài hoa số 1 bị ám sát; Dương Quảng Hàm vị giáo sư đáng kính ra khỏi nhà đi mãi không về; vị bồ tát Thiều Chửu bị bức hại nhảy xuống sông tự tận”. Thái Doãn Hiểu. Những Cái Chết Tức Tưởi Của Nhà Văn, Chuyện Bây Giờ Mới Kể”.

Sao “bồ tát Thiều Chửu lại nhẩy xuống sông tự vận” vậy cà?

Tác giả của bài báo thượng dẫn ghi thêm:

“Thiều Chửu (19021954) là nhà văn hóa, dịch giả và cư sĩ, học giả Việt Nam, tác giả Hán Việt tự điển và nhiều bộ sách về Phật Giáo nổi tiếng khác… Năm 1946 ông cùng một lớp học tăng ni và một số trẻ mồ côi hội Tế Sinh đi theo kháng chiến chống Pháp, tham gia lao động sản xuất, giáo dục, viết và dịch sách. Ông ba cùng với học sinh vượt qua vô vàn gian khổ duy trì đến cùng trường vừa học vừa làm.

Đội Cải cách ruộng đất … quy ông là địa chủ, vu cáo ông dùng Phật giáo để mê hoặc quần chúng, cộng với sự thương cảm cho nhiều nông dân bị hàm oan trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam mà cảm thấy mình bất lực, đêm 15 rạng ngày 16 tháng 6 năm Giáp Ngọ 1954, tức cuối ngày giỗ cha, ông ra thác Huống trên sông Cầu tại xóm Đồng Tâm, xã Vạn Thắng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên làm lễ Tam Bảo và Thiên địa rồi gieo mình xuống sông.”

Bẩy mươi năm sau, một công dân Việt Nam khác (ông Nguyễn Văn Dũng) lại “gieo mình xuống sông” – theo thông tin của trang Tiếng Dân:

Xem thêm:   Ba O Hà Tĩnh

“Nguyễn Văn Dũng, tức Dũng Aduku, đã bị an ninh Phú Thọ bắt cóc từ đêm 22-4-2024 rồi câu lưu, thẩm vấn, đến tối 25-4 thì thả ra. Sáng 27-4, anh Dũng đã rời khỏi nhà, để lại mảnh giấy với dòng chữ: “Mẹ ơi, con xin lỗi. Con ơi, bố xin lỗi”, theo lời của những người thân trong gia đình anh.

Kể từ hôm đó, gia đình và bạn bè anh Dũng, không ai liên lạc được với anh. Đến ngày 8-5-2024, người nhà anh Dũng cho biết, có người đã tìm thấy xác của anh bên bờ sông Hồng. Xác anh đã được UBND xã Châu Sơn vớt lên, mang đi chôn cất.

Anh Dũng ra đi ở tuổi 47, bỏ lại đứa con thơ 6 tuổi, mà anh yêu quý nhất. Không ai biết vì sao Dũng chọn cái chết tức tưởi như thế. Cho đến giờ, những người bạn thân của anh vẫn còn bàng hoàng về sự ra đi của anh.”

Tuy “không ai biết rõ vì sao Dũng chọn cái chết tức tưởi như thế” nhưng có lẽ mọi người đều đồng ý với nhận định của FB Phạm Thanh Nghiên: “Dũng tự vẫn hay bị giết hại, điều này chưa ai dám khẳng định. Nhưng công an CSVN không vô can trong cái chết này, dù trực tiếp hay gián tiếp”.

Những người CSVN không vô can trong bất cứ cái chết oan khuất nào, suốt hai phần ba thế kỷ qua, ở đất nước này. Họ giết người để đoạt quyền bính hay để giữ quyền hành đều cùng một cách tàn bạo như nhau. Phải thêm bao nhiêu cái chết oan khuất nữa thì mới đủ “cấp số” để cuộc cách mạng vô sản có thể hoàn thành ở VN, vào cuối thế kỷ này (sic)!

TNT

(*) Tuẫn tiết là chữ dùng của nhà báo Huy Đức (tác giả Bên Thắng Cuộc) để mô tả cách tự kết liễu đời mình của những vị tướng miền Nam, khi vùng đất này thất thủ. Ông cũng vừa “biến mất” vào hôm 1 tháng 6 năm 2024 vừa qua. Hy vọng, ông sẽ không “tự tử trong đồn công an” như rất nhiều những công dân Việt Nam (không may) khác.