Gần 20 năm trước, tôi từng háo hức đi xem Chợ nổi Cái Răng. Chợ nhóm trên sông Cần Thơ, chuyên bán các loại rau củ, trái cây, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km. Tàu hẹn 4 giờ sáng nhưng phải thức dậy từ lúc 3 giờ. Trở lại Cần Thơ đôi ba lần. Phải đến giữa tháng Tư này mới đi Chợ nổi Cái Răng, xem có còn buôn bán nhộn nhịp, sôi nổi như trước…
Nghe có mỗi Chợ nổi Cái Răng
Ði trên đường Hai Bà Trưng, dọc bến Ninh Kiều, thấy có nhiều quầy bán vé thăm thú Chợ nổi Cái Răng, Cồn Sơn, Cù lao Mây; bán vé tàu cao tốc Phú Quốc – Côn Đảo… Nhưng chỉ nghe mời chào đi Chợ nổi Cái Răng! Các chị, các cô thấy có người dừng chân là í ới vẫy tay chào mời (quen gọi là cò) đi tour chợ. Ở đây có 3 du thuyền là Cần Thơ, Ninh Kiều và Ánh Dương. Không kể các khách sạn, nhà nghỉ đều liên kết với các công ty du lịch, chủ tàu, giới thiệu và tổ chức đưa khách đi thăm chợ.
Nam nhân viên bán vé cho một tàu du lịch tư vấn: “Nếu đi chợ nổi, 5 khách sẽ bớt 1 vé còn 400 nghìn, 7 khách bớt 2 vé. Trẻ em miễn vé và được ngồi ghế. Có xe máy rước từ khách sạn đến bến tàu (2 hoặc 4 khách). Tàu có người dắt khách đến tận ghế ngồi, đến nơi dẫn lên bờ rất an toàn. Đi chợ và về mất 3 tiếng. Hành trình của tour sẽ ghé 4 điểm, không quy định giờ, không hối khách, có người hướng dẫn. Nếu đi ghép thì phải xuống tàu đúng giờ. Nếu bao luôn tàu có hợp đồng thì tùy khách, đi lúc nào tùy ý. Tàu có máy hát karaoke, nhà vệ sinh…”. Tàu còn có dịch vụ chở dạo mát 1 tiếng trên sông vào mỗi chiều. Giá 1 người 200 nghìn, nếu 2 người bao luôn tàu thì 300 nghìn. Tàu to chở 20 khách trở lên đến 48 khách thì giá khác…

Mua bán trên sông
Cò nói trước với khách lẻ hoặc khách cặp đôi là sẽ ghép đoàn, đi tàu to vài chục ghế, vé 100,000 đồng/khách. Nếu ít người có thể chọn đi thuyền nhỏ hoặc ca nô chở từ 4 – 6 khách hoặc 10 khách. Giá có thể mềm hơn. T., một chủ tàu, vui vẻ tiếp thị: “Tàu nhỏ chở 4 người. Thăm chợ tầm 3 đến 4 tiếng. Nếu 2 người đi, bao luôn là 400,000 đồng. Năm giờ rưỡi sáng chở đến chợ. Ăn sáng, uống cà phê, giải khát…trên sông, thăm làng nghề, vườn sinh thái… Từ bến đến chợ đã mất 40 phút. Thời gian thăm chơi thoải mái, có lúc chờ đến 10 giờ, dù chợ đã tan. Tàu con 10 chỗ, động cơ lớn, có hộp số… Hai cô chú là 500 nghìn đồng. Con đi có chuyến một à, trừ tiền dầu, đóng tiền xuất bến rồi, còn kiếm 300 nghìn chứ mấy! Cô chú có đi thì điện cho con!”.
Chiều 15/4, cò Th. đưa tôi đến gặp bà L., chủ đò du lịch chợ nổi và vườn trái cây. Quầy vé đặt trước lối vào Bến tàu khách và Du lịch. Tại đây có du thuyền Ánh Dương neo đậu. Th. giới thiệu về thời gian, lịch trình: “Mình đi chợ, thăm làng nghề đặc sản và vườn trái cây trong vòng 3 tiếng. Năm giờ đi, tám giờ về. Nếu cô chú ở khách sạn, bốn rưỡi sáng, cháu sẽ gọi điện nhắc”.

Bán sỉ, bán lẻ các loại trái cây, treo gì bán nấy.
Đến Chợ nổi thôi
Sáng 16/4, chúng tôi có mặt và được đưa lên tàu 46 ghế. Lần lượt 18 khách lên tàu, chưa đến một nửa số ghế!
Gần đến nơi, tàu giảm tốc độ. Anh tài công giới thiệu cảnh mua bán trên sông. Cây sào (cây bẹo) trên thuyền treo thứ gì bán thứ đó. Nhiều ghe nhỏ bán trái cây, bán cà phê, sữa đậu nành chạy kẹp theo mạn tàu chào mời khách. Có vài khách mua sầu riêng, vú sữa, xoài, ổi, cà phê, sữa đậu nành.
Không thấy ghe bán bún bò, bún riêu, hủ tiếu… với nồi nước nhưn đun củi bốc hơi như…mời gọi thực khách. Không nghe tiếng mời chào của những người bán trái cây, bán cà phê, vé số… từ các ghe tam bản và cả âm thanh của ghe máy ồn ã, vang động cả một vùng sông. Tàu to mang bảng số các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng… bán hàng sỉ, sà lan chở cát, nhả khói, chạy chầm chậm. Không khí sao trầm lắng đến lạ! Lúc này vừa 6 giờ 10 phút. Chợ làm gì tan sớm vậy?

Tác giả tại Chợ nổi Cái Răng
Anh tài công thông báo sẽ dành 20 phút cho cô chú, anh chị ăn sáng. Tàu cập vào một quán ăn nổi trên sông, mang tên Ph. Cùng cà phê, nước giải khát thì thức ăn có bún riêu cua đồng, hủ tiếu xương, bánh canh đồng giá 45,000 đồng/tô. Tôi chợt liên tưởng đến cảnh đi xe khách đường dài. Xe ghé vào các quán ăn “ruột”. Lái xe, phụ xe được đãi ăn ngon. Trước khi rời đi, tiếp tục hành trình còn được quán gửi kèm cà phê, thuốc lá. Tất nhiên là ăn uống miễn phí. Còn cơm dĩa, hủ tiếu, phở, bún… khách chịu phiền phải…trả giá gấp đôi. Xem như lái xe và quán ăn… liên minh… ép khách vậy!
Trở lại với ly sữa đậu nành trong quán Ph. giá 20,000 đồng, gấp đôi giá bán của các ghe nhỏ. Tô bún riêu cua đồng chỉ vài cọng bún, giá, chuối xắt, 3 miếng huyết heo, 2 lát chả cá mỏng, 2, 3 cục bột có vài hạt tiêu… điểm xuyết được gọi là gạch cua! Trên dãy bàn có 5 người ăn thì 3 người bỏ mứa! Anh nọ bỏ đũa giữa chừng, than bằng giọng Bắc: “Thế này mà cũng nói bún riêu cua đồng! Con lạy mấy bố!”. Một chị giọng Nam nói: “Sao anh không ăn bánh canh? Bánh canh ăn được lắm!”. Tôi gọi cậu nhân viên đang thu tiền lại gần và chỉ 3 tô bún bỏ mứa trên bàn: “Nhìn đây là thấy không ổn về phẩm chất rồi. Như chú sẽ không bao ăn giờ ăn lần thứ hai nữa nếu trở lại chợ!”. Cậu ta chỉ biết lí nhí dạ. Chuyện ăn trên sông xem như…thất bại!
Khách lục tục kéo xuống thuyền đến thăm nơi làm hủ tiếu, cốm nổ, bán cá khô, kẹo mứt đặc sản trên sông. Rồi vào tiếp Cơ sở Sản xuất bánh kẹo, mật ong Hai Nương trên bờ. Ai mua kẹo dừa sầu riêng không đường, mật ong, rượu Nữ nhi hồng, rượu đế làm quà thì xin mời!

Nghe đờn ca tài tử
Điểm cuối cùng là thăm Vườn Du lịch sinh thái Ba Láng (phường Ba Láng, quận Cái Răng). Vài khách thầm thì mùa này làm gì có nhiều trái cây mà đến. Anh tài công nghe lén được bèn…trưng cầu ý khách: “Cô chú, anh chị nào đồng ý đi tiếp vườn trái cây, mua vé vào cửa 30,000 đồng, sẽ được mời một dĩa trái cây thì giơ tay lên!”. Không cần nghe anh lái hỏi cô chú, anh chị nghe tôi nói rõ không? Hơn 10 cánh tay giơ lên! Xem như quá bán.
Tàu trực chỉ vườn sinh thái! Thiệt, vườn cây mênh mông nhưng không thấy cây nào trĩu quả, trừ những cây bí đao hình hồ lô, mướp đầy trái và dưới kênh là bông súng, vịt bơi… Điểm thu hút khách là nơi có Đờn ca tài tử – Cải lương. Poster hình 5 nghệ sĩ đờn (2) và ca (3 nữ). Nghệ sĩ xinh gái Tuyết Lê ca 2 bài tân cổ. Thời gian còn lại dành cho khách ăn trái cây và giao lưu… hát bolero! Tôi cũng tiếc cho hoạt động Đờn ca tài tử – Cải lương tại đây. Xong 1 tiếng, rút hết xuống thuyền về lại thành phố. Đúng 9 giờ 15 phút, đến bến Ninh Kiều, đường ai nấy đi!
Chợ nổi nhiều thay đổi
Miền Tây sông nước Nam Bộ có nhiều chợ nổi trên sông. Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), Chợ nổi Ngã Bảy (còn gọi là Chợ nổi Phụng Hiệp, Hậu Giang) v.v. Nhưng Chợ nổi Cái Răng là… nổi tiếng, là nhộn nhịp nhất miền Tây Nam Bộ!
Năm 2016, Chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Chợ nổi Cái Răng đã không còn sôi động, náo nhiệt! Chẳng lẽ danh hiệu này ngày càng bớt thiêng? Khách quan mà nói, gần đây, hệ thống giao thông đường bộ phát triển, cầu đường mở thêm. Giao thông đường thủy không còn độc quyền… chiếm lĩnh thị trường. Chợ búa, cửa hàng buôn bán trên bờ ngày càng phong phú nên chợ nổi tụ tập mua bán trên sông như xưa dần dần thu hẹp. Khách thương hồ với cuộc sống rày đây mai đó, lênh đênh sông nước cũng ít đi. Họ có thể chạy xe máy, mô tô thay vì ca nô, ghe máy… chở hàng nông sản thu hoạch được bỏ mối chỗ này hoặc bán lẻ chỗ kia. Khá khá thì dùng xe ba bánh, xe tải chở hàng cứ là rẹt rẹt. Vẫn còn suy nghĩ trong rất đông du khách nếu đến Cần Thơ mà không đi Chợ nổi Cái Răng là xem như chưa đến Tây đô! Đến nơi mới biết chợ nổi bây giờ…đổi thay thấy uổng! Chợ chìm rồi chứ nổi chi!
Sao không quy hoạch, sắp xếp lại chợ thành một điểm du lịch? Người tham gia mua bán tại chợ nổi sẽ có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch. Chẳng hạn như một số làng nghề ở miền Trung, điển hình là Làng gốm Thanh Hà, Hội An. Mỗi tháng, những người sản xuất đồ gốm sẽ được địa phương hỗ trợ vài triệu đồng một tháng, trích từ tiền bán vé cho du khách đến làng thăm chơi, thể nghiệm chuốt gốm, nặn tượng, mua sản phẩm du lịch làm kỷ niệm. Những người quản lý ngành du lịch Cần Thơ hẳn có nhiều cách làm để Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia không mai một…vượt thời gian.
Chợ nổi Cái Răng bây giờ vậy thôi, khách miền Trung còn lăn tăn gì nữa!
Bài & ảnh LKD