Ý tưởng chia sẻ và sử dụng xe đạp công cộng cũng nhằm giúp giảm khí thải, bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu. Một số địa phương trong nước như Hội An được một số tổ chức nước ngoài tài trợ xe đạp bằng bàn đạp, xe đạp điện hoặc Đà Nẵng, ngành giao thông vận tải tổ chức mô hình xe đạp công cộng nhằm tạo sự an toàn đồng thời khuyến khích người dân và du khách dùng xe đạp…

Trước còn xe đạp điện nay chỉ còn cái bảng hướng dẫn sử dụng   

Hưởng ứng rầm rộ

Thành phố Hội An, Quảng Nam chủ trương xây dựng thành phố Sinh thái – Du lịch – Văn hóa. Việc giảm đi lại bằng xe cơ giới, khuyến khích người dân và du khách đi bộ, đi xe đạp, đi xe điện… là hình thức giao thông bền vững, thân thiện với môi trường. Cuối tháng 10/2018, thành phố Hội An và Tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam phối hợp xây dựng Dự án “Lập kế hoạch và phát triển giao thông bằng xe đạp tại thành phố Hội An”. Chính phủ CHLB Đức đã trao giải “Giao thông đô thị toàn cầu” cho dự án này tại thành phố Leipzig. Và dự án cũng được chính phủ Đức tài trợ 178 nghìn euro (hơn 4.1 tỉ VND).

Thành phố Hội An cũng đã từng phối hợp Đại sứ quán Đức và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức sự kiện đạp xe “Thanh niên hành động chống biến đổi khí hậu”. Sự kiện đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. “Chúng tôi tin rằng dự án cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng ngành Du lịch bền vững hơn ở Hội An. Ngoài hiệu quả giảm thải khí Nhà kính, đạp xe còn giúp tăng cường sức khỏe và nâng cao tinh thần”, ông Koen Duchateau, trưởng Ban Hợp tác phát triển Đức, Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh.

Các bạn trẻ chọn xe đạp công cộng ở Đà Nẵng

Chính quyền thành phố đã xây dựng thí điểm hệ thống xe đạp chia sẻ với 225 chiếc xe đạp thường gắn khóa QR và 100 xe đạp pedan trợ lực điện tại 10 trạm xe giai đoạn 1 và tuyến đường Hai Bà Trưng, thí điểm có làn đường dành riêng cho xe đạp từ nội thị ra bãi biển An Bàng, xã Cẩm An, cách thành phố chừng 5 cây số.

Xem thêm:   Trái Trung - trái Mỹ

Hoạt động đâu được vài tháng thì… đùng một cái! COVID-19 càn quét. Cả chục trạm xe không người sử dụng. Đến hôm nay có trạm xe chỉ còn bảng hướng dẫn sử dụng và xe đạp chắc đã vào kho. Xe đạp chia sẻ cộng đồng “dễ dàng, tiện lợi, vi vu khắp mọi nơi” đã nói lời tạm biệt! Tình trạng này không chỉ của Hội An …

Trước đây xe đạp điện nhiều. Bây chừ trụ sạc điện … tiêu diêu rồi

Xe đạp công cộng

Không như “Thành phố hoa phượng đỏ” Hải Phòng kết nghĩa, với nhiều xe đạp công cộng sắp lớp, “Thành phố đáng sống” Đà Nẵng cũng có xe đạp công cộng nhưng số lượng ít hơn. Thật sự nó cũng khiến người dân, du khách thấy vui mắt khi trên nhiều con đường, công viên có xe đạp mới dựng sẵn mời chào.

Năm 2023, thành phố Đà Nẵng bắt đầu tổ chức mô hình Xe đạp công cộng – đi bất kỳ đâu với 61 trạm, khoảng 600 xe trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Chẳng biết hiệu quả đến đâu mà hiện nay nâng thêm 30 trạm và mở rộng thêm quận Liên Chiểu. Giá vé chỉ 10 nghìn đồng/1 giờ. Một cô gái ở Hà Nội du lịch đến Đà Nẵng chia sẻ với tôi: “Giá vé này phù hợp với nhiều người. Xe mới, đẹp. Có bảng hướng dẫn sử dụng rõ ràng, cụ thể rất tốt ạ! Bọn cháu có cơ hội đạp xe đi quanh thành phố ngắm cảnh”. Mới đầu cũng có nhiều người thấy lạ, thích khám phá. Họ sử dụng xe như đạp thể dục, chiều mát đạp xe dạo quanh qua nhiều đường phố. Nhưng hầu hết là những người trẻ tuổi. Họ rành rẽ sử dụng điện thoại thông minh, tải ứng dụng, ghi danh tài khoản, nạp tiền, thanh toán, quét mã… mở khóa xe rồi trả xe… Nội cái chuyện ghi danh, đăng nhập không thôi cũng dễ quáng gà. Nhất là đối với nhiều người tuổi trung niên, cao niên. Họ ít chọn xe đạp công cộng cũng dễ hiểu. Hầu như loại hình dịch vụ công cộng này hơi … kén chọn người dùng! Khách du lịch đi theo đoàn rất ít chọn xe đạp đi thăm thú, trừ số thanh niên trẻ, khỏe thích khám phá. Một chị đi tập thể dục buổi sáng quanh bờ hồ Vĩnh Trung-Thạc Gián nói với tôi: “Chú thấy đó, trạm xe đạp công cộng lại đặt cạnh mấy cái thùng rác, nhìn phản cảm quá! Ai người ta đến đó chọn xe! Nín thở được bao nhiêu lâu?”.

Xe đạp thường tại Hội An lại lên ngôi!

Ông P.V.Y (54 tuổi), ở Mỹ về thăm quê Đà Nẵng, hôm rồi gặp ở quán cà phê trên đường Lê Lợi, thổ lộ với tôi: “Em hỏi một bác cao tuổi chạy xe ôm thu nhập một ngày bao nhiêu. Bác ta kể cao nhất là 200 nghìn VND. Em đặt ổng chở đi quanh quanh, vào các con đường ở vùng ngoại ô ngắm cảnh, vào các ngôi chùa thắp nhang. Yêu cầu chạy chậm thôi. Ăn uống trưa, xăng em lo. Chi phí 500 nghìn VND. Ông ta ô kê cái rụp! Thuê xe đạp công cộng, xe honda rẻ đó nhưng thấy giao thông đường phố ở mình khiếp quá, chạy không quen, không dám liều!”.

Xem thêm:   "Croc"

“Làm mọi thứ. Đi mọi nơi”, “Vì môi trường xanh, cuộc sống khỏe”, “Ai rồi cũng Bike” là những “slogan” của TNGo & Danabus. Và khẳng định rất đúng đắn: “Bạn đang muốn tối ưu chi tiêu cá nhân? Sử dụng xe đạp công cộng (hoặc kết hợp các phương tiện công cộng khác) có thể tiết kiệm rất nhiều tiền so với đi xe dịch vụ hay sử dụng phương tiện cá nhân. Với nhiều ưu đãi khi mua vé ngày, vé tháng, bạn có thể di chuyển khắp thành phố với chi phí cực kỳ hợp lý!”. Tuy nhiên xe đạp công cộng ở Đà Nẵng đang đứng trước nhiều thử thách. Liệu có như xe buýt trợ giá rất ít người đi?

Xe đạp công cộng Đà Nẵng … đợi khách!

Bài & ảnh LKD