Tính đến cuối ngày 22-8-2021, Sài Gòn có 175,994 ca nhiễm cúm Vũ Hán và 6,670 người chết vì Covid-19. Trong khi đó, trên cả nước Việt Nam số ca nhiễm cúm Vũ Hán là hơn 350 ngàn người (trung bình 1 triệu người có 3,502 ca nhiễm) và số người chết hơn 8,500…

Nhiều điểm tiêm chích công bố chỉ sử dụng loại vaccine Vero Cell do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: tác giả cung cấp  

Thử so với Thái Lan, nước này có hơn 1 triệu ca mắc Covid, nhưng số người chết chỉ 9,000.  Tương tự, so sánh tỷ lệ tử vong trên thế giới, Việt Nam cũng ở mức cao: Myanmar tỷ lệ tử vong/ca nhiễm là 3.78%, Indonesia 3.08%, Nga 2.58%, Hoa Kỳ 1.68%, Ấn Ðộ 1.34%, Nhật Bản 1.31%… và Việt Nam 2.3%!

Ai cũng biết, vấn đề sống còn chống lại virus cúm Vũ Hán là mật độ tiêm phủ vaccine cho toàn dân. Song, nếu lại so sánh với các nước, ở Việt Nam mật độ này còn quá thấp. Cụ thể, tính đến đầu tháng 8/2021, toàn bộ 11 nước khu vực ASEAN đã bắt đầu tiêm vaccin Covid-19 cho dân chúng. Singapore hiện dẫn đầu khu vực về tỷ lệ người tiêm ít nhất một mũi với 7,831,520 liều tiêm, đạt tỷ lệ 76%. Campuchia đạt tỷ lệ tiêm 48% và Malaysia 48%. Còn Việt Nam có tổng liều tiêm là 17,065,896 đạt 7.5% tỷ lệ người đã được tiêm 1 mũi.

Ðến giữa tháng 8-2021, tổng số liều vaccine Sài Gòn chính thức nhận được từ các chương trình tài trợ của chính phủ hoặc mua/sang nhượng khoảng 7 triệu liều, trong đó hơn 4.2 triệu liều vaccine AstraZeneca, 200 ngàn liều Pfizer và chừng 500 ngàn liều Moderna. Ngoài ra còn có “nguồn tài trợ” 2 triệu liều vaccine Vero Cell (hãng Sinopharm, Trung Quốc sản xuất) do một tập đoàn kinh doanh tình nguyện “tặng”. Ðến đây bắt đầu nảy sinh vấn đề khi nhiều người dân Sài Gòn tỏ ra băn khoăn là nên chích vaccine do nước nào sản xuất? Ðáng chú ý là việc xuất hiện loại vaccine Vero Cell ở khá nhiều điểm tiêm chủng kể từ ngày 13-8-2021 đã làm nhiều người dân phản ứng. Lý do bởi trước đó, Sài Gòn chỉ sử dụng vaccine Moderna cho người trên 65 tuổi và Astra Zeneca cho những thành phần còn lại.

Biểu đồ tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho người dân khu vực ASEAN. Ảnh: tác giả cung cấp

Ông H.V.T, 68 tuổi (tên đã thay đổi), ngụ Thủ Ðức, vốn là một bác sĩ có thời gian dài công tác ở Trung tâm bệnh Nhiệt đới, đã về hưu, nhận xét: “Với đa số dân chúng, ai cũng biết mọi người đều mong bản thân sớm được  tiêm chủng, nhưng họ cũng rất đắn đo trước vaccine Trung Quốc. Chẳng qua, bấy lâu nay dân ta vốn không mấy tin tưởng hàng Tàu và một bộ phận không nhỏ luôn mang trong lòng nỗi ác cảm với Trung Quốc bởi những gì họ từng gây ra trong quá khứ, ở cuộc chiến tranh biên giới 1979 và gần đây liên tục gây hấn biển Ðông. Dịch cúm Vũ Hán cũng xuất phát từ xứ Tàu.

Xem thêm:   Hôn nhân của người J'rai

Thêm vào đó những tài liệu khoa học về loại vaccine Vero Cell còn quá tù mù nên dân không tin tưởng. Lại nữa, có lúc mấy tờ báo “lề phải” ở Việt Nam còn đăng nhiều bài viết về vaccine Sinopharm không hiệu quả với các bằng chứng ở các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Chính những điều đó khiến người dân càng hoài nghi và ngại ngần khi tiêm chủng bằng vaccine Sinopharm!

Người dân Sài Gòn đang chờ tới lượt được tiêm vaccine. Ảnh: tác giả cung cấp

Dĩ nhiên, việc nghi ngờ và chọn lựa là quyền của mọi người bởi nó gắn liền với sinh mạng chính họ. Tôi cho rằng có lẽ sai lầm đầu tiên là chính quyền đã chấp nhận cho Tập đoàn V.T.P đứng ra tài trợ lô hàng này. Tôi biết đây là tập đoàn có gắn bó làm ăn mật thiết với Trung Quốc. Và tại sao họ mua về vaccine Trung Quốc nhưng không dùng cho nhân viên của mình mà đem biếu tặng, rồi sau đó lại sử dụng Astra Zeneca tiêm cho nhân viên của họ. Quá khó hiểu!”.

Ông Nguyễn Như Phong, cựu nhà báo và từng là một cựu sĩ quan công tác trong ngành công an Việt Nam cũng nêu ý kiến: “Thời gian gần đây, tôi nghe thấy trên mạng xã hội cũng như báo chí luôn dấy lên làn sóng tranh luận về việc dùng hay không nên dùng vaccine Tàu. Người ta chia ra 2 luồng dư luận: ủng hộ và phản đối. Với người ủng hộ tiêm vaccine Tàu, tôi chưa dám nghĩ đến chuyện họ từng chịu ân sủng “cơm nặng, áo dày” gì của Trung Quốc hay không? Hay có phải do gián điệp Trung Quốc “gài vào” hoặc ai đó đã nhận tiền lobby của họ hay không? Nhưng yêu ai hoặc ghét ai cũng là quyền của họ. Còn với người phản đối tiêm vaccine Tàu thì sao? Tôi nghĩ có 3 loại: Thứ nhất là người ghét Trung Quốc, bài Tàu. Với những người này, cứ cái gì của Tàu cũng xấu không nên tin. Thứ hai là người không có đủ thông tin về vaccine Trung Quốc, cứ phát ngôn bạt mạng kiểu “không ưa thì dưa có dòi” và sau cùng là những kẻ muốn lợi dụng tâm lý ghét Trung quốc của một số người để thổi bùng chủ nghĩa dân tộc. Bản thân tôi chỉ có ý kiến thế này: Nên để cho người dân quyền lựa chọn tiêm hay không tiêm loại vaccine nào đó và chính quyền nên vận động người dân, giải thích rõ về công năng, hiệu quả từng loại vaccine. Nên cho người dân quyền chọn loại vaccine nào họ muốn tiêm và có thể chia ra vaccine mua bằng nguồn xã hội hóa, ai muốn tiêm phải trả tiền; còn vaccine mua bằng tiền ngân sách thì tiêm miễn phí. Tuyệt đối chính quyền không nên phát ngôn kiểu áp đặt “Không được lựa chọn vắc xin”. Ðặc biệt với vaccine Tàu, đừng bao giờ bày trò ép dân phải tiêm theo kiểu “hiện nay đã hết vaccine, giờ chỉ còn vắc xin Trung Quốc mà thôi!”.

Tiêm chích vaccine cho người đủ điều kiện. Ảnh: tác giả cung cấp

Vẫn theo bác sĩ H.V.T: “Tôi nghe một số bạn vốn từng là học trò cũ đang công tác trong ngành y cho rằng, vaccine Tàu được Tổ chức WHO phê chuẩn cho dùng và đó là “chuẩn vàng”. Riêng tôi cho rằng quan niệm ấy có phần quá đơn giản. Theo tôi, có 3 tiêu chuẩn đánh giá và xếp hạng một loại vaccine gồm tính khoa học, sự minh bạch và phê duyệt FDA (Mỹ). Nên nhớ trên thế giới, người ta hay nhìn về FDA khi xem xét sự hiệu quả và an toàn của một loại thuốc hay vaccine. FDA cũng là cơ quan lâu đời trên thế giới về thẩm định mức hiệu quả – an toàn các loại dược phẩm và quy trình phê chuẩn của FDA luôn được xem là chuẩn mực cho cả thế giới. Cũng nên biết thêm đến nay, FDA chưa hề phê chuẩn bất cứ vaccine nào dành cho Covid-19. Họ chỉ phê chuẩn 3 vaccine sử dụng trong tình trạng khẩn cấp gồm Pfizer, Moderna và Janssen. Lý do AstraZeneca (AZ) chưa có trong danh sách là vì FDA đã yêu cầu AZ cung cấp thêm dữ liệu trong thử nghiệm giai đoạn III và AZ vẫn đang hoàn tất hồ sơ đó. Một cơ quan khác cũng uy tín không kém là EMA (European Medicines Agency) thuộc Liên minh Âu châu. Riêng WHO thì có quy trình phê chuẩn khác và có thể nói là dễ dàng hơn nhiều so với FDA!”.

Người tử vong do virus cúm Vũ Hán. Ảnh: tác giả cung cấp

NS