Đồi mồi thuộc họ rùa, tên khoa học Eretmochelys Imbricata, nhiều chục năm trước xuất hiện nhiều ở vùng biển Tây Nam của tỉnh Kiên Giang (Việt Nam). Người ta sử dụng vảy (mai) đồi mồi để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như gương, lược, vòng tay, bóp, khuyên tai, trâm cài tóc … được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Không chỉ có giá trị về thẩm mỹ, đồi mồi còn được dân gian xem là “linh thú cát tường”, là biểu tượng của sự trường thọ, dùng trừ tà hưởng phúc, hoàng thất quý tộc, phú hào. Có người còn tin nếu đeo, mang vật phẩm đồi mồi bên người sẽ tránh được sương gió phong hàn và luôn có được những điều tốt lành khác, không rõ đúng hay sai.

Đồi mồi
Nghề đồi mồi của thời hoàng kim
Hiện nay tại một số vùng biển VN chỉ có thể tìm thấy đồi mồi ở vài đảo hoang thuộc quần đảo Thổ Châu, An Thới (Kiên Giang) hoặc các vùng biển xa như Quan Lại, Cát Bà, Trường Sa, Côn Đảo, Thổ Châu, Phú Quốc. Đồi mồi thuộc họ rùa biển, dân địa phương hay gọi là “con dày”. Con sống lâu năm có thể nặng đến 100 kg, dài từ 1 – 1.5 mét. Vảy (mai) đồi mồi là một chất sừng có hoa văn rất đẹp, sau chế tác có độ bóng lộng lẫy và bền vững không chất sừng nào có được. Đồi mồi từ 6 năm tuổi trở lên bắt đầu sinh sản, mỗi năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 60 – 150 trứng. Đồi mồi con nở ra tỷ lệ sống sót trưởng thành trong môi trường tự nhiên chỉ khoảng 0.01%. Khi đồi mồi sống từ 6 – 10 năm tuổi trở lên sẽ có được bộ vảy cân nặng khoảng 1 – 1.5kg có thể dùng để chế tác thành các vật phẩm mỹ nghệ.

Nghề chế tác đồi mồi đang mai một
Tại Kiên Giang, kể từ khi trấn Hà Tiên được thành lập, những sản phẩm chế tác từ vảy đồi mồi bắt đầu xuất hiện và được xem là thứ hàng mỹ nghệ quý, đắt giá. Thời Pháp thuộc nơi này có khá nhiều xưởng sản xuất và chế tác đồi mồi. Sau khi nhận hàng loạt huy chương vàng ở các hội chợ triển lãm như Marseille (1909), Paris (1937), Phnom-Penh (1941) sản phẩm đồi mồi Hà Tiên càng trở nên nổi tiếng và được nhiều khách hàng Âu, Á, Mỹ ưa chuộng. Tương truyền đội ngũ thợ nghề đồi mồi Hà Tiên thời hoàng kim có đến 5 dòng họ sản xuất chuyên nghiệp mang tính cha truyền con nối là Phan, Lâm, Phạm, Lý, Tăng. Từ thập niên 1940, đồi mồi Hà Tiên còn mở ra thêm 2 nhánh lớn ở Sài Gòn và Phú Quốc.
Tuy nhiên từ khi đồi mồi được xếp vào “Sách Đỏ”, theo Quyết định 46/2001/QĐ-TTg của nhà nước VN, tất cả vật phẩm đồi mồi đều bị cấm săn bắt, mua bán khiến nghề này ngày càng đi vào con đường bế tắc, ngư dân không dám đánh bắt hay mua bán công khai. Cách nay hơn 20 năm, các thợ chế tác đồi mồi chuyên nghiệp Hà Tiên chỉ đếm được trên lòng bàn tay và hiện chỉ còn chừng dăm ba người. Phần lớn thợ đồi mồi buộc phải bỏ nghề đi theo tàu đánh cá, đi câu mực hoặc chạy xe ôm kiếm sống.
Nghề đồi mồi: tiền và tù
Theo chỉ dẫn của một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (không muốn nêu tên), chúng tôi tìm về vài nơi từng là cơ sở nuôi đồi mồi trước đây như Hòn Một (Hà Tiên) kể cả Gành Dầu, Hàm Ninh (Phú Quốc) song hầu như không thấy còn chỗ nào hoạt động. Có người nói các cơ sở này đã đóng cửa, dẹp nghỉ ít nhất từ năm 1997. Vẫn theo lời nhà nghiên cứu trên, chúng tôi tìm đến nhà ông Chất ở đường Tham Tướng Sanh (Hà Tiên) là một trong những người hiếm hoi còn theo đuổi nghề chế tác đồi mồi. Sau một hồi kể lể trong sự nuối tiếc, ông Chất cho biết vảy đồi mồi có được hiện nay là phải mua lén từ các tàu đánh cá từ miền Trung, miền Bắc Việt Nam, tàu biển của Campuchia, Thái Lan, Malaysia… Bộ vảy lớn trọng lượng từ 1 – 1.5kg trở lên hiện có giá 4 – 5 triệu VNĐ, bộ nhỏ hơn giá từ 3 triệu VNĐ. Tuy nhiên không phải muốn mua là có mà cần liên lạc qua trung gian, đặt cọc tiền trước và thời hạn từ 3 – 4 tháng sau mới có “hàng”.
Cũng ở Hàm Ninh (Phú Quốc) chúng tôi tìm gặp có ông Nhân gần 80 tuổi nhưng xem ra vẫn khá minh mẫn. Ông cho biết vì quá yêu mến cái nghề gia truyền này nên đến giờ thi thoảng ông vẫn làm khi có khách quen yêu cầu trong tâm thế lo lắng phập phồng nếu chẳng may bị chính quyền phát hiện, bắt phạt. Ông nói: “Hiện thời nghề làm trang sức từ đồi mồi đang đứng trước nguy cơ mai một. Một phần do quy định của nhà nước cấm đánh bắt, chế tác, mua bán các mặt hàng đồi mồi làm cho nghề này bị tác động. Cạnh đó là ảnh hưởng của nền kinh tế ngày càng khó khăn nên cũng ít người dám bỏ tiền mua món hàng quá xa xỉ. Đó là chưa kể từng có trường hợp những khách nước ngoài hoặc Việt kiều quá thích chiếc lược chải đầu, chiếc bóp hay gọng kính đồi mồi cũng chỉ biết ngắm nghía rồi…thôi bởi không thể mua mang về nước do phạm luật!”

Một số sản phẩm gọi là đồi mồi nhưng không rõ giả thật
Tương tự, theo lời một chủ shop chuyên bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cho biết tại Hà Tiên vẫn còn vài điểm lén lút bán các mặt hàng mỹ nghệ chế tác từ đồi mồi song so với thời huy hoàng ngày xưa thì cũng chẳng ra làm sao.
Ở nhiều địa điểm du lịch khác của Việt Nam ngoài Hà Tiên, Phú Quốc như Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long, Sapa … chúng tôi cũng nhìn thấy khá nhiều sản phẩm mỹ nghệ được gọi là đồi mồi được bày bán trong các gian hàng lưu niệm nhưng thực tế là hàng giả làm bằng sừng trâu bò hoặc bằng nhựa…Nhìn chung câu chuyện đồi mồi liên quan đến pháp luật (thậm chí quốc tế) là vậy. Riêng mấy cụ nghệ nhân nghề chế tác đồi mồi Hà Tiên hay than vãn: “Một bên là cấm sử dụng, mua bán sản phẩm đồi mồi một bên lại kêu gọi bảo tồn nghề truyền thống – vốn quý của văn hóa dân tộc. Chúng tôi cũng không biết phải làm sao?”.

Một vụ mua bán đồi mồi bị bắt
Bài và hình NS