Mấy năm nay quán nhậu nghệ sĩ, quán đờn ca tài tử ở nhiều vùng nông thôn miền Tây mọc lên như nấm sau mưa. Từ “thủ phủ Tây Đô” thành phố Cần Thơ trải dài đến tận đất mũi Cà Mau, hầu như không ai còn lạ gì loại sản phẩm “văn hóa” đờn ca tài tử này, phải đi mới biết…

Theo chân một người bạn “thổ địa” tại Cần Thơ, chúng tôi tìm vào một ngôi quán nằm trong con hẻm nhỏ gần bến Ninh Kiều. Lúc này 12 giờ trưa, nên nhìn chung quanh thấy quán vắng tanh. Trông thấy chúng tôi, bà chủ  tròn trịa liền vui vẻ bước ra mời vào. Ông bạn tôi hỏi: “Mấy em đâu hết trơn không thấy, chị Tư?”. Bà chủ nhỏ nhẹ trả lời: “Tụi nó lòng vòng đó chứ đâu! Mấy anh cứ việc ngồi, xíu mấy em sẽ tới ngay mà!”.

Chủ quán dẫn chúng tôi vào phòng sắp xếp dụng cụ chuẩn bị cho món “văn hóa” mà theo bà này nói thì nó có tên gọi là “sinh hoạt văn hóa đờn ca tài tử”. Ông thầy đờn có lẽ đang ngủ, được gọi dậy vừa uể oải … ngáp vừa chuẩn bị lên dây đàn thì có mấy em chạy vào.

Em nào em nấy xinh như mộng, nhưng ngặt nỗi hình như không em nào ca cho ra hồn một câu vọng cổ. Thế là đờn cho có, còn các em chỉ việc thay nhau ngồi “vui vẻ” với khách chẳng khác gì quán bia ôm. Ngồi kế tôi, cô gái trẻ trạc 25-26 tuổi, xưng tên Bích Loan bảo rằng lúc trước quán này đích thị là quán bia ôm nhưng do cánh công an để ý, dòm ngó quá nên bà chủ bèn sắm thêm mấy cây đàn, dàn ampli rồi mướn thêm thầy đờn, thay biển hiệu gọi quán là đờn ca tài tử.

Tất nhiên là ai muốn ca cứ ca, còn ai muốn ôm cứ ôm, nhưng luật bất thành văn tại đây miễn ra về đừng quên bỏ lại tiền “boa” cho mấy em cùng thầy đờn là được. Cô Bích Loan còn cho biết thêm, từ ngày đổi mới hình thức thành quán đờn ca tài tử, khách vô nườm nượp bởi phần đông họ vào đây một phần để nhậu, nhưng thường là đã nhậu tới tăng hai, tăng ba, liệu mấy ai còn hơi hám ca cẩm gì nổi đâu?

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Tại thị xã Cà Mau, ở khu Hoàng Gia thuộc phường 5 vào những buổi chiều cũng có các em ngồi đầy ngoài những “quán đờn ca tài tử”, ăn mặc mát mẻ kiểu váy ngắn… không thể ngắn hơn, áo hai dây trưng bày ngồn ngộn “đôi bồng đảo” công khai mời đón khách đến nỗi nhiều người qua đường phải chặc lưỡi: “Thiệt là chẳng biết đâu là nghệ sĩ… thứ thiệt, còn đâu là gái làng chơi”. Ở đây nổi bật có một quán của đôi cựu đào kép một đoàn cải lương, tên H và T, sau khi rời sàn diễn (cách nay khoảng chục năm) thì đôi vợ chồng nghệ sĩ này cho mở một quán nhậu đờn ca tài tử với lý do nghe qua cũng rất hợp lý “do không còn đứng được trên sân khấu nên mở quán cho đỡ nhớ nghề xưa”. Ban đầu cũng những cái cụng ly, những câu vọng cổ của một thời vàng son trên sân khấu ở mỗi bàn. T và H thường hát tặng khách; sau đó ai muốn hát thì sẽ tiến hành ghi tên trước đưa lên cho thầy đờn biết mà phục vụ.

Phải công nhận rằng chỗ này từng là nơi tập hợp những người có một thời là nghệ sĩ nhưng vì 1001 lý do tế nhị nào đó mà nay đã  bỏ nghề. Thế mà hiện thời bước vào quán của đôi vợ chồng T và H, những khán giả vốn xưa kia rất mực ủng hộ đôi vợ chồng này cũng đành phải thất vọng. Bởi nghệ sĩ T từng được khán giả ái mộ qua vai diễn Kiều Nguyệt Nga ngày nào bây giờ chẳng khác gì một “má mì” thực thụ. Chị uống bia như uống nước, miệng leo lẻo suốt, kêu gọi các em phục vụ khách “hết mình”. Ðến nước này thì rõ ràng là y chang như những quán “bia ôm” chứ đâu còn có gì gọi là “sinh hoạt văn hóa đờn ca tài tử” nữa?

Xem thêm:   Lê Xuân Thiết

Cũng ở thị xã Cà Mau còn có quán M.S, và có lẽ bất cứ ai “nhát” một chút có dịp bước vào đây chắc chắn cũng phải thẹn thùng khi các em cứ hay tranh nhau nắm tay khách dẫn vào từ tận ngoài cổng. Tuy vậy, quán thường đông nghẹt khách, nhất là những kẻ nói dối vợ đi ca vọng cổ cho đỡ buồn rồi trở thành dân ghiền nhậu bia ôm lúc nào không biết.

Nói chung, tại những quán “đờn ca tài tử” tiền thân là quán bia ôm thì các em cũng thường biết chiều khách đủ kiểu. Thậm chí nếu muốn đến khoản “Z”, “chơi tới bến” thì chỉ cần qua thỏa thuận giá cả coi được thì các em cũng sẵn sàng đáp ứng ngay.

Dĩ nhiên, cũng có nhiều quán đờn ca tài tử là đờn ca tài tử …thứ thiệt. Ví dụ như ở thị xã Bạc Liêu có quán 7 thường tuyển mộ những em gái miệt vườn để hát phục vụ khách. Khi khách yêu cầu bài hát gì mấy cô đáp ứng ngay. Hầu như bất cứ bài vọng cổ nào các cô cũng thuộc làu, từ 6 câu vọng cổ “Chuyện tình Lan và Ðiệp” đến trích đoạn “Nửa đời hương phấn” hay “Ðời cô Lựu”.

Một cô tên Kiều Linh tâm sự: “Em vào đây được 3 tháng rồi. Hồi ở nhà mê hát vọng cổ nên người bạn rủ vào đây. Ban đầu rất ngại, ngồi hát cho khách nghe trong phòng có khác gì bia ôm đâu nhưng thà vậy còn hơn chứ ở quê đi cấy “thúi ngón chân” mà tiền không là bao, lên đây được hát lại có tiền sướng thấy mồ, hư hay không là do ở mình…”.

Tiếp tục đi dọc theo Quốc lộ 1, ngược  về Long Xuyên, Châu Ðốc chúng tôi lại bắt gặp khá nhiều những nhà hàng mới xây, bề ngoài khang trang ngói đỏ, vôi hồng, bên trong bảng hiệu với những cái tên mỹ miều gắn với nghệ danh các nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng lại là thế giới biến tướng của những quán bia vọng cổ. Các nhà hàng bia vọng cổ này được xây dựng phòng ốc khá hiện đại. Mỗi phòng rộng khoảng 25-30 m2, có thiết kế hệ thống âm thanh. Khách và nghệ sĩ ngồi quanh những bộ salon sang trọng. Mỗi phòng đều có tiếp viên ăn mặc mát mẻ và biết ca vọng cổ, được chủ nhà hàng giới thiệu là đào trẻ của các đoàn cải lương XYZ nào đó mà hình như cũng chẳng mấy ai quan tâm. Khoảng vài ba tay đàn: organ, guitar chơi cổ nhạc rất ngọt. Cứ thế họ sẽ đờn cho các tiếp viên ca. Mặc tình các cô có ca …trật nhịp, hoặc õng ẹo, lả lơi với khách. Tiếng đờn hòa quyện với tiếng cụng ly xen lẫn những tiếng chửi thề của khách làng chơi khi các cô không chiều ý những bàn tay sàm sỡ quá trớn.

Xem thêm:   mê tín dị đoan

Anh Năm Dĩnh, một tay guitar được xem là cừ khôi của huyện Châu Thành, Tiền Giang, cho biết: “Tôi được mời xuống miệt này cũng 2 năm rồi. Mỗi sô đánh đờn được trả 200 nghìn đồng. Có đêm đờn được 3 sô… Ở dưới quê mình nghèo khổ lắm làm gì có được 500 nghìn/đêm? Nhiều lúc đờn mà đau, vì khách có nghe các nghệ sĩ ca đâu, họ cứ giả bộ mượn không khí này để nài hoa, ép liễu”.

Tệ nạn mãi dâm ngày càng nhiều, đang dần phổ biến khắp nơi, không chỉ ở những khu đô thị phồn hoa, tráng lệ, với những ai thừa tiền lắm của ham vui mà đã và đang len lỏi tới từng ngóc ngách các vùng thôn quê, ngoại thành, đến cả với giới bình dân lao động…

NS

(SÀI GÒN, VIỆT NAM)

Ảnh Tư liệu (chỉ có tính chất minh họa)