Trên thế giới ở nhiều vùng đất đã cho ra đời nhiều loại sâm quý như sâm Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Nga, Nam Phi… với các tính năng bồi bổ sức khỏe được nhiều người tin dùng. Cùng với những loại sâm quý hiếm, sâm Ngọc Linh của Việt Nam đã được các nhà khoa học quốc tế đánh giá rất cao. Lý do vì nếu so với các loại sâm trên thế giới chứa khoảng 20-25 loại saponin (nhóm hợp chất chính quyết định tác dụng sinh học của cây sâm) thì sâm Ngọc Linh chứa hơn 50 cấu trúc saponin và nó được xếp vào 1 trong 5 họ sâm quý hiếm giá trị nhất thế giới.

Một cây sâm Ngọc Linh “cổ thụ” có giá hơn 500 triệu VNĐ
Sâm Ngọc Linh ở VN tìm thấy tại 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Chúng sinh trưởng và phát triển dưới các tán rừng nguyên sinh nhưng nằm phía trên các thảm mục dày mà không mọc dưới đất. Xã Trà Linh tọa lạc trên đỉnh núi Ngọc Linh (cao hơn 2,000 mét so mặt biển) được mệnh danh là thủ phủ sâm Ngọc Linh của huyện Nam Trà My (Quảng Nam).
Nhiều năm qua, một số cuộc nghiên cứu trong và ngoài nước đều khẳng định sâm Ngọc Linh là thảo dược giá trị cao, có tác dụng tăng cường hiệu quả hệ miễn dịch, kháng viêm, ung thư, chống stress và ngừa lão hóa. Năm 1998, công trình đăng trên tập san y khoa của Hiệp hội Dược Nhật Bản “Biological and Pharmaceutical Bulletin” cho biết các chuyên gia đã thử nghiệm tác dụng ức chế đối với kháng nguyên sớm của virus Epstein-Barr (EBV-EA) của 7 saponin phân lập từ thân và rễ cây Sâm Ngọc Linh. Kết quả cho thấy Majonoside-R2 (saponin nhóm Ocotillol chiếm hơn nửa tổng hàm lượng saponin của sâm Ngọc Linh) có tác dụng ức chế sự hoạt hóa EBV-EA và đây là tác nhân chống lại các chất sinh ung thư hóa học. Tương tự, công trình nghiên cứu “Chất chuyển hóa sesquiterpene lactone từ sâm Ngọc Linh” của nhóm tác giả VN phối hợp cùng Tiến sĩ Poul Erik Hansen (Trường Ðại học Roskilde, Ðan Mạch) chỉ ra sesquiterpene lactone là nhóm sản phẩm tự nhiên quan trọng thu được từ sâm Ngọc Linh có hoạt tính sinh học tốt cho sức khỏe như chống ung thư, chống viêm, kháng vi rút, kháng khuẩn, giúp phục hồi tổn thương… Các chuyên gia cũng khuyên người cao tuổi, những người suy giảm hệ miễn dịch, đang mắc nhiều bệnh nếu sử dụng sâm này thường xuyên sẽ sớm phục hồi sức khỏe, tăng sức đề kháng. Nhà nước VN cũng đã đưa cây sâm Ngọc Linh vào danh mục 250 loài quý hiếm trong Sách Ðỏ.

Sâm Ngọc Linh có nhiều ở xã Trà Linh (Quảng Nam)
Hiện nay từ thân, lá, củ, hạt sâm Ngọc Linh luôn được nhiều người săn lùng tìm mua với giá rất cao từ ngoài đời cho tới các trang mạng xã hội. Mức giá căn cứ vào độ tuổi, “độ đẹp”, cây sâm Ngọc Linh càng “già” giá càng cao, bao gồm cả nơi nó được tìm thấy (lộ thiên, bán lộ thiên hoặc ngậm thổ). Có những loại trên 100 năm tuổi có giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ VNÐ/kg. Còn loại dưới 20 năm tuổi có giá từ 50 – 100 triệu VNÐ/kg. Vì giá sâm quá cao nên nguồn sâm Ngọc Linh tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt bởi sự khai thác quá mức của con người.

Phân biệt sâm Ngọc Linh thật và giả
Thử vào trang tìm kiếm Google gõ cụm từ “mua bán sâm Ngọc Linh”, ta dễ dàng gặp vô số địa chỉ giới thiệu bán loại sâm quý này, từ Sài Gòn, Hà Nội, miền Trung, Tây Nguyên… Nơi nào cũng bảo mình bán “sâm thật” song theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay hơn 98% sản phẩm trên thị trường không phải sâm Ngọc Linh mà là một loại củ rễ khác có hình dạng tương tự dễ khiến người không rành rẽ, thiếu kinh nghiệm bị lừa mua nhầm!. Có thể dẫn chứng vài loại thường được kẻ gian làm giả cây sâm Ngọc Linh như Tam thất hoang (sâm Vũ Diệp) là loại cây mọc nhiều ở các tỉnh miền núi Bắc VN và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Thành phần loại củ này cũng có ít hoạt chất giống sâm Ngọc Linh. Hoặc củ Tam thất là một loại dược liệu thường mọc ở những vùng núi cao tại các tỉnh miền núi Bắc VN hay Ðan Thạch là một loại cây cũng có hình dạng và rễ củ giống sâm Ngọc Linh… Tất cả những thứ này có giá khoảng 300 – 800 nghìn VNÐ/kg tùy mỗi loại nhưng khi “biến hóa” thành sâm Ngọc Linh (giả) chúng được kẻ gian hét lên từ 30-50 triệu VNÐ/kg!

Bán hạt sâm Ngọc Linh (giả) tràn lan trên mạng xã hội
Ông Ablôh (64 tuổi, người dân tộc Xê-đăng ở xã Trà Linh, có kinh nghiệm khai thác cây sâm quý này gần 30 năm) nói: “Có thể phân biệt sâm Ngọc Linh giả và thật qua mùi vị: sâm thật mùi thơm nồng, ngửi được rõ bằng mũi. Khi nếm có vị đắng pha ngọt nhẹ, thanh mát, nhai thấy giòn, không có xơ. Sâm giả không mùi, nhai thấy cứng, dai, vị ngái hoặc đắng. Về hình thái bên ngoài: sâm thật lá nhỏ, mỏng, mềm, mọc ở đỉnh của thân, là dạng lá kép chân vịt, thường có từ 3-5 lá kép. Răng cưa mép lá rất nhỏ và đều. Những loại khác lá to, bề ngang rộng, lá có răng cưa sâu và dày. Trên bề mặt phía sau của lá sâm giả ít lông hơn sâm thật. Với thân rễ và rễ củ: sâm thật có các mắt trên thân mọc lệch nhau, các mắt không tròn hẳn và mọc lõm vào thân. Vỏ củ sâm thật rất mỏng và nhẵn, không xù xì. Khi rửa sạch củ có màu vàng nâu hoặc xanh xám. Vỏ củ sâm giả rất sần sùi. Về khối lượng, sâm thật cầm chắc tay, hơi nặng. Sâm giả cầm có cảm giác rỗng bên trong, trọng lượng củ nhẹ. Sâm thật có nhiều rễ bám, khoảng cách các mắt so le nhau, không đều. Số lượng mắt ít do trong 3 năm đầu, cây sâm không rụng thân khí sinh nên chỉ có 1 mắt, sau đó thêm 1 năm lại có thêm 1 mắt. Sâm giả khoảng cách mắt đều và mọc thẳng hàng hơn, số lượng nhiều vì một năm mọc ra nhiều đốt”…
Cũng theo ông này: “Tôi biết rõ cho đến nay vẫn không một người đồng bào nào ở Quảng Nam hay Kon Tum trong 1 năm có thể tìm được 1kg sâm Ngọc Linh tự nhiên. Giỏi lắm chỉ tìm được dăm ba củ, cân được chừng vài ba lạng. Nên hiểu rằng sâm Ngọc Linh là thứ mà chuột và nhiều loài thú gặm nhấm khác ở rừng rất ưa thích. Vì vậy chúng sẽ không bỏ qua trước khi con người chúng ta tìm thấy!”

Sâm Ngọc Linh được người dân ươm trồng thử nghiệm
NS