Có thể nói rằng hột gạo là thứ sản phẩm biểu trưng cho người nông dân rõ nét nhất trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào cũng cho thấy nghề nông là nghề bạc bẽo và lao lực nhất. Hột gạo thời khủng hoảng kinh tế bây giờ không khan hiếm như hột gạo thời nạn đói 1945 thế kỷ trước, nhưng nó vẫn cho thấy nhà nông chịu thiệt thòi và có chỗ đứng rất thấp trong xã hội…

Máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng miền Trung     

Chuyện nói như khôi hài, nhưng thật trăm phần trăm, là nhà nông nào nghiêm túc với công việc, có khi đói giáp mùa, giáp hạt, giáp đời nữa không chừng, còn những người không phải nhà nông mà biết đầu cơ nông nghiệp thì lại giàu, thậm chí rất giàu nữa là đằng khác.

Nhà nước kêu gọi cơ giới hóa nông nghiệp, khuyến khích cơ giới hóa và chính thức giao đất nông nghiệp cho nông dân từ năm 1995 của thế kỷ trước theo tinh thần Khoán 10 của ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Thái Bình lúc đó. Cũng theo tinh thần này, hợp tác xã chính thức giải thể, nghĩa là giải thể muộn gần 10 năm so với lịch sử của nó, vì năm 1986 đã bỏ kinh tế tập thể, bỏ kinh tế hợp tác xã, nhưng nó vẫn tồn tại, thậm chí tồn tại mạnh hơn cho đến năm 1995.

Và, từ năm 1995 đến nay, hợp tác xã vẫn tồn tại dưới hình thức công ty nông nghiệp, chức danh chủ nhiệm hợp tác xã được thay thế bằng chức danh giám đốc công ty nông nghiệp, các hoạt động có phần “thị trường” hơn bởi giám đốc nông nghiệp không tổ chức trưng thu toàn bộ nông sản của nông dân rồi đưa vào kho, đợi đến ngày lại phân phát cho bà con theo công điểm như trước mà lúc này, mọi dịch vụ nông nghiệp đều do công ty nông nghiệp tổ chức, từ bộ phận bán lúa giống cho nông dân cho đến các loại thuốc trừ sâu, thu mua lúa giống…

Lúa, mồ hôi, nước mắt của người nông dân

Thế tư thương ở đâu? Xin thưa là tư thương vẫn đầy ra đó, nhưng có một số thứ, bà con nông dân không được quyền chọn. Ví dụ như phân bón, thuốc trừ sâu vẫn có thể mua từ tư thương được, nhưng nguồn giống thì không, vì sao? Vì công ty nông nghiệp có trách nhiệm và quyền cung cấp thủy lợi cho nhà nông, lên lịch gieo trồng và chỉ định thời vụ, tức chỉ định đám nào gieo trước, đám nào sạ sau. Người nông dân không được quyền làm trái quy định mặc dù chẳng có luật hay chế tài nào cho việc này nhưng nhà nông vẫn tuân thủ răm rắp vì trong nông nghiệp, thủy lợi là thứ mà nông dân phải trả tiền nhưng không được quyền yêu cầu bất kỳ điều gì như một khách hàng.

Xem thêm:   Già chơi trống bỏi!

Vì mọi nguồn nước tưới tiêu, điều hướng nguồn nước vào cánh đồng nào, cho chỗ nào sạ trước, chỗ nào gieo sau là do ban điều hành công ty nông nghiệp chỉ định và tư đề (người đi trổ nước) tuân thủ theo chỉ định này. Người nông dân hoàn toàn bị động và phụ thuộc vào công ty nông nghiệp. Đó là chưa nói đến những cánh đồng lúa giống, công ty nông nghiệp chỉ việc ra đồng, đưa một cái chỉ tay vẽ ra cánh đồng A, B, C nào đó là sản xuất lúa giống, vậy là chủ ruộng phải lên công ty nông nghiệp nhận lúa giống (ghi nợ), nhận phân, thuốc theo chỉ định kỹ thuật của họ (ghi nợ), sau đó cứ như vậy mà sản xuất, đến khi có lúa thì mang lên công ty nông nghiệp cân nhập kho, giá thu về do công ty nông nghiệp định giá, tiền trả cho nông dân sẽ được trả sau khi trừ đi khoản tiền nước, phân tro, thuốc trừ sâu… Nếu bỏ công làm lãi thì cũng có chút đỉnh tiền để dành rồi dùng tiền đó mua lúa dự trữ giáp hạt.

Như vậy, người nông dân tuy sản xuất trên đất của mình, có sổ đỏ hẳn hoi, do nhà nước giao hẳn hoi nhưng lại phải tuân thủ mọi chỉ định của công ty nông nghiệp. Trong khi đó, công ty nông nghiệp không nằm trong bất kỳ loại hình kinh tế nhà nước nào, đó là một loại kinh tế nửa nạc nửa mỡ, hoạt động và thu lãi theo kiểu tư nhân nhưng dựa trên nguồn vốn cơ sở cũ của hợp tác xã và dựa trên quyền lực đảng. Vì Giám đốc công ty nông nghiệp phải là một đảng viên, đây là tiêu chuẩn chung, không có văn bản nhưng có thực tế.

Cánh đồng Tuy Hòa, Phú Yên, vựa lúa của miền Trung

Nói dông dài về chuyện công ty nông nghiệp để thấy rằng thân phận người nông dân thời bây giờ ở chỗ nào, và người nông dân có chút quyền lực nào trong việc định giá cho hạt lúa của mình hay không. Hoàn toàn không, người nông dân thụ động theo thị trường và thậm chí thụ động theo quy trình của công ty nông nghiệp. Ngay cả việc để biết được nguồn vốn con bò, con trâu trước đây góp vào hợp tác xã, nay đi về đâu thì người nông dân cũng chỉ nhận vài đồng lẻ mỗi khi Tết đến theo diện chia lợi nhuận xã viên, chừng 20,000 đồng (tương đương 0.9USD) cho mỗi năm.

Xem thêm:   Chợ trên muôn nẻo đường

Về phía người nông dân, hạt lúa như một thứ bảo bối để giữ an ninh kinh tế gia đình, nhưng nó lại rẻ bèo, tội nghiệp. Nếu như năm 1945, nông dân miền Bắc đói khổ, chết hàng triệu người vì bị quân Nhật thu hết lúa làm chất đốt, bài học xương máu này đau mãi về sau… thì bây giờ, không có quân Nhật hay quân nào khác cướp lúa làm chất đốt mà chính cái cơ chế quản lý nông nghiệp khiến cho người sản xuất ra hột gạo muốn bỏ đám ruộng còn kẻ đầu cơ máy móc lại thu về tiền tỉ.

Như trường hợp ông Sáu Nứa ở quê tôi, người trước đây vốn thợ cày, sau này không chuyên về thợ cày nữa mà chuyển sang đầu cơ đất bỏ, mà đầu cơ đất bỏ là gì? Có lẽ phải nghe ông Sáu Nứa nói:

Chiếc xe cày ‘chiến’ của ông Sáu Nứa

– Hồi xưa đi cày thuê, bừa thuê, mình chịu áp lực nặng lắm.

–  Cày, bừa thì có áp lực chi vậy chú? Xưa nghe nói chú nổi tiếng hò hét với nông dân cơ mà?

– Đúng rồi, hồi xưa tôi hay la nông dân lắm. Vì nếu mình không la, họ làm trễ thời vụ, ví dụ như tối nay mình nghe có lệnh đổ nước ở cánh đồng A chẳng hạn, vậy là mình phải cày, đến vài ngày lại có lệnh bừa, dọn đất để sạ, mình lại phải bừa nhưng nông dân họ cứ thả đó không xớt cỏ bờ, vì một phần họ nản, vì lo đi làm để kiếm ăn nữa. Vậy là mình phải vào hò hét, nói rằng nếu không dọn cỏ bờ thì mình bỏ luôn đám ruộng, nói thiếu điều choảng nhau họ mới chịu dọn bờ, tình trạng này nhiều lắm. Còn sau này, khi người ta đi làm công ty, xí nghiệp nhiều rồi thì bỏ luôn ruộng. Mình mới kiếm ăn theo cách mới.

Bao thứ phụ thuộc, người khổ bao giờ cũng là người thấp cổ bé họng

– Cách mới là cách gì, chú?

Xem thêm:   Siêu thị & tình người

– Thay vì mình chỉ đi cày thuê, giờ giảm cày thuê lại, để dành thời gian đi cày mấy đám đất bỏ hoang rồi gieo sạ. Mấy năm nay tôi làm vậy, tôi cày cả chục mẫu ruộng dưới cánh đồng người ta bỏ hoang để sạ. Có mùa tôi thu về tới 5, 6 trăm triệu đồng tiền lúa. Nói chung tiền lãi mỗi mùa nửa tỉ đồng là có rồi, mà mỗi năm hai mùa, vậy đó, kiếm gần một tỉ đồng.

– Khi mình làm lúa như vậy, chủ ruộng người ta có nói chi không chú?

– Khi mình sản xuất được nhiều lúa thì người ta đòi ruộng, thì mình trả, vì mình thấy cả cánh đồng bỏ không, cỏ mọc um sùm, mình dọn, cày để làm, và có xin bên phía chính quyền.

– Nhưng theo luật thì chính quyền không được phép tham gia vào chuyện này, bởi đây là ruộng của từng gia đình?

‘Con trâu đi trước, cày bừa theo sau’, thời nào có vẻ cũng có cái lý của nó!

– Đúng rồi, nhưng chính quyền người ta sẽ gây sức ép với các gia đình vì luật cấm bỏ hoang đồng ruộng, ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Giờ các gia đình bỏ ruộng thì có nguy cơ thu hồi đất, mình cày xới giùm coi như giúp họ khỏi bị thu hồi đất thôi! (cười).

Cái thế kẹt của nhà nông nằm ở chỗ này, giả sử như muốn lấy lại đất từ ông Sáu Nứa thì phải nhờ địa chính đến đo đạt trở lại, chứ cả một cánh đồng hàng trăm gia đình, chia từng ô vuông bây giờ đã san phẳng để làm lúa, họ cũng chẳng biết lấy lại chỗ nào. Họa may là trông chờ vào chính sách giải tỏa đền bù, họ cứ mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến cơ quan và căn cứ trên giấy tờ mà nhận đền bù, còn việc sản xuất lúa trở lại thì càng mờ mịt.

Trong khi đó, hột lúa làm ra không những không sinh lãi, không bảo đảm đời sống mà có nguy cơ thua lỗ. Thôi thì đi làm thuê, mua lại lúa của ông Sáu Nứa, không chừng, nghĩ đến tình chủ đất, ông Sáu Nứa bán rẻ hơn đôi chút cũng nên.

Bài và hình UC