“Hằng năm, mỗi khi hoa đào nở, hồng tía, hồng pha, đỏ rực một góc sân, tôi lại nhìn thấy cảnh cha mình loay hoay đi tìm công việc. Và năm nay, hơn những năm trước, cha tôi loay hoay, bứt rứt và buồn bã, vì đã chuẩn bị hết Giêng Hai, gạo đã lưng hũ mà cha vẫn còn đang ngồi nhìn ra cửa…”. Đây là đoạn văn của một cậu bé học sinh lớp 6 viết về cảm tưởng mùa Xuân. Mà hình như tâm trạng của cậu bé này cũng giống với bao tâm trạng khác trong lúc này, tâm trạng của những lao động thời suy thoái kinh tế…

Làm gì để sống qua ngày hay thôi thì cứ ‘trời sinh voi, sinh cỏ?’   

Làm gì để mua gạo?

Ðó là câu hỏi chung của rất nhiều người sống ở quê. Sống ở quê, làm nông nghiệp bao nhiêu đời rồi, sao lại phải lo chuyện mua gạo? Nhưng đó là sự thật của rất nhiều gia đình, cái thời mà đất đai đã dần quy hoạch, thu hồi, đền bù và đôi khi người sống ở quê lại thèm nhìn thấy lũy tre làng, con trâu hơn cả thành phố.

Nói thì nghe cứ như đùa, nhưng bây giờ, đi khắp đầu làng cuối xóm, không dễ gì tìm ra được một bụi tre, cái cảm giác mùa thu nghe lá tre rụng, nghe tiếng cây măng vươn mình, rít từng hồi trong gió, có lẽ là cảm giác của thế hệ đã cũ, còn các thế hệ mới sinh, chừng độ 10 tuổi trở lại ở quê bây giờ, nếu tả về đường làng, có lẽ chúng sẽ tả rằng “đầu làng có quán cà phê, nơi mỗi sáng người ta ngồi phì phà khói thuốc, giữa làng có ngôi chùa, nơi mỗi khi có lễ lạt thì thầy trụ trì gửi giấy mời đến từng gia đình để đóng góp, tối tối, tiếng tụng kinh của bà vãi trên loa sắt nghe the thé như đóng đinh vào não, không tài nào học bài được. Cuối làng là quán bia, mấy quán nhậu bình dân và đương nhiên làng em có nhiều tiệm hớt tóc, nó vốn là tiệm Net trước đây…”

Ở quê thèm thấy lũy tre làng hơn ở thành phố bởi vì thành phố bây giờ có nhiều quán cà phê  trồng bụi tre ngà to tổ chảng trước sân, thậm chí vào các khu du lịch, được nhìn thấy trâu bò, nhìn thấy nhiều con vật mà về quê chẳng còn thấy nữa. Ngay cả tiếng gà gáy sáng, ở quê thỉnh thoảng vẫn có, nhưng nó là tiếng gáy nghe đứt quãng, ẹc ẹc… phát ra từ chuồng gà lai, gà công nghiệp của các gia đình chăn nuôi. Tiếng gà thành phố gáy nghe vang vang, lảnh lót hơn tiếng gà quê, bởi các gia đình thành phố nuôi gà để đỡ nhớ quê, họ nuôi gà thuần Việt, gà rừng, nên tiếng gáy ra dáng một tiếng gà…

Xem thêm:   Bí ẩn cây ngải thật & bịa

Nói cho cùng, quá trình “hiện đại hóa nông thôn” đi kèm với quá trình bê tông hóa nông thôn và mọi xung động thành phố sau khi rớt hạng đều đổ về những vùng quê mới phát triển, vùng quê mới “hiện đại hóa” trở thành cái rổ hứng mọi thứ rơi vãi của thành phố. Các quán hớt tóc thanh nữ, tiệm karaoke, quán nhậu có bia ôm… hạng phổ thông dành cho các ông nông dân vừa được đền bù đất đai, những cán bộ về hưu, lâu lâu đi xả láng một bữa và không ngoại trừ cả những cậu choai ăn cắp tiền cha mẹ để tập ăn chơi…

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người ở quê phải đi mua gạo. Mà lý do mua gạo cũng buồn cười, người không có ruộng do ruộng đã chuyển thành đất ở, đã phân lô sau khi thu hồi đền bù thì đi mua gạo đã đành, người có ruộng cũng đi mua gạo mới là chuyện lạ.

Lúa, gạo… đơn giản là giữ đầy hũ gạo đã rất khó với nhiều gia đình

Ông Ý, một người dân miền Trung, nói:

– Bây giờ tình trạng bỏ ruộng hoang, nông dân phải mua gạo là không phải ít đâu!

– Vì sao vậy chú?

– Vì các lao động chính trong nhà đi làm ăn xa, vào thành phố làm thuê hoặc làm công nhân, họ thấy làm ruộng lỗ hơn đi mua gạo, vì ngày công của họ, rồi phân tro, thuốc, thuế thủy lợi và tiền thuê máy gặt, máy cày… tính ra mắc hơn mua gạo mà lại mệt, thôi, họ bỏ ruộng. Người biết làm, yêu đồng ruộng thì già quá rồi, còn người trẻ thì không ưa bước xuống ruộng, ưa đề đóm, cờ bạc và thậm chí trộm cắp. Thành phần này chỉ mong sao ruộng được thu hồi đền bù để có chút tiền mà ăn chơi.

Xem thêm:   Mụ Gấu về với rừng

Lấy đâu ra việc làm?

Tìm việc làm vào mùa Xuân dường như thành lệ của người quê (gồm cả lên thành phố và ở lại quê). Bởi vì cả năm làm lụng, quen thuộc, đôi khi nhàm chán với chỗ cũ, mức lương cũ, người ta quyết định nói “lời tạ từ” với chủ thuê để về quê, sau đó tìm một việc mới, thay đổi xoành xoạch nhưng không ổn định.

Khác với mọi năm, đặc biệt là kể từ những năm sau dịch đến nay, hầu hết người làm ở thành phố đều có chung tâm trạng ngược chiều so với trước. Tức trước đây, người chủ thuê luôn lo lắng cuối năm người lao động nói “lời tạ từ” nhiều quá thì ra Giêng Hai kiếm người lao động rất vất vả. Người lao động nơm nớp lo chủ thuê sẽ nói “lời tạ từ” trước khi mình về quê, vậy là mùa Xuân lên thành phố, loay hoay đi tìm việc, lấy đâu ra tiền thuê trọ, tiền ăn và tiền đổ xăng mà đi tìm việc.

Đầu làng giờ có quán cà phê…

Thu Thanh, nhân viên bán hàng của một siêu thị cho hay:

– Em làm ở siêu thị này cũng được gần 3 năm rồi, từ lúc ra trường, không tìm được việc đúng chuyên ngành. Tưởng sẽ gắn bó qua hết giai đoạn khó khăn vì giờ mình quen với việc rồi, từ đi sớm trước ca đến về khuya.

– Ủa làm siêu thị mà cũng về khuya nữa hả em?

– Ca cuối của siêu thị là đến 10h đêm, nhưng nhiều khi tụi em chốt đơn qua zalo hoặc facebook, điện thoại rồi nhờ khách đợi, đóng cửa ra về rồi giao luôn hoặc là tận dụng nếu ít khách ở siêu thị thì một bạn trông một bạn đi giao hàng. Em tưởng qua được mùa Xuân là ổn, ai ngờ siêu thị lại có đợt giảm nhân viên mới, em còn làm ở đây 3 ngày nữa thôi, sắp tới em không còn làm nữa. Lại tìm việc. Lâu nay em ở trọ cùng cô bạn cùng làm, giờ không biết mai mốt phải tìm việc ở đâu và không biết tìm nhà trọ sao nữa!

Xem thêm:   Thành phố chìm

Tạm biệt Thu Thanh, cô em thường mang giúp tôi ít sữa ít bánh cho em bé vào giữa trưa bất kể mưa nắng, những ngày gia đình tôi không có ai đi. Mong cô bé sẽ kiếm được một công việc như ý hoặc sẽ nghĩ ra một kế sinh nhai gì đó giữa thời nhốn nháo này.

Tôi gặp chị Lý, một người lao động ở quê, chị ưu tư:

– Năm nay miền Trung thất nghiệp nhiều, ngay cả những công nhân ở các khu công nghiệp giờ cũng thất nghiệp, nên việc lo gạo Giêng Hai không riêng chi miền núi nữa!

– Mọi năm khác năm nay sao hả chị?

– Mọi năm, tháng Giêng, những người lao động trong thành phố lại lên đường, khí thế lắm, chừng mồng Sáu Tết là đi hết rồi, bây giờ, trời có hôm nắng gắt tưởng chừng hè đến rồi mà vẫn chưa thấy rục rịch, hồi xưa công việc trong thành phố nhiều lắm, bây giờ hàng quán trong đó đóng cửa hết nên có thêm chuyện mới để nói…

Lao động ở quê, lao động ở thành phố, lúc nào cũng khó, ngày càng khó kiếm việc hơn

– Chuyện mới. Là chuyện gì nữa?

– Chưa có bao giờ mà người làm quen việc thì bị cho nghỉ vì bị chê già, như việc bưng, rửa chén bát, bưng thức ăn mà quán lại tuyển nữ, trẻ đẹp, cao 1.75 mét trở lên, có bằng đại học. Còn nếu không có các tiêu chuẩn đó thì chờ đi, bao giờ hết người mới tới cưng. Cũng do công việc quá hiếm nên người ta mới nghĩ ra cái trò kỳ cục vậy.

– Nhà chị còn duy trì hũ gạo được bao lâu?

– Ăn mắm muối thì đi làm thuê một bữa cũng có gạo. Nhưng cuộc sống đâu có đơn giản như vậy, con cái học hành, tiền học thêm, mua sách vở, áo quần, tiền ăn sáng. Gần đây chị chiên cơm nguội cho con ăn sáng đi học…

Mấy mươi năm trước, cảnh này chia đều cho mọi người, cả nước. Còn bây giờ, sau chừng đó năm “giải phóng”, người dân vẫn vật lộn với từng bữa ăn. Bỗng nghe lòng buốt nhói.

Bài và hình UC