Thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 13 nghìn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5.2% (người dưới 14 tuổi), 24.5% (người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi) và 70.3% (người từ 16 đến dưới 18 tuổi). Tội phạm tuổi teen không chỉ đang tăng nhanh về số lượng mà mức độ diễn biến cũng ngày càng phức tạp, hành vi ngày càng manh động.

Giới trẻ trước vòng xoáy “văn hóa tốc độ”

Tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức đang diễn ra nhiều nơi. Trước đây, trẻ vị thành niên chủ yếu vướng vào các tội như trộm cắp, đánh nhau … Còn hiện thời, hành vi phạm tội có xu hướng nghiêm trọng với các tội danh như cướp tài sản, mua bán, sử dụng ma túy kể cả giết người. Đã xảy ra những trường hợp phạm tội không hẳn xuất phát do sự bồng bột, thiếu hiểu biết mà có tính toán, lên kế hoạch, mục đích rõ ràng, hành vi thâm độc.

Tháng 12/2023, một học sinh lớp 10 tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) sau khi tranh cãi với cha đã dùng hung khí sát hại người sinh ra mình rồi mang đốt thi thể phi tang.

Trước đó, tháng 10/2023, cũng vì mâu thuẫn với cha ruột, một thiếu niên 14 tuổi tại Cái Bè (Tiền Giang) đã bỏ bả chó vào hộp sữa khiến cha và bà nội tử vong …

Nữ sinh đánh nhau trước sự điềm nhiên của bạn bè

Nguy hiểm hơn, một số em xem những hành vi phạm pháp này như “chiến tích”, còn dám ngang nhiên mang đăng tải lên các trang mạng để “khoe”. Đặc biệt hiện nay còn có sự nổi lên của các “giang hồ mạng” tác động mạnh đến lớp tuổi teen, trở thành yếu tố kích động những hành vi ngông cuồng. Không ít câu chuyện bạo lực mà giới tuổi teen tiếp cận từ các tay anh chị “giang hồ mạng” đã trở thành khuôn mẫu ứng xử, hội chứng bắt chước, học làm theo.

Xem thêm:   Thằng lơ xe đò trong văn hóa Miền Nam

Cạnh đó, tình trạng  tình dục sớm ở lứa tuổi teen cũng đang tăng cao. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây mà còn do lối sống quá dễ dãi, chạy theo vòng xoáy của “văn hóa tốc độ”. Từ những tài liệu, sách báo thiếu lành mạnh đến những trang web, clipsex trao đổi cho nhau dễ dàng, từ những quán karaoke đến các vũ trường, quán bar. Ở một số trường cấp 2 – 3, không hiếm cảnh “cặp đôi” học sinh thoải mái thể hiện tình cảm nơi đông người, thậm chí đưa nhau vào khách sạn  khi vẫn khoác đồng phục học trò. Hậu quả của lối sống này là học hành sa sút, mang thai ngoài ý muốn. Số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình VN cho thấy mỗi năm  có khoảng 300,000 phụ nữ và các em gái nạo phá thai, phần lớn ở độ tuổi 15-19. Riêng Sài Gòn với hơn 9.3 triệu dân, mỗi năm có khoảng 100,000 ca sinh nhưng số ca nạo phá thai cũng tương đương, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Đấy là chưa kể các hậu quả tiêu cực từ kết giao thiếu lành mạnh đưa tới việc chửi bới, thách đố nhau ngoài đời, trên mạng xã hội, thậm chí thuê côn đồ ăn miếng trả miếng. Không ít tình yêu học trò kết thúc bằng hận thù, với những nữ sinh bị lợi dụng, tuyệt vọng phải tìm đến cái chết …

Đua xe bị bắt

Nguyên nhân tha hoá đạo đức của giới trẻ

Xem thêm:   Mây một ngày

Nhìn từ góc độ tâm lý, tuổi teen là độ tuổi phát triển nhanh về thể chất nhưng tâm sinh lý thường có những bất ổn, dễ nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Một số em phải đối mặt với nhiều áp lực từ việc học hành, thi cử đến tìm việc làm, thu nhập hay các mối quan hệ bạn bè, xã hội … nhưng không phải ai cũng có thể vượt qua. Sự dịch chuyển lối sống từ môi trường thực sang môi trường ảo khiến nhiều người trẻ tò mò, ham khám phá nhưng cũng dễ lạc lối, mất phương hướng.

Cùng với môi trường xã hội, môi trường gia đình hiện nay cũng tồn tại nhiều vấn đề tác động tiêu cực đến sự hình thành nhân cách, đạo đức người trẻ. Theo một thống kê về người dưới 18 tuổi phạm tội ở VN cho thấy, phần lớn trẻ phạm tội thường sống trong những gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm của phụ huynh, bị bạo hành, phải bỏ học sớm … Những em thuộc nhóm này có xu hướng tìm những người cùng hoàn cảnh để tụ tập, quậy phá hoặc dễ bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào đường phạm pháp. Ngược lại, một số em được cha mẹ quá nuông chiều, luôn đáp ứng đầy đủ điều kiện vật chất lại có nguy cơ dẫn đến lối sống đua đòi, hưởng thụ, lười biếng từ đó cũng dễ mắc sai lầm. Thế là sự “quan tâm” của cha mẹ với con cái chỉ là cho tiền xài và thay vì khuyên bảo chỉ là chửi mắng. Dần dà con cái không biết tâm sự cùng ai. Một số sinh ra lối sống đơn độc, khó gần; số khác tụ tập với đám người “chung tâm trạng” để sống bất cần đời, xưng hùng xưng bá. Để “lấy số má” với bạn bè, chúng sẵn sàng làm, chơi bất cứ thứ gì nhằm chứng tỏ “đẳng cấp”.

Tàng trữ ma túy

Tương tự, nhiều nhà trường hiện nay chỉ đề cao việc nhồi nhét kiến thức nhằm “đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu nền kinh tế”. Việc giáo dục đạo đức, nhân cách, giáo dục công dân gần như bỏ quên hoặc thứ yếu. Chính vì quá quan tâm đến việc nhồi nhét kiến thức nên trường học chỉ có thể tạo ra những con người hiểu biết các kỹ năng mang tính công cụ nhưng không phải người trí thức thật sự.

Xem thêm:   Hát quán nhậu

Để góp phần ngăn chặn tình trạng này, trách nhiệm là của toàn xã hội, nhưng chắc chắn phải bắt đầu từ gia đình. Hơn ai hết, cha mẹ không nên xem nhẹ việc giáo dục, theo dõi con cái vì gia đình là điểm tựa vững chắc, là nơi cho con tình thương, dạy con những điều mẫu mực, giúp con hình thành và phát triển nhân cách tốt, cách ứng xử với mỗi tình huống trong cuộc sống và biết tự điều chỉnh hành vi, lối sống của bản thân để các em có cuộc sống không có áp lực và lành mạnh hơn…

Học đòi theo thói giang hồ xài “hàng nóng”

NS