Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè… Và đương nhiên còn tháng Tư, tháng Năm, kéo dài mãi đến tháng Chạp… cuộc chơi mút mùa lệ thủy, người ta dễ dàng nhận ra rằng xứ nào chơi càng nhiều thì càng nghèo, nhưng đó là cái nghèo của kẻ chịu chơi và chẳng giống ai. Nếu như miệt Tây Nam Bộ chịu chơi, chơi mút mùa lệ thủy thì chắc rằng dân xã đảo Tam Hải cũng không kém mấy, họ chơi cũng bạt mạng lắm, sự chơi của những con người hồn hậu, chất phác và đương nhiên là nghèo, có gì đó rất riêng…

Tạm biệt đất liền, lên phà qua Tam Hải     

Khác với mọi năm, năm nay gia đình tôi quyết định chọn một mùa Xuân thật yên tĩnh, càng yên tĩnh càng tốt, phải tìm đến những nơi nào thật vắng vẻ và mọi thứ còn chưa đến nỗi nhuộm màu tiền để cảm cái thi vị của nó. Đương nhiên là phải rẻ một chút, nghe thứ gì đụng tới tiền là tự dưng mất cả hứng thú, đó là sự thật của một người “chuyên chính vô sản” như tôi trong thời đại này.

Còn nhớ nửa năm trước, tôi nhận được điện thoại của một người bạn thời đại học: “A lô, mi ăn cá Tam Hải không, tao gửi ra cho, gửi xe khách tầm 2 tiếng là tới, cá tươi ngon nghe.” Lúc đó tôi không hiểu cá Tam Hải là cá gì, sau này mới biết là cô bạn về làm bên văn thư huyện Núi Thành, ngoài giờ thì lấy cá tươi từ cảng cá Tam Quang và đảo Tam Hải để bán online.

Mở Google map, Tam Hải hiện ra trên bản đồ là một hòn đảo nhỏ, ở phía Đông Nam thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam. Với diện tích 455.75 héc ta, được bao phủ 3 mặt bởi biển và một mặt còn lại bởi sông Trường Giang.

Nghe cô bạn nói nơi đây cũng tập làm du lịch ngót nghét cả chục năm trời rồi nhưng thực sự chưa thực thu được gì, khác với người dân Lý Sơn. Tức là người nơi này làm du lịch không giống với người dân Lý Sơn. Người dân Lý Sơn – Quảng Ngãi nhiệt tình hưởng ứng bao nhiêu thì người dân nơi đây lững lờ con cá cờ bấy nhiêu. Nếu như người dân Lý Sơn thấy mình nói giọng nặng quá, đổi sang giọng Sài Gòn 100% và cho đến lúc này, giọng nói Lý Sơn được mệnh danh là giọng Sài Gòn lơ lớ, còn người Tam Hải vẫn giữ cái giọng gốc, ăn cục nói hòn.

Một góc đảo ngay gần bến phà

Cô Tính, một người dân trên xã đảo tâm sự:

Xem thêm:   Tìm việc mùa Xuân

– Ở đây cái chi cũng được hết á, tình người tốt, người ta sống nhiệt tình và không có nạn trộm cắp, nhưng có cái tệ là cẩu thả quá!

– Cẩu thả chuyện gì vậy cô?

– Ui cha là xả rác, cái này không thể nói thế nào được ngoài chuyện thiếu trách nhiệm và ý thức cộng đồng kém. Mà tôi nghĩ cũng do cái sự ham chơi mà ra, ham chơi là con dao hai lưỡi mà!

–  Bộ dân ở xã này ham chơi lắm hả cô?

– Thực ra thì cũng không đến nỗi ham chơi, vì quanh năm cũng cui cút làm ăn, xây được nhà cửa ở cái nơi đầu sóng ngọn gió này khó lắm, chỉ cần nghe bão về là ai cũng sợ xanh mặt, làm sao mà ham chơi được chứ. Nhưng chịu chơi khác với ham chơi nha cháu.

– Cái này hơi khó hiểu đó cô… (cười)

Tắm liều với rác trên bờ và mùi thối khắp biển

– Có nghĩa là dân ở đây, làm việc rất siêng, không kể ngày đêm, từ đánh bắt cho đến buôn bán hay nuôi tôm, nuôi trồng hải sản… làm gấp 3, 4 lần người trong đất liền. Thế nhưng tới khi chơi, còn một đồng cuối cùng họ cũng chơi.

– Như vậy thì ngược với người dân Lý Sơn phải không cô?

– Người dân Lý Sơn tuy nói giọng Sài Gòn nhưng họ lại kỹ tính, ham làm, ham giữ tiền hơn người ở đây. Người ở đây thì nói giọng Quảng đặc sệt nhưng lại chơi theo kiểu Nam Kỳ, chơi tẹt ga!

Xem thêm:   Ai sẽ thắng?

– Như vậy cũng vui mà cô?

– Nhưng nhiều khi chịu chơi, ham chơi quá lại dẫn đến tính bất cần và cẩu thả, nhìn những bãi rác là biết rồi …

– Ở đây không có xe thu gom rác hả cô?

– Có chứ, nhưng mỗi tuần ghé một lần, nhưng làm sao mà thu gom hết rác người ta thả ngoài bờ biển nổi. Nhà nào có rác mà không mang ra xe thu gom được thì người ta mang hết ra bờ biển mà quăng. Cả một bãi biển dài, đẹp như vậy mà rác từ đầu tới cuối…

Tắm liều với rác trên bờ và mùi thối khắp biển

Tạm biệt cô Tính, chúng tôi len lỏi qua những con hẻm mang dáng dấp ngoại ô pha phong vị làng quê, có gì đó thật khó tả, xa xa là bãi biển và phi lao, trong này là các ngôi nhà chen chúc, lúp xúp, các khu lăng mộ dòng tộc và những khu nhà thờ họ, những cây xương rồng, vài cây sen đá hay vài cây thì là mọc tựa thông non trong các vườn cát … Mọi thứ tưởng chừng như lạc vào một xóm chài nào đó ở xứ Phù Tang …

Thế rồi bãi biển hiện ra trước mắt với mặt nước trong xanh, những ghềnh đá đĩa xám đen sừng sững … cùng với mùi rác nồng nặc bốc ra từ các rặng phi lao muốn ngộp thở. Tự dưng cái cảm giác muốn ngồi hóng gió biển tan biến ngay.

Chúng tôi chụp vội vài bức ảnh và quay vào xóm. Chúng tôi ghé vào một tạp hóa, mua một ít bánh ngọt, nước suối đóng chai và lương khô. Chủ quán là một người vui tính, dễ gần, hai vợ chồng ông chắc cũng trạc tuổi cha mẹ tôi. Thấy chúng tôi ngồi thất thểu, cô hỏi:

Xem thêm:   "Rừng ma" Quảng Trị

– Tụi con mới ở ngoài biển vô phải không?

– Sao cô biết?

Rác ngập lối ra biển

– Ai ra ngoài nớ vô cũng ỉu xìu hết á (cười)

– Dạ. Ở đây chủ yếu làm nghề gì vậy cô?

– Hồi trước họ đi đánh bắt cũng nhiều lắm, nhưng rồi dần dần bỏ nghề, nghe nói bị tàu Trung Quốc xua đuổi, họ cảm thấy khó thì tìm cách khác mà sống.

– Sao con thấy ngư dân Lý Sơn cũng bị nhưng họ vẫn đi.

– Không phải ngư dân ở đây hèn đâu, nhưng tay không tấc sắt mà ra đâm đầu với giặc thì chỉ có chết, còn bảo vệ biển đảo, nhiệm vụ đó ngư dân chay không thể làm chuyện đó được, thậm chí bỏ mạng …

– Uổng quá hả cô. À, cháu có một thắc mắc, ở đây mọi thứ vận chuyển ra đây đều khó, sao giá các loại hàng hóa lại rẻ hơn bên đất liền vậy cô?

Đánh bắt gần bờ bây giờ trở thành nghề chính của nhiều ngư dân

– Hàng hóa ở đây không có hàng Trung Quốc, dân tuy nghèo nhưng không chấp nhận xài hàng Trung Quốc, bánh kẹo thì chủ yếu mấy món đơn giản. Mình lấy số nhiều làm lãi cháu à. Với lại mình là dân đảo, cái lợi thế là cá, hải sản, mấy thứ này ở đây rất rẻ, tiền chợ cũng bớt được nhiều.

– Nhưng cá bán ngoài cổng có giá khá là cao?

– Một số người bắt đầu bán theo kiểu du lịch, mà cái này chẳng ai can thiệp được. Cô cũng thấy vậy, chẳng bao lâu nữa, du lịch và dịch vụ sẽ làm cho mọi thứ ở đây trở nên khó thở. Chỉ mới du lịch sơ sơ mà biển đầy rác rồi, huống chi!

Du lịch là công nghiệp không khói, mũi nhọn kinh tế của Việt Nam hiện nay, nhưng với cái cách làm ăn chụp giựt và bạc đãi môi trường như hiện nay, thì chẳng bao lâu nữa, ngành du lịch nói riêng, không riêng ở Tam Đảo mà tất cả nơi trên đất nước này sẽ trả giá không rẻ chút nào.

Bài và hình UC