Theo số liệu chưa đầy đủ của Tổng cục Thống kê VN trong năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nước này ước đạt 6,488.6 nghìn tỷ VNĐ. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm trong năm đã tăng 10.7% so với năm trước. Tương tự, các loại đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8.0%; may mặc tăng 8.7%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 6.6%; phương tiện đi lại tăng 7.5%… Đáng chú ý khi Tết Nguyên Đán Ất Tỵ cận kề, tình hình tăng giá hàng hóa cuối năm đang trở thành một áp lực lớn với phần lớn người dân lao động làm công ăn lương.

Hầu hết hàng hóa đều đang tăng giá   

Sức ép tăng giá với người tiêu dùng

Tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), bà Hạnh, chủ một cửa tiệm bán hàng tạp hóa tâm sự: “Chợ búa ngày càng ế ẩm, vắng khách. Hôm nay mặt hàng này vừa tăng giá lại nghe thông báo ngày mai thêm  mặt hàng khác tăng theo càng khiến sức mua èo uột”. Bà dẫn chứng: “Đầu tuần rồi một hãng dầu ăn thông báo tăng giá từ 280,000 VNĐ lên 295,000 VNĐ/loại bình 5 lít. Hôm qua một số hãng mì gói, nước tương, nước mắm cũng thông báo sắp tăng giá. Riêng mặt hàng đường cát trắng có thương hiệu trước tháng 10/2024 nhập 33,500 VNĐ/kg, bán ra 35,000 VNĐ/kg đến nay tiếp tục thông báo chuẩn bị lên giá!”

Ông Lực, giám đốc kinh doanh một công ty chuyên phân phối hàng tiêu dùng Hàn quốc, Thái Lan, Malaysia cũng cho biết, vừa qua do giá vàng liên tục tăng rồi tỉ giá USD cũng tăng nên khi nhập hàng về VN buộc giá cả tăng theo. Ví dụ các sản phẩm như mì gói, bún miến, cá hộp, thịt hộp…tăng khoảng 5-6%. Ông nói: “Chúng tôi là công ty chuyên nhập cảng và cung cấp hàng cho các chợ truyền thống, đại lý… nhưng gần đây việc kinh doanh cũng ế, do người ta bán chưa hết hàng tồn phải tạm dừng nhập hàng mới nên công ty cũng bị ảnh hưởng”

Xem thêm:   Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ

Ông Tuấn, người đại diện của Công ty  Lương thực thực phẩm mì Colusa Miliket (Thủ Đức) nhận xét: “Nhiều năm qua nội địa vẫn là thị trường chủ lực của công ty chúng tôi. Bình quân hàng tháng công ty đưa ra thị trường khoảng 2,000 tấn sản phẩm. Song từ đầu năm đến nay giá các nguyên liệu đầu vào tùy loại đều tăng 5%-10%, một số nguyên liệu tăng 20%, kể cả nguyên liệu chính là bột mì!”.

Giá cả tiếp tục nhảy nhót?

Tổng cục Thống kê VN cũng có báo cáo khảo sát tình hình đời sống dân cư của năm 2024 cũng cho thấy khoảng 32.4%  các gia đình đang phải chịu ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Với nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh thời gian gần đây khiến đời sống nhiều người dân gặp không ít khó khăn, do đó buộc họ càng thắt chặt hơn nữa trong việc chi tiêu. Đáng lưu ý trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đã có tới 8 nhóm hàng tăng giá mạnh. Chẳng hạn như giá thịt heo, thịt gà, cá, hải sản, rau quả, sữa, trà, cà phê và nhóm ăn uống ngoài gia đình… Giữa bối cảnh giá cả hàng hoá đang đối mặt nhiều thách thức, kể từ ngày 11/10/2024, theo công bố của Nhà nước VN, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 4.8%, với mức giá mới là hơn 2,100 VNĐ/kWh. Điện trước nay vốn cũng được xem là “nhiên liệu đầu vào cho sản xuất” (chưa kể còn phải cộng thêm chi phí vận chuyển) vì thế càng khiến nhiều người lo ngại giá cả hàng hoá tiếp tục bị đẩy lên cao từ nay cho tới suốt năm 2025.

Xem thêm:   Bán vé số

Ông Minh, một chủ trang trại chăn nuôi heo ở Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, gia đình ông từ lâu nay chuyên nuôi heo theo mô hình tự động hoá từ công đoạn phối trộn thức ăn, cho ăn tự động, tắm tự động cho đến điều nhiệt tự động. Do đó tiền điện chi phí hàng tháng khoảng 60-65 triệu VNĐ. Sau khi Nhà nước tăng giá điện, ông nhẩm tính ra mỗi tháng sẽ phải tốn thêm khoảng 4-5 triệu VNĐ tiền điện!.

Những tấm bảng ghi “Rẻ hơn”, “Mùa khuyến mãi” nhưng thực chất cao hơn giá cả cùng kỳ năm trước

Trong khi đó, chúng tôi có cuộc khảo sát trực tiếp tại một số chợ truyền thống ở Sài Gòn nhận thấy rau xanh tăng 10-20% so với đầu năm và gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ các loại củ quả như khoai tây, cà chua, bí đỏ, hành tỏi… đều đắt thêm từ 30-35%. Giá thịt lợn, gà, cá và hải sản cũng tăng vọt. Hiện tại, thịt heo cả nước ở mức từ 61,000 VNĐ/kg trước tháng 10/2024 nay tăng lên 65,000 VNĐ/kg tùy vùng. Thịt heo bày bán ở các chợ có giá từ 110,000 – 130,000 VNĐ/ kg. Giá thịt gà công nghiệp ở mức 75,000-90,000 VNĐ/kg tùy từng phần thịt; giá gà ta sống 130,000 VNĐ/kg. Cá nước ngọt từ 65,000 – 110,000 VNĐ/kg tùy loại. Cá trắm, cá bớp, cá hú khoảng 100,000-140,000 VNĐ/kg, tôm cỡ lớn từ 270,000 – 350,000 VNĐ/kg … Như đã nói, hầu hết những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều đang ở mức cao, gây áp lực lớn cho người tiêu dùng. Chị Minh Trang (công nhân viên, ngụ Tân Bình) than thở: “Cứ mỗi ngày mỗi thứ đắt thêm một ít, đẩy chi phí bữa ăn hàng ngày của gia đình thêm từ 10% – 15% trong khi đồng lương xí nghiệp vẫn như cũ, không tăng được nhiều như thế!”.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 9 tháng 1 năm 2025

Từ nay cho tới hết năm 2025 – theo một số chuyên gia kinh tế – dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và việc điều chỉnh chính sách của các nước theo diễn biến tình hình chung chắc chắn có tác động đến biến động giá cả của những mặt hàng chiến lược. Riêng trong nước, áp lực từ việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường với các mặt hàng “Nhà nước quản lý”; biến động giá vàng, tỉ giá giữa VNĐ và USD vẫn ở mức cao làm tăng chi phí nhập cảng nguyên vật liệu; rủi ro thiên tai, bão lũ bất lợi cho sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng người dân tăng cao dịp cuối năm sẽ khiến giá cả tiếp tục nhảy nhót không dừng lại …

Giá cả hàng hóa tăng từ siêu thị ra đến các chợ truyền thống

Bài và hình NS