Ấn tượng kinh hoàng dịch cúm Vũ Hán (Covid-19) vẫn còn đó, nhưng bây giờ, người ta nghe tới dịch là chẳng thấy dịch mà sợ chết đói, chết khát, chết vì ngột ngạt và nhớp nháp trong các trại cách ly… hàng đoàn đoàn lớp lớp người chạy trạm, rồi đàn đàn lớp lớp người xếp hàng chọt mũi, sau đó là “chạy chọt” để được tiêm vaccine và cuối cùng là lo âu biết rằng các loại vaccine có thể gây nhiều bệnh phụ… nên việc dịch cúm A bùng phát hiện nay là một thứ gì đó thật khủng bố tinh thần.

Bệnh viện, khu cách ly … nỗi sợ hãi của nhiều người
Chuyện đáng sợ
Chị Nhung, một người trải qua nỗi kinh hoàng của dịch cúm Vũ Hán tại Sài Gòn, dịp Tết này chị về quê và quyết định mua đất ở quê để xây nhà, đưa gia đình về đây sinh sống nhớ lại:
– Lúc đó thành phố như một nghĩa địa, hay đúng hơn là cái bãi tha ma, chỉ thấy toàn chết chóc, những nhà giàu, khấm khá thì khác, chứ nhà nghèo thì chỉ thấy mọi thứ đi vào ngõ cụt.
– Chị cũng thuộc hàng nhà giàu mà, chị có cơ sở kinh doanh, sản xuất, nuôi vài trăm công nhân, vậy chị phải có những kinh nghiệm của nhà giàu chứ?
– Mình thuộc diện trung bình thôi, còn nhà giàu thì phải kể tới giới tài phiệt và quan chức, còn mình sản xuất, kinh doanh và gánh trên vai cả mấy trăm gia đình. Nếu mình dừng sản xuất, kinh doanh thì mình có thể sống thêm được vài mươi năm đủ ăn, còn các gia đình công nhân, lao động thì may lắm sống thêm vài năm.
– Vậy có nghĩa là chị không có cảm thức về cái gọi là giới nhà giàu trong thành phố lúc dịch?
– À, cũng có chứ, nhưng mỏng thôi, vì mình cũng có cái nhà, nên khi dịch đến, cách ly, giãn cách gì đó thì mình có không gian, có khoảng sân rộng để đi ra đi vào, hít thở, khác với người lao động nghèo phải chui rúc, chen chúc cả chục mạng người trong một căn phòng chật hẹp.
– Qua đợt dịch cúm Vũ Hán, chị có cảm nhận gì về chuyện ăn ở xứ Sài Gòn?

Bữa ăn trở thành thức tồn tại, hình chụp một quầy bán cháo trước cổng bệnh viện
– Người Sài Gòn có một điểm rất đặc biệt, đó là ăn nhà mà ở đường, hàng quán Sài Gòn nhiều vô kể. Nhưng không phải vậy đâu, những người ăn nhà, ở nhà là giới đại gia, ăn đường ở nhà là giới nhà giàu, kinh doanh, doanh nghiệp, còn ăn nhà ở đường chính là giới lao động nghèo. Mà giới này chiếm số đông.
– Chị nói rõ hơn chút đi…
– Nhóm ăn nhà, ở nhà là nhóm có nhiều tiền, đại gia, quan chức, họ có biệt phủ, biệt thự trong thành phố, có osin và có đầy đủ tiện nghi, việc ăn nhà hàng hay nơi xa hoa chỉ là thể nghiệm vui với họ, còn việc ở và ăn tại nhà của họ mới là thượng đỉnh. Giới kinh doanh tầm tầm bậc trung thì cũng có nhà cửa để ở, để sinh hoạt nhưng tiện nghi và điều kiện hưởng thụ của họ không có bằng giới trên, họ muốn ăn ngon, sang thì phải tới nhà hàng, nơi xa xỉ một chút. Còn giới lao động nghèo, chiếm hằng hà sa số trong thành phố thì ít ai có nhà mà về, nhà cửa tạm bợ, chật chội, thậm chí phòng trọ, họ chỉ thực sự sống khi tới cơ xưởng, còn về nhà là để nấu ăn, rau dưa cà muối mì gói cá hộp gì đó họ ăn cho qua bữa, còn có chút mà để dành.
– Và đến khi dịch xảy ra thì mọi chuyện đảo ngược phải không chị?
– Đúng rồi, khi giãn cách, cách ly, ai ở nhà nấy thì có nhiều gia đình cả chục người loay hoay trong mấy mét vuông, thiếu dưỡng khí, thiếu lương thực, thiếu mọi thứ… không chết chóc mới là chuyện lạ!
– Có phải do vậy mà chị quyết định rút về quê?
– Đúng rồi em, chị quyết định về quê, vì lăn lộn nơi thành phố cũng mệt rồi!

Cuộc sống phiêu linh, sinh mạng con người cũng mỏng manh trước dịch bệnh
Chuyện buồn cười
Nếu như với người này, dịch đến làm chết chóc, đáng sợ bao nhiêu, thì với người khác, dịch bệnh lại là chuyện buồn cười bấy nhiêu. Nhưng vì sao người ta lại buồn cười trước nguy cơ chết chóc? Chuyện “trùm cuối” trong đường dây buôn KIT-TEST và đường dây Vaccine phòng dịch dường như vẫn còn trong bóng tối, người ta tin rằng những kẻ đầu sỏ gây ra cái chết cho hàng chục ngàn đồng bào, chết trong tức tưởi … vẫn còn ung dung ngoài vòng pháp luật, và hình như pháp luật không đụng chạm được đến y/thị, sự giàu có của y/thị vẫn được bảo toàn bởi y/thị dường như bất khả xâm phạm … Và những cái chết trở thành trò cười của quyền lực!
Chị Tuyền, người có chồng bị chết trong trại cách ly tập trung tại thành phố Sài Gòn, tâm sự:
– Em tin không, khi nhận hũ tro của anh, chị không tin!
– Bây giờ chị đã nguôi ngoai chút nào chưa?
– Rất khó để quên, chị bị chấn động tâm lý rất lâu. Bây giờ nghe rục rịch vụ dịch cúm A nữa…
– Em vẫn chưa hiểu ý chị …

Nhìn thì vậy nhưng nghe dịch cúm A có người lo, có người bảo buồn cười
– Hồi dịch cúm Vũ Hán, người ta làm cho mọi thứ rối tung lên rồi đi đến mục đích cuối cùng là chọt mũi hàng loạt để lấy tiền que từ ngân sách, tiêm chủng hàng loạt, mặc cho thuốc thử thuốc giả hay nước lã. Bây giờ, cúm A, người ta cũng làm cho nó xoắn lên để bán thuốc tiêm chủng, rõ ràng có một thứ kế hoạch đặt lên trên xương máu đồng loại.
Tôi hiểu nỗi lòng của chị Tuyền. Nhưng những gì chị đang chua chát nói ra không phải là không đúng, thậm chí điều chị nói có gì đó rất sáng suốt nữa là đằng khác, bởi hiện tại, lượng người đi tiêm vaccine phòng dịch cúm A đã tăng một cách đột ngột sau khi các kênh truyền thông và mạng xã hội đưa ra thông tin về nguy cơ bùng phát dịch cúm A.
Hiện tại, đã có nhiều gia đình mua sắm lương thực dự trữ như gạo, mắm, muối, tủ đông để dự trữ thịt, cá, các nhà ở quê bắt đầu nhen giống gà đẻ trứng phòng khi ngăn sông cấm chợ …
Thật đáng sợ nếu như thêm một lần nữa, dịch cúm A hoành hành và người dân bị đối xử giống như thời Covid-19, thì không rõ người dân sẽ tồn tại ra sao. Mong điều đó không lặp lại.
Bài và hình UC