Kể từ ngày 9-7-2021, chính quyền Sài Gòn tiến hành siết chặt phong toả thành phố để ngăn dịch cúm Vũ Hán. Dù vậy đến thời điểm này, Sài Gòn đã có hơn 13 ngàn người chết vì dịch và là tâm dịch lớn nhất nước. Thậm chí, lúc cao điểm, nhiều gia đình có đến vài ba người chết. Hiện thời số tử vong hàng ngày có giảm chút ít nhưng số ca nhiễm bệnh vẫn ở mức cao.

Ðiều hơi bất ngờ so với lúc dịch bệnh vừa bùng phát: chính quyền đang có những chuẩn bị “mở cửa” để thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”. Ðây cũng là chữ mà chính quyền Sài Gòn đang dùng, có nghĩa không phải… “bình thường theo kiểu cũ”!

Quay lại bối cảnh khi Sài Gòn vừa bùng phát đại dịch mới lộ rõ ra ở đây, bao nhiêu năm qua luôn tồn tại nhiều gia đình nghèo với cuộc sống vô cùng lam lũ. Bình thường khi trước, dù hoàn cảnh thế nào họ vẫn cố tìm kiếm mọi phương cách sinh nhai, song khi đại dịch bùng phát, rồi giãn cách kéo dài, cuộc sống họ dần bước vào tình cảnh khốn khó.

Ðó là những khu xóm mà người ta phải sống chen chúc nhau trong những căn nhà/phòng chật chội, ẩm thấp. Ăn uống thiếu thốn, điều kiện sinh hoạt tạm bợ nên dịch bệnh càng dễ bùng phát. Nhiều nhà máy, xí nghiệp lần lượt đóng cửa kéo theo số đông công nhân thất nghiệp. Từ những người đang đi làm, họ trở thành kẻ thiếu ăn, con cái học hành dở dang, đau ốm không tiền mua thuốc… Rõ ràng, kéo dài giãn cách càng lâu đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống người dân, không những gây thiệt hại về kinh tế mà ảnh hưởng xã hội rất lớn, chắc chắn còn tạo ra những dư chấn tâm lý cho nhiều người trong thời gian sắp tới.

Những người dân nhập cư là thành phần khốn khổ nhất trong bão dịch cúm Vũ Hán. Ảnh: tác giả cung cấp

Chúng tôi đã tìm đến khu xóm trọ nằm trong con hẻm nhỏ thuộc phường Linh Xuân (Thủ Ðức). Ở đây, có 6 dãy nhà được chia thành những căn phòng nhỏ, diện tích mỗi căn chừng 12-18m2. Người thuê nhà phần lớn là người làm thuê, công ăn việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh. Có lẽ do ảnh hưởng dịch bệnh, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4, cuộc sống hầu hết mọi người nơi đây từ già đến trẻ trước đã khó khăn nay càng “kiệt sức”.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Bà Huỳnh Thị Xoàn, thuê nhà tại đây nhiều năm, chia sẻ: “Vợ chồng tôi từ Trà Vinh lên Sài Gòn kiếm sống hơn 7 năm. Trước dịch trông chờ vào chút tiền lời bán hàng rong (bà bán bánh mì trước cổng khu chế xuất Linh Trung). Giờ dịch đến, việc bán buôn ngưng nghỉ, không có thu nhập, trong khi phải lo tiền thuốc men cho ông nhà làm phụ hồ bị tai nạn gãy chân, thất nghiệp gần một năm qua nên khó khăn càng chồng chất. Suốt ba tháng nay, tiền nhà trọ mấy trăm ngàn một tháng cũng không thể đóng. May nhờ chủ nhà trọ cho khất nợ và mấy người hảo tâm quanh đây thương xót, nay giúp vài gói mì tôm, mai bó rau, ký gạo cầm cự qua ngày…”.

Cùng dãy trọ, cách chỗ bà Xoàn chục bước chân là gia đình chị Phượng và anh Thành. Chị Phượng cũng nghỉ việc ở khu chế xuất mấy tháng qua do công ty (của Ðài Loan) không sắp xếp được “ba tại chỗ”. Chị cho biết: “Từ lúc dịch dã xảy ra, ông xã mình không thể chạy xe ôm, còn mình cũng nghỉ làm nên thu nhập rất kém (hưởng 70% lương cơ bản chỉ được gần 2.5 triệu đồng). Tiền nhà, điện, nước chừng 2 triệu đồng tháng có thể tạm khất một thời gian nhưng phải lo cho hai đứa con đi học. Mấy ngày nay ông xã cũng muốn kiếm công việc giao hàng mưu sinh trong thời điểm này, nhưng vì là lao động tự do, anh ấy không có thẻ nhân viên, không có giấy thông hành của công an cấp nên sợ ra đường bị phạt càng khốn khổ hơn…”.

Háo hức chờ đợi xin bó rau, con cá… từ thiện từ các mạnh thường quân. Ảnh: tác giả cung cấp

Ðó cũng là trường hợp của gia đình bà Phan Thị Hương, 57 tuổi, một trong những nhà có hoàn cảnh rất khó khăn cũng ở khu trọ này. Trong căn phòng lộn xộn và không có thứ đồ đạc nào quý giá, bà Hương tâm sự: “Tôi không có nghề gì, trước nay chỉ đi bán vé số nuôi đứa con gái 26 tuổi bị tâm thần nặng. Nay nghỉ dịch mấy tháng rồi, không có thu nhập, hôm nào bà con chung quanh cho thứ gì mẹ con ăn thứ nấy vậy thôi…”.

Có lẽ những người dân Sài Gòn và cả giới cầm quyền cũng phải thừa nhận rằng, trong thời gian dài giãn cách vừa qua, nếu không có những người làm từ thiện, những mạnh thường quân giúp đỡ, thành phố càng gặp thêm nhiều khó khăn. Từng túi gạo, thùng mì tôm, bó rau, chai nước mắm… đã đến với dân nghèo từ những người làm thiện nguyện. Chính lực lượng này đã giúp bao người dân Sài Gòn tạm qua cơn túng quẫn. Thế nhưng sức người có hạn, hiện tại họ cũng đang rút lui dần. Chắc vì thời gian mãi kéo dài khiến không ít người có trạng thái tâm lý chán nản, bất lực nên… buông tay. Và cuối cùng, tầng lớp thiệt thòi trực tiếp vẫn là người dân nghèo.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Ông Hòa, 56 tuổi, quê Quảng Ngãi, trước làm nghề bán vé số, nói: “Những gói an sinh thực ra cũng chỉ giúp chúng tôi dăm bảy ngày. Tiếp đó thiếu ăn vẫn là áp lực đè nặng. Lối thoát duy nhất là chúng tôi cần chính quyền sớm xóa bỏ giãn cách để được tự do đi kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Cái đói cái chết luôn đe doạ người nghèo nếu giãn cách liên tục kéo dài. Tôi nghĩ chính quyền cũng nên liên lạc với các địa phương để giúp những người nhập cư ai có nguyện vọng được trở về quê an toàn. Ðừng cố giữ chân họ làm khi họ chưa kiếm được công ăn việc làm bởi điều đó chỉ khiến cuộc sống của họ thêm bế tắc…”.

Chuyến xe đông lạnh chở 15 người bên trong “mở đường máu” trở về quê nhà. Ảnh: tác giả cung cấp

Tại Vĩnh Lộc A (Bình Chánh) chúng tôi chứng kiến tận mắt khá đông người đứng đợi lấy cơm, gạo hoặc nhu yếu phẩm là thực tế của những người nghèo thiếu ăn giữa tâm dịch ở Sài Gòn này. Cuộc sống của họ xem ra thường gói gọn trong một ngày “làm đồng nào xào đồng nấy”. Những người này hẳn đã đến mức cuối cùng của sự chịu đựng khi có những người cố mở cho mình “con đường máu”. Vụ chuyến xe tải đông lạnh nhét 15 người trong thùng xe để thông chốt ở Hàm Tân (Bình Thuận) gần đây là điển hình. Tất cả người trên xe và tài xế sau đó đều xuất trình được giấy xét nghiệm kết quả âm tính còn hiệu lực, chứng tỏ họ không phải bệnh nhân đi trốn mà chỉ muốn về quê. Họ sợ đói còn hơn dịch cúm Vũ Hán nên quyết chí đi về và chỉ vậy thôi!

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Cuối tháng 8/2021, người đứng đầu chính phủ Việt Nam từng xác định quan điểm “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”.  Dĩ nhiên chuyện sống chung với Covid-19 là xu thế khó cưỡng. Vấn đề còn lại là sống chung ra sao? Ðó là câu hỏi còn bỏ ngỏ…

NS